Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10 – Kết Nối Tri Thức: tại đây
* Yêu cầu:
– Làm rõ sự cần thiết và ý nghĩa của văn bản nội quy hoặc văn bản hướng dẫn nơi công cộng.
– Đánh giá được văn bản trên các tiêu chí: tính mạch lạc, logic của bố cục, sự tường minh của các điều khoản; tính chuẩn mực của ngôn ngữ diễn đạt và chính tả; sự hợp lí của các hình ảnh, logo được sử dụng, hiệu quả tác động vào thị giác của phông chữ, màu chữ,…
– Nêu được phương án chỉnh sửa cụ thể để có văn bản hoàn thiện.
1. Chuẩn bị thảo luận
a. Chuẩn bị nói
* Lựa chọn đề tài
Lựa chọn văn bản đã hoàn thành trong phần viết: Nội quy, quy định của thư viện.
* Tìm ý và sắp xếp ý
– Nhận xét chung về hình thức văn bản: tiêu đề, bố cục, in đậm, in hoa, in nghiêng, đề mục…
– Nhận xét tính hợp lý của các điều khoản, bổ sung những điểm có thể hoàn thiện hơn.
* Xác định từ ngữ then chốt
Theo tôi, theo ý kiến của tôi, văn bản này đã quy định, những điều khoản trong văn bản…
* Phương tiện hỗ trợ
Văn bản đã soạn thảo và trình bày trên giấy.
b. Chuẩn bị nghe
– Người nghe đọc lại các yêu cầu đối với văn bản nội quy, lắng nghe người nói giới thiệu về văn bản.
2. Thực hành nói và nghe
Người nói | Người nghe |
* Trình bày ý kiến: – Mở đầu: Trước khi trình bày nội dung chính, cần thuyết minh cụ thể mục đích và bối cảnh sử dụng của văn bản nội quy hoặc văn bản hướng dẫn nơi công cộng. – Triển khai: Kết hợp giữa phần nói và phần trình chiếu văn bản, bảng biểu, sơ đồ, hình ảnh… – Kết luận: Nhấn mạnh các điểm mấu chốt cần được trao đổi, thảo luận thêm. |
– Nắm bắt đúng nội dung ý kiến của người nói. – Nêu nhận xét về ý kiến tham gia thảo luận. – Đặt câu hỏi để người nói làm rõ thêm về ý kiến đã phát biểu. |
* Bài nói mẫu tham khảo:
Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là………… học sinh……… lớp……… trường……….
Trong cuộc sống, bạn sẽ gặp rất nhiều các văn bản nội quy, quy định ở nơi công cộng: nội quy lớp học, nội quy câu lạc bộ, nội quy sử dụng thang máy, nội quy tham quan khu di tích… Việc đọc hiểu các văn bản nội quy sẽ giúp chúng ta hiểu rõ quy tắc ứng xử trong những không gian công cộng, quyền và trách nhiệm của mỗi cá nhân để cùng hành động, nhằm tạo nên một môi trường an toàn, trật tự. Hôm nay tôi sẽ cùng các bạn thảo luận về một loại văn bản nội quy chúng ta thường gặp. Đó là bản nội quy Thư viện.
Trước hết tôi sẽ trình bày lí do vì sao tôi lựa chọn văn bản này. Thứ nhất, đây là loại văn bản quen thuộc với chúng ta. Thứ hai, đây là một văn bản nội quy tương đối chỉnh tề và chuẩn mực, tuy nhiên vẫn có thể có những điểm chúng ta có thể thảo luận thêm để hiểu rõ hơn cách xây dựng và đọc hiểu một văn bản nội quy.
Như các bạn đã thấy, văn bản này được xây dựng theo đúng cấu trúc của một văn bản nội quy chung. Điểm này được thể hiện rõ qua bố cục văn bản: có tên tổ chức, tên của bản nội quy, lời dẫn, các mục nêu rõ yêu cầu, quy định, hành vi cần thực hiện, hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm… Nhìn chung, đây là một văn bản chuẩn mực, có cấu trúc sáng rõ.
Tuy nhiên, các bạn có thể nhận thấy một số lỗi trình bày khiến mức độ quy định chặt chẽ của văn bản bị ảnh hưởng. Theo tôi, tên của tổ chức cần di chuyển sang góc trái của văn bản. Tên của bản nội quy cần được in đậm để người đọc tập trung và dễ nhận thấy hơn.
Bản nội quy được chia thành hai mục lớn, ký hiệu bằng chữ La Mã, mục I đưa ra các nội quy chung, mục II đưa ra thời gian hoạt động của thư viện. Có thể thấy hai mục lớn đã bao quát những điều thư viện cần thông báo và quy định tới người sử dụng, đồng thời trình bày được những thông tin mà người sử dụng thư viện cần quan tâm.
Chúng ta quan tâm nhiều hơn đến mục I. Nội quy chung trong văn bản này. Mục I chia thành ba mục nhỏ hơn, bao gồm các yêu cầu bắt buộc, giải quyết các trường hợp mất thẻ và hình thức xử lý các trường hợp vi phạm. Các điều khoản tương đối rõ ràng, khái quát, được tách thành các câu văn ngắn và gạch đầu dòng sáng rõ. Cá nhân tôi không có băn khoăn gì thêm về nội dung của văn bản nội quy này.
Song, tôi có suy nghĩ về việc thay đổi hình thức trình bày để các điều khoản được tiếp nhận đầy đủ hơn. Các bạn có thể thấy việc ký hiệu các nội dung nhỏ hơn trong các mục 1,2 và mục 3 không nhất quán. Ở mục 1 và mục 2, ý nhỏ hơn được gạch đầu dòng, trong khi đó ở mục 3 có thêm các phần 3.1 và 3.1. Theo ý kiến của tôi, chúng ta có thể thay các gạch đầu dòng ở mục 1 và mục 2 thành các số 1.1, 1.2, 2.1, 2.2…, vừa để thống nhất cách trình bày trong văn bản, vừa có thể giúp người đọc nắm rõ số lượng điều khoản cũng như vị trí của từng điều khoản trong nội quy.
Trên đây là những khái quát của tôi khi đọc văn bản Nội quy thư viện trường THPT A. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi rất vinh hạnh nếu được nghe chia sẻ của thầy cô và các bạn về những ý kiến thay đổi văn bản của tôi, cũng như được lắng nghe suy nghĩ của thầy cô và các bạn về văn bản này, để tôi có thể có được một cách hiểu cụ thể hơn đối với các văn bản nội quy, hướng dẫn nơi công cộng.
3. Trao đổi
– Người nghe đưa ra các nhận xét, góp ý, câu hỏi về bài nói. Người nói tiếp nhận các ý kiến này và trao đổi thêm (tán đồng, bác bỏ, trả lời câu hỏi, bàn luận mở rộng,…).
– Thực hiện tự đánh giá và đánh giá về bài trình bày dựa trên các nội dung được nêu trong bảng sau:
STT | Nội dung đánh giá | Kết quả | |
Đạt | Chưa đạt | ||
1 | Nêu được những yêu cầu về thể thức đối với một văn bản nội quy hoặc văn bản hướng dẫn nơi công cộng. | ||
2 | Nêu được nhận xét xác đáng về ưu điểm, nhược điểm của văn bản đưa ra thảo luận. | ||
3 | Các ý tưởng được trình bày một cách rõ ràng và thuyết phục. | ||
4 | Các phương tiện phi ngôn ngữ được sử dụng hợp lí. | ||
5 | Thực hiện việc đối thoại với người nghe trên tinh thần hợp tác, tạo ra không khí thảo luận cởi mở, có tính xây dựng. | ||
6 | Thống nhất được với những người tham gia thảo luận về phương án sửa chữa, hoàn thiện văn bản. |