Xem toàn bộ tài liệu Lớp 8: tại đây
A
A. Hoạt động khởi động
(trang 18, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Em đã được học bài thơ nào của Bác Hồ viết ở chiến khu Việt Bắc? Hãy đọc và nêu cảm nhận của em về hình ảnh Bác trong bài thơ đó.
tra loi
Trả lời:
Bài thơ “Rằm tháng giêng” (Nguyên tiêu) được Bác Hồ viết vào năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc:
Phiên âm:
Nguyên tiêu
Kim dạ nguyền tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thuỷ tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
Dịch thơ:
Rằm tháng giêng
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Cảnh sắc trong bài thơ là trăng xuân, cảnh trăng trên sông, con thuyền nhỏ, không gian bát ngát tràn sức xuân. Bài thơ còn biểu hiện tâm hồn thơ mộng, yêu thiên nhiên, say đắm, hòa mình vào ánh trăng núi rừng. Thể hiện phong thái ung dung, tinh thần lạc quan của Bác.
B
B. Hoạt động hình thành kiến thức
1. (trang 19, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Đọc văn bản “Tức cảnh Pác Bó”.
2. (trang 19, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Tìm hiểu văn bản.
a. Em hiểu thế nào về hai chữ “tức cảnh” trong nhan đề bài thơ?
b. Đọc hiểu hai câu thơ mở đầu và thực hiện các yêu cầu:
(1) Tìm và nêu tác dụng của các từ trái nghĩa trong câu thơ đầu. Những hình ảnh như hang, bờ suối gợi lên mối quan hệ như thế nào giữa con người với thiên nhiên?
(2) Theo em, hình ảnh nhân vật trữ tình trong hai câu thơ đầu có nét gần gũi với kiểu hình tượng nào sau đây trong thơ ca trung đại?
A – Hình tượng chinh phu, tráng sĩ bày tỏ chí hướng, hoài bão.
B – Hình tượng ẩn sĩ vui thú lâm tuyền.
C – Hình tượng lữ khách mang tâm trạng nhớ quê.
D – Hình tượng người tài tử chán ghét công danh.
c. Câu thơ thứ ba tạo nên bước chuyển về cảm xúc thơ như thế nào?
d. Vì sao trong câu thơ cuối, nhân vật trữ tình cảm nhận cuộc đời cách mạng “thật là sang”? Câu thơ hé mở điều gì về tâm hồn, lẽ sống của Bác.
e. Nhận xét về giọng điệu của bài thơ.
tra loi
Trả lời:
a. Hai chữ “tức cảnh” trong nhan đề bài thơ: Người viết bất chợt bắt gặp một sự việc, một cảnh tượng cụ thể mà nảy sinh cảm hứng sáng tác nên bài thơ.
b. Đọc hiểu hai câu thơ mở đầu
(1) Các từ trái nghĩa trong hai câu thơ đầu:
Sáng >< Tối
Ra >< vào
Các cặp từ trái nghĩa kết hợp với nhịp thơ linh hoạt diễn tả lối sống nhịp nhàng, đều đặn, nề nếp của Bác Hồ.
Những hình ảnh như hang, bờ suối gợi lên mối quan hệ hòa hợp, gắn bó giữa con người với thiên nhiên, sự ung dung, thoải mái giữa cuộc sống núi rừng.
(2) Chọn B – Hình tượng ẩn sĩ vui thú lâm tuyền.
c. Câu thơ thứ ba tạo nên bước chuyển về cảm xúc thơ vì hai câu thơ trên đang thể hiện tâm hồn khoáng đạt, giao cảm với thiên nhiên. Câu 3 này lại chuyển sang sự trang nghiêm, trang trọng, lớn lao của cuộc đời, sự nghiệp Cách mạng. Ý thơ từ chất thi sĩ chuyển sang chất chiến sĩ.
d.Trong câu thơ cuối, nhân vật trữ tình cảm nhận cuộc đời cách mạng “thật là sang” bởi vì:
+ Bác đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên hàng đầu.
+ Niềm vui lớn nhất của Người là tìm ra đường giải phóng nước nhà.
+ “sang” Người sống hòa hợp, vui vẻ với tự nhiên.
→ Câu thơ hé mở sự hi sinh thầm lặng của Người- một Nhân cách vĩ đại, cao khiết.
e. Nhận xét về giọng điệu của bài thơ:
Giọng điệu chung của bài thơ là vui, pha chút hóm hỉnh, hài hước
– Tâm trạng của Bác Hồ ở Pác Bó :
+ “sáng ra bờ suối, tối vào hang” → cuộc sống tự tại, hòa hợp với tự nhiên
+ “cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng” → thiếu thốn, đói khổ nhưng vẫn yêu đời, vui vẻ.
+ “bàn đá chông chênh” → sự khó khăn gian khổ của hoàn cảnh sống cũng chính là gian khổ của cuộc chiến đấu chống ngoại xâm.
→ Trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ khi sống ở Pác Bó nhưng Bác vẫn sống ung dung, tự tại và hòa hợp với tự nhiên.
3. (trang 20, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Tìm hiểu về câu cầu khiến
a. Chỉ ra câu cầu khiến trong những đoạn trích sau:
(1) Ông lão chào con cá và nói:
– Mụ vợ tôi lại nổi cơn điên rồi. Nó không muốn làm bà nhất phẩm phu nhân nữa, nó muốn làm nữ hoàng.
Con cá trả lời:
– Thôi đừng lo lắng. Cứ về đi. Trời phù hộ lão. Mụ già sẽ là nữ hoàng.
(Ông lão đánh cá và con cá vàng)
(2) Tôi khóc nấc lên. Mẹ tôi từ ngoài đi vào. Mẹ vuốt tóc tôi và nhẹ nhàng dắt tay em Thuỷ:
– Đi thôi con.
(Theo Khánh Hoài, Cuộc chia tay của những con búp bê)
b. Cách đọc câu “Mở cửa.” và “Mở cửa!” trong những trường hợp sau có gì khác nhau? Câu nào là câu cầu khiến? Tại sao?
(1) – Anh làm gì đấy?
– Mở cửa. Hôm nay trời nóng quá.
(2) Đang ngồi viết thư, tôi bõng nghe tiếng ai đó vọng vào:
– Mở cửa!
c. Theo em, câu cầu khiến thường có những từ ngữ nào? Câu cầu khiến được dùng để làm gì? Khi viết câu cầu khiến thường kết thúc bằng dấu hiệu gì?
tra loi
Trả lời:
a.Câu cầu khiến trong các đoạn trích:
(1) – Thôi đừng lo lắng. Cứ về đi.
(2) – Đi thôi con.
b. Khi đọc câu “Mở cửa” trong trường hợp (1), ta đọc với giọng đều và bình thường. Còn với câu “Mở cửa!” trong trường hợp (2) ta cần đọc với sự nhấn giọng, thể hiện thái độ (bực bội hoặc đe dọa …)
Câu “Mở cửa!” (2) là câu cầu khiến.
Vì câu “Mở cửa.” ở trường hợp (1) nhằm trần thuật, giải thích. Còn câu “Mở cửa!” ở trường hợp (2) là nhằm ra lệnh, cầu khiến.
c. Câu cầu khiến thường có những từ ngữ như: hãy, đừng, chớ, đi, thôi, nào…
Câu cầu khiến được dùng để ra lệnh, yêu cầu, đề nghị, khuyên bảo…
Khi viết, câu cầu khiến thường kết thúc bằng dấu chấm than.
4. (trang 20, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh
Đọc bài viết sau và trả lời câu hỏi:
HỒ HOÀN KIẾM VÀ ĐỀN NGỌC SƠN
Nếu tính từ khi hồ Hoàn Kiếm còn là một đoạn của dòng cũ sông Hồng để lại sau khi sông chuyển dòng thì tới nay hồ đã có đến vài nghìn tuổi. Nhưng cái tên Hoàn Kiếm thì mới có từ năm thế kỉ nay. Trước đó, hồ có tên là Lục Thủy vì nước hồ bốn mùa xanh ngắt. Tới thế kỉ XV có tên Hoàn Kiếm do sự tích Lê Lợi trả gươm. Truyện kể rằng Lê Lợi khi còn ở Lam Sơn có bắt được một thanh gươm. Gươm ấy luôn ở bên ông trong suốt mười năm chinh chiến. Khi dẹp xong giặc Minh, vua Lê về Thăng Long, một hôm ngự thuyền dạo chơi trên hồ Lục Thủy, bỗng một con rùa nổi lên, ông rút gươm ra trỏ thì rùa liền đớp ngay thanh gươm mà lặn xuống. Như vậy là vua trả gươm cho trời. Vì vậy, hồ có tên là Hoàn Kiếm, gọi nôm na là Hồ Gươm. Sau thủy quân dùng hồ làm nơi luyện tập nên có thêm tên là hồ Thủy Quân.
Theo truyền thuyết thì đời Lê Thánh Tông (nửa sau thế kỉ XV) chỗ này là gò Tháp Rùa từng là Điếu Đài tức là nơi vua đến ngồi câu cá. Đến thời Vĩnh Hựu, chúa Trịnh Giang lập cung Khánh Thụy ở đảo Ngọc làm nơi hóng gió ngày hè. Đầu thế kỉ XIX, một ngôi chùa được dựng lên trên nền cung Khánh Thụy cũ và có tên chùa Ngọc Sơn. Ít lâu sau, nơi đây không thờ Phật nữa mà thờ thánh Văn Xương (chủ về văn chương, khoa cử) và Đức thánh Trần (tức anh hùng Trần Quốc Tuấn), do vậy được đổi gọi là đền Ngọc Sơn. Năm 1864, Nguyễn Văn Siêu, nhà văn hóa lớn của Hà Nội thời đó, đã đứng ra sửa sang lại toàn cảnh. Trên gò Ngọc Bội, ông xây một ngọn tháp hình bút lông, thân tháp có tạc ba chữ Tả thanh thiên (có nghĩa là viết lên trời xanh). Đó là Tháp Bút. Đi qua Tháp Bút tới một cửa cuốn gọi là Đài Nghiên vì trên có đặt một cái nghiên mực bằng đá. Qua Đài Nghiên đến cầu Thê Húc (có nghĩa là nơi ánh mặt trời đậu lại). Cầu dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn. Đền có ba nếp, nếp ngoài là bái đường, nếp giữa là nơi thờ Văn Xương và nếp sau thờ Trần Hưng Đạo. Trước mặt bái đường là Trấn Ba Đình (đình chắn sóng). Nhìn thẳng về hướng nam là Tháp Rùa. Tháp chỉ mới có từ cuối thế kỉ XIX nhưng đã trở thành biểu tượng quen thuộc của Hồ Gươm Hà Nội.
Ngày nay khu vực quanh hồ đã thành tên là Bờ Hồ, là nơi nhân dân thủ đô dạo chơi ngày hè, nơi đón giao thừa, lại còn là nơi tổ chức hội hoa đăng – đèn hoa – pháo hoa – trong những dịp lễ tết hằng năm.
(Theo Lịch văn hóa tổng hợp 1987 – 1990 )
a. Bài viết giới thiệu hai danh thắng cảnh nào của Thủ đô Hà Nội?
b. Bài viết được sắp xếp theo bố cục, trình tự nào? Bài viết còn có chỗ nào chưa hoàn chỉnh về bố cục?
c. Bài viết đã sử dụng phương pháp thuyết minh nào?
d. Muốn viết được bài giới thiệu về một danh lam thắng cảnh, em cần phải làm gì?
tra loi
Trả lời:
a. Bài viết giới thiệu hai danh thắng cảnh của Thủ đô Hà Nội là: Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn
b. Bài viết được sắp xếp theo bố cục sau:
Mở bài: Giới thiệu chung về hai thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.
– Thân bài:
+ Giới thiệu về hồ Hoàn Kiếm
+ Giới thiệu đền Ngọc Sơn
– Kết bài: Giới thiệu về các danh lam thắng cảnh xung quanh hồ.
c. Bài viết đã sử dụng phương pháp thuyết minh là: phân tích, liệt kê.
d. Muốn viết được bài giới thiệu về một danh lam thắng cảnh, em cần:
+ Sự quan sát và trải nghiệm thực tiễn
+ Tìm hiểu kiến thức thông qua sách vở, lịch sử, tích truyện dân gian, truyền thống văn hóa của vùng đất được thuyết minh.
→ Kết hợp hai nguồn kiến thức trên để bài viết sinh động, chân thực, có chiều sâu.
C
C. Hoạt động luyện tập
1. (trang 21, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Nhận xét về câu thơ thứ 2 của bài thơ “Tức cảnh Pác Bó”, có ý kiến cho rằng từ “sẵn sàng” chỉ sự có sẵn của “cháo bẹ rau măng”, nhưng ý kiến khác lại cho rằng đó là sự “sẵn sàng” của tinh thần cách mạng. Em đồng ý với ý kiến nào? Vì sao?
tra loi
Cả hai ý kiến trên đều đúng, bởi vì:
+ Thứ nhất, trong điều kiện sống giữa núi rừng chiến khi Việt Bắc, những sản vật như “bẹ”, như “rau”, như “măng” rất đầy đủ và lúc nào cũng có “sẵn”.
+ Thứ hai, ở đây ta còn có thể hiểu câu thơ này là, dẫu trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn về vật chất nhưng người chiến sĩ cách mạng lúc nào cũng “sẵn sàng” để phục vụ cho cách mạng, phục vụ cho lợi ích dân tộc.
2. (trang 21, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Luyện tập về câu cầu khiến
a. Gạch dưới những từ ngữ cầu khiến trong các câu sau và thử thêm, bớt hoặc thay đổi chủ ngữ xem ý nghĩa của câu thay đổi như thế nào.
(1) Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương.
(Bánh chưng, bánh giầy)
(2) Ông giáo hút trước đi.
(Nam Cao, Lão Hạc)
(3) Nay chúng ta đừng làm gì nữa, thử xem lão Miệng có sống được không.
(Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng)
b. Gạch dưới câu cầu khiến trong những đoạn trích sau. Nhận xét sự khác nhau về hình thức biểu hiện ý nghĩa cầu khiến giữa các câu đó.
(1) Thôi, im cái điệu hát mưa dầm sùi sụt ấy đi. Đào tổ nông thì cho chết!
(Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí)
(2) Ông đốc tươi cười nhẫn nại chờ chúng tôi:
– Các em đừng khóc. Trưa nay các em được về nhà cơ mà. Và ngày mai lại được nghỉ cả ngày nữa.
(Thanh Tịnh, Tôi đi học)
(3) Có anh chàng nọ tính tình rất keo kiệt. Một hôm đi đò qua sông, anh chàng khát nước bèn cúi xuống, lấy tay vục nước sông uống. Chẳng may quá đà, anh ta lộn cổ xuống sông. Một người ngồi cạnh thấy thế, vội giơ tay hét lên:
– Đưa tay cho tôi mau!
Anh chàng sắp chìm nghỉm nhưng vẫn không chịu nắm tay người kia. Bỗng một người có vẻ quen biết anh chàng chạy lại, nói:
– Cầm lấy tay tôi này!
Tức thì, anh ta cố ngoi lên, nắm chặt lấy tay người nọ và được cứu thoát […].
(Theo Ngữ văn 6, tập một)
c. So sánh hình thức và ý nghĩa của hai câu sau:
(1) Thầy em hãy cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột.
(2) Hãy cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột!
(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)
tra loi
Trả lời:
a. Những từ cầu khiến trong câu:
(1) Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương.
(2) Ông giáo hút trước đi.
(3) Nay chúng ta đừng làm gì nữa, thử xem lão Miệng có sống được không.
Khi thêm, bớt hoặc thay đổi chủ ngữ, nghĩa của câu có những sự thay đổi nhất định:
(1) Thêm chủ ngữ: Con hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương.
Nghĩa của câu về cơ bản không thay đổi nhưng giúp cho đối tượng tiếp nhận được xác định rõ hơn và đồng thời sắc thái của lời yêu cầu những nhẹ nhàng, tình cảm hơn.
(2) Bớt chủ ngữ: Hút trước đi.
Nghĩa của câu thay đổi: Lời đề nghị trở nên sỗ sàng, bất lịch sự và khiếm nhã.
(3) Thay đổi chủ ngữ: Nay các anh đừng làm gì nữa, thử xem lão Miệng có sống được không?
Nghĩa của câu thay đổi: người nói đã bị loại ra khỏi những đối tượng tiếp nhận lời đề nghị.
b. Câu cầu khiến:
(1) Thôi, im cái điệu hát mưa dầm sùi sụt ấy đi.
(2) – Các em đừng khóc.
(3) – Đưa tay cho tôi mau!
– Cầm lấy tay tôi này!
Sự khác nhau về hình thức biểu hiện ý nghĩa cầu khiến giữa các câu:
Câu (1): có từ cầu khiến: đi; không có chủ ngữ.
Câu (2): có từ cầu khiến: đừng, có chủ ngữ: Các em.
Câu (3): Không có chủ ngữ và từ ngữ cầu khiến, chỉ có ngữ điệu cầu khiến.
c. So sánh hình thức và ý nghĩa của hai câu:
Câu (1) có chủ ngữ Thầy em, ngược lại câu (2) không có chủ ngữ
⇒ Ý nghĩa cầu khiến của câu (1) nhẹ nhàng, ân cần và tình cảm hơn.
3. (trang 21, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Luyện tập về văn bản thuyết minh
a. Lập bảng so sánh đặc điểm của văn bản thuyết minh với các loại văn bản đã học trong chương trình (tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận) theo mẫu sau:
Loại văn bản | Văn bản tự sự | Văn bản miêu tả | Văn bản biểu cảm | Văn bản nghị luận | Văn bản thuyết minh |
---|---|---|---|---|---|
Đặc điểm | |||||
….. |
b. Lập dàn bài cho các đề bài sau:
(1) Giới thiệu một đồ dùng học tập hoặc đồ dùng sinh hoạt.
(2) Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê hương em.
(3) Giới thiệu về một văn bản mà em đã học.
tra loi
Trả lời:
a. Lập bảng so sánh
Loại văn bản | Văn bản tự sự | Văn bản miêu tả | Văn bản biểu cảm | Văn bản nghị luận | Văn bản thuyết minh |
---|---|---|---|---|---|
Mục đích (Đặc điểm) | kể lại, thuật lại sự việc | Vẽ lại sự vật, sự việc bằng ngôn ngữ một cách sinh động | Bày tỏ suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc của người viết | Bày tỏ quan điểm, nhận xét, đánh giá về một vấn đề | Giới thiệu sự vật, hiện tượng; giúp cho người đọc hiếu rõ đặc điểm, tính chất, nguyên nhân và có cái nhìn khách quan về sự vật, hiện tượng đó. |
b. Lập dàn bài:
(1) Giới thiệu một đồ dùng học tập hoặc đồ dùng sinh hoạt.
Mở bài: Giới thiệu về đồ dùng thuyết minh (thước kẻ, bút chì, bút máy…)
Thân bài:
– Nguồn gốc, xuất xứ của đồ dùng : hãng sản xuất
– Hình dáng: Màu sắc, kích thước
– Cấu tạo:
+ Gồm mấy phần?
+ Gồm những bộ phận nào?
+ Các bộ phận được sắp xếp ra sao? Công dụng của từng bộ phận
– Cách sử dụng
– Cách bảo quản
Kết luận: Giá trị, tầm quan trọng hữu ích của đồ dùng đó trong học tập
(2) Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê hương em.
Mở bài: Giới thiệu chung về thắng cảnh tại quê hương
Thân bài:
– Vị trí địa lý
+ Diện tích ( lớn, nhỏ )
+ Đến đó bằng phương tiện gì thuận tiện?
+ Cảnh vật xung quanh thắng cảnh đó như thế nào?
– Nguồn gốc ( hình thành và phát triển)
+ Lịch sử hình thành: có từ bao giờ, ai là người khởi công xây dựng…
+ Hiện tại thắng cảnh đó trong tình trạng nào? ( cần tu sửa nâng cấp, đã được sửa sang kiên cố…)
+ Quy mô
– Nhìn toàn cảnh:
+ Nhìn tổng thể từ xa
+ Nổi bật nhất là điều gì
+ Kiến trúc nổi bật bên trong: Cách trang trí, sắp xếp, bố cục…
– Giá trị văn hóa lịch sử của địa danh
+ Địa danh tô điểm đẹp cho vùng quê như thế nào?
+ Thu hút lượng khách du lịch
Kết bài: Tình cảm, cảm nghĩ chung về đối tượng
(3) Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học mà em được học
Mở bài: Giới thiệu chung về thể loại văn học mà em chọn thuyết minh ( văn học dân gian, văn học trung đại, văn học hiện đại)
Thân bài:
– Khái quát chung:
+ Đưa ra khái niệm về thể loại văn học đó
– Các đặc trưng của thể loại:
+ Chỉ ra các đặc điểm cơ bản
+ Nhấn mạnh vào đặc điểm nổi bật có giá trị khu biệt
– Dẫn ra các tác phẩm văn học tiêu biểu của thể loại
Kết bài: Cảm nghĩ chung về thể loại văn học đó.
D
D. Hoạt động vận dụng
1. (trang 23, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) So sánh hình ảnh Bác Hồ trong bài thơ Tức cảnh Pác Bó và hình ảnh Nguyễn Trãi trong đoạn trích Bài ca Côn Sơn sau đây:
Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
tra loi
Trả lời:
Thú vui “lâm tuyền” của Hồ Chí Minh và Nguyễn Trãi:
– Giống nhau:
+ Đều sống hòa hợp, vui vẻ, chan hòa với tự nhiên.
+ Thuận theo tự nhiên, lấy tự nhiên là nhà.
– Khác nhau:
+ Nguyễn Trãi: bất lực trước thực tại nên lui về ở ẩn, “lánh đục về trong”, tự tìm đến cuộc sống ẩn sĩ “an bần lạc đạo”.
+ Hồ Chí Minh: ở giữa thiên nhiên do điều kiện cách mạng bắt buộc, Bác thiếu thốn mọi thứ từ đồ dùng, thực phẩm, cho tới nhà ở. Người hoạt động cách mạng, tìm đường hướng cứu nước giúp đời.
2. (trang 23, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Dựa vào những gợi ý ở mục 3, Hoạt động luyện tập, hãy viết bài văn giới thiệu một đồ dùng học tập/ sinh hoạt hoặc giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê hương em hay giới thiệu một văn bản mà em đã học.
tra loi
Trả lời:
“Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời, càng toả mát hương hoa thơm Thủ đô…”. Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến hình ảnh Hồ Gươm trong xanh và bóng Tháp Rùa nghiêng nghiêng soi dáng. Hồ Gươm cùng quần thể kiến trúc của nó đã trở thành một biểu tượng đẹp đẽ và thiêng liêng về Hà Nội – trái tim hồng của cả nước.
Hồ Gươm đã tồn tại từ rất lâu. Cách đây khoảng 6 thế kỷ, theo những địa danh hiện nay, hồ gồm hai phần chạy dài từ phố Hàng Đào, qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt tới phố Hàng Chuối, thông với sông Hồng. Nước hồ quanh năm xanh biếc nên hồ Gươm cũng được gọi là hồ Lục Thuỷ.
Vào thế kỷ XV, hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm. Sự kiện ấy gắn liền với truyền thuyết trả gươm thần cho Rùa Vàng của vị vua khai triều nhà Hậu Lê – người anh hùng của khởi nghĩa Lam Sơn chống lại giặc Minh (1417 – 1427), Lê Lợi. Truyền thuyết kể rằng khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, có người dân mò được một lưỡi gươm, sau đó chính ông nhặt được một cái chuôi ở trong rừng. Khi lưỡi gắn vào chuôi gươm thì thân gươm ánh lên hai chữ “Thuận Thiên” – “Thuận theo ý trời”. Gươm báu này đã theo Lê Lợi trong suốt thời gian kháng chiến chống giặc Minh. Khi lên ngôi về đóng đô ở Thăng Long, trong một lần nhà vua đi chơi thuyền trên hồ Lục Thuỷ, bỗng một con rùa xuất hiện. Rùa vươn đầu cất tiếng nói: “Xin bệ hạ hãy hoàn lại gươm cho Long Quân”. Lê Thái Tổ hiểu ra sự việc bèn rút gươm khỏi vỏ, giơ gươm ra thì gươm bay về phía con rùa. Rùa ngậm gươm lặn xuống đáy hồ, và từ đó hồ Lục Thuỷ có tên gọi mới là hồ Hoàn Kiếm (trả gươm) hay hồ Gươm. Chính truyền thuyết đặc sắc này đã khẳng định tấm lòng yêu chuộng hoà bình, ghét chiến tranh của người dân Thăng Long – Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Câu chuyện này đã được nhấn mạnh trong ngày lễ Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hoà bình”
Sau đó, cũng vào thời Lê, hồ còn được dùng làm nơi tập luyện của thuỷ quân nên có lúc được gọi là hồ Thuỷ Quân.
Hồ Hoàn Kiếm là một thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Quanh hồ trồng nhiều loại hoa và cây cảnh. Đó là những hàng liễu rủ thướt tha, những nhành lộc vừng nghiêng nghiêng đổ hoa soi bóng dưới lòng hồ. Giữa hồ có tháp Rùa, cạnh hồ có đền Ngọc Sơn có “Đài Nghiên Tháp Bút chưa sờn”… Hình ảnh hồ Gươm lung linh giống như một tấm gương xinh đẹp giữa lòng thành phố đã đi vào lòng nhiều người dân Hà Nội. Người dân Hà Nội sống ở khu vực quanh hồ có thói quen ra đây tập thể dục vào sáng sớm, đặc biệt là vào mùa hè. Họ gọi các khu phố nằm quanh hồ là Bờ Hồ.
Không phải là hồ nước lớn nhất trong Thủ đô, song với nguồn gốc đặc biệt, hồ Hoàn Kiếm đã gắn liền với cuộc sống và tâm tư của nhiều người. Hồ nằm ở trung tâm một quận với những khu phố cổ chật hẹp, đã mở ra một khoảng không đủ rộng cho những sinh hoạt văn hóa bản địa. Hồ có nhiều cảnh đẹp. Và hơn thế, hồ gắn với huyền sử, là biểu tượng khát khao hòa bình (trả gươm cầm bút), đức văn tài võ trị của dân tộc (thanh kiếm thiêng nơi đáy hồ và tháp bút viết lên trời xanh). Do vậy, nhiều văn nghệ sĩ đã lấy hình ảnh Hồ Gươm làm nền tảng cho các tác phẩm của mình. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết:
“Hà Nội có Hồ Gươm
Nước xanh như pha mực
Bên hồ ngọn Tháp Bút
Viết thơ lên trời cao”
Và như thế, Hồ Gươm sẽ mãi sống trong tiềm thức mỗi người dân Thủ đô nói riêng và người dân cả nước nói chung như một biểu tượng thiêng liêng về lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc.
More