Xem toàn bộ tài liệu Lớp 11: tại đây
Tóm tắt
Văn bản là hồi V (Một cung cấm) của vở bi kịch lịch sử “Vũ Như Tô” của tác giả Nguyễn Huy Tưởng. Hồi V cũng là hồi cuối cùng của vở kịch. Ở hồi này, mâu thuẫn giữa dân chúng, những người bị bắt làm phu phen khổ sai và tầng lớp phong kiến, vua chúa ngày càng gay gắt. Lợi dụng điều đó, Quận công Trịnh Duy Sản – kẻ cầm đầu phe đối lập trong triều đình – đã dấy binh nổi loạn, lôi kéo thợ làm phản, giết chết cả Lê Tương Dực, Vũ Như Tô và Đan Thiềm. Còn Đài Cửu Trùng thì bị đập phá, thiêu hủy.
Bố cục
Phần 1 (từ lớp I đến lớp VI): Cuộc trò chuyện giữa Vũ Như Tô với Đan Thiềm, cung nữ và nội giám, Vũ Như Tô bàng hoàng nhận ra bi kịch đang cận kề.
Phần 2 (từ lớp VII đến lớp IX): Quân phản loạn đốt Cửu Trùng Đài và kết án Vũ Như Tô.
Câu 1 (trang 193 SGK Ngữ văn 11 tập 1):
Hồi V thể hiện hai mẫu thuẫn cơ bản:
– Mâu thuẫn giữa nhân dân lao động với tầng lớp phong kiến.
– Mâu thuẫn giữa Vũ Như Tô và những người phu phen bị bắt bớ, phu dịch để xây Cửu Trùng Đài ⇒ Mâu thuẫn giữa nghệ thuật thuần túy, cao siêu và đời sống hiện thực của con người.
Câu 2 (trang 193 SGK Ngữ văn 11 tập 1):
Vũ Như Tô:
+ Diễn biến tâm trạng: từ ngạc nhiên, bán tín bán nghi đến bàng hoàng và cuối cùng là suy sụp, đau khổ.
+ Tính cách: là người nghệ sĩ tài ba, hết lòng vì nghệ thuật, là người nghệ sĩ có nhân cách lớn, hoài bão lớn nhưng lại có phần mù quáng, sai lầm.
Đan Thiềm:
+ Diễn biến tâm trạng: Lo lắng cho Vũ Như Tô, đến hoảng sợ và cuối cùng là thất vọng, buông xuôi.
+ Tính cách là: là người biết quý trọng cái tài, cái đẹp, người thức thời, trọng tình nghĩa, phẩm chất thanh cao.
Câu 3 (trang 193 SGK Ngữ văn 11 tập 1):
+ Ở hồi cuối, mâu thuẫn giữa nghệ thuật cao siêu, vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh vẫn chưa được giải quyết dứt khoát. Vũ Như Tô đến tận lúc chết vẫn không nhận ra được bi kịch, mâu thuẫn mà mình mắc phải, vẫn đinh ninh mình vô tội, thà chết chứ không nhận sai.
+ Cách xử lý tình huống của tác giả đã phần nào giải quyết được mâu thuẫn ấy: hai điều đối nghịch đó không thể cùng lúc tồn tại, nên Đài Cửu Trùng bị phá, Vũ Như Tô thì bị giết.
Câu 4 (trang 193 SGK Ngữ văn 11 tập 1):
Đặc sắc nghệ thuật:
+ Ngôn ngữ kịch điêu luyện, giàu màu sắc cổ điển, thể hiện cảm xúc cao độ.
+ Khắc họa nhân vật (số phận, tính cách, tâm tư, suy nghĩ) thông qua ngôn ngữ, hành động.
+ Xây dựng xung đột kịch có cao trào, thắt nút.
Luyện tập
Câu hỏi (trang 193 SGK Ngữ văn 11 tập 1):
+ Lời đề tựa chính là sự băn khoăn, trăn trở trong tư tưởng của tác giả.
+ Tác giả vẫn chưa thể giải quyết triệt để mâu thuẫn giữa nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh.
+ Lời đề tựa đã nêu lên một tư tưởng quan trọng về mối quan hệ giữa văn chương và đời sống: văn chương ngoài bản thân nghệ thuật còn phải gắn bó với đời sống.
Ý nghĩa
Qua tấn bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả đã đặt ra những vấn đề sâu sắc, có ý nghĩa muôn thuở về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống, giữa lí tưởng nghệ thuật cao siêu, thuần túy với lợi ích thiết thân và trực tiếp của nhân dân,…
Đoạn trích cũng đã thể hiện những đặc sắc về nghệ thuật kịch của Nguyễn Huy Tưởng.