Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10 – Kết Nối Tri Thức: tại đây
1. Đọc
Câu 1 (trang 126 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2 – Kết nối tri thức):
– Văn bản “Vật liệu thông minh” gợi nhắc tới các văn bản: “Sự sống và cái chết, Nghệ thuật truyền thống của người Việt, Phục hồi tầng Ozone” vì nó đều là những văn bản thông tin, cung cấp đến những tri thức về thế giới khách quan.
– Văn bản “80 năm nhìn lại…” gợi nhắc đến các văn bản “Về chính chúng ta, con đường không chọn, Một đời như kẻ tìm đường, Mãi mãi tuổi 20” vì nó đều là những bài luận về bản thân, chia sẻ về cuộc đời của người viết.
Câu 2 (trang 126 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2 – Kết nối tri thức):
– Văn bản “80 năm nhìn lại…”
– Yếu tố tự sự giúp kể về hành trình khôn lớn của tác giả
– Yếu tố biểu cảm giúp tác giả bày tỏ những cảm nhận, đánh giá của mình trước những sự kiện của cuộc đời
Câu 3 (trang 126 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2 – Kết nối tri thức):
– Đây là những chất rắn có tính chất – như màu sắc, hình dạng hoặc từ tính – có thể thay đổi một cách độc lập để thích ứng với các kích thích như ánh sáng, nhiệt độ, áp lực hoặc độ ẩm.
– Nhìn chung, chức năng của chúng chia làm sáu loại – thay đổi màu sắc, cảm nhận, di chuyển, sưởi ấm/làm mát, tự khắc phục và thay đổi trạng thái (đóng băng và tan chảy).
– Và vật liệu thông minh không bị giới hạn trong địa hạt khoa học viễn tưởng hay phòng thí nghiệm – hầu hết mọi người đã quen thuộc với một vài thứ như kính râm đổi màu, tự động tối lại khi gặp ánh sáng mặt trời, hoặc cốc tri nhiệt biến sắc, tự động thay đổi màu sắc khi đổ cà phê nóng vào bên trong.
– Đây là tương lai của thế giới vật chất – và đó sẽ là một nơi thú vị.
Câu 4 (trang 126 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2 – Kết nối tri thức):
Chủ đề tác giả đề cập đến không chỉ là “vật liệu thông minh” mà còn là sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật và tư duy của nhân loại.
Câu 5 (trang 126 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2 – Kết nối tri thức):
Cả hai văn bản đều chứa đựng những gợi ý bổ ích về bước đường tương lai của chính chúng ta.
– Văn bản 1 khiến chúng ta mở rộng nhận thức về thế giới, thấy được sự tiến bộ của nhân loại trong tương lai, để từ đó nỗ lực cố gắng không ngừng hoàn thiện bản thân, bắt kịp với tiến độ phát triển xã hội.
– Văn bản 2 gợi nhắc về quá khứ, khiến chúng ta biết trân trọng những gì mình đang có, sống trách nhiệm và thực hiện nghĩa vụ người công dân.
2. Viết
Chọn một trong các đề sau:
Đề 1: Viết một bài văn nghị luận thể hiện những điều bạn cảm nhận được qua tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của danh nhân Nguyễn Trãi.
Đề 2: Tình thế lựa chọn khó khăn nhưng đầy ý nghĩa mà bạn đã trải qua trong hành trình rèn luyện – trưởng thành của mình.
Hãy viết về chủ đề trên
Đề 3: Trong số những tác phẩm văn học mà bạn đã tìm đọc được theo gợi ý ở các bài đọc trong sách giáo khoa Ngữ Văn 10, tập hai, tác phẩm nào đã để lại cho bạn nhiều ấn tượng và suy nghĩ nhất? Hãy viết một bài văn nghị luận bàn về tác phẩm đó theo các vấn đề nội dung và nghệ thuật tự chọn.
Đề 4: Theo quan sát và trải nghiệm của bạn, ở không gian sinh hoạt công cộng nào còn thiếu những quy định, hướng dẫn về hành vi ứng xử cần có cho mọi người? Trong vai người được một cơ quan, tổ chức có thẩm quyền uỷ nhiệm, bạn hãy hoàn thành một bản nội quy hay hướng dẫn nơi công cộng góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, có văn hoá.
Trả lời:
Đề 1: Viết một bài văn nghị luận thể hiện những điều bạn cảm nhận được qua tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của danh nhân Nguyễn Trãi.
Dàn ý
1. Mở bài
– Dẫn dắt, giới thiệu về tác giả Nguyễn Trãi (có thể dẫn lời nhận định hoặc một số sáng tác)
2. Thân bài
a. Giới thiệu khái quát về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn Nguyễn Trãi
– Cuộc đời: những dấu ấn
– Sự nghiệp thơ văn: giá trị nội dung và nghệ thuật
b. Cảm nhận về Nguyễn Trãi
– Cuộc đời Nguyễn Trãi
+ Một cuộc đời gian truân, đầy thử thách
+ Nhiều dấu ấn vẻ vang
+ Kết cục bi thương
– Tài năng Nguyễn Trãi
+ Tư tưởng nhân nghĩa sáng ngời trong các tác phẩm
+ Nghệ thuật sử dụng chữ Nôm đạt đến đỉnh cao
+ Cách tân thể thơ Đường luật
c. Đánh giá về vị trí, vai trò của Nguyễn Trãi
– Đối với lịch sử dân tộc: góp công trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
– Đối với lịch sử văn học: tạo ra đỉnh cao cho thời kì văn học trung đại Việt Nam
=> Thái độ biết ơn, trân trọng, khâm phục con người Nguyễn Trãi.
3. Kết bài
– Nhận xét khái quát về Nguyễn Trãi
Đề 2: Tình thế lựa chọn khó khăn nhưng đầy ý nghĩa mà bạn đã trải qua trong hành trình rèn luyện – trưởng thành của mình.
Dàn ý
1. Mở bài
– Dẫn dắt về việc lựa chọn trong cuộc đời
– Giới thiệu khái quát về lựa chọn khó khăn của bạn
2. Thân bài
– Thời gian, địa điểm khi bạn phải đưa ra lựa chọn khó khăn
– Lựa chọn ấy là gì?
– Tại sao lại khó khăn?
– Trải qua những điều gì để bạn đưa ra quyết định?
– Quyết định của bạn là gì?
– Đến bây giờ, bạn có hối hận với quyết định đó hay không? Tại sao?
3. Kết bài
– Đưa ra bài học cá nhân về việc lựa chọn trong cuộc sống
Đề 3: Trong số những tác phẩm văn học mà bạn đã tìm đọc được theo gợi ý ở các bài đọc trong sách giáo khoa Ngữ Văn 10, tập hai, tác phẩm nào đã để lại cho bạn nhiều ấn tượng và suy nghĩ nhất? Hãy viết một bài văn nghị luận bàn về tác phẩm đó theo các vấn đề nội dung và nghệ thuật tự chọn.
Dàn ý
1. Mở bài
– Giới thiệu tác phẩm văn học cần bàn luận
2. Thân bài
a. Đánh giá về nội dung
– Vẻ đẹp của các nhân vật
– Vai trò của các nhân vật đó trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm
b. Đánh giá về nghệ thuật
– Với thơ: thể loại, ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu, nhịp điệu
– Với truyện: tình huống, người kể chuyện, giọng điệu
3. Kết bài
– Đánh giá chung về thành công của tác phẩm
Đề 4: Theo quan sát và trải nghiệm của bạn, ở không gian sinh hoạt công cộng nào còn thiếu những quy định, hướng dẫn về hành vi ứng xử cần có cho mọi người? Trong vai người được một cơ quan, tổ chức có thẩm quyền uỷ nhiệm, bạn hãy hoàn thành một bản nội quy hay hướng dẫn nơi công cộng góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, có văn hoá.
Dàn ý
– Tên của tổ chức ra thông báo: được viết ở góc trái, phía trên của văn bản.
– Tên của bản nội quy: nêu rõ không gian công cộng và nhóm hành vi được yêu cầu
– Lời dẫn: là một câu chuyện dẫn dắt vào nội dung cụ thể của nội qui, hướng dẫn.
– Các mục: nêu rõ các yêu cầu, quy định của tổ chức, các hành vi cần thực hiện.
Bài làm tham khảo
Đề 3: Phân tích đánh giá tác phẩm “Dưới bóng hoàng lan”
Thạch Lam cây bút văn xuôi lãng mạn tiêu biểu của văn học 1930 – 1945, các sáng tác của ông tập trung đi sâu khai thác vào cuộc sống đời thường, bình dị. Với những tác phẩm thường “truyện không có truyện” nhưng lại để lại những dư âm sâu sắc trong lòng người đọc về vẻ đẹp cuộc sống, tâm hồn con người. Một trong những tác phẩm được đánh giá “truyện không có truyện” của Thạch Lam, không thể không kể đến truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan”.
Câu chuyện kể về Thanh – một chàng trai mồ côi cha mẹ, sống cùng bà. Chàng lên tỉnh đi làm rồi hằng năm có dịp nghỉ phép sẽ về thăm quê. Lần trở về lần này đã cách kỉ nghỉ trước 2 năm, vì vậy Thanh mang trong mình nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết.
Quê hương đối với mỗi con người là mái ấm không bao giờ có thể quên. Và Thanh cũng vậy! Dù xa nhà 2 năm nhưng khi trở về, chàng cảm thấy bình yên và quen thuộc đến lạ. Căn nhà với thửa vườn như một nơi mát mẻ và hiền lành luôn sẵn sàng dang tay đón chờ Thanh. Có thể nói, dù lên tỉnh làm việc nhưng cuộc sống chốn phồn hoa đô thị không khiến chàng trai ấy thay tính đổi nết. Vẫn là một con người hiền lành, trân quý những điều giản dị và yêu thương mái ấm gia đình mình dù còn nghèo khó. Đó chính là phẩm chất cao đẹp của Thanh. Quê hương không chỉ là nơi con người “đi để trở về” mà còn là như một làn suối thanh mát làm thanh sạch tâm hồn.
Hơn hết, vì mồ côi cha mẹ từ bé, Thanh rất yêu và hiếu thảo với bà của mình. Với bà, Thanh vẫn như một chàng trai bé bỏng, để bà săn sóc, vỗ về. Nghe tiếng bà đi vào. Thanh nằm yên giả vờ ngủ. Thanh nằm yên cảm nhận bà ở bên mình quạt nhẹ trên mái tóc, cảm giác như được trở về những ngày thơ ấu. Chàng không dám động đậy, có lẽ để tận hưởng thêm những giây phút hạnh phúc ấy. Được bà yêu thương vỗ về, Thanh cảm động gần ứa nước mắt. Với Thanh, bà là tất cả. Chàng cố gắng học tập, làm việc cũng chỉ mong được báo đáp những tình cảm bà dành cho mình.
Ở quê hương, dưới bóng hoàng lan, không chỉ có bà, Thanh còn có một mối tình trong sáng, đơn sơ, giản dị. Đó là những tình cảm trong sáng đầu đời dành cho Nga – cô gái hàng xóm. Thấy Nga, Thanh vui vẻ gọi. Chàng nhìn cô thiếu nữ xinh xắn trong tà áo trắng, mái tóc đen lánh buông trên cổ nhỏ. Đối với chàng, Nga như một người thân mật. Thanh rủ Nga đi nhặt hoàng lan rơi, hai người có không gian riêng tư để hoài niệm những kí ức tươi đẹp. Thanh thấy quả tim đập nhẹ nhàng. Trước sự bày tỏ của Nga, Thanh chẳng biết nói gì, chàng vít một cành lan hái cho Nga như thay cho lời muốn nói. Đoá hoa ấy phải chăng như một lời ước hẹn thầm kín giữa hai người? Thế nhưng, cuộc đoàn tự không được bao lâu, Thanh sớm phải quay lại thành phố. Khi rời đi, chàng còn đứng lại nhìn cây hoàng lan và các cây khác trong vườn đầy lưu luyến. Chàng không trực tiếp chào Nga, có lẽ vì sợ sự lưu luyến khiến chàng không làm chủ được lòng mình. Chàng bước đi nửa buồn mà nửa vui. Buồn vì phải xa bà, xa quê và xa người con gái ấy. Nhưng cũng vui vì một chút tình cảm đã được nhen nhóm trong lòng. Thanh nghĩ đến căn nhà như một nơi mát mẻ và sung sướng để chàng thường về nghỉ sau việc làm. Nơi ấy có bà, có Nga và có cây hoàng lan của hai người. Và Thanh biết rằng Nga sẽ vẫn đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước. Đó là tình yêu và niềm tin mà Thanh dành cho Nga.
Bên cạnh nhân vật chính là Thanh, hình ảnh người bà trong truyện ngắn hiện lên mang theo bóng hình người phụ nữ Việt Nam. Một con người tần tảo, hi sinh, vị tha, hết lòng vì gia đình. Bà không chỉ là bà mà còn là cha, là mẹ, là trụ cột gia đình đối với Thanh. Trong mắt bà, Thanh vẫn luôn bé bỏng như ngày nào. Một mái tóc bạc phơ, chống gậy trúc nhưng đã nuôi Thanh khôn lớn trưởng thành. Bà săn sóc Thanh từng chút một, thấy chàng ngủ, bà nhẹ buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi. Thanh có lẽ chính là động lực sống của bà.
Còn Thanh – một cô bé hàng xóm hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng là người đã thay Thanh ở bên bà những lúc Thanh vắng nhà. Nga dành cho Thanh một tình yêu chân thành mà kín đáo. Trong bữa cơm cùng bà và Thanh, cô gái ấy chỉ ăn nhỏ nhẹ, cầm chừng và buông đũa luôn để sới cơm cho Thanh. Người con gái ấy hồi hộp, căng thẳng như lần đầu về nhà chồng. Thỉnh thoàng, nàng nhìn Thanh mang theo bao yêu thương, trìu mến. Khi cùng Thanh đi nhặt hoa lan, Nga thẹn thùng nhưng cũng mạnh mẽ mà bày tỏ tình cảm của mình: “Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá”. Mỗi lời bày tỏ nỗi nhớ nhưng cũng như một lời tỏ tình đối với Thanh. Nga nâng niu đoá hoa mà Thanh hái cho mình, khoe bà: “Anh con hái đấy ạ” đầy vui sướng, hạnh phúc. Đoá hoa ấy như chan chứa sự kết trái cho mối tình của Nga và Thanh. Để rồi, mỗi mùa hoa hoàng lan, cô lại giắt hoa trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương. Cũng là để nhớ về người mình yêu thương.
Về thành công nghệ thuật của Thạch Lam, có lẽ không thể không nhắc đến cách xây dựng “truyện không có cốt truyện”. Truyện ngắn của ông được nhận xét là đậm chất trữ tình. Ông không đi sâu vào khai thác những mâu thuẫn của hiện thực, không tạo dựng những tình huống kịch tính mà tập trung khám phá tâm hồn con người. “Dưới bóng hoàng lan” là một truyện ngắn như vậy. Câu chuyện diễn ra yên bình, nhẹ nhàng như chính bức tranh thiên nhiên trong sáng được diễn tả trong tác phẩm. Không có sự kiện nổi bật, không có biến cố, các nhân vật xuất hiện một cách tự nhiên, một cuộc sống sinh hoạt đời thường hiện ra không có gì độc đáo. Thế nhưng, nó lại có sức hút đến lạ. Sức hút đến từ dòng cảm xúc của các nhân vật. Thanh – một chàng trai trở về quê sau 2 năm xa với niềm mong nhớ khôn nguôi. Quê hương như dòng nước thanh khiết gột rửa tâm hồn chàng tránh xa khỏi chốn phồn hoa đô thị. Và bà của Thanh mang bóng hình người phụ nữ Việt Nam – một con người tần tảo, hi sinh, chịu thương chịu khó. Nga – một cô bé hàng xóm xinh xắn, hồn nhiên, dễ thương mang trong mình mối tình sâu kín đầu đời với Thanh. Mạch truyện diễn ra chậm rãi, nhẹ nhàng cùng những cảm xúc của nhân vật khiến bạn đọc như được hoà mình trong khung cảnh thanh bình, yên ả ấy.
Như vậy, chúng ta thấy rằng cách xây dựng nhân vật của Thạch Lam không quá nổi bật, nhưng lại mang những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Đó là câu chuyện về tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương đất nước. Bóng hoàng lan là không gian quen thuộc nơi con người bộc lộ tình cảm chân thành cho nhau, là không gian mát mẻ, tĩnh lặng, đối lập với cuộc sống phồn thị ngoài kia và cũng là nơi ươm mầm mối tình trong sáng, đẹp đẽ.
3. Nói và nghe
Chọn thực hiện theo nhóm học tập một trong các nội dung sau:
Nội dung 1:
– Thảo luận về vấn đề: Cần xử lí như thế nào về mối quan hệ giữa việc tuân phục ý chí của người khác và việc thuận theo mách bảo của nội tâm trên vấn đề chọn đường đi trong cuộc sống?
Nội dung 2:
– Cái hay của tác phẩm nằm ở đâu? Hãy cùng thảo luận vấn đề này trong một tác phẩm văn học được nhóm chọn đọc chung.
Nội dung 3:
– Tự tìm hiểu mình có dễ không và làm thế nào để tìm hiểu? Hãy thực hiện một bài thuyết trình về vấn đề trên.
Trả lời:
Nội dung 1: Thảo luận về vấn đề: Cần xử lí như thế nào về mối quan hệ giữa việc tuân phục ý chí của người khác và việc thuận theo mách bảo của nội tâm trên vấn đề chọn đường đi trong cuộc sống?
Dàn ý
1. Lời chào, giới thiệu chủ đề nói
2. Trình bày chủ đề nói
a. Giải thích
– “tuân phục ý chí của người khác” là gì?
– “thuận theo mách bảo của nội tâm” là gì?
=> Nhận xét về mối quan hệ giữa 2 nội dung trên (trái ngược / đồng thuận / bổ sung cho nhau?)
b. Chứng minh
– Tại sao cần “tuân phục ý chí của người khác”? (lí lẽ, dẫn chứng)
– Tại sao cần “thuận theo mách bảo của nội tâm”? (lí lẽ, dẫn chứng)
=> Bạn sẽ lựa chọn cách nào? Tại sao?
– Tại sao nên cân bằng giữa “tuân phục ý chí của người khác” và “thuận theo mách bảo của nội tâm”?
c. Bàn luận
– Chúng ta cần làm gì khi đối mặt với một vấn đề phải lựa chọn?
3. Kết thúc
– Chốt lại vấn đề, gợi mở suy nghĩ cho người nghe
– Nói lời cảm ơn
Nội dung 2: Cái hay của tác phẩm nằm ở đâu? Hãy cùng thảo luận vấn đề này trong một tác phẩm văn học được nhóm chọn đọc chung.
Dàn ý
1. Lời chào, giới thiệu chủ đề nói
2. Trình bày chủ đề nói
a. Giải thích
– “cái hay của tác phẩm” là gì?
=> Đối với bạn, cái hay của tác phẩm là gì? (tư tưởng nhà văn và bài học nhận thức)
b. Chứng minh
– Tại sao bạn cho rằng tư tưởng nhà văn và bài học nhận thức trong tác phẩm là cái hay của văn học?
+ Khơi gợi trong lòng bạn đọc những suy tư, trăn trở
+ Thực hiện chức năng giáo dục thẩm mỹ
+ Giúp tác phẩm sống mãi với thời gian
Dẫn chứng một số tác phẩm đã học
c. Bàn luận
– Chúng ta cần có thái độ như nào khi đọc tác phẩm văn học?
3. Kết thúc
– Chốt lại vấn đề, gợi mở suy nghĩ cho người nghe
– Nói lời cảm ơn
Nội dung 3: Tự tìm hiểu mình có dễ không và làm thế nào để tìm hiểu? Hãy thực hiện một bài thuyết trình về vấn đề trên.
Dàn ý
1. Lời chào, giới thiệu chủ đề nói
2. Trình bày chủ đề nói
a. Giải thích
– “tự tìm hiểu mình” là gì?
b. Chứng minh
– Tại sao cần phải “tự tìm hiểu mình”?
+ Giúp ta nhận thức được năng lực của bản thân
+ Xác định được mục tiêu lý tưởng phù hợp
+ Làm chủ bản thân trong mọi hoàn cảnh
+ ….
– Làm thế nào để tìm hiểu mình?
+ Không ngại dấn thân vào những thử thách để tìm ra khả năng của mình
+ Tự chủ, tự giác trong cuộc sống
+ Dành cho bản thân thời gian riêng tư như viết nhật kí, đi du lịch một mình,…
…..
3. Kết thúc
– Chốt lại vấn đề, gợi mở suy nghĩ cho người nghe
– Nói lời cảm ơn
* Bài làm tham khảo
Đề bài: Cái hay của tác phẩm nằm ở đâu? Hãy cùng thảo luận vấn đề này trong một tác phẩm văn học được nhóm chọn đọc chung.
Theo bạn, như thế nào là một tác phẩm văn học hay? Tác phẩm văn học như thế nào sẽ để lại ấn tượng trong bạn? Với tôi, cái hay của một tác phẩm văn học nằm ở chính tư tưởng mà nhà văn gửi gắm.
Mỗi tác phẩm văn học là “đứa con tinh thần” của một người nghệ sĩ. Họ đã “thai nghén” nó bằng tất cả trí tuệ và tài năng của bản thân. Khi đọc một tác phẩm văn học, cái chúng ta tiếp xúc không chỉ là những con chữ mà còn là tâm hồn của người sáng tác. Hành trình khám phá tác phẩm cũng chính là một cuộc giao tiếp không lời giữa nhà văn và bạn đọc. Để từ đó, chúng ta thấu hiểu, cảm nhận được những tình cảm đẹp đẽ mà nhà văn gửi gắm. Người nghệ sĩ quan sát hiện thực và phản ánh nó thông qua thế giới chủ quan của bản thân. Hiện thực khách quan được phản ánh một cách sinh động qua những tác phẩm văn học giúp bạn đọc có những cái nhìn đa diện hơn về xã hội. Qua đó, tác giả gửi gắm những triết lý nhân sinh về con người, cuộc đời. Đó chính là yếu tố quan trọng làm nên giá trị của một tác phẩm văn học.
Bạn cảm nhận được điều gì khi đọc “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi? Hơn cả một lời khẳng định chiến thắng, chúng ta cảm nhận được lòng tự tôn, tự hào dân tộc được tác giả gửi gắm trong đó. Để từ đó, ta thêm yêu nước, sống trách nhiệm hơn với những hi sinh mà dân tộc mang lại. Bạn cảm nhận được điều gì khi đọc “Dưới bóng hoàng lan” của Thạch Lam? Hơn cả một “truyện không có cốt truyện”, chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp của tình yêu quê hương, cuộc sống, tình cảm gia đình và tình yêu trong sáng đầu đời. Để từ đó, ta thêm yêu cuộc sống, nâng niu hơn giá trị cuộc đời. Và bạn tâm đắc với điều gì nhất khi đọc “Con đường không chọn” của Rô-bớt Phờ-rót? Đó chính là sự nhận thức về cuộc đời của bản thân, không phải con đường của tác giả mà là con đường của chính bản thân bạn. Nhờ đó, chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn khi đứng trước những ngã rẽ cuộc đời, kiên trì hơn với mục tiêu của bản thân và có lòng tin vào chính mình. Như vậy, văn học không chỉ đem đến cho ta những cảm nhận mà còn khiến ta nhận thức được những bài học quý giá về cuộc đời. Đó chính là chức năng giáo dục thẩm mỹ của văn học. Và đối với tôi, chính những giá trị ấy làm nên cái hay của một tác phẩm. Đúng như nhà văn Nam Cao từng nói: “Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho tất cả loài người. Nó phải chứa đựng nột cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi, nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bằng…Nó làm cho người gần người hơn”. Hay nhà văn Nguyễn Khải cũng từng nhận định: “Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được run lên ở các cung bậc và tình cảm chứ không phải là tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Có thể nói, tình cảm của người viết là khâu đầu tiên và là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng một tác phẩm như thế nào”
Như vậy, một tác phẩm văn học có giá trị khi nó khơi lên trong lòng bạn đọc sự trăn trở, suy tư và rút ra được những bài học kinh nghiệm về con người, cuộc đời. Vì vậy, tôi mong rằng bạn hãy nâng niu những cuốn sách, những tác phẩm mà người nghệ sĩ đã cố công tạo ra nó. Hãy đọc, cảm nhận và sống cùng nó để thấy rằng… văn chương thật đẹp biết nhường nào!