Xem toàn bộ tài liệu Lớp 7 – Chân Trời Sáng Tạo: tại đây
* Tục ngữ
Tục ngữ là một trong những thể loại sáng tác dân gian. Về nội dung, tục ngữ thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về thiên nhiên, lao động sản xuất, con người và xã hội. Về hình thức, tục ngữ có các đặc điểm:
– Thường ngắn gọn (câu ngắn nhất gồm 4 chữ, câu dài có thể trên dưới 16 chữ).
– Có nhịp điệu, hình ảnh.
– Hầu hết đều có vần và thường là vần lưng. Vần lưng trong tục ngữ có thể được gieo ở hai tiếng liền nhau (gọi là “vần sát”);
Ví dụ:
Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm.
Một điều nhịn, chín điều lành.
Hoặc gieo ở hai tiếng cách nhau (gọi là “vần cách”).
Ví dụ:
Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng.
Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông.
– Thường có hai vế trở lên. Các vế đối xứng nhau cả về hình thức lẫn nội dung.
Ví dụ: Mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa.
– Thường đa nghĩa nhờ sử dụng các biện pháp tu từ, nhất là tục ngữ về con người và xã hội.
* Đặc điểm và chức năng của thành ngữ, tục ngữ
Thành ngữ là một tập hợp từ cố định. Nghĩa của thành ngữ không phải là phép cộng đơn giản của các từ cấu tạo nên nó mà là nghĩa của cả tập hợp từ, thường có tính hình tượng và biểu cảm.
Ví dụ: Chậm như rùa, đen như cột nhà cháy,…
Khi được sử dụng trong giao tiếp (nói hoặc viết), thành ngữ làm cho lời nói, câu văn trở nên giàu hình ảnh và cảm xúc. Thành ngữ có thể làm thành một bộ phận của câu hay thành phần phụ trong các cụm từ. Ví dụ: Chậm như rùa làm thành một bộ phận của câu Nó lúc nào cũng chậm như rùa.
Khác với thành ngữ, mỗi câu tục ngữ diễn đạt trọn vẹn một ý (một nhận xét, một kinh nghiệm). Ví dụ: Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Tục ngữ được sử dụng chủ yếu nhằm tăng thêm độ tin cậy, sức thuyết phục về một nhận thức hay một kinh nghiệm.
* Nói quá, nói giảm nói tránh
Nói quá là biện pháp phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả nhằm nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm cho sự diễn đạt.
Ví dụ: Câu tục ngữ Thuận bè thuận bạn tát cạn biển Đông dùng biện pháp nói quá (tát cạn biển Đông) để tăng sức biểu cảm cho sự diễn đạt.
Nói giảm nói tráng là biện pháp dùng cách diễn đạt tế nhị, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự.
Ví dụ: Chẳng ai muốn thấy một “cao thủ dế” qua đời bằng cách đó.
(Nguyễn Nhật Ánh, Tuổi thơ tôi)
Ví dụ trên sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh (dùng “qua đời” thay cho “chết”) để tránh gây cảm giác quá đau buồn, nặng nề.