Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10: tại đây
I. Mục đích, yêu cầu tóm tắt văn bản thuyết minh.
– Tóm tắt văn bản thuyết minh là dùng lời văn của mình giới thiệu một cách ngắn gọn những nội dung chính của văn bản trong quá trình thuyết minh.
– Mục đích:
+ Hiểu và ghi nhớ những nội dung cơ bản của bài văn.
+ Giới thiệu với người khác về đối tượng thuyết minh hoặc về văn bản đó.
– Yêu cầu:
+ Văn bản tóm tắt cần ngắn gọn, rành mạch.
+ Sát với nội dung cơ bản của văn bản gốc.
II. Cách tóm tắt một văn bản thuyết minh
Câu 1 (trang 69 – 70 sgk Ngữ văn 10 Tập 2):
Đọc và tóm tắt văn bản “Nhà sàn”
a. Đối tượng thuyết minh: Nhà sàn.
– Đại ý: bài văn thuyết minh về kiến trúc, nguồn gốc và những tiện ích của nhà sàn.
b. Bố cục: 3 phần
+ Phần 1: (từ đầu… văn hóa cộng đồng) nêu định ngĩa và mục đích sử dụng của nhà sàn.
+ Phần 2: (tiếp đến… nhà sàn) thuyết minh về cấu tạo, nguồn gốc và công dụng của nhà sàn.
+ Phần 3: (còn lại) đánh giá, ngợi ca vẻ đẹp của nhà sàn.
c. Văn bản tóm tắt (mẫu):
Nhà sàn là công trình kiến trúc có mái che, dùng với nhiều mục đích khác nhau. Người ta sử dụng vật liệu tự nhiên để xây dựng nhà sàn theo kết cấu ba phần: gầm sàn (nhà kho và nuôi gia súc); trong nhà (ba khoang để sinh hoạt và tiếp khách); đầu nhà (có bậc thang lên xuống). Nhà sàn xuất hiện vào đầu thời đại Đá mới, đặc biệt phổ biến ở miền núi Việt Nam và Đông Nam Á, thích hợp với địa hình phức tạp. Nhà sàn tận dụng được nguyên liệu tại chỗ, giữ vệ sinh và phòng ngừa động vật gây hại. Nhiều công trình còn mang dấu ấn nhà sàn. Ở nước ta, nhà sàn đạt trình độ thẩm mĩ cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng và có tiềm năng du lịch.
Câu 2 (trang 70 sgk Ngữ văn 10 Tập 2):
Cách tóm tắt văn bản thuyết minh 4 bước:
Bước 1: Xác định mục đích – yêu cầu.
Bước 2: Đọc văn bản gốc để tìm bố cục, dữ liệu (có thể gạch dưới những ý quan trọng lướt qua những tư liệu, số liệu không quan trọng).
Bước 3: Diễn đạt các nội dung tóm tắt thành câu, đoạn và bài đáp ứng yêu cầu của văn bản.
Bước 4: Kiểm tra lại.
III. Luyện tập
Câu 1 (trang 71 sgk Ngữ văn 10 Tập 2):
Văn bản: Phần Tiểu dẫn bài “Thơ hai-cư của Ba-sô”.
– Đối tượng: Nhà thơ Ba-sô và thơ hai – cư.
– Bố cục: 2 phần
+ Đoạn 1: Thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Ba-sô.
+ Đoạn 2: Thuyết minh về thơ hai-cư.
– Nội dung: Tứ thơ, tinh thần, cảm xúc trong thơ.
– Nghệ thuật:
+ Hình thức câu thơ, ngôn ngữ thơ.
+ Giá trị của thơ hai-cư.
– Đoạn văn tóm tắt về thơ hai-cư (mẫu):
Thơ hai-cư là thể thơ truyền thống của Nhật Bản. Về hình thức nghệ thuật, thơ hai-cư có số từ vào loại ít nhất, 17 âm tiết, ngắt làm 3 đoạn theo thứ tự 5-7-5 âm ; ngôn ngữ thơ chỉ gợi chứ không tả, chứa nhiều khoảng trống cho trí tưởng tượng độc giả. Về nội dung, mỗi bài thơ hai-cư có một tứ thơ nhất định, được xác định bằng “quý ngữ” (từ chỉ mùa), thấm đẫm tinh thần Thiền tông và văn hóa phương Đông. Thơ hai – cư là một trong những đóng góp lớn của Nhật Bản vào kho tàng văn hóa nhân loại.
Câu 2 (trang 72 – 73 sgk Ngữ văn 10 Tập 2):
Văn bản “Đền Ngọc Sơn và hồn thơ Hà Nội”
a.
– Đối tượng thuyết minh: Thắng cảnh (Tháp Bút, Đài Nghiên).
– Nội dung thuyết minh: Thuyết minh kết hợp biểu cảm.
– Vị trí đoạn giới thiệu cảnh Tháp Bút – Đài Nghiên: “Đến thăm đền Ngọc Sơn….tinh thần của Đạo Nho”.
– Văn bản này thuyết minh về một thắng cảnh. So với các văn bản trước, văn bản này khác ở đối tượng (thắng cảnh) và ở một số nội dung.
b.
– Bố cục:
+ Đoạn 1: Thuyết minh về Tháp Bút.
+ Đoạn 2: Thuyết minh về Đài Nghiên.
+ Đoạn 3: Tinh thần Đạo Nho của thắng cảnh.
Đoạn văn tóm tắt:
Đến thăm đền Ngọc Sơn, hình tượng kiến trúc đầu tiên gây ấn tượng là Tháp Bút, Đài Nghiên. Tháp Bút dựng trên núi Ngọc Bội, đỉnh tháp có ngọn bút trỏ lên trời xanh, trên mình tháp là ba chữ “tả thanh thiên” (viết lên trời xanh) đầy kiêu hãnh. Cạnh Tháp Bút là cổng Đài Nghiên. Gọi là “Đài Nghiên” bởi cổng này là hình tượng “cái đài” đỡ nghiên mực hình trái đào tạc bằng đá, đặt trên đầu ba chú ếch với thâm ý sâu xa “ao nghiên ruộng chữ”. Phía sau Đài Nghiên là cầu Thê Húc nối sang Đảo Ngọc – nơi tọa lạc ngôi đền thiêng giữa rì rào sóng nước.