Xem toàn bộ tài liệu Lớp 8: tại đây
Giải Bài Tập Sinh Học 8 – Bài 66: Ôn tập – Tổng kết giúp HS giải bài tập, cung cấp cho học sinh những hiểu biết khoa học về đặc điểm cấu tạo, mọi hoạt động sống của con người và các loại sinh vật trong tự nhiên:
Bài 1 (trang 212 sgk Sinh học 8) : Cơ thể có những cơ chế sinh lí nào để đảm bảo tính ổn định cho môi trường trong cơ thể ?
Lời giải:
– Các tế bào của cơ thể được tắm trong môi trường trong (máu, nước mô) nên mọi thay đổi của môi trường trong có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sống của tế bào và cơ thể. Chẳng hạn, khi nồng độ các chất hòa tan trong máu tăng giảm sẽ làm thay đổi áp suất thẩm thấu, làm nước tràn vào tế bào và ngược lại ; sự thay đổi độ pH của môi trường trong sẽ ảnh hưởng đến các quá trình sinh lí diễn ra trong tế bào ; sự thay đổi nhiệt độ, huyết áp cũng gây rối loạn quá trình chuyển hóa trong tế bào…
– Vì vậy cơ chế điều hòa thần kinh và nội tiết diễn ra liên tục, thường xuyên để giữ được tính ổn định tương đối của môi trường trong, đảm bảo cho các quá trình sinh lí được tiến hành bình thường.
Bài 2 (trang 212 sgk Sinh học 8) : Cơ thể có thể phản ứng lại những đổi thay của môi trường xung quanh nằng cách nào để đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển ? Cho ví dụ minh họa.
Lời giải:
Cơ chế phản ứng lại những thay đổi của môi trường xung quanh để tồn tại và phát triển bằng cơ chế phản xạ (phản xạ không điều kiện và phản xạ có điều kiện) dưới sự điều khiển, điều hòa của hệ thần kinh, sự tham gia hỗ trợ của các tuyến nội tiết.
Vd: Chẳng hạn khi trời nóng, cơ thể phản ứng lại bằng dãn các mao mạch dưới da, tiết mồ hôi để tăng sự thoát nhiệt giữ cho thân nhiệt được bình thường. Ngược lại, khi trời lạnh thì mạch co, da săn lại (sởn gai ốc) để giảm sự thoát nhiệt, đồng thời tăng sinh nhiệt bằng rung cơ (run).
Ở người, ngoài phản xạ tự nhiên (PXKĐK) cần biết sử dụng các phương tiện hỗ trợ (PXCĐK) như sử dụng quạt máy, máy điều hòa nhiệt, lò sưởi…
– Ví dụ:
+ Khi gặp phải chó dữ, cơ thể sẽ lập tức phản xạ lại và co chân chạy.
+ Khi chạm tay vào nước nóng, tay sẽ có phản xạ rụt lại.
Bài 3 (trang 212 sgk Sinh học 8) : Cơ thể điều hòa các quá trình sinh lí diễn ra bình thường trong mọi lúc, ở mọi nơi bằng cách nào ? Cho ví dụ minh họa.
Lời giải:
Sự điều hòa các quá trình sinh lí diễn ra bình thường tùy nhu cầu của mỗi cơ thể trong từng lúc, ở từng nơi phù hợp với nhu cầu trao đổi chất của cơ thể nhờ cơ chế điều hòa và phối hợp hoạt động của các phân hệ giao cảm, phân hệ đối giao cảm và hoạt động của các tuyến nội tiết dưới sự điều khiển, điều hòa của hệ thần kinh.
– Chẳng hạn, khi lao động nhịp tim tăng, thở gấp, người nóng bừng, mồ hôi toát đầm đìa…, lúc nghỉ mọi hoạt động lại dần trở lại bình thường.
– Ví dụ, khi trời rét da co lại, sởn gai ốc để ngăn sự trao đổi máu với môi trường ngoài, phản ứng run để tăng nhiệt.
– Khi chạy, hệ vận động làm việc với cường độ lớn, các hệ cơ quan khác cũng tăng cường hoạt động, nhịp tim tăng, mạch máu dãn, thở nhanh và sâu, mồ hôi tiết nhiều…
Bài 4 (trang 212 sgk Sinh học 8) : Để có thể tránh mang thai ngoài ý muốn hoặc tránh không phải nạo phá thai ở tuổi vị thành niên phải chú ý những gì ?
Lời giải:
Để tránh mang thai ngoài ý muốn hoặc không phải nạo phá thai ảnh hưởng tới sức khỏe và học tập đối với lứa tuổi học sinh cần :
– Giữ quan hệ tình bạn lành mạnh, trong sáng.
– Phải trang bị những kiến thức về sinh sản để tránh mang thai hoặc phải nạo phá thai ngoài ý muốn.
– Khi không kiềm chế được sự ham muốn thì phải sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn (sử dụng thuốc tránh thai, bao cao su…).
Bài 5 (trang 212 sgk Sinh học 8) : Trình bày tính thống nhất trong mọi hoạt động sống của cơ thể thông qua một số ví dụ tự chọn.
Lời giải:
Một số ví dụ:
– Khi chạy, hệ vận động làm việc với cường độ lớn, các hệ cơ quan khác cũng tăng cường hoạt động, nhịp tim tăng, mạch máu dãn, thở nhanh và sâu, mồ hôi tiết nhiều…
– “Căng da bụng trùng da mắt” khi ăn no chúng ta thường buồn ngủ và không muốn làm việc do khi ăn no, hệ thần kinh huy động các tế bào thần kinh và máu tập trung về dạ dày để tiêu hóa thức ăn. Khi đó sự hoạt động của hệ thần kinh các vùng khác giảm nên giảm bớt các hoạt động bên ngoài và khiến chúng ta không muốn làm việc gì khác nữa.
– Khi dẫm phải đinh, các tế bào thần kinh thông báo về trung ương thần kinh đáp ứng kích thích là đưa chân lên và thụt chân về sau, sau đó tế bào thần kinh phân tích xử lí nguyên nhân và giải pháp tiếp tục truyền về cơ quan vận động để đi tiếp.
Như vậy, các hệ cơ quan trong cơ thể hoạt động thống nhất với nhau dưới sự chỉ đạo của hệ thần kinh.