Xem toàn bộ tài liệu Lớp 6: tại đây
- Bài Tập Trắc Nghiệm Sinh Lớp 6
- Giải Vở Bài Tập Sinh Học Lớp 6
- Giải Sinh Học Lớp 6 (Ngắn Gọn)
- Giải Sách Bài Tập Sinh Học Lớp 6
- Sách Giáo Khoa Sinh Học Lớp 6
- Sách Bài Tập Sinh Học Lớp 6
Giải Bài Tập Sinh Học 6 – Bài 11: Sự hút nước và muối khoáng của rễ giúp HS giải bài tập, cung cấp cho học sinh những hiểu biết khoa học về đặc điểm cấu tạo, mọi hoạt động sống của con người và các loại sinh vật trong tự nhiên:
Trả lời câu hỏi Sinh 6 Bài 11 trang 35:
– Bạn Minh làm thí nghiệm trên nhằm mục đích gì?
– Hãy dự đoán kết quả của thí nghiệm và giải thích?
Lời giải:
– Bạn Minh làm thí nghiệm nhằm kiểm tra vai trò của nước đối với cây.
– Dự đoán sau vài ngày cây được tưới nước sẽ sinh trưởng và phát triển bình thường còn cây không được tưới nước sẽ héo dần và có thể sẽ chết.
Trả lời câu hỏi Sinh 6 Bài 11 trang 35: Câu hỏi thảo luận:
– Dựa vào kết quả thí nghiệm 1, 2 em có nhận xét gì về nhu cầu nước của cây?
– Hãy kể tên những cây cần nhiều nước, những cây cần ít nước?
– Vì sao cung cấp đủ nước, đúng lúc, cây sinh trưởng tốt, cho năng suất cao?
Lời giải:
– Nhu cầu nước đối với từng loại cây, giai đoạn sống khác nhau là khác nhau đối với từng loại cây.
– Những cây cần nhiều nước: lục bình, lúa nước….Các cây cần ít nước ; xương rồng, nha đam, hoa bỏng…
– Cung cấp nước đúng lúc giúp cây sinh trưởng tốt hơn, chống chịu được với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường.
Trả lời câu hỏi Sinh 6 Bài 11 trang 36:
– Theo em bạn Tuấn làm thí nghiệm trên để làm gì?
– Dựa vào thí nghiệm trên, em hãy thử thiết kế một thí nghiệm để giải thích về tác dụng của muối lân hoặc muối kali đối với cây trồng.
Lời giải:
– Tuấn làm thí nghiệm này chứng minh vai trò của muối đạm đối với sự phát triển của cây.
– Có thể thiết kế 1 thí nghiệm: cho 2 chậu cây: 1 chậu có đầy đủ các chất, 1 chậu thiếu muối lân hoặc thiếu muối kali quan sát chậu thí nghiệm sau một thời gian sẽ thấy tác dụng của muối lân hoặc muối kali.
Trả lời câu hỏi Sinh 6 Bài 11 trang 36: Trao đổi thảo luận:
– Em hiểu như thế nào về vai trò của muối khoáng đối với cơ thể?
– Qua kết quả thí nghiệm cùng với bảng số liệu trên giúp em khẳng định điều gì?
– Hãy lấy ví dụ chứng minh nhu cầu muối khoáng của các loại cây, các giai đoạn khác nhau trong chu kỳ sống của cây không giống nhau.
Lời giải:
– Muối khoáng cũng rất cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây.
– Cây cần nhiều loại muối khoáng khác nhau (muối đạm, muối lân. muối kali). Nhu cầu muối khoáng của cây cũng thay đổi tùy thuộc vào các loài cây và các thời kì phát triển của cây.
– Qua bảng số liệu có thể khẳng định muối đạm, muối lân, muối kali là 3 loại muối mà cây cần nhiều, trong đó muối đạm là nhiều nhất.
– VD: Cây lúa giai đoạn mới cấy thì cần nhiều muối đạm để cho cây tăng trưởng nhưng đến giai đoạn lúa trổ bông lại cần nhiều muối kali.
Bài 1 (trang 37 sgk Sinh học 6): Nêu vai trò của nước và muối khoáng đối với cây.
Lời giải:
* Nước: rất cần cho các hoạt động sống của cây do nước tham gia vào quá trình hô hấp, quang hợp, vận chuyển các chất, tham gia chuyển hóa các chất,… Nếu thiếu nước cây sẽ chậm sinh trưởng phát triển và có thể chết nhanh chóng. Nhu cầu nước của cây luôn luôn thay đổi tùy thuộc vào loài cây, các thời kì phát triển của cây và điều kiện sống (nhất là thời tiết).
* Muối khoáng: rất cần cho sự sinh trưởng và phát triển của cây. Cây cần nhiều loại muối khoáng khác nhau (muối đạm, muối lân, muối kali). Thiếu muối khoáng cây sẽ còi cọc, chậm phát triển và có thể mắc rất nhiều bệnh. Nhu cầu muối khoáng của cây cũng thay đổi tùy thuộc vào các loài cây và các thời kì phát triển của cây.
Bài 2 (trang 37 sgk Sinh học 6): Có thể làm những thí nghiệm nào để chứng minh cây cần nước và muối khoáng ?
Lời giải:
– Bố trí thí nghiệm làm thí nghiệm chứng minh cây cần nước:
Chuẩn bị hai chậu chứa đất và bổ sung phân bón tương tự nhau. Tiến hành trồng hai cây cùng loài, có kích thước tương đương nhau vào mỗi chậu. Ban đầu tưới đều nước để hai cây sống, sinh trưởng bình thường. Sau đó chỉ tưới nước cho 1 chậu cây, chậu còn lại không tưới. Sau một thời gian chậu cây không có nước sẽ chết, chậu cây có nước sinh trưởng và phát triển bình thường.
– Bố trí thí nghiệm chứng minh cây cần muối khoáng:
Chuẩn bị hai chậu chứa đất, một chậu bổ sung phân bón ( NPK, phân ủ hoai,…), một chậu không bổ sung thêm gì cả. Tiến hành trồng hai cây cùng loài, có kích thước tương đương nhau vào mỗi chậu. Tưới đều nước để hai cây sống bình thường. Sau một thời gian chậu cây không bổ sung phân bón phát triển chậm, cây còi cọc. Chậu cây có thêm phân bón sinh trưởng và phát triển tốt hơn rất nhiều.
Bài 3 (trang 37 sgk Sinh học 6): Theo em những giai đoạn nào cây cần nước và muối khoáng?
Lời giải:
Cây cần nhiều nước và muối khoáng vào thời kì sinh trưởng mạnh như khi đâm chồi, nảy lộc, đẻ nhánh (ở lúa), chuẩn bị ra hoa (làm đòng ở lúa). Bởi vì vào thời kì này cây cần tích lũy vật chất và năng lượng cho sự tăng khối lượng và chất lượng của các bộ phận trong cây.
Trả lời câu hỏi Sinh 6 Bài 11 trang 37: Hãy chọn các từ thích hợp trong các từ lông hút, vỏ, mạch gỗ điền vào chỗ trống ở các câu dưới đây:
Lời giải:
-Nước và muối khoáng hòa tan trong đất, được lông hút hấp thụ, chuyển qua vỏ tới mạch gỗ
-Rễ mang các lông hút có chức năng hút nước và muối khoáng hòa tan trong đất.
Trả lời câu hỏi Sinh 6 Bài 11 trang 38: Những diều kiện bên ngoài nào ảnh hưởng đến sự hút nước và muối khoáng của cây? Cho ví dụ
Lời giải:
– Các yếu tố bên ngoài như thời tiết, khí hậu, các loại đất khác nhau, … có ảnh hưởng tới sự hút nước và muối khoáng của cây.
– VD Cây trồng trên đất vùng đồi trọc thường cây rất khó hút nước và muối khoáng làm cho năng suất cây trồng thấp, nhưng cùng cây đó mà trồng trên đất phù sa, cây hút nước và muối khoáng dễ dàng thì năng suất lại tăng lên.
Bài 1 (trang 39 sgk Sinh học 6): Bộ phận nào của rễ có chức năng chủ yếu hấp thụ nước và muối khoáng ?
Lời giải:
Ở rễ, bộ phận có chức năng chủ yếu là hấp thụ nước và muối khoáng là lông hút.
Bài 2 (trang 39 sgk Sinh học 6): Chỉ trên tranh vẽ con đường hấp thụ nước và muối khoáng hoà tan từ đất vào cây.
Lời giải:
Nước và muối khoáng hòa tan trong đất được lông hút hấp thu vào. Sau đó nước và muối khoáng đi qua lớp biểu bì rễ, các lớp tế bào vỏ rễ và xâm nhập vào mạch gỗ của rễ. Sau đó chúng được vận chuyển theo mạch gỗ ở thân và đi vào mạch gỗ của lá.
Bài 3 (trang 39 sgk Sinh học 6): Vì sao bộ rễ cây thường ăn sâu, lan rộng, số lượng rễ con còn nhiều?
Lời giải:
Rễ cây thường ăn sâu, lan rộng để tìm kiếm nguồn nước và muối khoáng ở sâu trong lòng đất và rộng phía gần mặt đất. Số lượng rễ con nhiều thì số lượng lông hút cũng nhiều, giúp tăng hiệu suất hút nước và muối khoáng của rễ. Tất cả những điều này giúp nâng cao lượng nước và khoáng cây hút được, đảm bảo hoạt động sống, sinh trưởng và phát triển của cây.