Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10 – Chân Trời Sáng Tạo: tại đây
Bước 1: Chuẩn bị nói
Xác định tác phẩm truyện
Bạn có thể sử dụng đề tài là truyện kể đã phân tích, đánh giá trong bài viết hoặc đề tài là một truyện kể khác.
• Xác định mục đích nói: ngoài mục đích nói để thể hiện nhận thức của bạn và chia sẻ với người nghe về chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm truyện kể mà mình đã chọn, bài nói của bạn còn có mục đích nào khác nữa không?
• Xác định đối tượng người nghe: người nghe bài nói của bạn, ngoài thầy cô giáo bộ môn, bạn bè cùng nhóm, cùng lớp, còn ai khác sẽ nghe bạn nói nữa không?
• Xác định không gian và thời gian nói: xác định xem về không gian nói, bạn có thể trình bày bài nói ở lớp học hay ở đâu, về thời gian, bạn được trình bày trong khoảng thời gian quy định cụ thể là bao lâu?
Tìm ý và lập dàn ý
Tìm ý
Trong trường hợp đề tài nói cũng là đề tài của bài viết, bạn có thể sử dụng lại các ý tưởng, thông tin, tư liệu đã có trong phần viết. Dựa vào bài viết, lựa chọn những ý cần nhấn mạnh khi nói, những ý có thể lược bỏ.
Nếu đề tài bài nói khác với đề tài bài viết, tức là bạn chọn giới thiệu một truyện kể khác, bạn cần đọc kĩ tác phẩm và ghi lại một số nội dung sau: tên truyện kể, thể loại, nội dung, chủ đề, thông điệp tác giả muốn gửi gắm thông qua tác phẩm, một số biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của chúng, ý kiến, đánh giá của bạn về nội dung và nghệ thuật của truyện kể.
Lập dàn ý
Dàn ý của bài giới thiệu cơ bản cũng là dàn ý mà bạn đã chuẩn bị cho bài viết. Nếu bạn chọn giới thiệu một truyện kể khác, có thể phác thảo dàn ý dựa vào gợi ý sau đây:
Luyện tập
Bạn nên đối chiếu dàn ý bài nói với bảng kiểm để tập cách trình bày cho khoa học. Lưu ý:
• Tìm những câu mở đầu, kết thúc bài nói phù hợp, hấp dẫn, tạo ấn tượng với người nghe.
• Sử dụng kết hợp các phương tiện phi ngôn ngữ như: hình ảnh, video, sơ đồ, bảng biểu,… để tăng tính trực quan và hấp dẫn cho bài nói.
• Luyện tập một mình bằng cách đúng trước gương hoặc luyện tập với bạn.
• Tập thói quen điều chỉnh giọng điệu (cao độ, âm lượng, tốc độ), kết hợp giọng điệu với ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ, nét mặt,… sao cho phù hợp.
• Dự kiến một số vấn đề mà người nghe có thể thắc mắc và luyện tập trả lời sao cho thuyết phục.
Bước 2: Trình bày bài nói
• Tạo không khí và quan hệ giao tiếp như: tự giới thiệu họ tên, sử dụng ngôi phù hợp trong giao tiếp.
• Sử dụng cách diễn đạt phù hợp, linh hoạt. Cần dùng một số mẫu câu phù hợp để giới thiệu, đánh giá tác phẩm truyện kể.
• Đáp ứng được các yêu cầu về tính mạch lạc, thuyết phục, truyền cảm, tạo được tuong tác với người nghe.
Bước 3: Trao đổi, đánh giá
Trao đổi
• Lắng nghe với thái độ cầu thị và ghi chép tóm lược câu hỏi hoặc ý kiến của người nghe.
• Trả lời và giải thích ngắn gọn, rõ ràng các câu hỏi, ý kiến của người nghe.
Đánh giá.
• Trong vai trò người nói, bạn hãy tự đánh giá phần trình bày của mình.
• Trong vai trò người nghe, bạn hãy đánh giá phần trình bày của người nói.
Bài nói tham khảo
Xin chào tất cả các bạn. Các bạn thân mến, nhắc đến những câu chuyện cổ tích của nước ta, không thể bỏ qua truyện “Cây khế”. Đây được xem là một trong những tác phẩm truyện cổ tích đặc sắc nhất trong kho tàng truyện dân gian của nước ta.
Truyện kể về hai anh em nhà nọ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống nương tựa vào nhau. Cha mẹ mất để lại cho hai anh em một cây khế và một chút ruộng vườn, của cải, tuy không khá giả nhưng hai anh em vẫn có cuộc sống no đủ. Từ khi người anh trai lấy vợ bỗng sinh ra lười nhác, mọi việc đều đổ hết lên đầu vợ chồng người em. Thậm chí sợ em tranh công nên anh trai đã chia gia tài, chiếm hết của nải, đẩy vợ chồng em ra túp lều nát với cây khế của cha mẹ để lại. Vợ chồng người em chăm chỉ làm lụng, chăm bẵm cho cây khế ra quả, chim quý đến ăn và đã trả công vợ chồng em trai bằng vàng bạc. Tiếng đồn đến tai người anh, người anh tham lam nên gạ đổi gia tài lấy cây khế. Chim quý cũng đến ăn và hứa trả ơn bằng vàng, nhưng vì tính tham lam vô độ của người anh nên đã bị chim quý hất xuống biển sâu. Cốt truyện tuy rất đơn giản, ngắn gọn nhưng chất chứa trong đó những bài học về cuộc sống vô cùng sâu sắc và thấm thía.
Truyện “Cây khế” phản ánh cuộc xung đột giữa hai tuyến nhân vật trong một gia đình, một bên là vợ chồng người em trai hiền lành, chăm chỉ, chịu khó; một bên là vợ chồng người anh trai tham lam, ích kỉ, chỉ nghĩ đến đồng tiền. Thông qua khai thác xung đột trong gia đình này, tác giả dân gian đã phản ánh chủ đề của chuyện đó là phê phán sự tham lam, ích kỉ của con người, ca ngợi những con người chịu khó, chăm chỉ, biết sống lương thiện, biết thế nào là đủ. Câu chuyện còn là lời cảnh tỉnh cho những ai đã và đang xem nhẹ tình anh em trong gia đình, cắt đứt tình máu mủ ruột rà chỉ vì những cái lợi trước mắt. Chủ đề truyện này không mới nhưng nó vẫn có giá trị không riêng với thế giới cổ tích mà còn cả xã hội hiện thực bây giờ.
Góp phần tạo nên thành công cho câu chuyện, ngoài giá trị của chủ đề và bài học sâu sắc trong truyện Cây khế thì không thể quên sự đóng góp của các hình thức nghệ thuật. Chính những hình thức nghệ thuật đặc sắc ấy đã giúp cho chủ đề và bài học trong truyện trở nên sâu sắc, thấm thía hơn và hấp dẫn độc giả hơn.
Yếu tố nghệ thuật đầu tiên cần kể đến đó là nghệ thuật tạo tình huống. Tình huống truyện chia gia tài, vốn rất quen thuộc trong truyện kể dân gian. Nhờ tình huống này bản chất xấu xa tham lam của vợ chồng người anh trai được bộc lộ. Tình huống thứ hai, góp phần giúp mạch truyện tiến triển là tình huống chim quý xuất hiện và ăn khế của vợ chồng em trai. Nhờ chim quý vợ chồng em trai được đền đáp xứng đáng cho tấm lòng, sự lương thiện của mình. Cũng nhờ chim quý mà vợ chồng người anh trai đã bị trừng trị thích đáng cho bản tính tham lam, mờ mắt vì tiền của mình. Nhân vật chim quý đóng vai trò là nhân vật chức năng, thế lực siêu nhiên, thay nhân dân thực hiện mong ước của họ. Đây cũng là kiểu nhân vật khá quen thuộc trong truyện cổ tích Việt Nam.
Xây dựng nhân vật giàu tính biểu trưng cũng là một nét nổi bật cho truyện cổ tích Việt Nam. Trong đó người anh trai là tuyến nhân vật đại diện cho kiểu người tham lam, chỉ nghĩ đến đồng tiền; nhân vật em trai là đại diện cho tuyến nhân vật bất hạnh, mồ côi, chịu nhiều thiệt thòi, cam chịu. Hai tuyến nhân vật chính – tà khá quen thuộc trong truyện cổ tích, là đại diện cho các kiểu người trong xã hội phân chia giai cấp thời bấy giờ.
Nét đặc sắc cuối cùng em muốn nói đến trong bài viết là cách khắc họa tính cách nhân vật thông qua ngôn ngữ, hành động của nhân vật. Nhân vật trong truyện cổ tích vốn chưa có những tâm lý hay nét tính cách độc đáo, riêng biệt như trong văn xuôi của các tác giả văn học. Nhưng thông qua lời thoại, ngôn ngữ, hành động chúng ta cũng thấy được phần nào những nét tính cách đặc trưng của nhân vật. Chẳng hạn qua thái độ “rối rít, mừng quýnh, vái lấy vái để “ khi gặp chim thần của vợ chồng anh trai cũng đủ thấy vợ chồng anh ta là người tham lam, ích kỉ, tôn sùng vật chất, luôn trông chờ vào vận may; hành động “nhét đầy vàng vào tay áo, ống quần, lết mãi mới ra khỏi hang” đủ thấy anh trai tham lam đến mờ lý trí… còn vợ chồng người em trai thấy con chim thần chỉ biết than “ ông chim ơi, ông ăn hết khế nhà cháu…” rồi hành động “chỉ nhặt vừa đủ vàng bạc nhét vào túi rồi ra về” cũng đủ thấy người em trai vốn bản tính lương thiện, hiền lành. Nhân vật chỉ được khắc họa qua hành động, ngôn ngữ nhưng những nét tính cách nổi bật vẫn hiện lên tương đối đậm nét.
Những phân tích ở trên đây cho thấy Cây khế là một truyện cổ tích tiêu biểu trong kho tàng truyện cổ Việt Nam. Về chủ đề, truyện chính là lời cảnh tỉnh, phê phán đến những người có lối sống ham vật chất, coi thường tình cảm máu mủ. Về hình thức nghệ thuật, tác giả đã kết hợp hài hòa các yếu tố về tình huống truyện, ngôn ngữ, hành động để nhân vật bộc lộ rõ cá tính của mình, thông qua đó chủ đề truyện cũng được tô đậm.
Câu chuyện là một bài học đắt giá cảnh tỉnh những người tham lam, không coi trọng tình cảm gia đình, sớm hay muộn cũng sẽ nhận phải một kết cục không may mắn.
Soạn bài Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật … (cả ba sách)