Soạn văn 8 VNEN Tập 1

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 8: tại đây

A. Hoạt động khởi động

(trang 18, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 1) Đọc đoạn giới thiệu tiểu thuyết Tắt đèn dưới đây và cho biết cảm nhận của em về tình cảnh của gia đình chị Dậu.

Trả lời:

Tình cảnh của gia đình chị Dậu:

    + Gia cảnh nhà chị Dậu lâm vào cảnh cùng đường: bán con, bán chó, bánh gánh khoai, chạy vạy tiền nộp sưu cho chồng và người em chồng đã chết.

    + Người chồng đau ốm tưởng chết, lại bị đánh đến ngất đi do thiếu sưu thuế.

    + Bọn tay sai sấn sổ xông vào đòi đánh trói anh Dậu.

=> Tình thế nguy khốn, không có cách gì để giải quyết được; chị Dậu như bị đẩy vào cùng đường, bế tắc.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. (trang 18, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 1) Đọc văn bản sau: TỨC NƯỚC VỠ BỜ

2. (trang 21, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Tìm hiểu văn bản

a. Khi bọn tay sai xông vào nhà chị Dậu, tình thế của chị như thế nào?

b. Dựa vào gợi ý từ bảng sau, hãy nhận xét về nhân vật cai lệ:

Gợi ý các phương diện Nhận xét

Mục đích khi đến nhà chị Dậu

Cử chỉ, hành động

Ngôn ngữ, lời nói

Tính cách, bản chất

Từ những nhận xét trên em hiểu như thế nào về chế độ xã hội đương thời? Em hãy nhận xét về nghệ thuật khắc họa nhân vật của tác giả?

c. Phân tích diễn biến tâm lí của chị Dậu trong đoạn trích (trước và sau khi cai lệ đến) thông qua thái độ và cử chỉ, lời nói… của chị với mọi người xung quanh. Theo em sự thay đổi trong thái độ của chị Dậu có được miêu tả chân thực, hợp lí hay không. Qua đoạn trích này, em có nhận xét gì về tính cách của chị?

d. Theo em, nhan đề Tức nước vỡ bờ cho đoạn trích này liệu có hợp lí hay không? Vì sao?

e. Em hãy chứng minh nhận xét của nhà nghiên cứu phê bình học Vũ Ngọc Phan:” Cái đoạn chị dậu đánh nhau với tên cai lệ là một đoạn tuyệt khéo (gợi ý: tìm hiểu việc tạo dựng tình huống, việc miêu tả ngoại hình, hành động, ngôn ngữ, tâm lí nhân vật, nghệ thuật kể chuyện, ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ đối thoại..; chú ý nêu rõ những yếu tố khiến cho đoạn văn được coi là ” tuyệt khéo”)

Trả lời:

a. Khi bọn tay sai xông vào, tình thế của chị Dậu là:

       • Chị mới vừa rón rén bưng bát cháo cho chồng và đang hồi hộp “chờ xem chồng chị có ăn ngon miệng không”

       • Anh Dậu vừa “run rẩy cất bát cháo anh mới kề vào đến miệng” thì hai tên tay sai đã “sầm sập tiến vào” trong tay đầy những “roi song, tay thước và dây thừng”.

=> Tình thế ấy, cùng với thái độ sấn sổ, hành động vô nhân tính của bọn tay sai đã đẩy chị Dậu vào tình thế nguy khốn, cùng đường.

b. Nhận xét về nhân vật cai lệ

Gợi ý các phương diện Nhận xét

Mục đích khi đến nhà chị Dậu

Đòi thuế

Cử chỉ, hành động

Hung bạo, tàn nhẫn, sẵn sàng gây tội ác

Ngôn ngữ, lời nói

Phũ phàng, đe dọa

Tính cách, bản chất

Tàn bạo, dã man, không có tính người

=> Cai lệ là cai cầm đầu đám lính lệ ở huyện đường, tay sai chuyên đánh người là “nghề” của hắn. Dù chỉ là tên tay sai vô danh, mạt hạng nhưng hắn lại hống hách, bạo tàn, dám làm những chuyện bất nhân, nhân danh “nhà nước”, “phép nước”. Đó cũng là hình ảnh chân thực nhất về tầng lớp thống trị bấy giờ: độc ác, hung hãn, không có tính người.

c. Diễn biến tâm lí chị Dậu

– Trước khi cai lệ đến:

    + Chị mới vừa rón rén bưng bát cháo cho chồng và đang hồi hộp “chờ xem chồng chị có ăn ngon miệng không”.

    + Cử chỉ, thái độ nhẹ nhàng, quan tâm chồng.

– Khi cai lệ đến:

    + Ban đầu “van xin tha thiết”, lễ phép xưng “cháu” gọi “ông”

    + Chỉ đến khi cai lệ “bịch luôn vào ngực chị… mấy bịch rồi sấn đến trói anh Dậu” không chịu được nữa, chị mới liều mạng cự lại.

    + Chị dùng lí lẽ phân trần, nói lí lẽ tự nhiên “chồng tôi đau ốm…hành hạ” => xưng hô “tôi” – “ông” ngang hàng, cứng rắn, cảnh cáo kẻ ác.

    + Sau khi cai lệ “tát vào mặt chị một cái đánh bốp” chị “nghiến răng”: “mày trói chồng bà đi” => chuyển xưng hô từ tôi- ông sang mày- bà.

    + Đẩy tên cai lệ ngã chỏng quèo, túm tóc lẳng tên người nhà lí trưởng ngã nhào ra thềm.

=> Sự phản kháng, trỗi dậy của chị Dậu do uất ức, phẫn nộ, căm tức. Hành động của chị tự phát nhưng bản lĩnh, cương quyết, phù hợp với diễn biến tâm lí. Chị Dậu là nhân vật yêu chồng, thương con, tảo tần nhưng mạnh mẽ, bản lĩnh.

d. Nhan đề Tức nước vỡ bờ phản ánh quy luật: có áp bức sẽ có đấu tranh.

– Xét toàn bộ nội dung tác phẩm thì Tức nước vỡ bờ là tên gọi hợp lý phù hợp với diễn biến truyện.

– Tên nhan đề có ý nghĩa khi con người bị áp bức, bóc lột sẽ phản kháng mạnh mẽ. Sức mạnh đó bắt nguồn từ ý thức nhân phẩm, tình yêu thương gia đình.

=> Nhan đề này rất phù hợp với nội dung chuyện và diễn biến tâm lí của nhân vật chính – chị Dậu.

e. Chứng minh nhận xét của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan

– Tác giả tạo dựng tình huống truyện gay cấn: sau khi van xin khẩn thiết, nói lí lẽ nhưng cai lệ vẫn sấn sổ tới đánh trói, chị Dậu phản kháng.

– Nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật:

    + Chị Dậu: nhẫn nhục, chịu đựng nhưng vẫn có sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ.

    + Cai lệ; hung tàn, thú tính, ngang ngược, hung hãn

– Miêu tả ngoại hình bằng nghệ thuật đối lập:

    + Chị Dậu: lực điền, khỏe khoắn, quyết liệt

    + Bọn tay sai: sức lẻo khẻo như tên nghiện, ngã chỏng quèo…

– Ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ đối thoại được bộc lộ sâu sắc tính cách nhân vật, phản ánh những nét diễn biến tâm lí phức tạp.

– Đoạn miêu tả cảnh phản kháng giữa chị Dậu với bọn tay sai qua ngòi bút linh hoạt, pha chút hóm hỉnh, độc đáo.

=> Đoạn “tuyệt khéo” trong văn bản này thể hiện việc tác giả xây dựng các tuyến nhân vật đối lập, đặc biệt làm hiện hữu hình ảnh người phụ nữ nông dân mạnh mẽ, bản lĩnh, dám đương đầu với bè lũ hung tàn đòi quyền sống trong xã hội bất công, áp bức.

3. (trang 22, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 1) Tìm hiểu về cách xây dựng đoạn văn

a. Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi: NGÔ TẤT TỐ VÀ TÁC PHẨM “TẮT ĐÈN”

       • Văn bản trên gồm mấy ý? Mỗi ý viết thành mấy đoạn văn? Em thường dựa vào những dấu hiệu hình thức nào để nhận biết đoạn văn?

       • Trong văn bản thứ nhất của văn bản trên, những từ ngữ nào có tác dụng duy trì đối tượng được biểu đạt (từ ngữ chủ đề)?

       • Đọc đoạn văn thứ hai của văn bản trên và tìm câu then chốt của đoạn văn (câu chủ đề) Vì sao em biết đó là câu chủ đề của đoạn?

       • Từ những nhận thức trên em hiểu từ ngữ chủ đề và câu chủ đề là gì? Chúng đóng vai trò gì trong văn bản?

b. Nội dung của đoạn văn có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau. Hãy phân tích và so sánh cách trình bày ý của hai đoạn văn trong văn bản Ngô Tất Tố và tác phẩm ” Tắt đèn”. (gợi ý: Đoạn thứ nhất có câu chủ đề không? Yếu tố nào duy trì đối tượng trong đoạn văn ? Quan hệ ý nghĩa giữa các câu trong đoạn văn như thế nào? Nội dung của đoạn văn được triển khai theo trình tự nào? Câu chủ đề của đoạn thứ hai đặt ở vị trí nào? Ý của đoạn văn này được triển khai theo trình tự nào?)

c. Đọc đoạn văn sau và lời câu hỏi:

Các tế bào của lá cây có chứa nhiều lục lạp. Trong các lục lạp này có chứa một chất gọi là diệp lục, tức là chất xanh của lá. Sở dĩ chất diệp lục có màu xanh lục vì nó hút các tia sáng có màu khác, nhất là màu đỏ và lam, nhưng không thu nhận màu xanh lục. Như vậy, lá cây có màu xanh là do chất diệp lục chứa trong thành phần tế bào.

       • Đoạn văn có câu chủ đề không? Nếu có thì nằm ở vị trí nào?

       • Nội dung của đoạn văn được trình bày theo trình tự nào (diễn dịch, quy nạp hay song hành)?

Trả lời:

a.

– Văn bản gồm 2 ý chính:

    + Khái quát về tác giả Ngô Tất Tố

    + Tổng kết về giá trị nổi bật của tác phẩm Tắt đèn

– Đoạn văn thứ nhất

    + Em thường dựa vào chỗ viết hoa lùi vào đầu dòng đến chỗ chấm xuống hàng.

    + Trong đoạn văn thứ nhất, từ Ngô Tất Tố, ông là, nhà văn, tác phẩm chính của ông,…là những từ ngữ có tác dụng duy trì đối tượng

    + Trong đoạn văn thứ hai, câu “Tắt đèn là tác phẩm tiêu biểu nhất của Ngô Tất Tố” là câu then chốt. Vì nó là câu mang nội dung khái quát

    + Từ ngữ chủ đề là các từ được dùng làm đề mục hoặc các từ ngữ được lặp đi lặp lại nhiều lần nhằm duy trì đối tượng biểu đạt.

=> Câu chủ đề mang nội dung khái quát lời lẽ ngắn gọn thường đủ hai thành phần chính, có thể đứng ở vị trí đầu hoặc cuối đoạn văn.

b. Nội dung của đoạn văn có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau:

    + Đoạn 1 không có câu chủ đề, các câu trong đoạn văn có vai trò ngang nhau trong việc thể hiện chủ đề theo trình tự song song. Với cách triển khai chủ đề có vai trò duy trì đối tượng cho đoạn văn (Ngô Tất Tố).

    + Đoạn văn thứ 2 có câu chủ đề nằm ở đầu đoạn, ý được triển khai theo trình tự từ khía quát đến cụ thể, từ chung đến riêng

c. Đoạn văn trên có câu chủ đề. Câu chủ đề “Như vậy, lá cây có màu xanh là do chất diệp lục chứa trong thành phần tế bào” đứng ở cuối đoạn.

Cách trình bày nội dung đoạn văn: đoạn văn được trình bày theo lối quy nạp.

C. Hoạt động luyện tập

1. (trang 23, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 1) Các nhóm chuẩn bị (trong khoảng 5 phút) và xây dựng một đoạn văn thể hiện cảm nhận của từng nhóm sau khi đọc xong văn bản Tức nước vỡ bờ.

Trả lời:

Tắt đèn là một trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Ngô Tất Tố, tác phẩm không chỉ mang giá trị hiện thực mà còn mang giá trị nhân đạo sâu sắc. Tác phẩm có hai hình tượng trung tâm là tên cai lệ và chị Dậu. Mỗi nhân vật đại diện cho một giai cấp, một phẩm chất khác nhau, qua đó bộc lộ những suy nghĩ, quan điểm của tác giả về xã hội lúc bấy giờ. Nhân vật cai lệ là đại diện cho bộ mặt độc ác, bất nhân của những kẻ cầm quyền trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Bên cạnh tên cai lệ độc ác, bất nhân lại hiện lên hình ảnh của một chị Dậu có hoàn cảnh đáng thương nhưng giàu tình yêu thương và sức phản kháng mãnh liệt. Chị Dậu vốn là người phụ nữ mộc mạc, khiêm nhường, giàu lòng yêu thương, chịu đựng nhưng không hề yếu đuối. Trái lại chị có một tinh thần phản kháng và sức sống mãnh liệt. Chị là đại diện điển hình cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Khi viết tác phẩm này, Ngô Tất Tố không chỉ tố cáo bộ mặt của tầng lớp thống trị trong xã hội thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ, mà còn mang thái độ yêu thương, cảm thông cho những số phận bất hạnh và trân trọng ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của người nông dân.

D. Hoạt động vận dụng

(trang 24, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 1) Viết bài tập làm văn số 1 (làm tại lớp) – Văn tự sự. Tham khảo các đề sau:

Đề 1: Tôi thấy mình đã lớn khôn

Trả lời:

    + Dàn ý:

A. Mở bài:

– Mỗi con người sinh ra và lớn lên đều trải qua những khoảng thời gian “giao thoa”, đánh dấu sự phát triển về cả thể chất lẫn tâm hồn

– Khoảng thời gian tôi nhận thấy mình đã khôn lớn, là khi tôi lên lớp 6.

B. Thân bài:

* Đặc điểm đặc biệt về thể chất

– Tôi nhớ khi còn đang học lớp 4, tôi chỉ có thể mở được ngăn dưới của tủ lạnh mà không thể với tới ngăn trên. Nhưng giờ tôi đã có thể mở được cả ngăn trên, thậm chí tôi đã cao gần bằng cái tủ lạnh nhà tôi.

– Mái tóc đã dài đến ngang lưng, đây là điều tôi tự hào nhất bởi với mái tóc dài ấy, tôi thấy mình như điệu đà hơn.

* Đặc điểm đặc biệt về tâm lý

– Tôi bắt đầu có nhiều suy nghĩ hơn về những thứ xung quanh dù đôi khi chỉ là những suy nghĩ vẩn vơ.

– Tôi đã bắt đầu biết đặt ra cho mình những quy định riêng và tự nhủ phải thực hiện nghiêm chỉnh. Trưởng thành chính là khi con người biết đưa mình vào khuôn khổ, và tôi đã dần làm được điều đó.

– Tôi bắt đầu có những ước mơ, hoài bão. Khi xem chương trình “Cán cân công lý”, tôi đã thấy yêu và trọng cái nghề bảo vệ công lý: luật sư. Từ đó, dù không nói với ai nhưng tôi luôn nuôi hoài bão được trở thành một luật sư tài giỏi.

* Kỉ niệm tôi đã khôn lớn

– Đó là ngày khai trường vào lớp 6, ngày đầu tiên bước chân vào cấp trung học cơ sở, tôi đã tự đi một mình vì hôm đó bà nội tôi ốm nặng, bố mẹ đều phải ở trên viện chăm sóc bà.

– Nhớ ngày khai giảng vào lớp 1, tôi đã rụt rè, e sợ biết bao nhiêu, chỉ biết bấu lấy mẹ không rời.

– Hôm đó, tôi đã tự chuẩn bị mọi thứ, từ ăn sáng, mặc quần áo chỉnh tề, đeo khăn đỏ, cột tóc gọn gàng. Trường cách nhà tôi khoảng hơn 1km nên tôi chọn đi xe đạp – chiếc xe nhỏ bố tôi mua tặng dịp sinh nhật lần thứ 4.

– Đóng cửa cẩn thận, tôi hít một hơi thật sâu sau đó đạp xe đến trường.

– Cảm xúc của tôi lúc đó vô cùng hào hứng, hồi hộp, đã không còn sợ như hồi còn lớp 1, mà thay vào đó, tôi càng háo hức mong chờ giây phút khai giảng, được đứng dưới lá cờ tổ quốc hát vang bài Quốc ca, Đội ca.

– Buổi chiều hôm đó, mẹ tôi về, tôi háo hức kể cho mẹ nghe về buổi sáng khai giảng, về tất cả những gì tôi đã suy nghĩ, cảm nhận được. Mẹ tôi âu yếm ôm tôi vào lòng và nói: “Mẹ xin lỗi vì không thể đi cùng con trong ngày tự trường quan trọng ấy. Nhưng con gái của mẹ thật sự đã khôn lớn rồi!”

– Câu nói của mẹ làm tôi vô cùng vui sướng, hãnh diện, và tự hào về chính bản thân mình. Cảm giác khôn lớn thật tuyệt.

C. Kết bài: – Tôi tự nhủ rằng mình sẽ phải trưởng thành hơn nữa, học tập thật tốt để báo đáp công ơn của cha mẹ.

    + Bài làm tham khảo

Để chuẩn bị cho ngày kiểm tra chất lượng đầu năm học, hôm nay, mẹ bảo em: “Con ạ, đã gần đến ngày kiểm tra rồi, con soạn lại góc học tập cho chu đáo đi con ạ! Con gái của mẹ đã lớn rồi! Năm nay con thử sắp xếp một mình xem sao!”

Nghe lời mẹ, em hí hoáy bắt tay vào soạn cặp, chợt rơi ra một tấm ảnh cũ của em năm lớp năm! Nhìn tấm ảnh, em ngạc nhiên vô cùng. Trời ơi, bây giờ em đã khác xưa nhiều quá, bồi hồi, em ngồi trước gương soi để so sánh mình bây giờ và mình ngày xưa ấy!

Nhớ năm học lớp Năm, em còn là một cô bé đang sún vì thay răng sữa, mà răng mới không kịp mọc, vẫn phải đi chụp hình gấp để làm hồ sơ chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp một. Tấm ảnh trên tay em là một cô bé có đôi mắt ngơ ngác rụt rè, pha chút ngái ngủ hay sượng sùng. Mái tóc ngắn ôm lấy hai má bầu bĩnh, trông em hệt như búp bê nhà trẻ! Mà thật sự hôm đi chụp hình ấy, em cứ lúng túng không biết làm cách nào để che đi cái răng sún, trong khi tính em lại hay cười. Lúc ấy mỉm môi lại thì cũng không được, cuối cùng… là một tấm ảnh ngộ nghĩnh này đây!

Thế mà bây giờ trong gương lại hiện ra một cô gái trẻ, mái tóc buông dài, bóng mướt, đôi môi hồng hồng vểnh lên như sắp cười với mọi người, làm cho mỗi lần gặp ai xa lạ, em lại phải mím môi lại cho có vẻ thật nghiêm trang! Đã vậy, tay chân em vụt dài ra, làm cho đôi khi bước chân em cứ có cảm giác như là sắp ngã. Quần áo thì hệt như chú bé làng Gióng, mỗi cái áo mẹ mới may cho, em mặc chỉ được vài tháng đã sứt chỉ vị chật chội.

Đang ngồi nghĩ ngợi mông lung thì tiếng chuông điện thoại reo vang, mẹ am nhấc máy lên nghe, rồi nói:

– Con ơi, cô chủ nhiệm muốn gặp con bàn công tác đấy, con ạ!

Em bồi hồi cầm điện thoại từ tay mẹ trao lại. Cô nói:

– “Ngọc ạ! Cô rất tin tưởng em về sức học, tính cách tự chủ, tính kỉ luật và lòng nhiệt tình công tác, giúp bạn. Vậy em hãy cố gắng giúp bạn Loan vượt qua kì ôn tập này, em nhé! Loan hiện nay cũng còn chưa khỏe sau khi cắt ruột thừa, em ạ! Nếu em đồng ý nhận công tác này, cô cũng xin phép mẹ, cho em về học trễ, mỗi ngày 30 phút trong tuần tới, em nhé!

Trước niềm tin tưởng của cô, em cảm động nói:

– Vâng ạ, em sẽ giúp bạn hết lòng, để không phụ lòng tin tưởng của cô!

Sau khi nhận lời, cô dặn dò em vài điều nữa rồi mới bảo em: “Cô cần gặp mẹ để trao đổi thêm!”

Nói xong, cô bảo em trao điện thoại cho mẹ, em chuyển máy cho mẹ mà thấy lòng mình vui sướng vô cùng khi nhận được sự tin tưởng của cô giáo chủ nhiệm. Mẹ em trò chuyện với cô xong, lại gần bên em vuốt tóc em nói:

– Đấy! Con đã lớn rồi, cô giáo giao cho con công tác là một vinh dự, và cũng là thử thách đấy! Hãy cố gắng lên, con nhé!

Em vui vẻ cúi xuống “dạ” một tiếng rồi chẩy sân, sao mà cuộc sống tươi đẹp và đầy bí ẩn bất ngờ thế nhỉ! Loay hoay, đôi chân em đi nhầm một chiếc giày của mẹ, làm cho đôi chân em khập khiễng thật buồn cười!

Đề 2: Người ấy sống mãi trong lòng tôi

    + Dàn ý (viết về bạn):

A. Mở bài:

– Mỗi người chúng ta đều có những kỉ niệm không bao giờ có thể quên được, và những con người “đặc biệt” – người ấy sống mãi trong lòng chúng ta.

– Tôi cũng vậy, một trong số những người “đặc biệt” ấy đối với tôi, đó là cô bạn thân thời lớp 4,5 – bạn Thùy Chi

B. Thân bài:

* Ngoại hình:

– Chi là một cô bé cao, thân hình vừa phải không gầy cũng không béo, làn da trắng trẻo.

– Bạn có đôi mắt rất to và đen, đôi môi nhỏ chúm chím rất hay cười. Bạn cười rất duyên nhờ một chiếc má lúm đồng tiền bên trái.

– Mái tóc dài đến eo, đen và mượt vô cùng.

– Đặc biệt, tôi rất thích nhìn bàn tay của Chi, bàn tay dài, ngón tay búp măng như một cô công chúa.

* Tính cách:

– Chi là một người bạn rất tốt, hiền lành, hòa đồng và rất thích giúp đỡ người khác.

– Chi học khá giỏi, đặc biệt bạn ấy rất giỏi Tiếng Anh – môn tôi học kém nhất. Vì vậy, Chi đã giúp tôi rất nhiều trong việc học Tiếng Anh, truyền cảm hứng và niềm yêu thích môn ngoại ngữ này cho tôi.

* Kỉ niệm của tôi với Chi:

– Trong ngày đầu tiên của lớp 4, khi chúng tôi còn đang đùa nghịch thì chuông reo, cô giáo chủ nhiệm bước vào, dắt thêm 1 bạn nữ nữa – đó là Chi. Không biết có phải duyên số không khi cô xếp Chi vào ngồi cạnh tôi luôn. Từ đó, tôi là người bạn đầu tiên và cũng là người bạn thân nhất của Chi.

– Tôi và Chi rất hợp nhau, từ cách nói chuyện cho đến sở thích, chúng tôi đều có điểm chung, nhờ đó, chúng tôi chơi càng thân với nhau, giúp đỡ nhau trong học tập và chơi đùa cùng nhau, từ đó 2 gia đình cũng chơi thân với nhau luôn.

– Đến gần hết năm lớp 4, một điều không may đã xảy ra với Chi, mẹ bạn mất do bệnh ung thư. Khi biết tin, tôi đã rất sốc bởi mẹ Chi là một người hiền lành và bác vô cùng yêu quý tôi. Lòng tôi như trùng xuống, hôm đó bố đưa tôi đến nhà Chi thăm viếng. Tôi thật sự xúc động trước hình ảnh cô bé xinh xắn với nụ cười ngày nào đang ngồi thu lu một góc, thẫn thờ nhìn về di ảnh của mẹ.

– Vài ngày sau, Chi đến lớp, vẫn đôi mắt to đen ấy, nhưng nó đã trở nên buồn bã, lúc nào cũng long lanh, trực khóc. Mặc dù vậy, chi vẫn không khóc, bạn vẫn chăm chú nghe cô giảng, làm bài và cố gắng nở một nụ cười gượng giụ khi các bạn chơi đùa. Tôi thấy rõ đằng sau sự gồng mình, gắng gượng của bạn là một nỗi buồn, một nỗi đau khó có thể vùi lấp.

– Tôi thấy rõ nghị lực, sự cố gắng của Chi trước nỗi mất mát lớn lao đó, có lẽ bạn đang cố sống thật tốt để mẹ bạn trên trời có thể được yên tâm an nghỉ. Sự trưởng thành đó khiến cho tôi càng khâm phục và yêu quý bạn hơn. Từ đó, tôi quan tâm đến Chi nhiều hơn, cố gắng làm mọi chuyện để bạn vui, mẹ tôi cũng vậy, mẹ tôi càng thương Chi và mong có thể giúp đỡ bạn vượt qua khỏi nỗi đau mất mát đó.

– Đến hết lớp 5, Chi và bố bạn chuyển lên Hà Nội sống với ông bà ngoại, hôm chia tay tôi và Chi đã khóc rất nhiều. Chúng tôi đều hứa sẽ mãi mãi là bạn tốt và không bao giờ quên nhau.

C. Kết bài:

– Từ đó đến nay, tôi và Chi vẫn thường xuyên liên lạc qua điện thoại với nhau, cùng nhau nói chuyện chia sẻ và hứa hẹn một ngày sẽ cùng nhau đi chơi công viên ở Hà Nội.

– Hình ảnh Chi với đôi mắt buồn bã, long lanh luôn in sâu trong tâm trí tôi.

    + Bài làm thao khảo (Viết về bà)

Có lẽ bây giờ đã quá muộn khi tôi nói về chuyện của tuổi thơ, một câu chuyện buồn giữa tôi và bà Tám. Dù muộn nhưng tôi vẫn phải kể ra để trong tôi bớt đi nỗi ân hận ngập tràn.

Hồi ấy, khi tôi còn là một cậu bé nghịch ngợm và bướng bỉnh, tôi đã gây ra không biết bao nhiêu là chuyện không hay cho mọi người và có lẽ bà Tám là người gánh chịu không ít những chuyện như thế.

Hồi ấy, bà Tám đã già, ở trong một căn nhà nhỏ cạnh nhà tôi. Bà chẳng có chông con. Tôi nghe đâu ngày xưa bà bị người ta lừa. Một gã đàn ông giàu sang lịch sự đến “cướp” đi đời con gái của bà. Từ đó chẳng ai để ý, rồi bà cứ ở vậy. Tôi nghe chuyện bà chẳng động lòng thương mà ngược lại tôi còn ghét bà là đàng khác. Hàng ngày cứ thấy khuôn mặt nhăn nheo đăm chiêu của bà là tôi khó chịu. Cũng chẳng hiểu rõ vì sao tôi không có cảm tình với bà như vậy. Có lẽ vì bà sống lặng lẽ, hay lánh người láng.

Bà chỉ sống bằng mảnh vườn nhỏ. Mảnh vườn nhỏ của bà trồng rất nhiều loại cây ăn quả mà tôi thích. Hằng ngày, bà vẫn lom khom chống gậy ra nhổ cỏ vun xới cho cây. Vì muốn chọc tức bà, tôi quyết tâm phải lấy được một thứ quả gì đó trong vườn. Tôi rình mò cả buổi chiều, chờ lúc bóng bà khuất hẳn sau bứa phên rách tôi mớ lần vào. Nhanh như cắt, tôi thoăn thoắt trèo lên cây ổi. Những trái ổi chín thơm lừng cuốn hút. Tôi bứt và bứt. Lá ổi rơi xào xào, thân cây rung rung. Nghe tiếng động con chó già tinh quái nhà bà Tám chạy ra. “Chẳng nhẽ lại bị tóm cổ sao”. Chân tay tôi đã bắt đầu run. Con chó sủa inh ỏi. Tôi với ngay quả ổi xanh nhắm mắt ném. “Ới!” Tiếng kêu chợt vanh lên. Thì ra tôi đã ném trúng bà Tám đang đứng ngay cạnh con chó lúc nào không biết. Bà ôm chặt, tuổi già sức yếu, dù một quả ổi trúng người cũng đau lắm chứ! Con chó vẫn sủa. Chân tay tôi càng run. Tôi thét lên: “Cháu không chú ý mà!”. Rắc! Rắc! Cành ổi gãy, tôi ngã nhào và không biết gì nữa. Khi tỉnh lại thì trời đã nhá nhem tối. Tôi đang nằm trong ngôi nhà quen thuộc của mình. Người đầu tiên tôi thấy là bà Tám. Trên nét mặt già nua khắc khổ của bà đầy nỗi lo âu. Tôi buột miệng kêu: “Bà!”. Bà vỗ nhẹ vào người tôi.

– Cháu nằm yên đi, nghỉ cho lại sức.

Tôi định ngồi dậy nhưng bị khựng lại bởi cái đau kinh khủng. Nhìn xuống thấy tay mình băng bó. Mẹ bảo tôi bị gãy tay và suốt hai ngày nay bà Tám bỏ cả ăn, ngủ đề ngồi túc trực bên tôi. Tôi nhìn bà. Vết bầm vẫn trên mặt. Tôi định nói xin lỗi nhưng không sao nói được. Nước mắt cứ muốn trào ra. Bà cũng rầu rầu:

– Chỉ tại bà thôi cháu ạ. 

Tôi không còn biết thế nghĩa là như thế nào. Lúc ấy mẹ tôi đỡ lời:

– Bà đừng nói vậy! Chỉ tại cháu nó nghịch dại mới nên nông nỗi này. Bây giờ cháu đã đỡ, bà cứ yên tâm về nghỉ.

Bà Tám yên lặng. Ánh mắt già nua nhìn xa vời vợi. Ánh mắt ấy đã ám ảnh tôi suốt một thời gian dài.

Ít lâu sau nhà tôi chuyển ra thành phố. Nhiều việc bận rộn khiến tôi không có thời gian về thăm bà. Mãi tới hôm vừa rồi tôi mới lại được trở về thăm chốn cũ. Nhưng đâu còn nữa mái nhà tranh, còn đâu nữa hình bóng bà Tám năm nào. Thay vào đó là một ngôi nhà 3 tầng đẹp đẽ. Thì ra bà Tám đã mất. Mảnh vườn của bà họ hàng đã bán cho một gia đình khác.

Tôi đứng lặng người nghĩ lại chuyện xưa. Nghĩ về bà Tám, nước mắt tôi ứa ra lúc nào không biết.

– Bà Tám ơi, xin bà hãy tha thứ cho cháu – Đứa trẻ nghịch ngợm này.

E. Hoạt động tìm tòi mở rộng

(trang 24, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 1) Tìm đọc tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4 / 5. Số lượt đánh giá: 1037

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống