Bài 8: Nét đẹp văn hóa Việt (văn bản thông tin)

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 7 – Chân Trời Sáng Tạo: tại đây

* Văn bản thông tin giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động: cấu trúc và đặc điểm hình thức

Tiếp nối bài Từng bước hoàn thiện bản thân, ở bài học này, em sẽ được tìm hiểu thêm về cấu trúc và đặc điểm của loại văn bản thông tin giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động.

Về cấu trúc, loại văn bản này thường có 3 phần:

Phần 1: Giới thiệu mục đích của quy trình thực hiện trò chơi hay hoạt động bằng một đoạn văn hoặc nhan đề bài viết (tên quy trình) (Ví dụ: Cách đọc sách hiệu quả,…).

Phần 2: Liệt kê những gì cần chuẩn bị trước khi thực hiện trò chơi hay hoạt động.

Phần 3: Trình bày các bước cần thực hiện. Đối với trò chơi, đó là quy tắc, luật lệ, hướng dẫn cách chơi; đối với các hoạt động khác đó là thứ tự các bước thực hiện hoạt động.

Một số văn bản có thể có thêm phần giải thích sự cần thiết của mỗi bước thực hiện.

Về đặc điểm hình thức: loại văn bản này thường sử dụng các con số (1,2,3,…), từ ngữ chỉ thời gian (đầu tiên, tiếp theo, sau cùng,…) hoặc chỉ thứ tự (thứ nhất, thứ hai,…) để giới thiệu trình tự thực hiện; dùng từ ngữ miêu tả chi tiết cách thức hành động và một số thuật ngữ liên quan; sử dụng câu chứa nhiều động từ, câu khiến để chỉ hành động hoặc yêu cầu thực hiện; dùng hình ảnh minh họa, sơ đồ chỉ dẫn, đề mục để tóm tắt thông tin chính; từ xưng hô ngôi thứ hai (ví dụ: bạn,…) để chỉ người đọc.

* Cách triển khai ý tưởng và thông tin trong văn bản thông tin

Văn bản thông tin có thể triển khai ý tưởng và thông tin theo một số cách sau: theo trật tự thời gian (trình bày thông tin theo thứ tự xuất hiện của sự vật, hiện tượng hay hoạt động); theo quan hệ nhân quả (trình bày thông tin theo quan hệ ý nghĩa nhân quả bằng một số từ ngữ như: lí do (của)…, nguyên nhân (của)…, vì, nên, do đó,…); theo mức độ quan trọng của thông tin (thông tin chính được ưu tiên trình bày trước hoặc được làm nổi bật bằng cách in đậm, tô màu, hạch dưới hoặc lặp đi lặp lại,…).

Khi viết, người viết có thể kết hợp nhiều cách triển khai ý tưởng và thông tin, nhưng thường chọn một cách triển khai chính để làm nổi bật thông tin. Trong văn bản thông tin giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động, người viết thường chọn cách triển khai ý tưởng và thông tin theo trật tự thời gian để làm rõ quy tắc hoặc luật lệ của trò chơi qua việc trình bày thứ tự các bước cần thực hiện.

* Số từ 

Số từ là những từ chỉ số lượng và số thứ tự của sự vật.

Khi biểu thị số lượng sự vật, số từ thường đứng trước danh từ. Số từ chỉ số lượng bao gồm: số từ chỉ số lượng chính xác (ví dụ: hai, ba, bốn,…), số từ chỉ số lượng ước chừng (ví dụ: vài, mươi, dăm,…)

Ví dụ:

– Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc.

(Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí)

– Đã dậy chưa hả trầu?

Tao hái vài lá nhé

Cho bà và cho mẹ

Đừng lụi đi trầu ơi!

(Trần Đăng Khoa, Đánh thức trầu)

Khi biểu thị số thứ tự của danh từ, số từ thường đứng sau danh từ, chẳng hạn như: nhà mười bảy, phòng số sáu, bàn thứ ba,…

Ví dụ:

Muốn thắng được Lợi, phải kiếm được một con dế lửa thứ hai, chiến hơn, lì hơn, ngon hơn. 

(Nguyễn Nhật Ánh, Tuổi thơ tôi)

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4 / 5. Số lượt đánh giá: 1053

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống