Văn mẫu lớp 10 Học kì 1

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10: tại đây

Đề bài: Phân tích bài Thơ hai-cư của Ba-sô

Bài văn mẫu

   Hai-cư là thể loại thơ ca truyền thống Nhật Bản. Đây là thể thơ ngắn nhất thế giới, chỉ có 17 âm tiết. Trong tiếng Nhật 17 âm tiết đó được viết thành một hàng, khi phiên âm La tinh nó mới được ngắt thanh ba đoạn theo thứ tự 5/7/5. Cá biệt có những bài có 19 âm tiết.

   Ma-su-ô Ba-sô (1644 – 1694), nhà thơ bậc thầy về thơ Hai-cư của Nhật. Ông xuất thân trong một gia đình thuộc dòng dõi võ sĩ đạo Sa-mu-rai của xứ I-ga.

   Hai-cư là thể loại thơ ca truyền thống Nhật Bản. Đây là thể thơ ngắn nhất thế giới, chỉ có 17 âm tiết. Trong tiếng Nhật 17 âm tiết đó được viết thành một hàng, khi phiên âm La tinh nó mới được ngắt thanh ba đoạn theo thứ tự 5/7/5. Cá biệt có những bài có 19 âm tiết.

   Ba dòng (đoạn) thơ Hai cư có chức năng khác nhau: Dòng thứ nhất dùng để giới thiệu; Dòng thứ hai tiếp tục ý trên và chuẩn bị cho dòng thứ ba; Dòng thứ ba: Kết lại tứ thơ, nhưng thường không bao giờ rõ ràng và đủ ý mà phải mở ra những suy tư cảm xúc cho người đọc.

   Trong mỗi bài thơ đều phải có quý ngữ (từ chỉ mùa). Mỗi bài thơ là một khoảnh khắc của cảnh vật và đỉnh điểm của cảm xúc.

   Thơ Hai-cư bao giờ cũng có nội dung liên quan đến thiên nhiên và đưa ra những triết lí về thiên nhiên

.

– Bài 1: là nỗi cảm về Ê-đô (Ê-đô là Tô-ki-ô ngày nay). Đã mười mùa sương xa quên, tức là mười năm đằng đẵng nhà thơ sống ở Ê-đô. Có một lần trở về quê cha đất tổ ông không thể nào quên được Ê-đô. Mười mùa sương gợi lòng lạnh giá của kẻ xa quê. Vậy mà về quê lại nhớ Ê-đô. Tình yêu quê hương đất nước đã hòa làm một.

– Bài 2: Ki-ô-tô là nơi Ba-sô sống thời trẻ (1666 – 1672). Sau đó ông chuyển đến Ê-đô. Hai mươi năm sau trở lại Ki-ô-tô nghe tiếng chim đỗ quyên hót ông đã làm bài thơ này. Bài thơ là sự hoài cảm qua tiếng chim đỗ quyên, loài chim báo mùa hè, tiếng khắc khoải gọi lại kỉ niệm một thời tuổi trẻ. Đó là tiếng lòng da diết xen lẫn buồn, vui mơ hồ về một thời xa xắm. Thơ Ba-sô đã gây ấn tượng đầy lãng mạn. Giữthơ cũng bồng bềnh trong khẳng định thầm lặng của nỗi nhớ, sự hoài cảm.

– Bài 3: Một mớ tóc bạc di vật còn lại của mẹ, cầm trên tay mà Ba-sô rưng rưng dòng lệ chảy. Nỗi lòng thương cảm xót xa khi mẹ không còn. Hình ảnh “làn xương thu” mơ hồ gợi nỗi buồn trống trải bởi công sinh thành, dưỡng dục chưa được báo đền. Tình mẫu tử khiến người đọc cũng rưng rưng.

– Bài 4: Người đọc bắt gặp nỗi buồn nhân thế. Bố mẹ đẻ ra con không nuôi được vì nghèo đói mà mang bỏ trong rừng sâu. Sự thực ấy đi vào thơ gợi lên biết bao nỗi buồn tê tái. Tiếng vượn hú không phải rùng rợn mà “não nề” cả gan ruột, không còn nỗi buồn mà là nỗi đau nhân thế. Tiếng trẻ “than khóc” vì bị bỏ rơi không phải vì cha mẹ nó độc ác mà vì cực chẳng đã, không nuôi nổi. Nỗi buồn ấy gửi vào gió mua thu tái tê. Nỗi buồn ấy đã nâng bổng giá trị thơ Ba-sô tới đỉnh cao của chủ nghĩa nhân đạo. Điều đáng nói trong cái buồn ấy có nỗi đau đời, càng đau hơn vì “đau đời có cứu được đời đâu”.

– Bài 5: Vẻ đẹp về khát vọng trong tâm hồn nhà thơ. Mưa giăng, một chú khỉ con thầm ước (khát vọng) có một chiếc áo tơi để che mưa. Mượn mưa để nói về một hiện thực nào đó trong cuộc đời (đói khổ, rét mướt chẳng hạn). Chú khỉ con ấy là một sinh mạng một con người, một kiếp người và là con người chung trong cuộc đời. Chú khỉ mong hay nhân vật trữ tình mong mỏi làm thế nào để khỏi đói rét, khỏi khổ. Vẻ đẹp tâm hồn ấy lấp lánh giá trị nhân đạo thiết thực.

– Bài 6: Chúng ta bắt gặp cánh “hoa đào lả tả” và sóng nước hồ Bi-oa. Hoa đào lả tả hoa rụng báo hiệu mùa xuân ở Nhật Bản đã qua. Đây là thời kì chuyển giao mùa.

   Cái nhỏ bé nhất, đơn sơ nhất, tưởng như không có sinh linh nhưng cũng vẫn mang trong mình mối tương quan giao hòa, chuyển hóa của vũ trụ. Một cánh hoa đào mỏng tang nhỏ xíu cũng khiến hồ Bi-oa nổi sóng.

– Bài 7: Ta bắt gặp “tiếng ve ngân”, đặc trưng của mùa hè. Sự liên tưởng về giao mùa được hòa cảm trong cái nhìn, sự cảm giao và lắng nghe âm thanh. Xúc cảm ấy củạ nhà thơ thật tinh tế. Hình ảnh thơ rất đẹp: Hoa đào, hồ Bi-oa và tiếngve ngân không chỉ lan tỏa trong không gian mà còn thấm sâu vào đá, đang vật chất biểu tượng cho tính cứng cỏi. Câu thơ đằm trong cảm nhận sâu sắc, thắm trong cái tình của con người với thiên nhiên, tạo vật.

– Bài 8: Bản chất Ba-sô rất thích đi lãng du (đi nhiều nơi trên đất nước). Con người đã đến lúc này (bài thơ này tác giả sáng tác trước khi mất) còn có khát vọng gì nữa khi gần đất xa trời rồi. Không! Ba-sô vẫn có khát vọng sống để đi tiếp cuộc du hành. Khát vọng sống không phải để hưởng thụ mà thực hiện sở thích của mình, du hành trên đất nước. Lạc quan biết bao! Bài thơ không chỉ nói lên tình yêu của nhà thơ với cuộc sống mà còn là sứ mệnh của thi nhân. Yêu đời, yêu người, yêu cái đẹp, Ba-sô sẽ còn mãi làm thơ về cuộc đời này ngay cả khi mộng hồn đã rời sang thế giới bên kia.

Bài văn mẫu

1. Năm 20 tuổi, Ba-sô rời quê hương lên Ki-ô-tô, kinh đô Nhật Bản thời ấy, để học văn học cổ điển, thơ hai-cư và Thiền tông. Sau đó ông chuyển đến Ê-đô. Những năm cuối đời, để nuôi dưỡng cảm hứng thơ ca, nhà thơ đã đi chu du khắp đất nước và sáng tác. Với tấm lòng luôn tha thiết với cuộc sống và tâm hồn nhạy cảm, sống ở đâu nhà thơ cũng có những tình cảm gắn bó với mảnh đất ấy. Và như nhà thơ Chế Lan Viên đã tổng kết :

    Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

    Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn

   

    Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương

            (Tiếng hát con tàu)

   Nhà thơ Ba-sô sau hơn mười năm sống, học tập và lao động ở Ê-đô đã trở lại thăm quê. Và giây phút tạm biệt kinh đô Ê-đô để về thăm quê nhà thơ đã có những xúc động rất chân thành. Giây phút ấy được ghi lại ở hai bài hai-cư xinh xắn, đầy trăn trở và suy tư:

    Đất khách mười mùa sương

    về thăm quê ngoảnh lại

    Ê-đô là cố hương.

   Vẫn là tứ thơ của bài Độ Tang Càn của Giả Đảo nhưng bài thơ của Ba-sô hàm súc hơn. Hai dòng đầu đề cập đến hoàn cảnh nảy sinh cảm xúc, hình ảnh nhân vật trữ tình hiện lên rất rõ : bước đi và ngoảnh lại. Về thăm quê sau nhiều năm xa cách, ai cũng đầy tâm trạng. Nhưng thông thường, người ta chỉ hướng đến nơi sẽ đến, nhất là nơi ấy lại là quê hương sau bao ngày xa cách. Nhân vật trữ tình ở đây cũng vậy. Niềm mong ước được trở về quê hương đã thể hiện ở dòng thơ đầu tiên. Khi cất bước thăm quê, Ê-đô vẫn là đất khách. Trên đất khách nên nhớ và khao khát về thăm quê. Nhưng khi đã cất bước ra đi thì lại “ngoảnh lại”. Và “đất khách” thành “cố hương”. Ê-đô lại trở thành quê hương, lại gắn bó máu thịt với người ra đi.

   Bài thơ đã thể hiện tấm lòng tha thiết với quê hương, đất nước của nhà thơ. Đồng thời nó cũng đã ghi lại được phút giây rất đỗi thiêng liêng trong mỗi con người. Người ta chỉ có thể nhận ra sự quý giá của một cái gì đó khi đã sắp mất đi. Con người chỉ thấy mình gắn bó với mảnh đất ấy khi mình phải cất bước ra đi, phải rời xa nó. Với thể loại hai-cư, Ba-sô đã thể hiện thành công và chính xác một trong rất nhiều những trạng thái tình cảm của con người. Từ “đất khách” mở đầu, từ “cố hương” kết thúc, vẫn chỉ một đối tượng, đã diễn tả và ghi lại được phút giây bừng ngộ chân lí của nhân vật trữ tình.

2. Tình cảm với quê hương đất nước, với những mảnh đất đã từng gắn bó còn được thể hiện ở bài thơ thứ hai:

    Chim đỗ quyên hót

    ở Kinh đô

    mà nhớ Kinh đô.

   Bài thơ được viết khi tác giả trở lại Ki-ô-tô sau nhiều năm phiêu bạt. Đây là cuộc gặp gỡ của những cố nhân. Một cuộc gặp gỡ đầy tâm trạng.

   “Cảm thức thẩm mĩ của hai-cư, nhất là hai-cư của Ba-sô có những nét rất riêng, rất cao và tinh tế… Hai-cư chỉ gợi chứ không tả”. Tứ thơ đơn giản nhưng sâu sắc. Âm thanh của tiếng chim đỗ quyên hót đã gợi tả sự tĩnh lặng của không gian. Hai-cư vốn đề cao cái vắng lặng, đơn sơ, hiu hắt, u huyền… bởi đó là không khí dễ gợi và dễ cảm nhận tâm trạng nhất. Dùng âm thanh để gợi tả sự tĩnh lặng là bút pháp nghệ thuật quen thuộc của thi ca cổ điển phương Đông. Kinh đô vốn là chốn phồn hoa đô hội, vậy mà lại nghe được âm thanh của tiếng đỗ quyên hót.

   Không viết nhiều, chỉ một thứ âm thanh gợi một nỗi nhớ nhưng gợi mở bao nhiêu ý nghĩa. Đứng giữa kinh đô mà nhớ kinh đô. Đây là kinh đô ở hai thời điểm khác nhau. Một kinh đô đồng hiện : kinh đô của quá khứ và kinh đô của hiện tại. Nỗi nhớ ở đây là “niềm tiếc nuối” của nhà thơ. Gặp lại kinh đô hoang tàn của hiện tại, nhớ kinh đô xưa tươi đẹp. Cũng có thể hiểu rằng, bài thơ thể hiện tình yêu tha thiết của nhà thơ đối với đất nước mà hiện thân của đất nước là kinh đô. Tình cảm tha thiết ấy trào dâng trong lòng khi con người ngược thời gian trở về với miền mong nhớ.

3. Tình cảm giữa con người đối với con người là dòng chảy bất tận của thi ca – trong đó tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng, chân thành và bản năng nhất. Tình cảm thật của nhân vật trữ tình – tác giả đối với mẹ thật sâu nặng và được thể hiện thật xúc động. Một hình ảnh choán ngợp cả bài thơ – hình ảnh người con khóc mẹ. Đây là hoàn cảnh thật của chính nhà thơ, trở về nhà khi mẹ đã qua đời và hình ảnh của mẹ chỉ còn lại là một nắm tóc bạc. Mang trong lòng nỗi đau mất mẹ, cầm trên tay di vật của mẹ, đây là hình ảnh người con:

    Lệ trào nóng hổi

    tan trên tay tóc mẹ

    làn sương thu.

   Nước mắt đớn đau chảy vào hoài niệm. Không ghi nhiều, chỉ một nét gợi mơ hồ và mờ ảo, bài thơ đã truyền tải được tình cảm yêu thương vô bờ của người con đối với mẹ.

4. Tình yêu tha thiết của nhà thơ với con người, với vạn vật là một trong những mạch nguồn cảm hứng dồi dào của Ba-sô. Bài thơ này thể hiện tấm lòng nhân ái sâu sắc của ông:

    Tiếng vượn hú não nề

    hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc?

    gió mùa thu tái tê.

   Tiếng hú của con vượn như xoáy vào nỗi niềm trắc ẩn. Nghe tiếng vượn hú, Ba-sô lại liên tưởng đến tiếng trẻ con. Ba câu thơ, hai cảnh ngộ (hồi ức và hiện tại) đan quyện và cộng hưởng. Dường như tiếng vượn kêu não nề trong gió cũng khiến lòng người tái tê. Thơ hai-cư là loại thơ kiệm lời, vì thế nhà thơ phải biết lựa chọn những hình ảnh và âm thanh gợi cảm nhất, hàm súc nhất. Bài thơ ngắn nhưng ý nghĩa lại rất sâu sắc, chứa đầy giá trị nhân sinh.

   Bài thơ viết về cảnh ngộ thật thương tâm, cảnh ngộ của những đứa trẻ mồ côi bị cha mẹ bỏ rơi giữa dòng đời. Và nhà thơ đã lựa chọn một thứ âm thanh thật đặc biệt, thứ âm thanh não nề và thương tâm. Ý thơ lạ và độc đáo.

    Tiếng vượn hú não nề

    hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc?

   Âm thanh thứ nhất gợi không khí hoang vu, nặng nề. Âm thanh thứ hai gợi bao điều trắc ẩn. Tiếng trẻ tha thiết rên rỉ trong cô đơn, trong cảnh ngộ không nơi nương tựa. Bài thơ khắc hoạ một hình ảnh vô cùng xúc động, làm đau đớn trái tim người đọc. Âm thanh của tiếng vượn hú đã thê lương nhưng “tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc” còn thê lương, thảm thiết hơn nhiều. Nó khiến người đọc rơi nước mắt. Bao trùm cả bài thơ là âm thanh và không khí u trầm, buồn đau. Khí trời mùa thu tái tê càng làm cho bài thơ thêm phần ảm đạm. Bài thơ thể hiện niềm cảm thông sâu sắc của nhà thơ đối với những kiếp người bất hạnh. Liệu ai có thể cầm lòng trước tiếng than khóc như thế ? Bài thơ đã phần nào tái hiện một mảng hiện thực nước Nhật thời Ba-sô.

   Không nói nhiều mà gợi rất sâu, gợi những tình cảm sâu thẳm nhất nơi đáy sâu tâm hồn con người là đặc điểm của thơ hai-cư. Và đây là bài thơ tiêu biểu.

5. Bài thơ này Ba-sô sáng tác khi du hành ngang qua một cánh rừng, ông thấy một chú khỉ nhỏ đang lạnh run lên trong cơn mưa mùa đông. Nhà thơ tưởng tượng thấy chú khỉ đang thầm ước có một chiếc áo tơi để che mưa, che lạnh.

    Mưa đông giăng đầy trời

    chú khỉ con thầm ước

    có một chiếc áo tơi.

   Hình ảnh chú khỉ đơn độc trong bài thơ gợi lên hình ảnh người nông dân Nhật Bản, gợi hình ảnh những em bé nghèo đang rét co ro. Bài thơ thể hiện tình thương yêu sâu sắc của nhà thơ đối với những kiếp người nghèo khổ. Chú khỉ đã được nhân hoá để nói về suy nghĩ và ước mơ của con người về một cuộc sống hạnh phúc.

   Chỉ dùng một chi tiết thật nhỏ nhưng nhà thơ đã nói được một vấn đề thật lớn, đó là khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

   Bài thơ đã khái quát hoá một vấn đề rất lớn và rất phổ biến của nhân sinh, đó là khao khát, là ước mơ. Con người luôn khao khát và ước mơ về một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc hơn. Những ước mơ rất đỗi giản dị, như chú khỉ ước có được chiếc áo tơi trong cơn mưa đông. Chỉ một hình ảnh, một biện pháp tu từ nhân hoá mà nhà thơ đã nói lên điều mà bao nhiêu người đều muốn nói, đó là ước muốn có một cuộc sống bình ổn, hạnh phúc. Giữa những phút giây bề bộn của cuộc sống, con người luôn hướng đến những điều tốt đẹp hơn. Và điều đó khiến cho xã hội loài người ngày càng phát triển.

6. Bài thơ này miêu tả cảnh mùa xuân. Quanh hồ Bi-oa có trồng rất nhiều hoa anh đào. Mỗi khi gió thổi, cánh hoa anh đào lại rụng lả tả như mây. Cánh hoa hồng nhạt, mong manh rụng xuống mặt hồ làm cho mặt hồ gợn sóng. Cảnh tượng ấy thể hiện sự tương giao của các vật trong vũ trụ. Triết lí sâu xa nhưng lại được thể hiện bằng những hình tượng giản dị, nhẹ nhàng. Đó chính là cảm thức thẩm mĩ của bài thơ.

    Từ bốn phương trời xa

    cánh hoa đào lả tả

    gợn sóng hồ Bi-oa.

   Chỉ với ba dòng thơ ngắn nhưng bài thơ đã tạo nên một bức hoạ thật sinh động. Vạn vật giao hoà, cánh hoa và sóng nước được kết hợp với nhau thật nhẹ nhàng và tinh tế. Hoa đẹp, hồ nên thơ. Những cánh hoa mỏng manh hoà hợp với những con sóng gợn nhẹ trên mặt hồ. Một bức tranh thật thanh thoát. Triết lí nhân sinh của bài thơ nằm trong sự hoà hợp ấy. Mọi sự vật trong thế giới này đều có một mối tương giao với nhau. Với ngôn từ giàu hình ảnh, nhà thơ đã thể hiện một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc sự hoà hợp rất triết học của tự nhiên.

7. Bài thơ ra đời trong một lần Ba-sô leo lên núi đá để thăm chính điện chùa Riu-sa-ku-ji. Tiếng ve là thanh, đá là vật. Nhưng trong cảnh u tịch, vắng lặng của chiều tà, khi tất cả đều im ắng hết lại có thể nghe được tiếng ve rền rĩ như nhiễm vào, như thấm vào đá. Liên hệ đó độc đáo, kì lạ mà không hề khoa trương.

   Ngôn từ của bài thơ đậm đà chất hai-cư. Ngay dòng thơ mở đầu đã là cái không khí rất thâm trầm, rất phương Đông:

    Vắng lặng u trầm

    thấm sâu vào đá

    tiếng ve ngâm.

   Chỉ một câu với nghệ thuật đảo trật tự cú pháp, nhà thơ đã nói lên được sự tương giao màu nhiệm giữa thiên thiên với thiên nhiên. Và trên hết, để có được điều đó phải có sự tương giao màu nhiệm giữa tâm hồn nhà thơ và vũ trụ nhân sinh. “Vắng lặng u trầm” là nhóm tính từ chỉ trạng thái của “tiếng ve ngâm thấm sâu vào đá”. Đảo trật tự cú pháp của câu thơ là một biện pháp nghệ thuật quan trọng của bài thơ. Thơ hai-cư đề cao tính chất hàm súc của ngôn từ. Vì thế các nhà thơ thường chú ý tạo nên những hình ảnh có sức gợi lớn. Ở bài thơ này, chỉ cần một âm thanh của tiếng ve ngâm, tác giả đã gợi nên khung cảnh mùa hè. Nhưng đây là mùa hè được cảm nhận bằng những giác quan của một con người thâm trầm. Người ngắm cảnh như nghiêng mình trước buổi chiều yên ắng để lắng nghe, để chiêm nghiệm, để hoà hợp tâm hồn mình cùng những biến thái, những chuyển động rất tinh vi của tự nhiên. Vốn ưa cái thâm trầm, các nhà thơ hai-cư thường tạo nên chất thâm trầm cho thơ của mình. Thâm trầm vốn là bản chất của vũ trụ. Rất nhẹ nhàng nhưng có một sức tác động mạnh mẽ, mọi vật tồn tại trong thế giới này đều lặng lẽ hoà hợp với nhau, tạo nên sự bền vững cho thế giới.

8. Bài thơ này viết ở Ô-sa-ka (năm 1694). Đây là bài thơ từ thế của Ba-sô. Trước đó, ông đã thấy mình yếu lắm rồi, như một cánh chim sắp sửa bay khuất vào chân trời vô tận.

    Nằm bệnh giữa cuộc lãng du

    mộng hồn còn phiêu bạt

    những cánh đồng hoang vu.

   Cuộc đời Ba-sô là cuộc đời lang thang phiêu bồng, lãng du. Vì thế ngay cả khi sắp từ giã cõi đời, ông vẫn còn lưu luyến lắm, vẫn còn muốn tiếp tục cuộc đi – đi bằng hồn mình. Và ta lại như thấy hồn Ba-sô lang thang trên khắp những cánh đồng hoang vu. Vẫn tha thiết, ước mong được đi đến mọi miền của quê hương để được ngắm nhìn, được tìm hiểu và chiêm nghiệm cuộc đời. Thế nhưng bệnh tật đã buộc nhà thơ phải ở một chỗ. Thân xác phải ở một nơi nhưng tâm hồn vẫn phiêu bồng với những ước mơ thật lớn. Khát vọng được sống luôn đốt cháy tâm can và tấm lòng yêu đời, tha thiết sống của thi nhân đã được thể hiện trọn vẹn, nồng nàn trong một câu thơ đầy trăn trở, khao khát.

   Tình yêu cuộc sống là tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người và đó là giá trị nhân sinh trong thơ của Ba-sô. Thơ hai-cư của Ba-sô súc tích, giàu hình ảnh nên tạo được những ấn tượng khó phai trong lòng người đọc. Chỉ một hình ảnh đơn giản của cuộc sống nhưng chứa đựng những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, thơ hai-cư đòi hỏi người đọc phải đến với nó không chỉ bằng trái tim, khối óc mà bằng cả trí tưởng tượng và cả trực giác của người biết cảm thụ nghệ thuật.

Bài văn mẫu

   Ba-sô (1644 – 1694) là nhà thơ cổ điển lớn nhất của Nhật Bản. Thơ Hai-cư của ông là những bức họa xinh xắn, chỉ dõi ba nét phác họa về một cảnh vật, về một sự vật, về một con người… nhưng đầy rung động và ấn tượng.

   Mỗi bài thơ Hai-cư là một nét tâm hồn của Ba-sô.

    Đất khách mười mùa sương

    về thăm quê ngoảnh lại

    Ê-đô là cố hương.

   Ba-sô quê ở I-ga, ngày nay là tỉnh Mi-ê. Từ năm 30 – 40 tuổi, ông sống ở Ê-đô (nay là Tô-ki-ô). “Mười mùa sương” là mười mùa thu, cũng là mười năm, một tín hiệu “quý ngữ”. Bài thơ này ông viết năm 1684, năm đó ông đã 40 tuổi; ông đã sống “đất khách mười mùa sương”. Ê-đô đã trở thành quê hương thứ hai của ông, đã lưu giữ trong tâm hồn ông bao kỉ niệm của thời trung niên, thời say mê hoạt động văn học, một thời tài năng nở rộ. Năm 1684, mẹ mất, ông trở lại thăm I-ga, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nhưng kì lạ thay:

    “Về thăm quê / ngoảnh lại

    Ê-đô là cố hương”

   “Ngoảnh lại” vì nhớ Ê-đô; nhớ Ê-đô như nhớ cố hương. Đoàn Lê Giang viết: Tứ thơ này có lẽ chịu ảnh hưởng bài “Độ Tang Càn”, nhà thơ Giả Đảo đời Đường.

    “Tinh Châu đất khách trải mười hè.

    Hôm sớm Hàm Dương bụng nhớ quê

    Qua bến Tang Càn, Vô Tích nữa,

    Tinh Châu ngoảnh lại đã thành quê”.

            (Qua sông Tang Càn – Tản Đà dịch)

   Nguyên tác: “dĩ thập sương”, nghĩa là 10 mùa thu. Tản Đà đã dịch thoát thành “trải mười hè” để gieo vần. Giả Đảo quê ở Hàm Dương nhưng lưu lạc đến Tình Châu đã 10 năm, về thăm lại quê nhà, nhưng lúc vừa qua sông Tang Càn ông ngoảnh lại nhìn Tinh Châu, lòng bồi hồi nhớ Tinh Châu như nhớ quê hương.

   Giả Đảo sống trong thế ki thứ IX, Ba-sô sống trong thế kỉ XVII, nhưng tứ tơ và các chi tiết: mười thu, ngoảnh lại (khước vọng) đều giống nhau. Giả Đảo về thăm Hàm Dương lại nhớ Tinh Châu; Ba-sô về thăm I-ga lại nhớ Ê-đô. Cái tình người, tình quê, tình đất khách, nét tâm lí ấy của hai nhà thơ đều đẹp.

   *Bài số 3

   Bài thơ này, Ba-sô làm năm 1684:

    “Lệ trào nóng hổi

    tan trên tay tóc mẹ

    làn sương thu “

   Năm đó, Ba-sô 40 tuổi. Mẹ mất, đứa con về thăm mồ mẹ, thăm lại gia đình và quê hương. Người anh đưa cho ông di vật còn lại là mớ tóc bạc của mẹ. Có hai chi tiết nghệ thuật rất gợi: “Lệ trào nóng hổi” và “Tóc mẹ – làn sương thu”. Tóc mẹ bac trắng như làn sương thu; sương trong bài thơ hai-cư này vừa là một quý ngữ là một ẩn dụ. Hình ảnh người mẹ hiền chỉ còn lại mớ tóc, nhưng lòng mẹ, tình thương mẹ thì bao la, đứa con có bao giờ quên. Cầm mớ tóc bạc – di \ật cua me. đứa con khỏng cầm được nước mắt: “Lệ trào nóng hổi – tan trên tay / tóc mẹ”. Mớ tóc bạc của mẹ ướt đẫm nước mắt đứa con.

   Đây là bài thơ hai-cư của Ba-sô viết về tình thương mẹ – một trong những tình cảm đẹp nhất của con người làm cho mỗi chúng ta xúc động. Vẻ đẹp của bài thơ là sự hàm súc và cảm xúc như nén xuống, như lắng xuống trong cõi tâm hồn sâu thẳm.

   *Bài số 5

   Năm 1690, Ba-sô đã bước sang tuổi 46, năm đó ông đang trên đường đi du ngoạn. Bài thơ được viết tại Shirouma. Câu thơ thứ nhất, chữ “đông” là một “quý ngữ”. Ta khẽ đọc bài thơ:

    “Mưa đông giăng đầy trời

    chú khỉ con thầm ước

    có một chiếc áo tơi”.

   Bài thơ có ba hình ảnh – biểu tượng: mưa đông, chú khỉ con thầm ước, chiếc áo tơi.

   Mùa đông ở Nhật Bản lạnh lắm. Núi Phú Sĩ phủ trắng tuyết. Những hôm trời có mưa, thời tiết lại càng lạnh. Hình ảnh “Mưa đông giăng đầy trời” tượng trưng cho mọi khó khăn gian khổ.

   “Một chú khỉ đơn độc” biểu tượng cho một thân phận “bé nhỏ” đói rét, lẻ loi, cô đơn trong cuộc đời. Chú khỉ đang sống trong lạnh lẽo, đói rét, không một chốn nương thân khi “mưa đông giăng đầy trời”.

   Thương con khỉ cô đơn, lạnh lẽo, đau khổ, nhà thơ chỉ có một mong ước nhỏ nhoi, rất đẹp, đầy tình người:

    “có một chiếc áo tơi”

   Chiếc ao tơi đối với con khi trong cảnh gió mưa lạnh lẽo là tấm chăn ngự hàn. Thấy được cái rét. sự cô đơn, niềm ước mong của con khỉ, của kiếp người nhỏ bé đau khổ đói rét, và đó cũng là tấm lòng của Ba-sô. Hạnh phúc là san sẻ. Trái tim của thi hào rung dộng về mơ ước hạnh phúc của đồng loại, của một con vật nhỏ bé mới đẹp làm sao!

   Bài thơ có hình ảnh cảm động. Ngôn ngữ thơ hàm súc đem đến cho ta nhiều liên lường. Tình thương toả rộng bài thơ làm nên giá trị nhân bản đầy thi vị.

   *Bài số 8

   Đoàn Lê Giang, người dịch những bài thơ Hai-cư Nhật Bản cho biết bài thơ sau đây được Ba-sô làm trước khi mất. Có thể coi đây là khúc tạ từ của nhà thơ tài danh:

    “Nằm bệnh giữa cuộc lãng du

    mộng hồn còn phiêu bạt

    những cánh đồng hoang vu”.

   Cuộc lãng du của Ba-số kéo dài được mười năm. Ông đã nằm trên giường bệnh và trút hơi thở cuối cùng vào năm 1694 tại tỉnh Ô-sa-ka, năm đó nhà thơ 50 tuổi.

   Cuộc lãng du phải dừng lại vì đau ốm, nhưng “mộng hồn còn phiêu bạt”. Câu thơ thứ hai thể hiện khát vọng sống, đi tiếp những cuộc du hành. Với Ba-sô, “thơ là hành trình”. Dù có chết đi, nhưng hồn vẫn đi tiếp những cuộc du hành. Du hành để được sống với cái đẹp trong thiên nhiên, trên mọi miền đất nước “Mặt trời mọc”. Có yêu sống thiết tha, mãnh liệt thì mới có ước vọng diệu kì là sau khi đã sang thế giới bên kia vẫn khát khao: “mộng hồn còn phiêu bạt”.

   Câu cuối bài thơ vừa là không gian nghệ thuật vừa có “quý ngữ”:

    “những cánh đồng hoang vu”.

   Sau mùa gặt, mùa thu hoạch, tuyết phủ trắng bao la những cánh đồng. Đó là “những cánh đồng hoang vu” giữa mùa đông tuyết phủ. Bài thơ thoáng buồn. Không gian bao la, vắng lặng, u huyền. “Mộng hồn còn phiêu bạt” trong cô đơn, hoang vu và lạnh lẽo.

   Bâng khuâng và man mác là cảm thức của mỗi chúng ta khi khẽ đọc bài thơ “tuyệt mệnh” của Ba-sô.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4 / 5. Số lượt đánh giá: 1043

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống