Xem toàn bộ tài liệu Lớp 6: tại đây
A. Lý thuyết
1. Sự bay hơi là gì?
Sự bay hơi là sự chuyển từ thể lỏng sang thể hơi.
Ví dụ:
Sau cơn mưa đường phố thường bị ướt và có đọng những vũng nước. Tuy nhiên sau một thời gian thì nước không còn và đường phố khô ráo.
Một chai dầu gió đậy nút kín, dầu trong chai rất lâu cạn nhưng nếu mở nút chai dầu và quên đậy lại thì sau vài hôm dầu trong chai cạn hẳn.
Để làm muối người ta cho nước biển vào trong ruộng muối, nước trong nước biển bay hơi còn muối đọng lại trên ruộng.
2. Đặc điểm của sự bay hơi
Tốc độ bay hơi của chất lỏng phụ thuộc vào nhiệt độ, gió, diện tích mặt thoáng và tính chất của từng loại chất lỏng.
– Nhiệt độ của môi trường càng cao (khí hậu, thời tiết nắng nóng), tốc độ bay hơi diễn ra càng nhanh.
– Gió càng mạnh, tốc độ bay hơi diễn ra cũng càng nhanh.
– Diện tích mặt thoáng của chất lỏng càng rộng thì tốc độ bay hơi xảy ra càng nhanh.
– Tùy từng loại chất lỏng khác nhau mà tốc độ bay hơi nhanh chậm cũng khác nhau.
Ví dụ:
Quần áo phơi thường mau khô hơn khi phơi ở ngoài trời nắng hơn là phơi trong bóng râm
Quần áo phơi thường mau khô hơn ở nơi có gió hơn là nơi không có gió
Quần áo phơi thường mau khô hơn khi đặt xa nhau hơn là đặt sát nhau (lúc này diện tích tiếp xúc giữa quần áo với không khí sẽ nhiều, ít khác nhau).
Lưu ý: Khi bay hơi, nhiệt độ của chất lỏng giảm.
B. Trắc nghiệm
Bài 1: Về mùa đông ở các xứ lạnh ta thấy người đi thường thở ra “khói” là do:
A. Hơi thở của người có nhiều hơi nước, khi ra ngoài không khí lạnh bị bay hơi tạo thành khói.
B. Hơi thở của người có chứa nhiều hơi nước, khi ra ngoài không khí lạnh bị ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti tạo thành khói.
C. Hơi thở của người có chứa nhiều hơi nước, khi ra ngoài không khí lạnh bị đông đặc thành đá tạo thành khói.
D. Tất cả đều sai.
Hơi thở của người có chứa nhiều hơi nước, khi ra ngoài không khí lạnh bị ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti tạo thành khói
⇒ Đáp án B
Bài 2: Trong các trường hợp phơi quần áo sau đây, trường hợp nào quần áo lâu khô nhất?
A. Có gió, quần áo căng ra.
B. Không có gió, quần áo căng ra.
C. Quần áo không căng ra, không có gió.
D. Quần áo không căng ra, có gió.
Sự bay hơi phụ thuộc vào nhiệt độ, gió, mặt thoáng → Quần áo không căng ra, không có gió → quần áo lâu khô nhất
⇒ Đáp án C
Bài 3: Làm thí nghiệm như thế nào để chứng minh trong hơi thở của chúng ta có nhiều hơi nước?
A. Hà hơi thở vào lòng bàn tay.
B. Hà hơi thở vào vung nồi đang đun trên bếp.
C. Hà hơi thở vào gương soi hoặc kính.
D. Hà hơi thở vào một tờ giấy trắng.
Thí nghiệm chứng minh trong hơi thở của chúng ta có nhiều hơi nước: Hà hơi thở vào gương soi hoặc kính
⇒ Đáp án C
Bài 4: Tốc độ bay hơi của nước trong một cốc hình trụ càng lớn khi:
A. Nước trong cốc càng nhiều
B. Nước trong cốc càng ít
C. Cốc được đặt trong nhà
D. Cốc được đặt ngoài sân nắng
– Sự bay hơi phụ thuộc vào nhiệt độ, gió, mặt thoáng.
– Cốc hình trụ nên diện tích mặt thoáng của nước không đổi → nước nhiều hay ít, mặt thoáng của nước đều như nhau → tốc độ bay hơi như nhau.
– Cốc đặt ngoài sân nắng → có nhiệt độ cao hơn trong nhà → tốc độ bay hơi cao hơn.
⇒ Đáp án D
Bài 5: Trong các đặc điểm sau đây, đặc điểm nào không phải là sự bay hơi?
A. Xảy ra ở bất kì nhiệt độ nào của chất lỏng.
B. Xảy ra trên mặt thoáng của chất lỏng.
C. Không nhìn thấy được.
D. Xảy ra ở một nhiệt độ xác định của chất lỏng.
– Sự bay hơi phụ thuộc vào nhiệt độ, gió, mặt thoáng.
– Với chất lỏng nó xảy ra ở bất kì nhiệt độ nào nhưng mức độ nhiều hay ít thì lại phụ thuộc vào 3 yếu tố trên.
⇒ Đáp án D
Bài 6: Chọn phát biểu đúng về định nghĩa của sự bay hơi?
A. Sự chuyển từ thể rắn sang thể hơi gọi là sự bay hơi.
B. Sự chuyển từ thể hơi sang thể rắn gọi là sự bay hơi.
C. Sự chuyển từ thể lỏng sang thể hơi gọi là sự bay hơi.
D. Sự chuyển từ thể hơi sang thể lỏng gọi là sự bay hơi.
Sự chuyển từ thể lỏng sang thể hơi gọi là sự bay hơi
⇒ Đáp án C
Bài 7: Tốc độ bay hơi phụ thuộc vào yếu tố nào?
A. Nhiệt độ.
B. Tác động của gió.
C. Diện tích mặt thoáng của chất lỏng.
D. Cả ba đáp án A, B và C.
Tốc độ bay hơi phụ thuộc vào 3 yếu tố :
+ Nhiệt độ càng cao hoặc thấp.
+ Gió càng mạnh hoặc yếu.
+ Diện tích mặt thoáng của chất lỏng càng lớn hoặc nhỏ.
⇒ Đáp án D
Bài 8: Trong các hiện tượng sau đây, hiện tượng nào không phải là sự bay hơi?
A. Quần áo sau khi giặt được phơi khô.
B. Lau ướt bảng, một lúc sau bảng sẽ khô.
C. Mực khô sau khi viết.
D. Sự tạo thành giọt nước đọng trên lá cây.
Sự tạo thành giọt nước đọng trên lá cây vào ban đêm không phải là sự bay hơi
⇒ Đáp án D
Bài 9: Đặc điểm nào sau đây là của sự bay hơi?
A. Xảy ra ở bất kì nhiệt độ nào của chất lỏng.
B. Chỉ xảy ra trong lòng chất lỏng.
C. Xảy ra với tốc độ như nhau ở mọi nhiệt độ.
D. Chỉ xảy ra đối với một số ít chất lỏng.
– Sự bay hơi của chất lỏng xảy ra ở bất kì nhiệt độ nào.
– Sự bay hơi đó phụ thuộc vào nhiệt độ, gió và mặt thoáng
⇒ Đáp án A.
Bài 10: Không được làm việc nào sau đây khi làm thí nghiệm kiểm tra xem tốc độ bay hơi của một chất lỏng có phụ thuộc vào nhiệt độ hay không?
A. Dùng hai đĩa giống nhau.
B. Đặt hai đĩa đựng cùng một lượng chất lỏng vào cùng một nơi.
C. Dùng hai đĩa đựng hai chất lỏng khác nhau.
D. Chỉ làm nóng một đĩa.
Để kiểm tra tốc độ bay hơi của một chất lỏng phụ thuộc vào các yếu tố: nhiệt độ, gió, mặt thoáng thì phải làm với cùng một chất lỏng nhưng thực hiện ở các điều kiện nhiệt độ, gió, mặt thoáng khác nhau
⇒ Đáp án C