Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10: tại đây
I. Kiến thức cơ bản
Trong hoạt động thực tiễn và hoạt động nhận thức, chúng ta cần có thế giới quan khoa học và phương pháp luận khoa học hướng dẫn. Triết học là môn học trực tiếp cung cấp cho chúng ta những tri thức ấy.
Triết học ra đời từ thời cổ đại, đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, trong đó, Triết học Mác – Lênin là giai đoạn phát triển cao nhất, tiêu biểu cho Triết học với tư cách là một khoa học.
⇒ Để nhận thức và cải tạo thế giới, nhân loại đã xây dựng nên nhiều bộ môn khoa học. Triết học là một trong những bộ môn khoa học ấy. Quy luật của Triết học được khái quát từ các quy luật khoa học cụ thể nhưng bao quát hơn, là vấn đề chung nhất, phổ biến nhất của thế giới.
⇒ Triết học chi phối các môn khoa học cụ thể nên nó trở thành TGQ,PPL của khoa học. Do đó, đối tượng nghiên cứu của Triết học là những quy luật chung nhất, phổ biến nhất về sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và con người.
1. Vai trò của thế giới quan, phương pháp luận của Triết học
– Triết học là hệ thống các quan điểm lý luận chung nhất về thế giới và vị trí của con người trong thế giới đó.
– Đối tượng nghiên cứu của Triết học: Là những quy luật chung nhất, phổ biến nhất về sự vận động và phát triển của giới tự nhiên, đời sống xã hội và tư duy.
– Triết học có vai trò là thế giới quan, phương pháp luận chung cho mọi hoạt động thực tiễn và hoạt động nhận thức của con người.
2. Thế giới quan duy vật và thế giới quan duy tâm
a. Khái niệm thế giới quan:
-Thế giới quan là toàn bộ những quan điểm và niềm tin định hướng hoạt động của con người trong cuộc sống.
b.Vấn đề cơ bản của Triết học là giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức:
– Mặt thứ nhất : Giữa vật chất (tồn tại, tự nhiên) và ý thức (tư duy, tinh thần) cái nào có trước, cái nào có sau, cái nào quyết định cái nào ?
– Mặt thứ hai: Con người có thể nhận thức được thế giới khách quan không ?
* Dựa vào cách giải quyết vấn đề cơ bản của Triết học mà người ta phân chia thành thế giới quan duy vật hay thế giới quan duy tâm.
– Thế giới quan duy vật cho rằng: Giữa vật chất và ý thức thì vật chất là cái có trước, cái quyết định ý thức. Thế giới vật chất tồn tại khách quan, độc lập với ý thức của con người, không do ai sáng tạo ra và không ai tiêu diệt được. Ví dụ: Con người tiến hóa từ loài vượn cổ.
– Thế giới quan duy tâm cho rằng: ý thức là cái có trước và là cái sản sinh ra giới tự nhiên. Ví dụ: Con người được tạo ra từ chúa hay được sinh ra như truyền thuyết mẹ Âu Cơ…
*Tóm lại:Thế giới quan duy vật là thế giới quan khoa học. Nó cung cấp cho chúng ta quan điểm tiến bộ và ý chí để cải tạo thế giới, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Còn thế giới quan duy tâm là chỗ dựa về lý luận cho các lực lượng xã hội lỗi thời, kìm hãm sự phát triển của lịch sử.
c. Phương pháp luận biện chứng và phương pháp luận siêu hình
– Phương pháp: Là cách thức đạt tới mục đích đặt ra.
– Phương pháp luận là học thuyết về phương pháp nhận thức khoa học và cải tạo thế giới (bao gồm một hệ thống các quan điểm chỉ đạo việc tìm tòi, xây dựng, lựa chọn và vận dụng các phương pháp cụ thể)
– Phương pháp luận biện chứng: Xem xét sự vật hiện tượng trong sự ràng buộc lẫn nhau giữa chúng, trong sự vận động và phát triển không ngừng. Ví dụ: Cây có mối quan hệ với các yếu tố khác của tự nhiên như đất, nước, không khí, ánh sáng, nhiệt độ…
– Phương pháp luận siêu hình: Xem xét sự vật, hiện tượng một cách phiến diện, chỉ thấy chúng tồn tại trong trạng thái cô lập, không vận động, không phát triển. Ví dụ: Chỉ cho rằng cây muốn tồn tại và phát triển chỉ cần 1 yếu tố duy nhất là nước.
⇒ Phương pháp luận biện chứng cho chúng ta cái nhìn khách quan về sự vật, hiện tượng; giúp chúng ta đánh giá chính xác về thế giới và trên cơ sở đó tiến hành cải tạo thế giới khách quan.
– Phương pháp luận chung nhất, bao quát các lĩnh vực tự nhiên, xã hội và tư duy là phương pháp luận triết học.
3. Chủ nghĩa duy vật biện chứng – sự thống nhất hữu cơ giữa thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng
⇒ Thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng thống nhất hữu cơ với nhau: Thế giới vật chất là cái có trước, phép biện chứng phản ánh nó có sau; thế giới vật chất luôn vận động và phát triển theo những quy luật khách quan. Thế giới quan duy vật và phường pháp luận biện chứng gắn bó với nhau, không tách rời nhau. Sự thống nhất này đòi hỏi chúng ta trong từng vấn đề, trong từng trường hợp cụ thể:
-Về thế giới quan: Phải xem xét chúng với quan điểm duy vật biện chứng.
-Về phương pháp luận: Phải xem xét chúng với quan điểm biện chứng duy vật.