Bài 2

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 8: tại đây

A. Soạn bài Trong lòng mẹ (ngắn nhất)

Câu 1 (trang 20 sgk Ngữ văn 8 Tập 1):

Nhân vật người cô:

   + Độc ác, cay nghiệt (cố tình nhắc với Hồng về sự khổ sở của mẹ Hồng).

   + Ráo cạn tình yêu thương với con trẻ (hả hê trước sự khổ sở của chú bé).

   + Không có lòng cảm thông với số phận cơ cực (thể hiện thái độ khinh miệt mẹ bé Hồng).

Câu 2 (trang 20 sgk Ngữ văn 8 Tập 1):

Tình yêu thương của chú bé Hồng đối với mẹ:

   + Thấy căm ghét những hủ tục đã đày đọa mẹ khiến mẹ phải khổ và càng thấy thương mẹ hơn khi nghe những lời xúc phạm tới mẹ mình.

   + Sung sướng đến cực độ, hạnh phúc vỡ òa khi được gặp lại mẹ sau bao ngày xa cách.

Câu 3 (trang 20 sgk Ngữ văn 8 Tập 1):

Chất trữ tình thể hiện qua:

   + Những câu văn dài, giàu hình ảnh ví von so sánh (Giá những…nát vụn mới thôi; khác gì cái ảo ảnh…giữa sa mạc;…).

   + Câu văn trữ tình ngoại đề ( Phải bé lại…êm dịu vô cùng).

Câu 4 (trang 20 sgk Ngữ văn 8 Tập 1):

Hồi kí là thể loại văn chương mà ở đó người viết kể lại chính cuộc đời mình hoặc những điều mình đã trải qua.

Câu 5 (trang 20 sgk Ngữ văn 8 Tập 1):

   + Nhận định đó khẳng định tác phẩm của Nguyên Hồng luôn trăn trở, đồng cảm trước số phận của phụ nữ và trẻ em.

   + Trong lòng mẹ là minh chứng tiêu biểu, tác phẩm ngợi ca tình mẫu tử bất diệt, thiêng liêng, vượt lên trên những cơ cực, những hủ tục của xã hội.

B. Tác giả

*Tiểu sử

– Nguyên Hồng (1918 – 1982), tên khai sinh của ông là Nguyễn Nguyên Hồng, quê ở thành phố Nam Định. Nguyên Hồng sống chủ yếu ở thành phố cảng Hải Phòng, trong một xóm lao động nghèo.

– Ông có tuổi thơ thiếu thốn tình cảm và vật chất, sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh bất hạnh. Ông mồ côi cha từ nhỏ, phải sống với những người cô ruột cay nghiệt. Ngay từ khi còn bé, Nguyên Hồng đã phải lưu lạc, bôn ba cùng mẹ đi khắp nơi để bán hàng kiếm sống. 

*Sự nghiệp văn học

– Ông viết nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kí, thơ.

– Các tác phẩm chính: Bỉ vỏ (tiểu thuyết, 1938); Những ngày thơ ấu (hồi kí, 1938); Trời xanh (tập thơ, 1960); Cửa biển (bộ tiểu thuyết 4 tập: 1961, 1967, 1973, 1976); Núi rừng Yên Thế (bộ tiểu thuyết lịch sử nhiều tập chưa viết xong); Bước đường viết văn (hồi kí, 1970).

– Trong những tác phẩm của Nguyên Hồng, hình ảnh người phụ nữ và trẻ em trong xã hội cũ được nhà văn dành nhiều niềm yêu thương, đồng cảm.

– Đối tượng sáng tác: những con người nhỏ bé, những lớp người dưới đáy của xã hội thành thị.Ông xứng đáng được coi là nhà văn chân chính của những người khốn khổ. Một tình cảm nhân đạo thiết tha đối với quần chúng lao động nghèo thấm đượm trong toàn bộ sáng tác của nhà văn.

C. Tác phẩm

– Xuất xứ: Văn bản Trong lòng mẹ được trích từ chương IV của tập hồi kí Những ngày thơ ấu. Tác phẩm được coi là thiên truyện kể về tuổi thơ cay đắng của chính tác giả.

– Hoàn cảnh sáng tác: Tập hồi kí đăng báo 1938, in báo thành sách năm 1940.

– Thể loại: Hồi kí.

– Phương thức biểu đạt: Tự sự, miêu tả, biểu cảm.

– Cảm xúc bao trùm: Nỗi đau bị sỉ nhục, nỗi buồn cô đơn và lòng thương nhớ mẹ, kính yêu mẹ của một đứa bé mồ côi bố sau một thời gian dài xa cách mẹ rồi được gặp lại mẹ.

– Tóm tắt: Chú bé Hồng có một tuổi thơ đầy bất hạnh: bố chết sớm vì nghiện ngập, mẹ vì cảnh cùng túng quá phải bỏ con đi tha hương cầu thực, chú sống với bà cô cay nghiệt. Một hôm, bà cô gọi Hồng đến và hỏi có muốn vào Thanh Hoá với mẹ không. Nhận ra vẻ mặt rất kịch và tâm địa độc ác của bà cô, Hồng nén lại niềm thương nhớ mẹ và trả lời không muốn vào. Nhưng bà cô vẫn cố tình kể chuyện mẹ Hồng khốn khổ, đã có con với người khác làm cho Hồng đau đớn, thương mẹ và căm phẫn những cổ tục đã đầy đoạ mẹ mình. Gần đến ngày giỗ bố, trên đường đi học về, Hồng thấy bóng người ngồi trên xe kéo giống mẹ. Chú đã đuổi theo và khi nhận ra mẹ, Hồng đã oà khóc nức nở. Hồng cảm thấy sung sướng và hạnh phúc vô cùng khi được ở trong lòng mẹ. Hồng thấy mẹ vẫn đẹp như ngày nào. Chú đã quên hết mọi lời xúc xiểm của bà cô.

– Nhan đề:

+ Tên văn bản trước hết có ý nghĩa tả thực, gắn với một sự việc cụ thể: Hồng được gặp mẹ, được ngồi trong lòng mẹ, được mẹ yêu thương, âu yếm.

+ Song nhan đề văn bản còn mang ý nghĩa tượng trưng: Trong lòng mẹ cũng là trong tình thương của mẹ.

+ Từ nhan đề văn bản, người đọc đã phần nào hiểu được tình yêu thương mẹ tha thiết, sự khao khát được sống trong tình mẹ của chú bé Hồng, một chú bé có tuổi thơ đầy cay đắng.

– Ngôi kể thứ nhất.

– Bố cục: 2 phần

+ Đoạn 1 (Từ đầu đến người ta hỏi đến chứ): Cuộc đối thoại giữa Hồng và bà cô cay nghiệt.

+ Đoạn 2 (Phần còn lại): Cuộc gặp gỡ cảm động, hạnh phúc của hai mẹ con Hồng.

– Giá trị nội dung:

+ Đoạn trích đã thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng sâu nặng thông qua nhân vật mẹ con bé Hồng, thông qua những rung động mãnh liệt của một tâm hồn trẻ thơ nhạy cảm và khao khát tình thương yêu; để khi gặp mẹ, khi được nằm gọn “trong lòng mẹ”, Hồng tinh tế nhập vào những cảm giác nồng ấm, rạo rực, vui sướng mong đợi bấy lâu. 

+ Đoạn trích còn cho thấy rõ bộ mặt lạnh lùng của một xã hội chỉ trọng đồng tiền, một xã hội đầy những thành kiến cổ hủ, những thói nhỏ nhen độc ác của đám thị dân tiểu tư sản.

– Giá trị nghệ thuật:

+ Nghệ thuật miêu tả ngoại hình để bộc lộ tính cách và nội tâm nhân vật. 

+ Thể loại hồi kí có đan xen giữa tự sự, miêu tả và biểu cảm (kể chuyện với giọng văn thấm đẫm chất trữ tình) giúp diễn tả đầy đủ, sâu sắc chủ đề văn bản.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4 / 5. Số lượt đánh giá: 1132

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống