Xem toàn bộ tài liệu Lớp 7: tại đây
A. Soạn bài Một thứ quà của lúa non: Cốm (cực ngắn)
Câu 1 (trang 162 sgk Ngữ văn 7 Tập 1):
– Bài tùy bút nói về Cốm.
– Tác giả sử dụng các phương thức miêu tả, thuyết minh, biểu cảm, bình luận. Phương thức chủ yếu là biểu cảm.
– Bố cục: 3 phần
+ Phần 1: Từ đầu đến “thuyền rồng”: Nguồn gốc của cốm
+ Phần 2: Tiếp đến “nhũn nhặn”: Giá trị của cốm
+ Phần 3: Còn lại: Cách thưởng thức cốm
Câu 2 (trang 162 sgk Ngữ văn 7 Tập 1):
– Tác giả đã mở đầu bài viết về Cốm bằng những hình ảnh chi tiết:
+ Hương thơm của lá sen trong cơn gió mùa hè.
+ Hương thơm mát của bông lúa trên cánh đồng xanh
– Cảm giác về hương thơm của lá sen, về màu xanh của cánh đồng, về mùi thơm mát của lúa non, giọt sữa trắng thơm trong hạt lúa phảng phất hương vị của ngàn hoa cỏ… đã tạo nên tính biểu cảm của đoạn văn.
Câu 3 (trang 162 sgk Ngữ văn 7 Tập 1):
– Theo tác giả, dùng hồng, cốm làm lễ vật Sêu tết rất thích hợp và có ý vị sâu xa
– Nhà văn phân tích sự hòa hợp, tương xứng ấy trên hai phương diện màu sắc và hương vị.
Câu 4 (trang 162 sgk Ngữ văn 7 Tập 1):
Nhận xét trên của tác giả nói về ý nghĩa và giá trị của cốm, đoạn văn ngắn gọn nhưng có tính khái quát cao, thể hiện sự đánh giá vô cùng tinh tế và chính xác của tác giả.
– Cốm là thứ quà rất độc đáo, gần gũi, gắn bó với cuộc đời làm nông của người dân.
– Là lễ phẩm cánh đồng dâng tặng con người với vị lúa, mọt thứ hương mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng nội
– Cốm không còn là món quà vặt mà đã trở thành lễ phẩm dâng lên tổ tiên
Câu 5 (trang 162 sgk Ngữ văn 7 Tập 1):
Sự tinh tế khi thưởng thức món quà bình dị này thể hiện ở chỗ:
+ Ăn cốm không thể nào ăn vội, vừa ăn thong thả, vừa ngẫm nghĩ.
+ Mua cốm là nâng đỡ, vuốt ve, kính trọng lộc trời, công sức của con người.
+ Mua cốm một cách có văn hoá thì thưởng thức sẽ trang nhã, ngon hơn và đẹp hơn.
Câu 6 (trang 162 sgk Ngữ văn 7 Tập 1):
– Trong đoạn văn đầu tiên của bài, tác giả đã huy động nhiều giác quan đặc biệt là khứu giác để cảm nhận cho hết hương thơm thanh khiết của cánh đồng lúa của lá sen và lúa non.
– Phải là người có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, tỉ mỉ và kĩ lưỡng thì tác giả mới có được sự quan sát và nhận xét như thế.
Luyện Tập
Sưu tầm một số câu thơ, ca dao có nói đến cốm.
Nếu em lòng dạ đối thay
Cốm này bị mốc, hồng này long tai.
(Ca dao)
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)
B. Tác giả
– Thạch Lam (1910-1942) sinh ra tại Hà Nội, tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi là Nguyễn Tường Lân, là nhà văn nổi tiếng, thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn trước cách mạng tháng Tám năm 1945.
– Ông có sở trường về truyện ngắn và là một cây bút tinh tế, nhạy cảm, đặc biệt trong khi khai thác thế giới cảm xúc, cảm giác của con người.
C. Tác phẩm
a. Xuất xứ
– Bài “Một thứ quà của lúa non: Cốm” rút từ tập “Hà Nội băm sáu phố phường” (1943), tập tùy bút viết về cảnh sắc và phong vị của Hà Nội.
b. Thể loại
– Thể tùy bút
c. Bố cục (3 phần)
– Phần 1 (từ đầu đến “hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng…”): Hương thơm lúa non gợi nhớ đến cốm và nguồn gốc của cốm.
– Phần 2 (tiếp đó đến “vẻ cao quý kín đáo và nhũn nhặn?”): Phát hiện và ngợi ca giá trị của cốm.
– Phần 3 (còn lại): Bàn về cách thưởng thức cốm.
d. Giá trị nội dung và nghệ thuật
– Giá trị nội dung:
“Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ”. Bằng ngòi bút tinh tế, nhạy cảm và tấm lòng trân trọng, tác giả đã phát hiện được nét đẹp văn hóa dân tộc trong thứ sản vật giản dị mà sâu sắc ấy.
– Giá trị nghệ thuật:
+ Lời văn trang trọng, tinh tế, giàu cảm xúc và tràn đầy chất thơ.
+ Các chi tiết gợi nhiều liên tưởng, kỉ niệm.
+ Sáng tạp trong lời văn, xen kẽ kể và tả với giọng điệu chậm rãi, ngẫm nghĩ mang nặng tính chất tâm tình, nhắc nhở nhẹ nhàng.