Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10: tại đây
- Sách giáo khoa ngữ văn lớp 10 tập 1
- Soạn Văn – Sách Giải Văn – Sách Học Tốt Ngữ Văn Lớp 10
- Soạn Văn – Sách Giải Văn – Sách Học Tốt Ngữ Văn Lớp 10 (Ngắn Gọn)
- Soạn Văn – Sách Giải Văn – Sách Học Tốt Ngữ Văn Lớp 10 (Cực Ngắn)
- Sách Giáo Viên Ngữ Văn Lớp 10 Tập 1
- Sách Giáo Viên Ngữ Văn Lớp 10 Tập 2
- Sách Giáo Viên Ngữ Văn Lớp 10 Nâng Cao Tập 1
- Sách Giáo Viên Ngữ Văn Lớp 10 Nâng Cao Tập 2
- Sách Bài Tập Ngữ Văn Lớp 10 Tập 1
- Sách Bài Tập Ngữ Văn Lớp 10 Tập 2
- Sách Bài Tập Ngữ Văn Lớp 10 Tập 1 Nâng Cao
- Sách Bài Tập Ngữ Văn Lớp 10 Tập 2 Nâng Cao
Đề bài: Dân tộc ta có truyền thống Tôn sư trọng đạo. Theo anh (chị), truyền thống ấy được nối tiếp như thế nào trong thực tế cuộc sống hiện nay?
Bài văn mẫu
“Tôn sư trọng đạo” không chỉ còn là vấn đề đạo đức mà còn là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta. Khi nào cuộc sống còn cần kiến thức, con người còn văn minh thì người thầy còn được tôn trọng. Mà chắc chắn rằng, con người không thể quay trở về với điểm xuất phát với cảnh sống ăn lông ở lỗ được. Vì thế, dù thời kì lịch sử nào, dù xã hội nào “Tôn sư trọng đạo” vẫn là truyền thống vô cùng tốt đẹp, và vô cùng cần thiết, cần được tiếp tục phát huy và gìn giữ. Đó là yếu tố quan trọng làm nên nền tảng đạo đức của xã hội văn minh.
Nhân dân ta từng có những câu nói vô cùng giản dị mà chứa đựng những ý nghĩa rất sâu sắc về vấn đề Đạo và Thầy. Những câu nói ấy vừa tôn vinh người Thầy, vừa nhắc nhở con người phải biết sống cho phải đạo làm người. Thầy là người vạch đường chỉ lối cho mối người “Không thầy đố mày làm nên”. Vì thế vị trí của người thầy được đặt ngang hàng với vị trí của cha mẹ, “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”. Chúng ta vẫn luôn tự nhắc mình:
Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy
Người làm thầy trong bất cứ xã hội nào luôn được xã hội tôn trọng “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Bởi vậy, “tôn sư trọng đạo” không còn là một vấn đề quan niệm sống hay quan niệm về cách cư xử mà đã trở thành một phạm trù đạo đức. Thời xưa Platôn, Aritxtôt, Khổng Tử… từ người thầy đã trở thành những bậc thánh trong lòng học trò. Ngày nay, người thầy tuy không có vị trí tuyệt đối như thế song thầy vẫn là người được xã hội tôn trọng và “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Dù ở phương Đông hay phương Tây, dù mối quan hệ thầy trò có bình đẳng đến đâu, gần gũi đến đâu thì danh giới thầy trò, vị trí đáng kính của người thầy vẫn không hề bị mai một.
Trên thực tế, vấn đề “tôn sư trọng đạo” ngày nay đã có nhiều điều đáng phải bàn. Các thầy cô giáo dù phải đứng trước bao nhiêu khó khăn của cuộc sống vẫn đang ngày đêm lo lắng, nghiền ngẫm để truyền thụ cho học sinh những tri thức quý giá nhất. Còn học sinh, bên cạnh những học sinh chăm chỉ ngoan ngoãn, thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy cô giáo, đã có không ít bạn chót quên đi đạo nghĩa thầy trò. Những học sinh ấy đã vô tình hoặc cố ý vi phạm đạo làm trò, làm đau lòng các thầy cô giáo. Đã có những câu chuyện đau lòng mà chúng ta không muốn nhắc đến như hiện tượng học trò xúc phạm thầy cô giáo, vô lễ với những người đang ngày đêm dạy bảo mình những điều hay lẽ phải, truyền đạt cho mình những tinh hoa tri thức nhân loại. Xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục lên án những học sinh đó.
“Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của loài người. Nếu trẻ em là tờ giấy trắng thì người cầm cây bút viết lên những tờ giấy trắng ấy những tráng thẳng hàng, rõ nét, rõ chữ nhất chính là thầy cô giáo. Tôn trọng những người giữ vai trò truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ sau là biểu hiện của tình yêu tri thức, của lòng ham học hỏi, của ý chí và khát vọng vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế “tôn sư” không chỉ là vấn đề tôn trọng, kính yêu người làm nghề dạy học mà còn là biểu hiện của tình yêu tri thức, biểu hiện của văn minh, tiến bộ. “Đạo” cũng không chỉ dừng lại ở đạo làm trò, ở những hình thức, thái độ ứng xử với người thầy mà còn là cả vấn đề đạo đức xã hội. Đó là đạo làm người, là đạo học ở đời. Trọng đạo là coi trọng sự hiểu biết, coi trọng tinh thần ham học hỏi, đề cao truyền thống ham học.
Để xã hội ngày càng văn minh con người ngày càng phải chú ý đến chuyện học hành, tiếp thu tri thức. Vì thế, vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại đã thay đổi, từ người truyền đạt tri thức đã chuyển thành người dẫn dắt học sinh tìm ra con đường đến với tri thức. Vai trò của người thầy ít nhiều thay đổi nhưng vị trí của người thầy thì không hề suy giảm. Thầy vẫn là thầy và ngày càng quan trọng hơn. Vì vậy, dù xã hội có đi đến đâu, xã hội ấy vẫn có những người muốn học và vẫn có những người thực hiện nhiệm vụ dạy bảo người đi sau. Trong cuộc sống ngày nay, khi mà vấn đề học hành ngày càng phức tạp và sự xuống cấp về đạo đức xã hội đang khiến nhiều người có lương tâm trách nhiệm phải quan tâm suy nghĩa thì vấn đề “tôn sư trọng đạo” càng phải tiếp tục được kế thừa và phát huy hơn nữa.
Tôn sư trọng đạo là một truyền thống đạo đức vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta. Đứng trước những hiện tượng đáng suy nghĩ hiện nay về vấn đề đạo đức học đường, chúng ta cần phải có những hoạt động cần thiết để nhắc nhở mỗi người nhìn lại thái độ và cách ứng xử của mình đối với những người làm thầy trong xã hội này. Tôn sư trọng đạo cần phải được quan tâm hơn nữa.
Bài văn mẫu
Trong cuộc sống xô bồ, đầy bon chen, những thói hư, tật xấu vẫn diễn ra hàng ngày trước mắt và nhiều lúc, chúng ta vẫn bị ảnh hưởng, lôi cuốn, mê hoặc, tạo điều kiện cho nó xâm nhập khi nào không hay biết.
Những thói hư, tật xấu có ảnh hưởng rất lớn đến tư cách đạo đức, cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội, nó có thể đẩy con người đến bờ sâu của vực thẳm, vùi ta vào bóng đêm của tâm hồn. Chẳng vậy mà có ý kiến cho rằng: “tập quán xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở thành người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành một ông chủ nhà khó tính”.
Tập quán là những thói quen thường ngày, diễn ra thường xuyên, tự nhiên và được mọi người công nhận, nó gắn bó thân thiết với con người và là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, tập quán cũng có hai mặt, có những tập quán tốt và cũng có nhiều tập quán xấu. Tập quán tốt mang đến những lợi ích về vật chất và tinh thần, mang đến niềm vui, sức khỏe và hạnh phúc. Ngược lại, tập quán xấu đẩy ta vào cuộc sống tăm tối và mang đến nhiều thương đau. Những lời nói tục, chửi thề, cờ bạc,…. có một ma lực vô hình vô cùng lớn, nó đến và xâm nhập vào chúng ta lúc nào không ai ngờ. Ban đầu những thói hư, tật xấu, chỉ là những người khách qua đường, đến một lần rồi đi, rất tự nhiên, vô tình, không có mối quan hệ thân thiết và không để lại chút dấu ấn nào. Nhưng một lần, hai lần rồi ba lần, những thói xấu ấy cứ ghé thăm chúng ta, nó đến từ từ, nhẹ nhàng, không ồn ào nhưng nó lại có sức tấn công mãnh liệt, nó trói buộc chúng ta thành một người bạn thân chung nhà không thể nào xa rời. Bởi những thói xấu ấy có một sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được đối với những cá nhân suy nghĩ bồng bột, nông cạn, tầm thường, thậm chí bệnh hoạn. Nó ngày càng lớn lên một cách mạnh mẽ trong tâm hồn ta, nó chế ngự, điều khiển ta, bắt ta phải làm theo và không thể nào chống cự và cuối cùng, nó trở thành “một ông chủ nhà khó tính.” Càng chìm sâu vào nó là càng chìm sau vào những dục vọng tối tăm trong tâm hồn mà khó có thể cưỡng lại. Tất cả những tiến trình của thói xấu, từ khách qua đường, bạn thân cho đến ông chủ nhà khó tính dường như đã trở thành một quy luật và hầu như không thể thay đổi.
Con người muốn trở thành người tốt và có ích cho xã hội cần phải rèn luyện cho mình một bản lĩnh vững vàng trước những thói hư, tật xấu. Thói hư, tật xấu đến với chúng ta rất lặng lẽ, nhẹ nhàng nhưng lại mang trong mình một mãnh lực ghê gớm. Chỉ một lần buộc miệng chửi thề, một lần quay cóp trong giờ kiểm tra, một li rượu thách đố bạn bè, một ván bài vui chơi, chỉ một lần đơn giản thế thôi nhưng lại là sự khởi đầu cho biết bao lần tiếp theo, ai cũng nghĩ thật bình thường nên không để tâm đến tác hại sâu xa của nó. Một lần trót lọt, một lần thử sẽ mang đến cho chúng ta cảm giác sung sướng đầy khoái trá, một cảm giác nhung nhớ đến thèm thuồng khi cần giải quyết vấn đề tương tự. Để tránh điểm kém,để không bị bố mẹ la mắng, ta sẽ tiếp tục quay cóp. Để tỏ ra anh hùng, quân tử, ta sẽ chạm đến chén rượu lần thứ hai. Một, hai rồi nhiều lần, những thói quen ấy không còn là người khách qua đường mà đã trở thành thói quen thường ngày, một người bạn thân thiết, không thể nào dứt bỏ. Ngày đến đêm qua, những thói quen ấy vẫn tiếp tục diễn ra và điều gì sẽ xảy ra? Kết quả ta nhận được lâu nay đều là giả dối và những kì thi tốt nghiệp, đại học được tổ chức một cách nghiêm túc sẽ vạch trần tất cả và những chén rượu vui chơi kia sẽ biến ta thành một kẻ bê bết, một con sâu nghiện rượu, phá hoại xã hội. Ông chủ vô hình nhưng khắc nghiệt, tàn bạo, làm ta đau đớn và khổ sở. Nó chi phối toàn bộ tình cảm và hành động của ta và ta khó có thể thoát được nanh vuốt của nó. Một kẻ nghiện ngập sẽ luôn sống trong cảnh thèm thuồng , khát thuốc, mỗi khi lên cơn, con nghiện sẽ bị hành hạ, dày vò và sẽ bất chấp tất cả, sẽ dùng mọi thủ đoạn, dù là đê tiện, hèn hạ nhất để có tiền mua thuốc. Ban đầu, chỉ là bán đồ đạc trong nhà, sau là cướp giật, thậm chí là giết người và từ đó, con đường tội lỗi đầy tăm tối cũng bắt đầu.
Các thói xấu thường có sự hấp dẫn, lôi cuốn đến ghê người, nó mang đến cho ta sự khoái cảm, sung sướng, nó làm con người mụ mị, không còn tỉnh táo và chìm đắm trong ảo giác. Dần dần, các thói xấu trở thành những thói quen không thể nào cưỡng lại và chính nó sẽ là thủ phạm đẩy chúng ta vào vòng đen tối của cuộc đời, biến ta thành nô lệ cho những tập quán xấu, ta sẽ không thể nào dứt bỏ được nếu thiếu nghị lực và lòng kiên trì.
Con người chỉ được tôn trọng khi có đạo đức và hành động theo chân, thiện, mỹ. Nhưng để gây dựng được nó là một điều cực kì khó khăn, đôi khi còn phải trả giá bằng cả mạng sống của chính mình. Chỉ một phút sai lầm, một chút dao động, ta vô tình trở thành nô lệ cho những thói quen xấu, làm ảnh hưởng lớn đến tư cách đạo đức và đánh mất giá trị của bản thân. Thói hư tật xấu dễ dàng bị tiêm nhiễm và cũng dễ dàng lấy đi của ta tất cả, nó có một sức hủy hoại khủng khiếp làm con người ta khiếp sợ nhưng không thể thoát ra được. Ở trung quốc thời xưa, vua Trụ chỉ say mê sắc đẹp, xem thường các chư hầu nên mất nước, đẩy nhân dân vào cảnh khốn khổ lầm than. Lê Long Đỉnh chỉ vì thói trác táng, trụy lạc mà hủy hoại tiền đồ của Thập đạo tướng quân. Đã có bao nhiêu người chỉ vì những ham muốn vô bổ, những thói xấu thường ngày mà gây ra bao cảnh đau thương, nước mất nhà tan, nhân dân khốn cùng, lấy đi máu và nước mắt của bao người vô tội.
Ngày ta làm quen với những thói hư, tật xấu, ai cũng cho đó chỉ là những trò “tập làm người lớn” hoặc thích chơi nổi hơn trước mặt bạn bè, ngoài ra hoàn toàn không biết, thậm chí là không muốn biết đến những tác hại vô cùng to lớn của nó. Gia đình bạn sẽ ra sao? Bạn bè bạn sẽ nghĩ gì? Xã hội sẽ như thế nào? Và quan trọng hơn cả là chính bạn, chính bạn đã mặc cho mình tấm áo luôn luôn nhận được sự coi khinh của mọi người. Đáng thương thay! Và điều đó chính là một hồi chuông cảnh báo chúng ta không nên xem thường, ngược lại phải luôn cảnh giác với những tập quán xấu ấy. Không được dù chỉ là một giây phút nào để cho nó chế ngự bản thân chúng ta. Hiện nay có một số bộ phận thanh niên không chăm lo học hành mà chỉ biết ăn chơi, đua đòi, sa ngã vào những trò cờ bạc đỏ đen, đua xe, đánh nhau gây rối trật tự an ninh xã hội. Những thanh niên ấy dường như đã bị các thói xấu thống trị, đạo đức, nhân cách đã dần suy thoái. Để có thể chống đỡ với những tập quán sống đang tồn tại và trấn động hàng ngày, chúng ta cần phải có ý chí, nghị lực, đấu tranh bản thân, luôn cố gắng rèn luyện và nâng cao nhận thức cá nhân để kiên quyết dứt bỏ, quyết tâm không bao giờ tái phạm.
Cuộc sống ngày càng đi lên, xã hội ngày càng văn minh thì những thói hư, tật xấu, những cạm bẫy xuất hiện ngày càng nhiều và là mối lo ngại rất lớn đối với mỗi chúng ta. Câu nói : “Tập quán xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở thành một người bạn thân ở chung nhà và kết cục thành ông chủ nhà khó tính” là một bài học vô cùng quý giá và thiết thực cho cuộc sống. Đó là những lời khuyên, những lời thức tỉnh, những thói hư tật xấu và đừng bao giờ để nó tồn tại nơi ta.
Bài văn mẫu
Thưa các bạn!
Hiện nay, ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề nghiêm trọng ở khắp nơi trên Trái Đất, đe dọa cuộc sống của nhân loại. Để khắc phục tình trạng đó, có rất nhiều cuộc vận động nhân dân được tổ chức nhằm kêu gọi mọi người hãy bảo vệ môi trường.
Góp phần vào cuộc đấu tranh chung để bảo vệ môi trường, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường ta đã phát động đợt thi đua “xây dựng mái trường xanh- sạch-đẹp”. Chi đoàn 12A chúng tôi cũng tổ chức hội thảo với chủ đề “Bạn suy nghĩ và hành động như thế nào để góp phần xây dựng trường ta thành một mái trường luôn xanh, sạch, đẹp?”Đây là một chủ đề sinh hoạt vô cùng có ý nghĩa.
Thưa các bạn!
Môi trường là cái nôi của loài người, nơi con người sinh sống và làm việc. Nơi tổn tại của rất nhiều hệ sinh thái để giữ cân bằng sự sống trên Trái Đất. Cuộc sống chúng ta càng ngày càng phát triển, dân số tăng lên nhanh đến chóng mặt, cùng với đó là sự ra đời của nền công nghiệp ngày càng tiên tiến và hiện đại cao. Sự xuất hiện của nhiều nhà máy, nhiều khu công nghiệp… đồng nghĩa với lượng rác thải khổng lồ không qua xử lí, thải bừa bãi vào môi trường sống, làm cho Trái Đất bị đe dọa bởi sự nóng lên, cùng với những cơn lũ to, bão lớn. .làm thiệt hại cho không ít quốc gia.
Hàng năm, những thiệt hại do thiên nhiên đem đến có nguyên nhân trực tiếp từ ô nhiễm môi trường có thể lên tới hàng trăm ngàn tỉ USD, với sự thiệt hại hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người! Trái đất đã lên tiếng báo động! Mọi nơi trên hành tinh thân yêu này, đâu đâu cũng xuất hiện lời kêu gọi, những cuộc vận động lớn, nhằm kêu gọi mọi người hãy bảo vệ lấy môi trường sống của mình.
Trường PTTH là nơi đào tạo thế hệ trẻ những người chủ tương lai của Đất nước, vì vậy, mỗi học sinh phải giác ngộ ý thức bảo vệ môi trường từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Cuộc thi “Xây dựng mái trường xanh-sạch- đẹp” là một phong trào rất hữu ích, giúp cho việc nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vê môi trường trong toàn xã hội. Hơn nữa nhà trường được coi là một môi trường mẫu mực, “xây dựng mái trường xanh – sạch- đẹp” là xây dựng bộ mặt của xã hội.
Trường chúng ta nằm ở trung tâm thị trấn huyện, nên lượng bụi rất lớn. Trường có một khuôn viên khá rộng nhưng chưa có nhiều cây xanh nên bốn bề ngập nắng và còn nhiều cỏ rác. Các lớp trực nhật đổ rác chưa đúng nơi quy định. Sân trường vào mùa khô còn quá nhiều bụi khi bị gió tạt qua…
Để xây dựng trường thành một mái trường xanh- sạch- đẹp, việc đầu tiên là phải vận động tất cả các bạn đoàn viên trong chi đoàn và trong toàn trường phải có ý thức giữ gìn vệ sinh trường lớp, không thải rác bừa bãi và có ý thức trong việc bảo vệ và chăm sóc cây cối. Đầu năm phát động phong trào trồng cây xanh như lời Bác Hồ dạy “Mùa xuân là tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Giao nhiệm vụ chăm sóc cây cho các lớp. Xây dựng vườn cây cảnh thực hành, đồng thời làm vườn cảnh cho trường, để tạo một khuôn viên trường vừa xanh, vừa sạch, vừa đẹp.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, những cuộc vận động lớn như cuộc hội thảo này cần được tổ chức định kì hàng năm để nâng cao ý thức của mọi người. Thành lập đội cờ đỏ kiểm tra việc vệ sinh thường xuyên ở các lớp, và có kỉ luật nghiêm minh với những đoàn viên, học sinh nào vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường…
Một môi trường xanh- sạch – đẹp là mục tiêu phấn đấu của tất cả chúng ta.
Bài văn mẫu
Đi-đơ-rô từng nói: “Không có khát vòng lớn thì cũng không có sự nghiệp lớn”. Sống phải có ước mơ và ước mơ đó phải gắn khát vọng của bản thân với lợi ích của quốc gia – dân tộc. Chúng ta có thể gặp lí tưởng sống cao đẹp ấy ở mọi thời đại. Đó có thể là lòng căm thù giặc sâu sắc, cũng có thể là lòng tự hào dân tộc, nhưng lí tưởng sống được thể hiện qua “nỗi thẹn” thì thật khác thường. Nếu Nguyễn Khuyến “Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào” thì Phạm Ngũ Lão – một danh tướng đời Trần – lại “Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”. Có bạn cho rằng sự hổ thẹn của tác giả Phạm Ngũ Lão là quá kiêu kì, thái quá; ngược lại có bạn ca ngợi và cho rằng đó là biểu hiện một hoài bão lớn của người thanh niên yêu nước.
Vậy, ý kiến nào đúng?
“Thuật hoài” là một trong những tác phẩm của văn học thời Lí Trần, với thể Đường luật ngắn gọn, súc tích, bài thơ đã nói lên được ước mơ của trang nam nhi trong xã hội phong kiến.
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
(Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu).
Học bài thơ này, có bạn cho rằng: sự hổ thẹn của tác giả là thái quá, kiêu kì. Ngược lại, có bạn ca ngợi và cho rằng đó là biểu hiện một hoài bão lớn lao của người thanh niên yêu nước. Vậy, ý kiến nào đúng?
Hai câu thơ trên bày tỏ nỗi lòng tác giả, cũng là cái chí, cái tâm của người anh hùng. Ý kiến chê bai cho rằng sự hổ thẹn của tác giả là thái quá, kiêu kì cũng có lí do của nó. Vũ Hầu là ai? Là Gia Cát Lượng (tức Khộng Minh), một nhân vật thời tam quốc nổi tiếng về mưu lược, tài trí hơn người. Ông đã hi sinh trọn đời cho nhà Hán, là vị quân sư – cố vấn tài ba của Lưu Bị, giúp Lưu Bị đánh bại bao đối thủ tài giỏi, góp công lớn trong việc tạo lập và cùng cố nhà Hán. Có thể coi Gia Cát Lượng là một “chính quân tử”, là tấm gương trung nghĩa kiệt xuất điển hình, một tài năng quân sự. Mơ ước như Gia Cát Lượng là đúng nhưng hổ thẹn vì mình không được như Gia Cát Lượng là không tự lượng sức mình, là quá kiêu căng, thái quá, đề cao mình chăng? Nếu các bạn có suy nghĩ như vậy thì chỉ là cách nhìn một phía, mang nặng ý thức chủ quan. Đúng là không có ai có thể trở thành Khổng Minh (Gia Cát Lượng), nhưng Khổng Minh là người thông minh xuất chúng, không phải là thần linh nên ai cũng có thể cố gắng để noi gương. Hơn thế nữa, noi gương Khổng Minh là noi gương những gì? Đó là lòng trung thành, trung quân, ái quốc, là lập công giúp vua, giúp nước. Đây cũng chính là lí tưởng của những đấng nam nhi trong xã hội phong kiến.
Có thể khẳng định rằng, ý kiến thứ hai mới là ý kiến đúng: Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão biểu hiện một hoài bão lớn của người thanh niên yêu nước.
Công danh nam tử còn vương nợ
Quan niệm “nợ công danh” đã trở thành lí tưởng sống của người anh hùng trong xã hội xưa. Thời đại Phạm Ngũ Lão, chế độ phong kiến Việt Nam đang trên đà xây dựng lợi ích của giai cấp phong kiến, “công danh” là một khát vọng lập công, lập danh, hoàn thành nghĩa vụ đối với đất nước.
Sau này, Nguyễn Công Trứ cũng đã khẳng định:
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.
“Công danh” được xem là dấu hiệu của thành đạt, là món nợ đời phải trả của kẻ làm trai. Trả xong nợ công danh có nghĩa là hoàn thành nghĩa vụ đối với đời, với dân-, với nước. Đồng thời chí làm trai thời bấy giờ có tác dụng cổ vũ con người từ bỏ lối sống tầm thường, ích kỉ, sần sàng hi sinh cuộc đời cho sự nghiệp lớn lao, sự nghiệp cứu nước, cứu dân để cùng trời đất muôn đời bất hủ. Phạm Ngũ Lão đã cầm ngang ngọn giáo bảo vệ non sông mấy thu rồi mà vẫn còn thấy mình chưa trả xong nợ công danh là bởi vì cái chí ông quá lớn và cái tâm ông đẹp quá.
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.
Nghĩ đến Vũ Hầu là ước muốn trở thành người có tài cao, chí lớn, đắc lực trong việc giúp vua, giúp nước. Ở đây Phạm Ngũ Lão cảm thấy thẹn khi nhắc đến Vũ Hầu Gia Cát Lượng, vì chưa có tài mưu lược lớn như Gia Cát Lượng để từ giặc, cứu nước, khôi phục giang sơn cũng có nghĩa là thấy mình chưa xứng đáng là một đấng nam nhi quân tử. Theo tư tưởng Nho giáo, có thể thấy Phạm Ngũ Lão rất có ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với đất nước. Đó cũng là biểu hiện khát vọng muốn góp sức mình vào sự nghiệp chung.
Hoài bão lớn của Phạm Ngũ Lão thông qua nỗi thẹn không chỉ thể hiện qua món nợ mà còn ở việc ông không hề nói suông. Ông có ước mơ lớn và đã cố gắng thực hiện hoài bão ấy. Từ một chàng trai không tiếng tăm nơi thôn xóm, ông trở thành một tướng tài, ông trả xong nợ công danh với lịch sử, lịch sử đã gọi tên ông. Thế hệ sau nhớ mãi đến ông cùng với Thuật hoài và tiếp bước lí tưởng sống của tổ tiên. Thanh niên Việt Nam ngày nay phải biết xác định con đường, ước mơ và cố gắng thực hiện ước mơ đó. Tuy nhiên, cần đặt sự tồn tại và phát triển của đất nước lên hàng đầu, rèn luyện đạo đức, tài năng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ kiên trì với mục đích đúng đắn của mình.
Mặc dù ra đời cách chúng ta tám thế kỉ song Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão vẫn luôn mới mẻ và hấp dẫn. Bài thơ có tác dụng giáo dục về nhân sinh quan, về lẽ sống đôì với thanh niên. Đặc biệt, qua nỗi thẹn của mình, Phạm Ngũ Lão đã cho chúng ta thấy hoài bão lớn lao và cao đẹp của cuộc đời ông. “Khi lẽ sống thiết tha đến mức trở thành tình cảm, người ta sẽ thực hiện được ước mơ của mình cho dù khó khăn đến đâu”.
Bài thơ nói lên quan niệm sống trong thời kì phong kiến của những người quân tử. Bài thơ chịu ảnh hưởng ý thức hệ phong kiến và mang rõ tính chất “thi dĩ ngôn chí”, đồng thời mang tính chất thời sự: Khi đất nước lâm nguy, vai trò của người anh hùng vô cùng quan trọng. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, Người anh hùng chính là người góp phần làm nên lịch sử luôn trọng danh dự và bảo toàn danh tiết với non sông đất nước, với xã tắc, sơn hà. Vì vậy mà cái thẹn của Phạm Ngũ Lão sẽ sống mãi với lịch sử dân tộc.