Văn mẫu lớp 6 Tập 1

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 6: tại đây

Đề bài: Em hãy kể tóm tắt truyện Con hổ có nghĩa

Bài làm

   Truyện Con hổ có nghĩa gồm hai câu chuyện về loài hổ.

   Truyện thứ nhất: Một bà đỡ họ Trần người huyện Đông Triều một đêm nọ được hổ cõng vào rừng. Đến nơi bà thấy một con hổ cái đang sinh nở rất khó khăn bèn giúp hổ cái sinh con trót lọt. Hổ đực mừng rỡ đào lên một cục bạc biếu bà. Nhờ có cục bạc của hổ mà bà sống qua được năm mất mùa đói kém.

   Truyện thứ hai: Bác tiều ở huyện Lạng Giang đang bổ củi ở sườn núi thấy một con hổ bị hóc xương bèn giúp hổ lấy xương ra. Để tạ ơn, hổ biếu bác một con nai. Khi bác tiều mất, hổ đến viếng. Từ đó, mỗi lần giỗ bác, hổ lại đưa dê hoặc lợn về biếu gia đình bác.

Đề bài: Kể diễn cảm truyện Con hổ có nghĩa

Bài làm

   Cách đây mấy trăm năm, ở huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh, vùng Đông Bắc nước ta có một người đàn bà họ Trần, làm nghề đỡ đẻ và nổi tiếng mát hay.

   Một đêm trăng sáng, bà đã đi nghỉ từ lâu, chợt có tiếng gõ cửa dồn dập, thôi thúc. Bà vội ra mở và nhìn quanh nhưng chẳng thấy ai. Vừa định quay vào thi bất thần có một con hổ lao tới cõng bà đi. Bà sợ chết khiếp. Lúc tỉnh dậy, bà thấy mình đã ở trong rừng sâu, xung quanh cây cối um tùm, rậm rạp.

   Trước mặt bà, một con hổ cái đang lăn lộn. Móng vuốt của nó cào tung đất. Bà nghĩ bụng chắc là hổ muốn ăn thịt mình nên sợ hãi đứng im không dám nhúc nhích. Lúc sau, hổ đực cầm tay bà rồi đưa mắt nhìn hổ cái, tỏ ý xót thương và cần giúp đỡ. Bà Trần nhìn kỹ bụng hổ cái thì nhận ra rằng nó đang chuyển dạ. Sẵn có thuốc mang theo bên mình, bà hòa với nước suối cho hổ cái uống rồi xoa bóp bụng cho nó. Lát sau, hổ cái sinh được một chú hổ con thật xinh xắn. Hổ đực mừng rỡ đùa giỡn với con. Còn hổ cái mệt mỏi nằm phủ phục bên cạnh.

   Hổ đực đến bên một gốc cây, lấy chân đào lên một cục bạc lớn rồi đưa cho bà đỡ. Biết hổ tạ ơn, bà Trần vui lòng nhận. Hổ đực lưu luyến tiễn bà ra tới bìa rừng. Bà đi đã khá xa, hổ đực còn gầm lên một tiếng lớn rồi mới trở về với vợ con. Năm ấy, trời làm mất mùa, nhiều người chết đói. Nhờ cục bạc của hổ tặng, bà Trần sống qua được kì đói kém.

   Cũng vào dạo ấy, ở bên huyện Lạng Giang tỉnh Bắc Giang có bác tiều phu ngày ngày vào rừng kiếm củi đổi gạo nuôi thân. Một hôm, đang chặt củi trên sườn núi cao, bác chợt nhìn xuống thung lũng, thấy cỏ cây lay động không ngừng. Lấy làm lạ, bác vác búa xuống xem có chuyện gì đang xảy ra ở đấy.

   Từ chỗ nấp, bác tiều phu kinh hoàng khi chứng kiến cảnh một con hổ trán trắng đang vật vã nhảy lên, nhảy xuống, cúi đầu cào bới đất và thỉnh thoảng lại thò tay móc họng. Từ miệng nó, máu me, dãi nhớt trào ra trông phát sợ. Bác tiều nhìn kỹ thì thấy trong họng nó mắc một khúc xương khá lớn. Hổ càng móc, khúc xương càng vào sâu.

   Mở bình rượu đeo bên thắt lưng, bác tiều uống mấy hớp để lấy can đảm rồi trèo lên cây, kêu to : Cổ họng người đau phải không ? Đừng cắn ta, ta sẽ lấy xương ra cho ! Hổ liền nằm phục xuống, há miệng nhìn bác cầu cứu. Bác tiều thò tay vào họng nó, lấy ra một khúc xương bò to như cánh tay. Hổ thoát nạn. Nó liếm mép, nhìn bác tiều rồi bỏ đi. Bác nói với theo : Hổ ơi ! Nhà ta ở thôn mỗ … Hổ kiếm được miếng gì ngon thì nhớ ta nhé !

   Mấy hôm sau, đang đêm, bác tiều nghe ngoài cửa có tiếng gầm dài và sắc. Sáng ra, bác thấy có một con nai chết nằm ở đó. Hổ trán trắng đã đem nai đến để tạ ơn cứu mạng.

   Ngày tháng qua đi, mười năm sau, bác tiều phu già rồi chết. Hàng xóm làm tang cho bác khá chu đáo. Lúc sắp hạ huyệt, bỗng nhiên có một con hổ trán trắng đến trước mộ nhảy nhót, dụi đầu vào quan tài, gầm lên mấy tiếng rồi bỏ đi. Mọi người sợ hãi chạy tán loạn. Từ đó về sau, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giỗ bác tiều phu là dân làng lại thấy trước cửa nhà bác có một con dê hay một con lợn do hổ tha đến. Ai cũng tấm tắc khen hổ tuy là loài vật mà biết trọng tình trọng nghĩa.

Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về truyện Con hổ có nghĩa

Bài làm

   Con hổ có nghĩa là tác phẩm của Vũ Trinh (1759 – 1828), một nhà Nho quê ở làng Xuân Lan, huyện Lang Tài, trấn Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Ông đỗ hương cống (cử nhân), làm quan dưới thời nhà Lê và thời nhà Nguyễn. Truyện thuộc loại ngụ ngôn, mượn chuyện loài vật để nhằm đề cao ân nghĩa trong đạo làm người.

   Những câu chuyện cảm động về hổ được kể trong hai đoạn văn có kết cấu giống nhau: hổ (hoặc gia đình hổ) gặp nạn, người cứu hổ, hổ đền ơn.

   Đoạn thứ nhất là câu chuyện giữa hổ và bà đỡ Trần ở huyện Đông Triều. Hổ đực đền ơn mười lạng bạc vì bà đỡ Trần đã cứu vợ con nó. Số bạc ấy đã giúp bà sống qua năm mất mùa đói kém.

   Biện pháp nghệ thuật nhân hóa thường thấy trong truyện ngụ ngôn khiến cho hình ảnh hổ đực mang bóng dáng hình ảnh con người. Nó không những biết đền ơn, đáp nghĩa với ân nhân mà còn có nhiều biểu hiện đáng quý: hết lòng với hổ cái trong lúc sinh đẻ, vui mừng khi có con, lễ phép, lưu luyến trong phút chia tay ân nhân …

   Đoạn thứ hai kể về chuyện đã xảy ra giữa hổ trán trắng và người kiếm củi ở huyện Lạng Giang. Hổ bị hóc xương, không thể nào lấy ra được. Nó đau đớn giãy giụa làm cỏ cây nghiêng ngả. Bác tiều phu đã giúp hổ lấy khúc xương ra khỏi họng. Hổ đền ơp đáp nghĩa bác tiều. Hơn mười năm sau, bác tiều qua đời, hổ đến bên quan tài tỏ lòng thương tiếc. Sau đó, mỗi năm đến ngày giỗ bác, hổ lại đem dê hoặc lợn đến để trước cửa nhà.

   Đoạn này rất hấp dẫn vì có nhiều tình tiết độc đáo, trong đó có tình huống gay go khi hổ bị hóc xương, cách xử sự táo bạo và nhiệt tình của bác tiều trong khi cứu hổ, việc trả ơn và tình nghĩa sâu nặng của hổ đối với ân nhân.

   Cái đáng quý nhất trong tính cách của hai con hổ chính là lòng biết ơn – điều cốt lõi trong đạo làm người.

   Khi bà đỡ Trần giúp cho hổ cái được mẹ tròn con vuông, sau những phút mừng rỡ đùa giỡn với con, hổ đực quỳ xuống bên một gốc cây, lấy chân đào lên một cục bạc đưa biếu bà Trần. Hành động đền ơn đáp nghĩa của nó diễn ra ngay tức thì, không một chút đắn đo, suy nghĩ. Mà hổ đền ơn đâu phải ít, những hơn mười lạng bạc. Hổ tuy là một con vật nhưng lại biết cư xử có nghĩa có tình với người đã giúp gia đình nó vượt qua cơn hoạn nạn. Khi tiễn ân nhân về, hổ cúi đầu vẫy đuôi. Đến khi bà đỡ Trần đã đi khá xa, nó gầm lên một tiếng rồi bỏ đi. Đây là tiếng chào tiễn biệt, là lời cảm ơn chân thành của hổ đực đối với ân nhân.

   Cũng đáp đền ân nghĩa nhưng cách trả ơn của hổ trán trắng có khác. Sau khi được cứu sống, nó đã tha một con nai đến đặt trước cửa nhà bác tiều phu để tạ ơn. Cảm động nhất là mười năm sau, khi bác tiều phu qua đời, nó vẫn nhớ đến bác và về chịu tang ân nhân của mình. Từ xa, mọi người nhìn thấy hổ trán trắng dụi đầu vào quan tài, gầm lên tỏ vẻ thương xót, chạy quanh quan tài vài vòng rồi đi. Từ đó về sau, hằng năm cứ tới ngày giỗ bác tiều là hổ lại đưa dê hoặc lợn đến để ở ngoài cửa …

   Trong đoạn này, tác giả đặc tả ân nghĩa thủy chung của hổ qua hai tiếng gầm của nó: một tiếng gầm tỏ ý cảm ơn khi đem nai về cho bác tiều và một tiếng gầm tỏ ý tiếc thương để vĩnh biệt ân nhân. Tiếng gầm ấy cũng là lời hứa không bao giờ quên ơn người đã khuất.

   Hai câu chuyện được tác giả kể lại bằng giọng kể tự nhiên, mộc mạc, không khoa trương, không bình phẩm, nhưng chính điều này lại làm cho ý nghĩa của câu chuyện thêm thú vị và sâu sắc.

   Trong thực tế, có thể có những con vật có nghĩa (chó, ngựa …) nhưng chắc hẳn là không thể sâu nặng như hai con hổ trong truyện. Tưởng tượng ra hai con hổ có nghĩa đến mức lí tưởng như vậy, mục đích của tác giả chính là mượn chuyện hổ để nói chuyện con người. Xưa nay, theo quan niệm của nhân dân ta thì hổ là loài vật dữ tợn nhất. Ấy vậy mà chúng lại rất có nghĩa có tình. Thế thì con người phải sống sao đây? Giáo huấn bằng hình tượng nghệ thuật dễ tiếp thu hơn là cách nói khô khan. Bài học được tác giả gửi gắm một cách kín đáo và thấm thía trong câu chuyện này là: Làm người thì phải sống cho có tình, có nghĩa. Tình nghĩa không chỉ cảm hóa được con người mà đối với loài vật chúng ta cũng có thể thu phục được.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4 / 5. Số lượt đánh giá: 1126

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống