Bài 1: Thần thoại và sử thi

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10 – Cánh Diều: tại đây

1. Định hướng

a) Trong phần Viết, các em đã rèn luyện viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội. Phần này tiếp tục rèn luyện thuyết trình về một vấn đề xã hội. Yêu cầu chính là trình bày trước người nghe những ý kiến (nhận xét, đánh giá, bàn luận, …) của em về vấn đề dó.

b) Để thuyết trình về một vấn đề xã hội, các em cần:

– Lựa chọn vấn đề thuyết trình.

– Xác định thời lượng thuyết trình và đối tượng người nghe để lựa chọn nội dung, cách trình bày phù hợp.

– Chuẩn bị dàn ý bài thuyết trình và các tư liệu, tranh ảnh, thiết bị hỗ trợ (nếu có).

– Sử dụng ngôn ngữ kết hợp với nét mặt, ánh mắt, giọng điệu, phù hợp với nội dung bài thuyết trình.

2. Thực hành

Bài tập (trang 38 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 – Cánh diều): Chọn một trong hai vấn đề sau đây để thuyết trình trước lớp:

– Vấn đề 1: Suy nghĩ của em về vấn đề nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác.

– Vấn đề 2: Làm thế nào để con người vượt lên số phận của chính mình trong cuộc sống?

a) Chuẩn bị:

– Đọc kĩ để bài, xác định yêu cầu và lựa chọn vấn đề thuyết trình.

– Lựa chọn hình thức thuyết trình (có thể thuyết trình kết hợp với slide trình chiếu của máy tính, hình ảnh, sơ đồ, …).

– Tập thuyết trình.

b) Tìm ý và lập dàn ý

Lập dàn ý cho bài thuyết trình về một vấn đề xã hội đã xác định (Dựa vào nội dung phần Viết, có thể bổ sung, thêm bớt cho phù hợp với yêu cầu của bài thuyết trình).

Mở đầu

Giới thiệu vấn đề thuyết trình.

Nội dung chính

Thuyết trình tuần tự nội dung một cách hợp lí.

Kết thúc

Nêu vấn đề em quan tâm, cần thảo luận và bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ từ người nghe.

 c) Thực hành nói và nghe

– Người chủ trì: Nêu vấn đề, thống nhất cách thức trình bày, thảo luận (ví dụ: mục đích, nội dung chính, yêu cầu, …), mời người nói trình bày ý kiến.

Người nói

Người nghe

– Giới thiệu bài thuyết trình theo dàn ý đã chuẩn bị.

– Nói rõ ràng, âm lượng phù hợp; tránh đọc bài viết đã chuẩn bị sẵn; kết hợp ngôn ngữ nói và cử chỉ, ánh mắt, điệu bộ: sử dụng hình ảnh, sơ đồ minh hoạ (nếu cần): đảm bảo thời gian quy định.

– Đảm bảo sự thống nhất giữa nội dung với hình thức, các phương tiện hỗ trợ thuyết trình phù hợp. Chú ý cách diễn đạt tạo sự hấp dẫn về vấn đề thảo luận, ….

– Trả lời các câu hỏi của người nghe (nếu có).

– Lắng nghe, xác định và ghi lại các thông tin chính của bài thuyết trình, những nội dung cần hỏi lại.

– Thể hiện thái độ chủ ý lắng nghe, sử dụng các yếu tố cử chỉ, nét mặt, ánh mắt để khích lệ người nói.

– Hỏi lại những điểm chưa rõ (nếu cần); có thể trao đổi thêm quan điểm cá nhân về nội dung của bài thuyết trình.

– Thảo luận: Sau khi người nói trình bày xong, người chủ trì mời người nghe phát biểu ý kiến hoặc nêu câu hỏi, tranh luận,…

– Kết thúc thảo luận: Người chủ trì tổng hợp ý kiến của cả nhóm về vấn đề thảo luận, những điểm đã thống nhất và những điểm còn tranh luận (nếu có).

* Bài nói mẫu tham khảo:

Đã bao giờ bạn gặp thất bại? Đã bao giờ bạn phải một mình đương đầu với những khó khăn thử thách? Và đã bao giờ bạn muốn bỏ cuộc, buông xuôi tất cả? Các bạn biết không, mỗi chúng ta không ai là hoàn hảo. Tôi cũng vậy! Tôi đã từng trải qua nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc sống để có được ngày hôm nay. Và tôi nhận ra rằng, niềm tin, ý chí của chúng ta có vai trò vô cùng quan trọng, giúp ta vượt lên nghịch cảnh. Vì vậy, ngày hôm nay, tôi muốn chia sẻ với các bạn những bài học kinh nghiệm của mình với chủ đề “Làm thế nào để con người vượt lên số phận của chính mình trong cuộc sống?”

          Mỗi con người khi sinh ra đều mang trong mình một số phận và không có ai là hoàn hảo. Tuy nhiên, số phận ấy không phải một sự định sẵn khiến chúng ta buông xuôi, bỏ cuộc. Hãy nhớ rằng hoàn cảnh tạo nên con người nhưng con người cũng có thể chiến thắng, khuất phục hoàn cảnh. “Vượt lên số phận” là chiến đấu với chính bản thân, chiến thắng những điều tiêu cực để hướng về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.

Để vượt lên số phận của chính mình, trước hết, chúng ta cần có một ý chí kiên cường, mạnh mẽ. Ý chí nghị lực tạo cho chúng ta sức mạnh để có thể đối chọi với mọi khó khăn, vượt qua mọi thử thách của cuộc sống một cách dễ dàng hơn. Không chỉ thế, nó còn giúp cho con người có niềm tin vào bản thân, tinh thần lạc quan để theo đuổi mục tiêu, lí tưởng. Với một ý chí mạnh mẽ, chúng ta hoàn toàn có thể biến thách thức thành cơ hội để chứng tỏ bản thân. Và hơn hết, chúng ta phải có lòng tin vào bản thân, một lối sống lạc quan và tích cực. Thật ngưỡng mộ làm sao trước những tấm gương sáng của một lý tưởng sống cao đẹp. Cô gái Đặng Trần Thuỷ Tiên, mặc dù bị ung thư nhưng vẫn luôn sống lạc quan, vui vẻ, thậm chí còn tham gia cuộc thi hoa hậu do trường Đại học Ngoại Thương tổ chức. Khi được phỏng vấn, cô nói: “Chị đừng viết về em mang màu sắc bi thương, vì em đang tích cực sống”. Hay những đứa trẻ khuyết tật dù không có một cơ thể lành lặn nhưng chúng không bao giờ tự ti mà ngược lại, luôn biết cách phát triển những khả năng của bản thân và sống một cuộc sống ý nghĩa. Hay bản thân chính dân tộc Việt Nam ta – một dân tộc chịu 1000 năm đô hộ của phương Bắc, 9 năm kháng chiến chống Pháp, 21 năm chống Mỹ nhưng chúng ta đã hoàn toàn chiến thắng nghịch cảnh. Cuộc sống hạnh phúc mà bạn đang hưởng thụ chính là thành quả của sự nỗ lực và hi sinh mà dân thế hệ cha anh đem lại.

Vì vậy, bạn hãy nhớ rằng, dù ở trong bất kì hoàn cảnh nào, chỉ cần chúng ta không bỏ cuộc, chắc chắn sẽ có một con đường mới mở ra. Hãy lạc quan! Hãy suy nghĩ tích cực! Hãy đoàn kết, yêu thương, sẻ chia, gắn bó với những người xung quanh! Hãy quan tâm và biết ơn gia đình! Bới đó chính là nguồn động lực tạo cho ta sức mạnh để có thể chiến đấu và chiến thắng, để có thể tiếp tục bước đi trên đường đời dài và rộng. Hãy tin tưởng vào bản thân và nhớ rằng: “Nỗ lực hết sức không hối hận – Có chí nhất định sẽ thành công”.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Người nói

Người nghe

– Rút kinh nghiệm về bài thuyết trình:

+ Đã thuyết trình đầy đủ các nội dung chuẩn bị trong dàn ý chưa?

+ Cách thức thuyết trình, phong thái, giọng điệu, ngôn ngữ,… có phù hợp không?

+ Các phương tiện hỗ trợ có hiệu quả như thế nào?

– Đánh giá chung:

+ Điều em hài lòng về bài thuyết trình của mình là gì?

+ Điều gì em mong muốn thay đổi trong bài thuyết trình đó?

– Kiểm tra kết quả nghe:

+ Nội dung nghe và ghi chép lại đã chính xác chưa?

+ Thu hoạch được những gì về nội dung và cách thức thuyết trình về một vấn đề xã hội của bạn?

– Rút kinh nghiệm về thái độ nghe:

+ Đã chú ý và tôn trọng người thuyết trình chưa?

+ Có nêu được câu hỏi và tham gia ý kiến trong quá trình thảo luận không?

Đã có lời giải bài tập lớp 10 sách mới:

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4 / 5. Số lượt đánh giá: 1160

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống