Xem toàn bộ tài liệu Lớp 8: tại đây
A. Lý thuyết & Phương pháp giải
Một số lý thuyết cần nắm vững để làm được các bài tập lý thuyết về dung dịch:
1. Dung dịch, dung môi, chất tan
– Dung môi: là chất có khả năng hòa tan chất khác để tạo thành dung dịch.
– Chất tan: là chất bị hòa tan trong dung môi.
– Dung dịch: là hỗn hợp đồng nhất giữa dung môi và chất tan.
Ví dụ: Hòa tan muối ăn vào nước thì:
– Muối ăn là chất tan
– Nước là dung môi.
– Hỗn hợp nước và muối gọi là dung dịch.
2. Dung dịch chưa bão hòa, dung dịch bão hòa
– Ở một nhiệt độ nhất định:
+ Dung dịch chưa bão hòa là dung dịch vẫn có thể hòa tan thêm chất tan.
+ Dung dịch bão hòa là dung dịch không thể hòa tan thêm chất tan.
Ví dụ: Hòa tan đường vào nước:
+ Ở giai đoạn đầu: đường tan trong nước ta được dung dịch đường, dung dịch này vẫn có thể hòa tan thêm đường ⇒ dung dịch chưa bão hòa.
+ Ở giai đoạn sau: cứ hòa tan mãi đường thì đến thời điểm không thể hòa tan thêm được nữa ⇒ dung dịch bão hòa.
3. Biện pháp để chất rắn tan nhanh trong dung môi
a) Khuấy dung dịch:
– Khuấy dung dịch tạo ra tiếp xúc mới giữa phân tử chất rắn và các phân tử nước nên sự hòa tan diễn ra nhanh hơn.
b) Đun nóng dung dịch:
– Ở nhiệt độ càng cao, các phân tử chuyển động càng nhanh làm tăng số lần va chạm giữa các phân tử nước và bề mặt chất rắn nên sự hòa tan diễn ra nhanh hơn.
c) Nghiền nhỏ chất rắn:
– Nghiền nhỏ chất rắn làm tăng diện tích tiếp xúc giữa chất rắn và phân tử nước, kích thước của vật rắn càng nhỏ thì sự hòa tan diễn ra càng nhanh.
B. Ví dụ minh họa
Ví dụ 1: Em hãy mô tả thí nghiệm chứng minh rằng muốn hòa tan nhanh một chất rắn trong nước ta có thể chọn biện pháp: đun nóng dung dịch.
Lời giải
Cho một thìa nhỏ đường vào cốc nước nóng, đường sẽ tan mạnh hơn so với cho vào cốc nước lạnh vì ở nhiệt độ càng cao, phân tử nước chuyển động càng mạnh làm tăng số lần va chạm giữa các phân tử nước với bề mặt chất rắn.
Ví dụ 2: Em hãy mô tả cách tiến hành thí nghiệm chuyển đổi từ một dung dịch muối ăn chưa bão hòa thành một dung dịch bão hòa (ở nhiệt độ phòng).
Lời giải
Thí nghiệm: cho thêm vào ống nghiệm một lượng muối ăn đến khi dung dịch không hòa tan thêm được muối ăn nữa, ta được dung dịch muối ăn bão hòa.
Ví dụ 3: Ở nhiệt độ phòng thí nghiệm (khoảng 20oC), 100 gam nước có thể hòa tan tối đa 200 gam đường. Có thể lấy khối lượng đường là bao nhiêu để tạo dung dịch chưa bão hòa với 300 gam nước?
Lời giải
300 gam nước có thể hòa tan tối đa 3.200 = 600 gam đường nên lấy 600 gam đường sẽ thu được dung dịch bão hòa.
Để tạo dung dịch chưa bão hòa với 300 gam nước, khối lượng đường có thể lấy là dưới 600 gam.
C. Bài tập vận dụng
Câu 1: Định nghĩa nào sau đây đúng về dung dịch:
A. Dung dịch là hỗn hợp gồm dung môi và chất tan.
B. Dung dịch là hợp chất gồm dung môi và chất tan.
C. Dung dịch là hỗn hợp đồng nhất gồm nước và chất tan.
D. Dung dịch là hỗn hợp đồng nhất gồm dung môi và chất tan.
Đáp án D
Dung dịch là hỗn hợp đồng nhất gồm dung môi và chất tan
Câu 2: Khi hòa tan dầu ăn trong cốc xăng thì xăng đóng vai trò gì?
A. Dung môi
B. Chất tan
C. Chất bão hòa
D. Chất bảo quản
Đáp án A
Khi đó xăng đóng vai trò là dung môi.
Câu 3: Khi hòa tan đường trong cốc nước thì đường đóng vai trò gì?
A. Dung môi
B. Chất tan
C. Chất bão hòa
D. Chất chưa bão hòa
Đáp án B
Khi hòa tan đường trong cốc nước thì đường đóng vai trò chất tan
Câu 4: Chất tan có thể tồn tại ở dạng nào?
A. Chất rắn
B. Chất lỏng
C. Chất hơi
D. Chất rắn, lỏng, khí
Đáp án D
Chất tan có thể tồn tại ở cả 3 dạng: rắn, lỏng, khí
Ví dụ: muối ăn tan trong nước, dầu ăn tan trong xăng, khí oxi tan trong nước.
Câu 5: Nhận định nào sau đây sai:
A. Dung dịch là hỗn hợp đồng nhất của dung môi và chất tan
B. Nước là dung môi của muối ăn
C. Nước là dung môi của dầu ăn
D. Chất tan là chất bị tan trong dung môi
Đáp án C
Vì dầu ăn không tan được trong nước.
Câu 6: Dung dịch chưa bão hòa là:
A. Dung dịch có thể hòa tan thêm chất tan.
B. Tỉ lệ 2 : 1 giữa chất tan và dung môi.
C. Tỉ lệ 1 : 1 giữa chất tan và dung môi.
D. Làm quỳ tím hóa đỏ.
Đáp án A
Dung dịch chưa bão hòa là dung dịch có thể hòa tan thêm chất tan.
Câu 7: Dung dịch không thể hòa tan thêm chất tan là:
A. Dung môi
B. Dung dịch bão hòa
C. Dung dịch chưa bão hòa
D. Cả A và B
Đáp án B
Dung dịch không thể hòa tan thêm chất tan là dung dịch bão hòa.
Câu 8: Làm sao để quá trình hòa tan chất rắn vào nước diễn ra nhanh hơn?
A. Khuấy dung dịch.
B. Đun nóng dung dịch.
C. Nghiền nhỏ chất rắn.
D. Cả ba cách đều được.
Đáp án D
Để quá trình hòa tan chất rắn vào nước diễn ra nhanh hơn thì ta có thể:
– Khuấy dung dịch
– Đun nóng dung dịch
– Nghiền nhỏ chất rắn
Câu 9: Đun nóng dung dịch có thể làm chất rắn tan nhanh hơn trong nước vì:
A. Làm mềm chất rắn.
B. Có áp suất cao.
C. Ở nhiệt độ cao, các phân tử nước chuyển động nhanh hơn làm tăng số lần va chạm giữa các phân tử và bề mặt chất rắn.
D. Do nhiệt độ cao các chất rắn dễ nóng chảy hơn.
Đáp án C
Đun nóng dung dịch cũng là một phương pháp để chất rắn tan nhanh hơn trong nước vì: Ở nhiệt độ cao, các phân tử nước chuyển động nhanh hơn làm tăng số lần va chạm giữa các phân tử và bề mặt chất rắn.
Câu 10: Hai chất không thể nào sau đây hòa tan với nhau tạo thành dung dịch:
A. Nước và đường
B. Xăng và dầu ăn
C. Muối ăn và nước
D. Dầu ăn và cát
Đáp án D
Dầu ăn và cát không thể hòa tan với nhau tạo thành dung dịch.