Bài 9: Hòa điệu với tự nhiên

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 7 – Kết Nối Tri Thức: tại đây

* Viết bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động

– Bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động có mục đích thông tin về quy tắc hoặc luật lệ của trò chơi hay hoạt động đó. Văn bản 2 của phần Đọc thuộc loại này. 

– Hẳn em không thể quên nhiều trò chơi hay hoạt động đặc biệt đã theo suốt tuổi thơ của mình hoặc từng biết đến không ít trò chơi hay hoạt động độc đáo mang đậm bản sắc văn hoá từng vùng miền đất nước. Em hãy giới thiệu về một trò chơi hay hoạt động với mọi người bằng một bài văn thuyết minh,

* Yêu cầu đối với bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động:

– Giới thiệu được những thông tin cần thiết về trò chơi hay hoạt động (hoàn cảnh diễn ra, đối tượng tham gia). 

– Miêu tả được quy tắc hoặc luật lệ của trò chơi hay hoạt động, nêu rõ trình tự các bước cần thực hiện trong trò chơi hay hoạt động đó. 

– Nêu được vai trò, tác dụng của trò chơi hay hoạt động đối với con người. 

– Nêu được ý nghĩa của trò chơi hay hoạt động.

* Phân tích bài viết tham khảo

– Giới thiệu trò chơi: Chơi truyền

– Miêu tả quy tắc chơi: 

+ Số người tham gia trò chơi: 2 – 6 người chơi theo cặp, hoặc chơi luân phiên theo nhóm, hoặc chia đội.

+ Đồ vật dùng cho trò chơi: 10 que chuyền nhỏ, 1 quả tròn nặng

+ Cách chơi:

Người chơi tay cầm quả tung lên không trung, đồng thời nhặt que truyền đã được rải sẵn dưới đất, kịp để bắt quả khi rơi xuống.

Chơi từ bàn 1 đến 10, người chơi vừa tung quả, nhặt que chuyền, vừa đọc đồng dao

– Luật chơi: 

+ Khi đến lượt chuyền, ai không bắt được quả hay bắt que chuyền đúng sẽ mất lượt, đối phương sẽ được chơi.

– Tác dụng của trò chơi: 

+ Luyện sự khéo léo, nhanh tay, nhanh mắt, khả năng tính toán

+ Gắn kết, hòa đồng, củng cố tinh thần đồng đội

+ Mang đến sự vui vẻ

– Ý nghĩa của trò chơi:

+ Chơi chuyền thể hiện nét đẹp dân gian văn hóa người Việt.

* Thực hành viết theo các bước

1. Trước khi viết

a. Lựa chọn đề tài

– Em hãy nhớ lại những trò chơi hay hoạt động mà em biết hoặc từng tham gia. Ngày nay, có khá nhiều trò chơi hay hoạt động được tổ chức trong các sự kiện như đi dã ngoại, cắm trại,… 

– Em có thể thuyết minh về những trò chơi hay hoạt động đó. Em cũng có thể chọn những trò chơi dân gian mình đã tham gia hoặc thấy thích thú và muốn tìm hiểu.

– Gợi ý: Trò ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, chi chi chành chành, kéo co, ….

b. Tìm ý

Em hãy tìm ý cho bài viết bằng cách trả lời những câu hỏi dưới đây: 

– Trò chơi hay hoạt động đó thường diễn ra ở đâu?

– Trò chơi hay hoạt động đó dành cho lứa tuổi nào? 

– Hiện nay người ta có còn chơi trò chơi đó hay duy trì hoạt động đó nữa không? 

– Trò chơi hay hoạt động đó diễn ra như thế nào?

– Quy tắc của trò chơi hay hoạt động đó là gì? 

– Trò chơi hay hoạt động đó có tác dụng như thế nào đối với con người? 

– Ý nghĩa của trò chơi hay hoạt động đó là gì?

c. Lập dàn ý

a) Mở bài

– Giới thiệu về trò chơi dân gian bạn sẽ thuyết minh: kéo co, ô ăn quan, nhảy dây, trốn tìm,…

b) Thân bài

* Giải thích khái niệm:

– Trò chơi dân gian là những hoạt động vui chơi giải trí do quần chúng nhân dân sáng tạo ra và được lưu truyền tự nhiên qua nhiều thế hệ, phản ánh đời sống tinh thần, văn hóa của dân tộc.

– Trò chơi dân gian là hình thức sinh hoạt cộng đồng được nhân dân tiếp cận và gắn bó nhiều nhất, diễn ra mọi lúc, mọi nơi, không hạn định về mặt thời gian, không gian.

* Thuyết minh về một trò chơi cụ thể

– Tìm hiểu về nguồn gốc của trò chơi:

– Trò chơi ra đời khi nào, lấy cảm hứng từ đâu?

– Ngày nay trò chơi có còn phổ biến không hay được lưu giữ tại bảo tàng?

– Nêu những đặc điểm đặc trưng của trò chơi:

+ Số lượng người chơi

+ Độ tuổi thường chơi

+ Thời gian chuẩn bị

+ Thời gian chơi

+ Các kỹ năng cần thiết

– Các dịp tổ chức trò chơi (lễ hội, thi đấu…)

– Đối tượng tham gia trò chơi: độ tuổi, giới tính, …

– Giới thiệu về cách thức chơi và luật chơi

– Ý nghĩa của trò chơi dân gian:

+ Giải trí, tạo niềm vui cho con người

+ Là nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

c) Kết bài

– Khẳng định lại ý nghĩa của trò chơi dân gian trong đời sống tinh thần của con người.

2. Viết bài

Khi viết bài, em cần lưu ý:

– Kết hợp các thông tin em tham khảo được về trò chơi hay hoạt động và những trải nghiệm của riêng em (nếu có).

– Miêu tả quy tắc hoặc luật lệ của trò chơi hay hoạt động một cách chi tiết, rõ ràng. – Mỗi đặc điểm của trò chơi hay hoạt động trình bày thành một đoạn văn.

3. Chỉnh sửa bài viết

*Bài văn mẫu tham khảo

Bài mẫu 1:

Việt Nam là một nước giàu truyền thống văn hóa với những giá trị đời sống tinh thần rất đa dạng phong phú. Trong đó, những trò chơi dân gian cũng được xem như là những nét đẹp văn hóa làm nên bản sắc cho dân tộc Việt Nam. Một trong những trò chơi thú vị và khá phổ biến là trò chơi kéo co.

Chẳng biết từ bao giờ, trò chơi kéo co đã được phổ biến, len lỏi vào trong đời sống văn hóa giải trí của nhân dân ta một cách rất tự nhiên. Trò chơi kéo co vốn đã xuất hiện từ thời cổ đại. Những hình chạm trổ trên tường ngôi mộ cổ ở Ai Cập cho thấy người Ai Cập cổ đại đã từng tổ chức những cuộc thi đấu kéo co từ năm 2500 trước Công Nguyên. Dần dần trò chơi kéo co là một trò chơi quen thuộc của trẻ em nông thôn Việt Nam. Kéo co là môn thể thao mang tính đồng đội và là môn trọng vào sức mạnh. Nó không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, mà còn là trò chơi thể hiện tinh thần và mang tính đồng đội cao, đem lại niềm vui, sự thoải mái cho mọi người khi tham gia những trò chơi trong các dịp lễ hội. Ở Việt Nam, kéo co là một trò chơi dân gian truyền thống. Trong các hội hè dã ngoại, trò chơi này luôn hấp dẫn nhiều người tham gia. Vào các dịp lễ tết, kéo co lại là một phần quan trọng trong các lễ hội cổ truyền.

Để chơi kéo co thì rất đơn giản, không phải chuẩn bị gì nhiều, chỉ cần một cái dây thừng chắc chắn, dài khoảng 10 mét hoặc có thể dài hơn cũng được. Tùy thuộc vào số lượng người chơi để chuẩn bị độ dài dây thừng cho phù hợp. Luật chơi kéo co thì mỗi nơi một khác nhưng nhìn chung thì đều được chia làm hai phe, mỗi phe cùng dùng sức mạnh để kéo cho được bên kia ngã về phía mình, giữa sợi dây có buộc một cái khăn đỏ,bên nào kéo đoạn dây có buộc khăn đỏ qua vạch của mình trước là thắng. Trò chơi kéo co thì không yêu cầu người chơi là nam hay nữ, ai cũng có thể chơi được chỉ cần có sức khỏe tốt là được. Có nơi người ta lấy tay người, sức người trực tiếp kéo co. Hai người đứng đầu hai bên nắm lấy tay nhau, còn các người sau ôm bụng người trước mà kéo. Ðang giữa cuộc, một người bên nào bị đứt dây là thua bên kia. Kéo co cũng kéo ba keo, bên nào kéo thắng hai keo trước là thắng.Trong quá trình thi đấu giữa hai đội người ta cũng cử một người là trọng tài để phân định rõ ràng, thắng thua, khi tiếng còi cất lên hay có tiếng hiệu lệnh, thì cả hai bên phải dồn hết sức mạnh để kéo dây về phía mình. Một trận thi đấu chỉ diễn ra vài giây nhưng cũng có khi căng thẳng hơn kéo dài đến cả vài phút. Trong quá trình chơi phải cần có chiến thuật, kéo hết mình, nhiệt tình dùng hết sức lực . Trò chơi cũng đòi hỏi tinh thần đoàn kết cao, nếu tay hơi bị phồng hoặc bị rát thì người ta vẫn không ngại vất vả, bỏ qua những nỗi đau nhỏ và thi đấu hết mình. Các cổ động viên thì nhiệt tình hò reo, khua chống, chiêng để cổ vũ. Đôi khi sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả cũng khiến cho đội chơi chiến thắng nhanh chóng hơn.

Trò chơi kéo co đem lại cho con người rất nhiều sự bổ ích, đem lại niềm vui tiếng cười, biết được tinh thần đoàn kết trong quá trình tham gia thi đấu. Hiện nay xã hội ngày càng phát triển, con người dần bị cuốn theo công nghệ hiện đại, giới trẻ cũng dần chơi những trò chơi hiện đại mà quên đi những trò chơi dân gian truyền thống, bổ ích. Thế nhưng trò chơi dân gian kéo co vẫn đem lại những giá trị tinh dần của văn hóa dân tộc Việt và trở thành một nét đẹp mang bản sắc dân tộc.

Trò chơi kéo co vẫn sẽ mãi là thú vui của những trẻ em. Mỗi lần nhìn thấy trò chơi này, em cũng như được sống lại với kí ức tuổi thơ. Hi vọng rằng mọi người hãy chung tay trân trọng, níu giữ nét đẹp truyền thống này.

Bài mẫu 2:

Nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam được thể hiện qua rất nhiều hình thức, một trong những hình thức đó là các trò chơi dân gian. Từ xưa đến nay, chúng ta được biết đến với rất nhiều những trò chơi dân gian mang đậm nét truyền thống của dân tộc. Bịt mắt bắt dê được xem là một trong các trò chơi có từ lâu đời và vô cùng độc đáo.

Bịt mắt bắt dê là trò chơi đã xuất hiện từ rất lâu. Ngay từ trong những bức tranh cổ, chúng ta còn lưu lại những hình ảnh về một miền kí ức xưa kia với những cô bé, cậu bé chơi trò chơi hay những người lớn cùng nhau đứng trong một vòng tròn, bịt mắt để bắt dê. Như chính cái tên của trò chơi này, đây là trò chơi nhiều người cùng tham gia, bịt mắt để bắt được dê. Chúng ta đặt ra câu hỏi tại sao là “bắt dê” chứ không phải bắt một con vật nào khác. Điều này được lí giải bởi loài dê là loài có tính hiền lành, nhút nhát, linh hoạt và rất thích vận động. Chính vì thế, người bắt được nó đòi hỏi phải có sự tinh ý, nhanh nhẹn, thậm chí là cả chiến thuật nhất định. Mở mắt để bắt dê đã khó, bịt mắt để bắt được dê lại càng khó khăn hơn. Chính vì thế, đây được coi là trò chơi khá khó khăn nhưng lại vô cùng thú vị, hấp dẫn.

Thông thường, theo cách chơi trước kia, đúng nguyên bản của trò chơi, đây là trò chơi thường được tổ chức trong các lễ hội. Với sự tham gia của những người lớn là chủ yếu, đặc biệt là những bạn nam thanh nữ tú tham gia lễ hội. Có hai người chơi chính, họ được bịt mắt để tìm bắt dê. Con dê sẽ được đeo một vật để phát ra được tiếng động giúp cho người tìm dễ nhận biết được. Những người xung quanh không tham gia chơi sẽ đóng vai trò làm khán giả, hò reo cổ vũ người chơi. Tất cả tạo nên một không khí sôi nổi, sinh động và thú vị của lễ hội. Sau một quãng thời gian nhất định, người chơi phải tìm ra được con dê. Nếu cả hai không tìm được, trò chơi kết thúc và nhường lượt chơi cho những người tiếp theo.

Sau này, trò chơi bịt mắt bắt dê có rất nhiều những biến thể khác nhau. Có khi là hai hay nhiều người cùng chơi, họ vẫn bịt mắt nhưng điều khác biệt là không có con dê nào được bắt cả. Một người chơi chính sẽ bắt những người còn lại, những người còn lại hóa thân thành những chú dê, có thể phát ra những tiếng động để người chơi chính dễ tìm thấy. Vì thế, với biến thể này, nhiều đối tượng có thể tham gia chơi, ngay cả trẻ em cũng có thể chơi trò chơi này để rèn luyện tính phán đoán, sự nhanh nhạy và linh hoạt, rèn luyện các giác quan khác nhau. Cũng chính vì tính phổ biến của trò chơi, bịt mắt bắt dê được tổ chức ở rất nhiều địa điểm, những dịp khác nhau. Trong nhà trường, các hội thi, các lễ hội đều có thể tổ chức trò chơi này.

Ngày nay, khi xã hội hiện đại phát triển, khi nhu cầu giải trí, đời sống tinh thần của con người ngày một cao, có rất nhiều những trò chơi hiện đại, tiên tiến ra đời. Vậy nhưng, những trò chơi dân gian, trong đó có trò chơi bịt mắt bắt dê luôn là một phần kí ức của tuổi thơ, luôn là một mảnh kí ức đẹp trong tâm hồn người Việt. Cũng chính vì nét đẹp văn hóa này, chúng ta bắt gặp rất nhiều hình ảnh của trò chơi này trong các tác phẩm nghệ thuật như tranh ảnh hay thơ ca.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số lượt đánh giá: 1123

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống