Xem toàn bộ tài liệu Lớp 7: tại đây
I. TÓM TẮT LÍ THUYẾT
1. Hiệu điện thế giữa hai đầu dụng cụ dùng điện
– Trong một mạch điện kín, hiệu điện thế giữa hai đầu vật dẫn tạo ra dòng điện chạy qua vật dẫn đó.
– Đối với một vật dẫn nhất định (bóng đèn, nồi cơm điện, bàn là điện…) nếu hiệu điện thế giữa hai đầu vật dẫn càng lớn thì cường độ dòng điện chạy qua vật dẫn đó càng lớn.
– Số vôn ghi trên mỗi dụng cụ dùng điện cho biết giá trị hiệu điện thế định mức của dụng cụ đó. Hiệu điện thế định mức là hiệu điện thế lớn nhất mà dụng cụ đó có thể chịu đựng được.
2. Lưu ý
+ Khi hiệu điện thế giữa hai đầu bóng đèn bằng 0 thì không có dòng điện chạy qua nó.
+ Giữa hai đầu các cực của nguồn điện dù khi mạch hở hay mạch kín đều có hiệu điện thế.
+ Mỗi dụng cụ điện sẽ hoạt động bình thường khi hiệu điện thế sử dụng đúng bằng hiệu điện thế định mức của nó.
+ Nếu hiệu điện thế sử dụng lớn hơn hiệu điện thế định mức thì dụng cụ điện sẽ hỏng.
+ Nếu hiệu điện thế sử dụng nhỏ hơn hiệu điện thế định mức, đối với các dụng cụ hoạt động dựa trên tác dụng nhiệt của dòng điện như bóng đèn có dây tóc, bàn là, bếp điện… vẫn có thể hoạt động nhưng yếu hơn bình thường; còn đối với các dụng cụ điện như: quạt điện, máy bơm nước, tủ lạnh, tivi, máy vi tính… có thể bị hư hỏng. Vì vậy người ta thường dùng một dụng cụ gọi là ổn áp có tác dụng điều chỉnh để luôn có hiệu điện đế bằng hiệu điện thế định mức.
II. PHƯƠNG PHÁP GIẢI
1. So sánh độ sáng của các bóng đèn
Căn cứ vào hiệu điện thế giữa hai đầu đèn càng lớn thì cường độ dòng điện chạy qua đèn đó cũng càng lớn nên độ sáng của đèn càng lớn.
2. Giải thích mức độ hoạt động của các thiết bị điện
So sánh hiệu điện thế thực tế giữa hai đầu thiết bị điện với hiệu điện thế định mức của nó để đưa ra một số hiện tượng có thể xảy ra (Phần lưu ý).