Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10 – Kết Nối Tri Thức: tại đây
* Trước khi đọc
Câu hỏi (trang 11 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):
1. Bạn đã từng học, từng đọc những áng văn cổ Việt Nam nào được mệnh danh là “hùng văn”? Hãy chia sẻ thông tin khái quát về một trong số tác phẩm ấy.
Trả lời:
– Những áng văn cổ được mệnh danh là hùng văn: “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ”…
– Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà tương truyền do Lý Thường Kiệt sáng tác được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam.
2. Theo bạn, một tác phẩm được nhìn nhận là bản tuyên ngôn độc lập của một dân tộc thường ra đời trong hoàn cảnh nào và có những đặc điểm gì?
Trả lời:
– Tuyên ngôn độc lập là văn bản tuyên bố sự độc lập của một quốc gia, thường là ra đời để khẳng định chủ quyền của một quốc gia vừa giành lại từ tay ngoại bang.
– Đặc điểm: khẳng định được chủ quyền, độc lập của dân tộc.
* Đọc văn bản
Gợi ý trả lời câu hỏi trong bài đọc:
1. Chú ý tư tưởng thực thi nhân nghĩa xuyên suốt tác phẩm.
– Tư tưởng nhân nghĩa xuyên suốt tác phẩm: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn / Lấy chí nhân để thay cường bạo”
2. “Chủ quyền quốc gia” được thể hiện ở những phương diện cơ bản nào?
– Cương vực lãnh thổ: nước Đại Việt ta- núi sông bờ cõi đã chia.
– Nền văn hiến: vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
– Phong tục: phong tục Bắc Nam cũng khác
– Lịch sử riêng, chế độ riêng: Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
– Hào kiệt: đời nào cũng có
3.1. Tâm trạng phẫn uất của tác giả trước tội ác của kẻ thù đã được thể hiện như thế nào?
– Nguyễn Trãi vạch rõ luận điệu giả nhân giả nghĩa của kẻ thù.
– Kẻ thù đối với Nguyễn Trãi là quân cuồng Minh sang xâm phạm nước ta và bọn gian tà bán nước mình để cầu vinh hoa.
– Nguyễn Trãi vạch rõ từng tội ác của quân thù.
3.2. Chú ý giọng văn đầy cảm xúc của tác giả khi nói về những nỗi cực khổ mà nhân dân ta phải chịu đựng.
– Hình ảnh nhân dân hiện lên tội nghiệp, đáng thương, khốn khổ, điêu linh, bị dồn đuổi đến con đường cùng.
– Giọng điệu cảm thương tha thiết, nghẹn ngào khi nhắc đến những người dân bị tàn sát dã man: “Nheo nhóc thay…”
4. Chủ tướng Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã có suy nghĩ và hành động gì trước tội ác của giặc Minh?
– Trước hành động tội ác của giặc Minh, chủ tướng Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn căm giận khôn cùng: “căm giặc nước thề không cùng sống”, đã quyết định đứng lên dựng cờ khởi nghĩa, quyết đánh tan quân giặc, trả thù nước.
5. Những khó khăn gì của nghĩa quân Lam Sơn buổi đầu dấy binh được chú ý nhấn mạnh?
– Thiếu anh tài giúp đỡ, nhiều người phụ trợ cho cuộc chiến: Tuấn kiệt như sao buổi sớm, Nhân tài như lá mùa thu, trông người người càng vắng bóng.
– Thiếu lương thực, thiếu binh sĩ: lương hết mấy tuần, quân không một đội
6. Tinh thần đồng cam cộng khổ của tướng sĩ được thể hiện qua những chi tiết, hình ảnh nào?
– Hình ảnh “Dựng cần trúc” nói lên tính chất cuộc khởi nghĩa của nhân dân, đứng lên vì nghĩa lớn.
– Hình ảnh “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”
+ Mối quan hệ gắn bó, thân thiết, ruột thịt như cha và con của tướng lĩnh và binh sĩ.
+ Hình ảnh “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”: Lấy từ điển xưa, nước Tấn và nước Sở đánh nhau, có người dâng vua Sở một bình rượu ngon, vua sai đổ rượu xuống sông để quân sĩ đón dòng cùng uống. Sau nước Sở đánh thắng nước Tấn. Ở đây nói tinh thần đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi giữa tướng lĩnh và binh sĩ Lam Sơn.
7. Ý câu văn “Đem đại nghĩa… thay cường bạo” có mối liên hệ như thế nào với chủ trương “mưu phạt tâm công” và tư tưởng nhân nghĩa?
– Đại nghĩa: đạo lý lớn, quang minh chính đại, đứng lên chống quân xâm lược vì chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. Kẻ xâm phạm quyền ấy chính là kẻ phi nghĩa, bảo vệ quyền ấy là chính nghĩa. Mượn điều đó để đánh vào tinh thần của kẻ thù, khẳng định cuộc xâm lược của kẻ thù tất sẽ thất bại.
– Chí nhân: biết đánh vào tinh thần, đánh vào lòng người, chính là “mưu phạt tâm công” – khi kẻ thù đã chấp nhận thất bại thì sẵn sàng “mở đường hiếu sinh”.
– Chí nhân và đại nghĩa xuất phát từ tư tưởng nhân nghĩa – vì dân, lo cho dân, kết thúc cuộc chiến cũng là vì muốn nhân dân nghỉ sức.
8. Hành động lật lọng, bội ước của kẻ thù sẽ dẫn đến kết cục như thế nào?
Hành động lật lọng, bội ước của kẻ thù sẽ dẫn đến thất bại, khiến bao người khác phải chịu khổ, khiến cả thế gian chê cười.
9. Chú ý các chi tiết, hình ảnh thể hiện tinh thần và khí thế chiến thắng hào hùng của nghĩa quân.
– Tinh thần chủ động phòng thủ, tấn công của nghĩa quân: ta trước đã điều bình, sau lại sai tướng…
– Khí thế chiến thắng hào hùng của nghĩa quân thể hiện qua sự thất bại liên tiếp của kẻ thù.
– Hình ảnh nghĩa quân thừa thắng xông lên, hiên ngang lẫm liệt: Thuận đà ta đưa lưỡi dao tung phá.
10. Sự hèn nhát và cảnh thảm bại của kẻ thù được thể hiện qua các chi tiết cụ thể nào?
– Cảnh thảm bại:
+ Chi tiết các tướng giặc cúi đầu tạ tội, xin hàng.
+ Cảnh chiến trường chất đầy thi thể quân giặc: thây chất đầy đường, máu trôi đỏ nước.
– Sự hèn nhát, tham sống, sợ chết:
+ Các tướng giặc thay vì chiến đấu đến cùng thì lại chịu thua, đầu hàng.
+ Quân giặc “khiếp vía mà vỡ mật”, “xéo lên nhau chạy để thoát thân”, “vẫy đuôi xin cứu mạng”, “ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc”, “về đến nước mà vẫn tim đập chân run”.
11. Chú ý tư thế của người phát ngôn khi tuyên bố về thắng lợi của cuộc kháng chiến và về sự bắt đầu một thời kỳ mới của đất nước.
– Đoạn cuối, giọng văn tự hào, cùng những suy tư sâu lắng. Vừa vui sướng tuyên bố độc lập, vừa rút ra những bài học lịch sử về sự hưng vong, thịnh suy tất yếu, đồng thời ghi nhớ cội nguồn, tổ tiên.
– Đây là tư thế của một người làm chủ đất nước.
* Sau khi đọc
Nội dung chính:
Văn bản Bình Ngô Đại Cáo o được coi là bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của nước Việt Nam, trong đó vạch ra tội ác của kẻ thù xâm lược, ca ngợi tính chính nghĩa và thắng lợi thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, chiếu cáo thiên hạ về sự bắt đầu của một triều đại mới.
Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc:
Câu 1 (trang 21 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):
– Tư cách phát ngôn của Nguyễn Trãi khi viết “Bình Ngô đại cáo”: Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi lúc đó là Bình Định Vương soạn thảo bài cáo. Tuy thừa lệnh một vị quân vương tương lai, song trong bản cáo vẫn nhìn thấy dấu ấn tư tưởng của riêng Nguyễn Trãi.
– Sự kiện lịch sử được tái hiện trong “Bình Ngô đại cáo”: Trước hết là cuộc kháng chiến chống quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn từ buổi đầu dựng cờ khởi nghĩa ra cho đến đến khi thắng lợi, đánh tan giặc Minh xâm lược. Thứ nữa, là sự kiện triều Lê sơ ra đời.
– Đối tượng tác động là nhân dân Đại Việt.
– Mục đích của bài cáo: tổng kết đầy đủ về quá trình kháng chiến chống quân Minh, tuyên bố về chủ quyền, độc lập của nước Đại Việt, chứng minh tính chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và sự ra đời của nhà Lê.
Câu 2 (trang 21 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):
– Luận đề của văn bản là chủ quyền, độc lập của dân tộc.
– Xác định luận đề như vậy vì:
+ Bài cáo viết ra nhằm tuyên bố nền hòa bình, độc lập, khẳng định chủ quyền của đất nước.
+ Ba phần lớn trong bài cáo đều xoay quanh chủ quyền dân tộc: Cơ sở lí luận là chân lý về độc lập, cơ sở thực tiễn là thắng lợi của người bảo vệ chủ quyền và thất bại của kẻ đi xâm phạm chủ quyền, phần kết đưa đến niềm tin về tương lai đất nước.
Câu 3 (trang 21 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):
Câu văn thể hiện rõ mục đích của việc thực thi lý tưởng nhân nghĩa:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.”
Câu văn đã nêu rõ mục đích của việc thực thi lý tưởng nhân nghĩa là đem lại cuộc sống yên bình cho dân chúng, tiêu trừ những kẻ bạo ngược xâm phạm lên sự bình yên của người dân.
Câu 4 (trang 21 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):
– Nội dung các đoạn:
Đoạn 2: Từ “Vừa rồi … Trời đất chẳng dung tha.” : Tố cáo và kết án tội ác tày trời của giặc Minh.
Đoạn 3: Từ “Ta đây… lấy ít địch nhiều”: Hình ảnh của vị lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn và những khó khăn trong buổi đầu dấy nghiệp.
Đoạn 4: Từ “Trọn hay: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,… cũng là chưa thấy xưa nay”: Quá trình mười năm kháng chiến và thắng lợi vẻ vang.
Đoạn 5: Phần còn lại: Khẳng định ý nghĩa to lớn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và lời tuyên bố hoà bình.
– Bốn đoạn cùng khái quát bản cáo trạng về tội ác của giặc và sự thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc chiến, để từ đó đi đến kết luận quân ta chính nghĩa giành thắng lợi, kẻ địch phi nghĩa và thất bại.
Câu 5 (trang 21 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):
– Bài cáo có bố cục chặt chẽ rõ ràng cấu trúc chia làm ba phần: phần thứ nhất nêu cơ sở lý luận; phần thứ hai nêu cơ sở thực tiễn, phần thứ ba nêu kết luận.
– Lập luận chặt chẽ, kết hợp giữa lý lẽ và dẫn chứng: đưa ra lý lẽ về chủ quyền làm tiền đề chân lý không ai có thể chối cãi; đưa ra một đoạn dẫn chứng về tội ác xâm lược của giặc để khẳng định sự phi nghĩa của địch; từ bản cáo trạng về tội ác của giặc để chỉ ra nguyên nhân cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra.
Câu 6 (trang 21 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):
– Yếu tố tự sự thể hiện qua việc tái hiện diễn biến của cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Nhờ có những chi tiết tự sự này mà người đọc có thể hình dung cụ thể, rõ ràng những dấu mốc quan trọng trong cuộc kháng chiến lịch sử.
– Yếu tố biểu cảm thể hiện qua thái độ căm giận, phẫn uất của người viết trước tội ác của kẻ thù; niềm cảm thông trước nỗi thống khổ của nhân dân; niềm vui khi chiến thắng, niềm tự hào khi giành được độc lập. Nhờ có những yếu tố biểu cảm này mà bài cáo tác động mạnh đến cảm xúc của người đọc.
Câu 7 (trang 21 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):
– Bài cáo như một bản tuyên ngôn độc lập: khẳng định độc lập, chủ quyền dân tộc; tuyên bố thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược; tuyên bố hòa bình, mở đầu một triều đại mới.
– Đưa ra một tư tưởng chính nghĩa, nhân nghĩa có thể trở thành một lý tưởng xã hội đến muôn đời.
– Tái hiện lại cả một thời đại lịch sử với đủ những cung bậc đau thương và anh hùng: nhân dân từng lầm than dưới ách đô hộ, rồi cùng đứng lên dưới ngọn cờ khởi nghĩa, đập tan sự xâm lược của kẻ thù, giành lại độc lập, mở đầu một kỷ nguyên mới.
– Tác phẩm đạt đến trình độ mẫu mực của nghệ thuật ngôn từ: lập luận chặt chẽ, giọng văn hào hùng, khí thế, nhịp điệu mạnh mẽ, vang dội.
Câu 8 (trang 21 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):
– Bài cáo ra đời để tổng kết cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược, khẳng định tính chính nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn, từ đó chính danh, chính vị cho việc lên ngôi của Lê Lợi, mở ra một triều đại mới.
– Tác phẩm góp phần điểm sáng cho kho tàng văn học dân tộc sau hai mươi năm bị giặc Minh thi hành chính sách hủy diệt văn hóa.
* Kết nối đọc – viết
Bài tập (trang 21 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)
– Mối quan hệ giữa tư tưởng nhân nghĩa và luận đề chính nghĩa thể hiện trong đoạn (1) của văn bản.
– Tinh thần độc lập, ý thức về chủ quyền dân tộc được thể hiện trong Bình Ngô đại cáo.
Đoạn văn tham khảo:
Ý thức về độc lập, chủ quyền dân tộc được Nguyễn Trãi thể hiện rất rõ trong văn bản “Bình Ngô đại cáo”. Trước hết, Nguyễn Trãi xác định tư cách độc lập của dân tộc bằng một loạt những dẫn chứng tiêu biểu, thuyết phục: nước ta có nền văn hiến lâu đời, có cương vực lãnh thổ riêng, có phong tục tập quán đậm đà bản sắc dân tộc, có chiều dài lịch sử với các triều đại sánh ngang với các triều đại của phương Bắc, có anh hùng hào kiệt ở khắp nơi trên đất nước. Đồng thời, Nguyễn Trãi còn phân định rất rõ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là một cuộc khởi nghĩa chính nghĩa, tất sẽ thắng lợi, vì đã đứng lên để giành lại chủ quyền của dân tộc, còn kẻ thù chắc chắn sẽ thất bại vì đã xâm phạm lên chủ quyền của đất nước khác.