Xem toàn bộ tài liệu Lớp 7 – Chân Trời Sáng Tạo: tại đây
* Một số điểm cần lưu ý khi làm một bài thơ:
– Thể hiện cách nhìn, cách cảm nhận, … của người viết về cuộc sống.
– Sử dụng từ ngữ, hình ảnh phù hợp để thể hiện cách nhìn, cảm xúc của bản thân về cuộc sống.
– Sử dụng các biện pháp tu từ phù hợp để tạo nên những liên tưởng độc đáo, thú vị. – Gieo vần, ngắt nhịp một cách hợp lí để làm tăng giá trị biểu đạt của ngôn từ.
– Đặt nhan đề phù hợp với nội dung văn bản.
– Đảm bảo đủ số chữ (bốn chữ hoặc năm chữ) ở các dòng thơ theo yêu cầu của thể loại.
* Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản:
Văn bản: Nắng hồng (Bảo Ngọc)
Câu 1 (trang 23 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):
Bài thơ được viết theo thể thơ nào?
Trả lời:
Thể thơ năm chữ
Câu 2 (trang 23 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):
Để miêu tả bức tranh sống động của mùa đông, tác giả đã dùng những hình ảnh và biện pháp nghệ thuật nào?
Trả lời:
– Những hình ảnh miêu tả bức tranh sống động của mùa đông:
+ Mặt trời trốn đi đâu
+ Cây khoác tấm áo nâu
+ Áo trời… xám ngắt
+ Se sẻ giấu… núp sâu…
+ Chị ong chăm chỉ… không đến…
+ Mưa phùn giăng đầy ngõ
+ Khói lên trời đung đưa
+ Màn sương ôm dáng mẹ
+ Áo choàng… như đốm nắng
…
→ Các biện pháp tu từ được sử dụng và nhân hoá, so sánh và ẩn dụ
Câu 3 (trang 23 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):
Vì sao khi sáng tác thơ, văn, cần sử dụng biện pháp nhân hoá, so sánh để miêu tả sự vật, hiện tượng?
Trả lời:
Vì khi sử dụng các biện pháp tu từ, tác giả không chỉ miêu tả được thế giới sự vật, hiện tượng được ấn tượng, sinh động, hấp dẫn, độc đáo, tạo ra được nét riêng trong cảm nhận, khiến thế giới ấy trở nên có hồn… mà còn góp phần giúp diễn đạt được giàu hình ảnh, giàu sức gợi tả và cảm xúc hơn…
Câu 4 (trang 23 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):
Làm thơ không phải là chỉ miêu tả sự vật, hiện tượng mà còn phải thể hiện cảm xúc và cách nhìn mới lạ, thú vị về cuộc sống. Hai khổ thơ cuối có thể hiện các đặc điểm đó không?
Trả lời:
Có. Vì đến hai khổ thơ này, tác giả đã không chỉ đơn thuần miêu tả lại những hình ảnh sống động của thiên nhiên ngày đông lạnh giá mà còn giúp bạn đọc tìm lại cái ấm áp của “giọt nắng hồng” mùa xuân qua hình ảnh người mẹ đi chợ về. Hình ảnh quen thuộc ở mọi miền quê: “Màn sương ôm dáng mẹ/ Chợ xa đang về rồi/ Chiếc áo choàng màu đỏ/ Như đốm nắng đang trôi”. Trong tay chiếc áo choàng màu đỏ bình dị đó là tình thương yêu vô bờ bến của người mẹ dành cho con mình, cơ man nào là quà bánh dành cho bé mỗi lần mẹ đi chợ về. Nó làm ấm lòng bé mỗi khi nhìn thấy vóc dáng mẹ xuất hiện từ xa tựa như đốm nắng mùa xuân giữa trời đông lạnh giá. Khổ thơ này và khổ cuối nhà thơ Bảo Ngọc dùng ngôn ngữ thơ với vài nét phác họa để làm đậm nét thêm hình tượng của người mẹ. Cái cốt lõi nhất và cũng là điều mong ước nhất của nhà thơ là muốn nhắn nhủ với các em rằng mẹ là cả một mùa xuân nồng ấm khi có mẹ thì mùa đông không còn đáng sợ nữa và nó cũng tự biết phải lùi xa: “Mẹ bước chân đến cửa/ Mang theo giọt nắng hồng/ Trong nụ cười của mẹ/ Cả mùa xuân sáng bừng”.
Câu 5 (trang 23 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):
Trong bài thơ này, tác giả đã sử dụng những loại vần nào?
Trả lời:
– Vần chân (gieo ở các tiếng cuối các dòng thơ): đâu – nâu, ngắt – hát, nhà – hoa, ngõ – mờ – nhỏ , lửa – đưa – cửa, đầy – tay,…
– Vần lưng (gieo ở các tiếng giữa các dòng thơ): giấu – sâu, trong – cóng, đang – choàng,…
Câu 6 (trang 23 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):
Từ cách viết của tác giả trong bài thơ trên, em học được điều gì về cách làm một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ?
Trả lời:
Thơ bốn chữ là thể thơ đơn giản nhất, tuy nhiên, nếu người viết không biết vận dụng ngôn từ một cách khéo léo thì rất dễ trở thành 1 bài vè. Bởi vậy, thơ 4 chữ là thể thơ dễ làm nhưng khó hay.
Thơ 4 chữ thể thơ khá đơn giản về về niêm luật. Để cho bài thơ có âm điệu ta chỉ cần chú ý đôi chút đến luật bằng trắc ở chữ thứ 2 và chữ thứ 4 trong câu. Nếu chữ thứ 2 là 1 thanh bằng (B) thì chữ thứ 4 là thanh trắc (T) và ngược lại, nếu chữ thứ 2 là thanh trắc thì chữ thư 4 là bằng. Tuy nhiên, đôi khi để tạo điểm nhấn cho bài thơ cũng như tạo hình tượng nghệ thuật, các nhà thơ đôi khi cũng không tuân thủ theo đúng quy luật của thể thơ.
Chú ý gieo vần cho bài thơ bằng cách sử dụng các từ ngữ có vần giống hoặc gần giống nhau ở các vị trí phù hợp (cuối các câu, giữa các câu thơ).
Sử dụng các biện pháp tu từ phù hợp để miêu tả các đối tượng trong bài thơ
Sử dụng ngôn từ, hình ảnh độc đáo, ấn tượng, mới mẻ để gợi tả âm thanh, hình ảnh, màu sắc…
* Hướng dẫn quy trình viết
Đề bài (trang 24 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):
Bước 1: Trước khi viết
– Đọc lại những bài thơ ở phần Đọc để học cách nhìn, cách cảm nhận cuộc sống của các nhà thơ.
– Ngắm nhìn những hình ảnh của cuộc sống quanh em: …
– Em xác định:
+ Mục đích viết bài này là gì?
→ thể hiện cảm xúc của em về một sự vật, hiện tượng nào đó của thiên nhiên hoặc cuộc sống.
+ Người đọc bài này có thể là ai?
→ Các bạn trong lớp, thầy cô giáo, người thân trong gia đình,…
+ Nội dung và cách viết như thế nào?
→ Lựa chọn một sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên hoặc cuộc sống mà em thấy ấn tượng, muốn làm thơ về nó (một con thú cưng, một món đồ dùng quen thuộc, một món đồ kỉ niệm, một người người thân hoặc người bạn mà em yêu quý…)
→ Viết một bài thơ có bốn chữ trong mỗi câu để thể hiện cảm xúc của em về đối tượng mà em đã chọn: miêu tả để làm rõ đối tượng, thể hiện cảm xúc với đối tượng (yêu quý, trân trọng, biết ơn…)
Bước 2: Tìm ý tưởng cho bài thơ
– Tập trung vào một sự vật, hiện tượng đã để lại trong em ấn tượng, cảm xúc sâu sắc nhất.
– Liệt kê tất cả những ý tưởng, cảm xúc mà em có khi ngắm nhìn những hình ảnh của cuộc sống. Ví dụ: sức sống mãnh liệt của thiên nhiên, cảm xúc bâng khuâng về bước đi của thời gian trên chiếc lá, hoa phượng nở: đốm lửa của niềm vui ngày hè, niềm hạnh phúc trong nụ cười của cha, màu thời gian trên mái tóc của mẹ…
Bước 3: Làm thơ
– Thể hiện những ấn tượng, cảm xúc đó bằng những từ ngữ thích hợp.
– Chọn những từ ngữ gợi tả âm thanh, mùi vị, màu sắc, hình ảnh của sự vật, hiện tượng để thể hiện rõ nhất, chính xác nhất cảm xúc, ý tưởng của em.
– Dùng các biện pháp tu từ như nhân hoá, so sánh, ẩn dụ điệp từ, điệp ngữ, … để tăng hiệu quả thể hiện của bài thơ.
– Thay thế những từ ngữ đã viết bằng những từ ngữ khác có vần giống hoặc gần nhau để gieo vần cho bài thơ, ví dụ như: thanh, xanh, vơi, khơi, …
– Ngắt nhịp ở những vị trí phù hợp, đảm bảo thể hiện hiệu quả ý tưởng của em.
– Đọc diễn cảm các câu thơ đã viết, lắng nghe xem giọng điệu có phù hợp với cảm xúc mà em muốn thể hiện hay không.
* Bài thơ mẫu tham khảo:
Bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ thể hiện cảm xúc của em – mẫu 1
Thầy và cô giáo
Người em luôn bảo
Cha mẹ thứ hai
Đã luôn giúp đỡ,
Đã luôn quan tâm,
Đã luôn dạy bảo,
Chúng em nên người.
Trong thời thơ ấu,
Trong từng hơi thở,
Trong từng bước đi,
Có sự xuất hiện
Của thầy và cô
Cuộc đời nhà giáo
Đã rất vinh quang
Nhiều lúc gian nan
Nhưng rất vững vàng
Đã đào tạo ra
Những nhân tài quý
Dành tặng đất nước
Sự nghiệp trồng người
Thật là vẻ vang
Nhân ngày nhà giáo
Chúc các thầy cô
Luôn luôn mạnh khỏe
Đạt nhiều thành tích.
(Bài làm của học sinh)
Bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ thể hiện cảm xúc của em – mẫu 2
Về quê chơi
Thứ bảy tuần vừa rồi
Bố đưa em về quê
Về thăm ông bà nội
Nghe sao mà vui ghê.
Nhà ông vườn rộng lắm
Một vườn cây xum xuê
Nào mít, lựu đỏ thắm
Nhìn sao mà ngon ghê.
Cánh đồng rộng trải dài
Lúa xanh thơm mùi đòng
Em theo bước lũ trẻ
Cùng nhau chơi quay vòng.
Kỳ nghỉ dần đến hạn
Em quay về thành phố
Lòng man mác nhớ bạn
Nhủ lòng sẽ sớm gặp…
Bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ thể hiện cảm xúc của em – mẫu 3
Mùa xuân đi rồi
Nhiều hoa vắng mặt
Như chị hoa đào
Ra đi trước nhất
Các chị thược dược
Hoa cúc hoa hồng
Thảy đều lần lượt
Theo bước mùa xuân
Chỉ còn hàng cây
Đung đưa theo gió.
Bước 4: Chỉnh sửa và chia sẻ
– Đọc lại bài thơ bằng giọng điệu phù hợp. Sau đó, dùng bảng kiểm dưới đây để điều chỉnh hình thức và nội dung bài thơ:
Bảng kiểm hình thức và nội dung bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ
Phương diện |
Nội dung kiểm tra |
Đạt |
Chưa đạt |
Hình thức |
Bài thơ gồm có các dòng thơ bốn chữ hoặc năm chữ. |
|
|
Các dòng thơ chủ yếu được ngắt theo nhịp 2/2 (nếu là thơ bốn chữ); nhịp 3/2 hoặc 2/3 (nếu là thơ năm chữ). |
|
|
|
Sử dụng các từ có vần giống nhau hoặc gần nhau. |
|
|
|
Sử dụng một số biện pháp tu từ: so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, hoán dụ, điệp từ, điệp ngữ,…. |
|
|
|
Các từ ngữ trong bài thơ thể hiện được chính xác điều người viết muốn nói. |
|
|
|
Các hình ảnh trong bài thơ sống động, thú vị. |
|
|
|
Có độ dài tối thiểu: hai khổ thơ. |
|
|
|
Nội dung |
Bài thơ thể hiện được một trạng thái cảm xúc, một cách nhìn về cuộc sống. |
|
|
Nhan đề phù hợp với nội dung văn bản. |
|
|
– Sau khi kiểm xong, tiếp tục điều chỉnh bài thơ. Hoạt động này có thể được lặp đi lặp lại nhiều lần.
– Chia sẻ bài thơ với người thân trong gia đình, với bạn bè và với bất cứ ai mà em muốn.