Xem toàn bộ tài liệu Lớp 12: tại đây
Câu 1 (trang 182 sgk Ngữ văn 12 Tập 2):
Các kiểu văn bản đã học trong chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông:
– Tự sự: trình bày các sự việc (sự kiện) có quan hệ nhân quả dẫn đến kết cục nhằm biểu hiện con người, đời sống, tư tưởng, thái độ,…
– Thuyết minh: Trình bày thuộc tính, nguyên nhân, kết quả của sự vật, hiện tượng, vấn đề…nhằm giúp người đọc có tri thức và thái độ đúng đắn với đối tượng được thuyết minh.
– Nghị luận: trình bày tư tưởng quan điểm, nhận xét, đánh giá,… đối với các vấn đề xã hội hoặc văn học qua các luận điểm, luận cứ, lập luận có tính thuyết phục.
Ngoài ra còn có các loại văn bản khác: văn bản báo chí, văn bản hành chính,văn bản tổng kết, bản tin,…
Câu 2 (trang 182 sgk Ngữ văn 12 Tập 2):
Để viết được một văn bản, cần thực hiện:
– Tìm hiểu đề, xác định được yêu cầu bài viết.
– Tìm và chọn ý cho bài văn.
– Lập dàn ý.
– Viết văn bản theo dàn ý đã xác định.
– Đọc lại và hoàn chỉnh bài viết.
Câu 3 (trang 182 sgk Ngữ văn 12 Tập 2):
a. Đề tài cơ bản của văn nghị luận trong nhà trường:
– Nghị luận về tư tưởng đạo lí.
– Nghị luận về một hiện tượng đời sống (nghị luận xã hội).
– Nghị luận về một tác phẩm hoặc một đoạn trích.
– Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học.
Điểm chung | Điểm khác biệt |
+ Đều trình bày tư tưởng, quan điểm, nhận xét đánh giá… đối với các vấn đề nghị luận. + Đều sử dụng các yếu tố lập luận có tính thuyết phục. |
+ Đối với đề bài nghị luận xã hội, người viết cần có vốn sống, vốn hiểu biết thực tế, hiểu biết xã hội phong phú, sâu sắc,… + Đối với đề bài nghị luận văn học: người viết cần phải nắm chắc kiến thức văn học, cảm thụ tác phẩm,… |
b. Lập luận trong văn nghị luận
– Lập luận gồm: Luận điểm, luận cứ và phương pháp lập luận.
+ Luận điểm là ý kiến thể hiện quan điểm của người viết đối với vấn đề nghị luận.
+ Luận cứ là những lí lẽ, dẫn chứng để soi sáng cho luận điểm.
+ Phương pháp lập luận là cách xây dựng, sắp xếp luận cứ theo một hệ thống khoa học, chặt chẽ để làm sáng tỏ luận điểm.
– Yêu cầu cơ bản và các xác định luận cứ cho luận điểm: Luận cứ phải tiêu biểu, chính xác, đầy đủ và được sắp xếp, phân tích, lí giải hợp lí, thuyết phục.
– Các thao tác lập luận: giải thích, chứng minh, bình luận, phân tích, so sánh, bác bỏ.
– Khi lập luận cần tránh:
+ Luận điểm không rõ ràng, chính xác.
+ Luận cứ không đầy đủ, không tiêu biểu.
+ Cách lập luận thiếu thuyết phục…
c. Bố cục của bài văn nghị luận
– Mở bài có vai trò nêu vấn đề nghị luận, định hướng cho bài nghị luận và thu hút sự chú ý của người đọc (người nghe).
+ Yêu cầu của mở bài: thông báo chính xác, ngắn gọn về đề tài, hưởng người đọc (người nghe) vào đề tài một cách tự nhiên, gợi sự hứng thú với vấn đề được trình bày trong văn bản.
+ Cách mở bài: Có thể nêu vấn đề một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
– Thân bài: là phần chính của bài viết. Nội dung cơ bản của phần thân bài là triển khai vấn đề thành các lập luận điểm, luận cứ với cách sử dụng các phương pháp lập luận thích hợp.
+ Các nội dung trong phần thân bài phải được sắp xếp một cách có hệ thống, các nội dung phải có quan hệ lôgic chặt chẽ.
+ Giữa các đoạn trong thân bài phải có sự chuyển ý để đảm bảo sự liên kết giữa các ý.
– Kết bài có vai trò tổng kết vấn đề đã đặt ra ở mở bài và phát triển ở thân bài đồng thời khơi gợi suy nghĩ, tình cảm ở người đọc.
d. Diễn đạt trong văn nghị luận
– Yêu cầu:
+ Chặt chẽ, thuyết phục cả về lí trí và tình cảm.
+ Cách dùng từ, viết câu chính xác, linh hoạt.
+ Giọng văn sinh động thích hợp với nội dung biểu đạt.
Luyện tập
Đề 1:
– Xô – cơ – rát sẽ nói với người khách: “Vậy tôi không có lí do gì để nghe câu chuyện của anh đâu”
– Bình luận về bài học rút ra từ câu chuyện:
Câu chuyện phê phán những kẻ hay đi nói xấu người khác, đồng thời làm nổi bật sự thông minh, hóm hỉnh của Xô- cơ- rát. Câu chuyện cũng khuyên chúng ta cần có thái độ, cách ứng xử hợp lí trong đời sống, đừng bao giờ làm kẻ ngồi lê đôi mách, nói những điều vô giá trị không cần thiết cho người khác.
Đề 2:
Phân tích đoạn thơ
“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần đất nước
….
Làm nên đất nước muôn đời”
Gợi ý:
A. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và đoạn trích
B. Thân bài
1. Hoàn cảnh ra đời và vị trí đoạn trích.
2. Khái quát nội dung của phần 1: cảm nhận sâu sắc và mới mẻ về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
3. Phân tích đoạn trích: ý thức, trách nhiệm của mỗi người đặc biệt là thế hệ trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất nước”
– Xưng hô anh – em tha thiết
– Tác giả khẳng định Đất nước có trong mỗi cá nhân, trong mỗi con người. Đất nước không ở đâu xa lạ mà chính là sự kết tinh, hóa thân trong cuộc sống con người.
Do vậy trong mỗi con người cần phải gánh vác trách nhiệm xây dựng và bảo vệ đất nước, để đất nước được trường tồn mãi mãi.
– Vẻ đẹp của Đất nước còn được khẳng định ở trách nhiệm gìn giữ nguồn cội và phải biết đoàn kết.
“Khi hai đứa cầm tay
…
Đất nước vẹn tròn, to lớn.
-“Cầm tay” là một biểu tượng của tình yêu tha thiết, của tình đoàn kết dân tộc. Cái “tôi” riêng cá nhân hòa vào cái “ta” chung cộng đồng. Như vậy cá nhân không thể tách rời khối đại đoàn kết dân tộc, số phận của một cá nhân gắn bó với vận mệnh của cả dân tộc.
– Mạch cảm xúc hướng tới tương lai với niềm nhắn nhủ giáo dục thế hệ trẻ:
“Mai này…
Làm nên đất nước muôn đời”
– Gửi gắm một niềm tin thế hệ măng non sẽ làm cho đất nước đi lên sánh vai với cường quốc năm châu.
– Từ những suy nghĩ đó nhà thơ đã lên tiếng kêu gọi ý thức trách nhiệm mỗi cá nhân hi sinh phục vụ cho đất nước.
– “Em ơi em” nhỏ nhẹ, trìu mến: khẳng định đất nước là máu sương, là vận mệnh, là sự sống của con người, vận mệnh của đất nước là vận mệnh của chính mỗi cá nhân.
– Điệp từ “phải biết” vừa là lời kêu gọi, vừa là lời thúc giục từ trái tim chính là sự tự nguyện, cống hiến hi sinh tuổi thanh xuân, tính mạng để tạo nên đất nước muôn đời.
C. Kết bài
– Khẳng định lại giá trị của đoạn thơ và tài năng của tác giả.