Xem toàn bộ tài liệu Lớp 3 – Cánh Diều: tại đây
Bài đọc 4: Những bậc đá chạm mây
Ngày xưa, dưới chân núi Hồng Lĩnh có một xóm nhỏ, người dân sống bằng nghề đánh cá. Cuộc sống đang yên lành bỗng một trận bão cuốn đi tất cả thuyền bè. Dân xóm chài hết đường sinh sống đành lên núi kiếm củi đem ra chợ bán. Nhưng sườn núi phía họ ở vách dựng đứng, bà con phải đi đường vòng rất xa.
Bấy giờ trong xóm có một ông lão nghèo. Người ta gọi ông là cố Đương vì hễ gặp việc gì khó ông đều đảm đương gánh vác. Thấy lên núi phải đi đường vòng, ông bàn với mọi người ghép đá thành bậc thang vượt dốc để có được con đường ngắn như mong muốn. Ai nấy đều lắc đầu bảo việc ấy khó lắm, không làm được.
Nhưng cố Đương vẫn tìm cách làm đường. Công việc nặng nhọc không khiến ông sờn lòng. Thấy ông đói, những con vượn ở gần đó mang hoa quả đến cho ông. Chim chóc thay nhau ca hát để ông quên mệt. Về sau nhiều người trong xóm tình nguyện đến làm cùng.
Sau năm lần sim ra quả, con đường lên núi đã hoàn thành, nhờ đó mọi người có thể lên xuống núi dễ dàng. Cả xóm biết ơn cố Đương. Tặng thêm cho ông một tên mới là cố Ghép. Ngày nay, con đường vượt núi gọi là Chuông Ghép vẫn còn ở phía nam dãy núi Hồng Lĩnh.
Theo Nguyễn Đổng Chi.
Nội dung chính: Bài học nói về ý chí nghị lực của cố Đương đã tạo ra được một con đường dài ở dốc núi như chạm được đến mây.
Đọc hiểu
Câu 1 trang 92 SGK Tiếng Việt lớp 3 Tập 2: Người dân xóm chài gặp phải những khó khăn gì?
Trả lời:
Cuộc sống đang yên lành bỗng người dân xóm chài gặp phải một trận bão khủng khiếp cuốn đi tất cả thuyền bè. Người dân đành phải lên núi kiếm củi đem ra chợ bán để sinh sống qua ngày. Tuy nhiên, sườn núi phía họ ở dựng đứng, bà con phải đi đường vòng rất xa.
Câu 2 trang 92 SGK Tiếng Việt lớp 3 Tập 2: Cố Đương đã làm gì để giúp bà con trong xóm?
Trả lời:
Cố Đương đã ghép đá thành những bậc thang vượt dốc để có được con đường ngắn như mong muốn, giúp bà con không phải đi đường vòng.
Câu 3 trang 92 SGK Tiếng Việt lớp 3 Tập 2: Những chi tiết nào nói lên quyết tâm và lòng kiên trì của Cố Đương?
Trả lời:
Những chi tiết nói lên quyết tâm và lòng kiên trì của cố Đương: dù ai cũng cho rằng việc đó là rất khó, không thể làm được nhưng cố Đương vẫn quyết tâm tìm cách làm đường. Công việc nặng nhọc không khiến ông sờn lòng. Sau 5 lần sim ra quả, con đường lên núi đã hoàn thành.
Câu 4 trang 92 SGK Tiếng Việt lớp 3 Tập 2: Qua câu chuyện, em thấy cố Đương và người dân xóm chài đã chọn cách ứng xử như thế nào với thiên nhiên?
a) Dựa hoàn toàn vào thiên nhiên.
b) Cải tạo thiên nhiên để phục vụ mình.
c) Vừa dựa vào thiên nhiên, vừa cải tạo thiên nhiên.
Trả lời:
Chọn ý c) Vừa dựa vào thiên nhiên, vừa cải tạo thiên nhiên.
Luyện tập
Câu 1 trang 92 SGK Tiếng Việt lớp 3 Tập 2: Sử dụng câu hỏi Vì sao?, hỏi đáp với bạn theo nội dung các câu sau:
a) Người ta gọi ông là cố Đương.
b) Dân làng tặng ông thêm một tên mới là cố Ghép.
Trả lời:
a)
Hỏi: Vì sao người ta gọi ông là cố Đương?
Đáp: Vì hễ gặp việc gì khó, ông đều đảm đương gánh vác.
b)
Hỏi: Vì sao dân làng tặng ông thêm một tên mới là cố Ghép?
Đáp: Vì sau bao nỗ lực, ông đã hoàn thành con đường lên xuống núi dễ dàng, bà con rất biết ơn ông nên đã đặt thêm cho ông một tên mới là cố Ghép.
Câu 2 trang 92 SGK Tiếng Việt lớp 3 Tập 2: Dựa vào nội dung câu chuyện, hãy nói:
a) Một câu ca ngợi con đường lên núi của cố Đương.
b) Một câu ca ngợi ý chí của cố Đương.
Trả lời:
a) Một câu ca ngợi con đường lên núi của cố Đương: Con đường lên núi mà ông cố Đương dốc sức làm ra có ý nghĩa rất lớn đối với người dân trong làng.
b) Một câu ca ngợi ý chí của cố Đương: Ý chí quyết tâm, không nản lòng trước khó khăn của cố Đương thật đáng khâm phục!