Xem toàn bộ tài liệu Lớp 9: tại đây
A. Soạn bài Sang thu (ngắn nhất)
Câu 1 (trang 71 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):
Sự biến đổi của đất trời sang thu được Hữu Thỉnh cảm nhận bắt đầu từ hương ổi được phả trong gió se, từ sương ngoài ngõ. Sau đó, nhà thơ gợi tả bằng các hình ảnh dòng sông, bầy chim, đám mây; hiện tượng nắng mưa, sấm trên hàng cây đứng tuổi.
Câu 2 (trang 71 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):
– Những chuyển biến của không gian lúc sang thu:
+ Hương vị: Mùi ổi chín phả trong gió se
+ Hình ảnh:
-Gió se se lạnh.
-Sương chùng chình qua ngõ.
-Dòng sông dềnh dàng.
-Đàn chim bay vội vã.
-Đám mây trắng, nhẹ, mỏng vắt nửa mình sang thu.
-Nắng nhạt hơn và mưa cũng vơi dần hơn.
-Tiếng sấm thưa dần.
Tâm trạng tác giả ngỡ ngàng, bâng khuâng qua các từ bỗng, hình như.
Câu 3 (trang 71 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):
– Hình ảnh đặc sắc của thời điểm giao mùa: hình ảnh đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu. Đây là hình ảnh nhân hóa, giàu sức gợi cảm.
– Hai dòng thơ cuối:
+ Ý nghĩa tả thực: những hiện tượng thiên nhiên đặc trưng của mùa hạ giảm dần, sắc thu hiện rõ nét.
+ Ý nghĩa ẩn dụ: suy tư về con người lúc sang thu. “Sấm” những tác động của ngoại cảnh, những thay đổi bất thường của cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi” là những con người đã từng trải. → Khi cuộc đời đã sang thu, con người chín chắn, vững vàng hơn trước những tác động bất thường của ngoại cảnh.
Luyện tập
Dựa vào hình ảnh …
Bài văn tham khảo:
Từ cuối hạ sang đầu thu, đất trời có những biến chuyển nhẹ nhàng mà rõ rệt. Sự biến chuyển này đã được Hữu Thỉnh gợi lên bằng những cảm nhận tinh tế, qua những hình ảnh giàu sức biểu cảm trong bài Sang Thu
Mở đầu bài thơ là cảm nhận ban đầu của nhà thơ về những tín hiệu mùa thu:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.
Tín hiệu đầu tiên của mùa thu mà tác giả cảm nhận là hương ổi chín. Mùi hương quê nhà mộc mạc được gió đưa “phả” trong không gian cứ lan tỏa thoang thoảng bay. Cùng với hương ổi là gió se. Gió se lạnh và khô là đặc trưng của tiết trời thu. Tiếp theo tác giả cảm nhận tín hiệu mùa thu qua hình ảnh “sương chùng chình”. Tác giả sử dụng biện pháp nhân hóa kết hợp với từ láy diễn tả màn sương đang chuyển động nhẹ nhàng, như cố ý chậm lại, lưu luyến mùa hạ, ngập ngừng chưa bước hẳn sang thu. Hình ảnh “ngõ” ở đây có thể là đường làng ngõ xóm nhưng cũng có thể là ngõ cửa thời gian giữa hai mùa. Hữu Thỉnh đã cảm nhận tinh tế được ba tín hiệu mùa thu: hương ổi, gió se, sương chùng chình qua ba giác quan: khứu giác, xúc giác, thị giác. Đứng trước khung cảnh mùa thu ấy, tác giả hơi bất ngờ, ngỡ ngàng xúc động trước tín hiệu chuyển mùa. Tác giả “bỗng nhận ra”, “hình như thu đã về”. Từ bao giờ thu về? Nhà thơ ngỡ ngàng, bâng khuâng, bối rối, hình như còn chsut gì đó chưa thật rõ ràng trong cảm nhận. Tâm hồn thi sĩ giờ đây biến chuyển nhịp nhàng với phút giao mùa của cảnh vật.
Sau giây phút ngỡ ngàng và khe khẽ vui mừng, cảm xúc của thi nhân tiếp tục lan tỏa, mở ra trong cái nhìn xa hơn, rộng hơn:
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.
Cái nhìn tinh tế của Hữu Thỉnh được phát hiện ra bao điều mới lạ từ những sự vật đã quá quen thuộc với trời đất, con ngườ. Đó là dòng sông, đó là những cánh chim, đám mây trắng. Thu đã về, nước sông vẫn đầy chứ không cạn như mùa xuân, mùa đông. Dòng sông trôi lững lời, khoan thai chứ không cuồn cuộn đi như cơn lũ mùa hạ. Sông như được lúc nghỉ ngơi nên “dềnh dàng”. Qua việc sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa, người đọc cảm nhận về một dòng sông êm đềm, mềm mại, thiết tha. Đối lập với hình ảnh dòng sông lững lờ là hình ảnh những cánh chim vội vã bay về phương Nam tránh rét trong những buổi hoàng hôn. Và thật đặc biệt, đám mây mang trên mình cả hai mùa. Hữu Thỉnh dùng động từ “vắt” để gợi ra trong thời điểm giao mùa, đám mây như kéo dài ra, nhẹ trôi như tấm lụa mềm treo lơ lửng giữa bầu trời trong xanh, cao rộng. Đám mây ấy, một nửa còn lưu luyến mùa hạ, một nửa chào đón mùa thu. Đây là một sự liên tưởng thú vị và đầy chất thơ. Thời khắc giao mùa được sáng tạo từ một hồn thơ tinh tế, nhạy cảm, độc đáo. Có lẽ đây là hai câu thơ hay nhất trong sự tìm tòi, khám phá của Hữu Thỉnh trong khoảnh khắc giao mùa. Nó giống như một bức tranh thu vĩnh hằng tạc bằng ngôn ngữ.
Sau những sự vật, hiện tượng khi chớm thu, nhà thơ chú ý đến những yếu tố thời tiết:
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
Trong cảm nhận này, nhà thơ luôn có sự liên tưởng so sánh với mùa hạ nhằm tạo nên ấn tượng rõ nét. Nắng, mưa vốn là hiện tượng của thiên nhiên, vận hành theo quy luật riêng của nó. Hữu Thỉnh đã nhìn ra từ cái mưa nắng hàng ngày một sự hụt, vơi. Những hiện tượng thiên nhiên đặc trưng của mùa hạ đã giảm dần thay vào đó sắc thu hiện rõ nét hơn. Sang thu, vẫn còn nắng, nhưng đó là cái nắng dịu nhẹ, không gay gắt, chói chang như nắng mùa hạ. Mưa cũng vẫn còn nhưng đã vơi đi và thưa hơn so với những con mưa rào của mùa hạ. Khi đã vơi đi những cơn mưa thì sấm cũng bớt bất ngờ và dữ dội. Nó không còn đột ngột, bất ngờ với những tia sáng chớp lòe như xé rách cả bầu trời nữa. Cảnh vật và thời tiết thay đổi. Hai câu thơ kết của bài thơ không chỉ mang ý nghĩa tả thực, mà còn mang những suy nghĩ triết của nhà thơ về con người, đất nước lúc sang thu. “Sấm” là những vang động bất thường của ngoại cảnh, cuộc đời, “hàng cây đứng tuổi” là những con người từng trải. Khi cuộc đời đã snag thu, con người chín chắn, vững vàng hơn trước những tác động bất thường của ngoại cảnh. Không những thế, bài thơ được viết vào năm 1977, khi đất nước được hòa bình hai năm. Điều đó chứng tỏ, đất nước đã trải qua sự khốc liệt của chiến tranh nên vững vàng qua mọi thử thách, bước vào tương lai.
Bằng hình ảnh thơ tự nhiên, không trau chuốt mà giàu sức gợi cảm, Hữu Thỉnh đã thể hiện một cách đặc sắc những cảm nhận tinh tế để tạo ra một bức tranh chuyển giao từ cuối hạ sang thu nhẹ nhàng ở vùng Đồng Bằng của đất nước.
B. Tác giả
– Tên Hữu Thỉnh ( sinh năm 1942) tên thật là Nguyễn Hữu Thỉnh bút danh là Vũ Hữu
– Quê quán: Tam Dương- Vĩnh Phúc
– Quá trình hoạt động văn học, kháng chiến:
+ Năm 1963 ông nhập ngũ rồi trở thành cán bộ tuyên huấn trong quân đội và bắt đầu sáng tác thơ
+ Ông tham gia ban chấp hành hội nhà văn Việt Nam các khóa III. IV, V
+ Năm 2000 ông là Tổng thư kí Hội nhà văn Việt Nam
– Phong cách nghệ thuật: Ông là người viết nhiều, viết hay về con người và cuộc sống ở nông thôn. Thơ ông giản dị nhưng vô cùng tinh tế và sâu sắc
– Tác phẩm chính: “Thương lượng với thời gian”, “Sang thu”, “Âm vang chiến hào”…
C. Tác phẩm
– Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ ra đời gần cuối năm 1977 khi đất nước mới thống nhất hòa bình, in trong tập “Từ chiến hào đến thành phố”
– Thể thơ: 5 chữ
– Phương thức biểu đạt: Biểu cảm
– Bố cục:
+ Khổ 1: Cảm nhận về thiên nhiên lúc giao mùa, tín hiệu báo thu về
+ Khổ 2: Cảm nhận về quang cảnh trời đất lúc vào thu
+ Khổ 3: Những biến chuyển âm thầm của tạo vật và suy ngẫm về cuộc đời người lúc chớm thu
– Giá trị nội dung: Bài thơ là những cảm nhận thực sự tinh tế cùng sự quan sát vô cùng tỉ mỉ của tác giả về sự biến chuyển của đất trời từ cuối mùa hạ sang thu. Từ đó bộc lộ tình yêu thiết tha với thiên nhiên của một tâm hồn nhạy cảm và sâu sắc
– Giá trị nghệ thuật: Bài thơ viết theo thể thơ năm chữ, sử dụng rất nhiều những hình ảnh sinh động hấp dẫn, cảnh tượng được miêu tả tự nhiên chân thực, ngôn ngữ thơ trong sáng, giản dị, gợi nhiều cảm xúc.