Xem toàn bộ tài liệu Lớp 6: tại đây
- Giải Vở Bài Tập Ngữ Văn Lớp 6
- Tác Giả – Tác Phẩm Văn Lớp 6
- Đề Kiểm Tra Ngữ Văn Lớp 6
- Sách giáo khoa ngữ văn lớp 6 tập 1
- Sách giáo khoa ngữ văn lớp 6 tập 2
- Sách Giáo Viên Ngữ Văn Lớp 6 Tập 1
- Sách Giáo Viên Ngữ Văn Lớp 6 Tập 2
- Bài Tập Ngữ Văn Lớp 6 Tập 1
- Bài Tập Ngữ Văn Lớp 6 Tập 2
Đề bài: Em hãy viết bài văn tả người thân yêu và gần gũi nhất với mình
Bài làm
Em cảm thấy mình là đứa trẻ vô cùng may mắn khi luôn có gia đình ở bên chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn. Khi gặp chuyện khó khăn có bạn chia sẻ mọi điều với mẹ, với bố hoặc với anh chị em thân yêu của mình. Còn riêng em, người em luôn thủ thỉ tâm sự, giãi bày mọi nỗi lòng chính là ông ngoại của em.
Ông ngoại em năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi, nhưng nom ông vẫn còn rất mạnh khỏe. Người ông dong dỏng cao, lưng đã hơi còng xuống vì những năm tháng lao động vất vả, cực nhọc để chèo chống gia đình. Ông có vầng trán cao, rộng cho thấy rõ là một con người thông minh, nhạy bén. Đôi mắt ông hiền từ, đã mờ dần đi vì tuổi tác, bởi vậy ông luôn có chiếc kính mắt làm người bạn thân thiết bên cạnh. Đôi mắt ấy thay đổi thật linh hoạt theo những cung bậc cảm xúc của ông. Khi vui đôi mắt ông rạng rỡ, như đang mỉm cười, khi cáu giận đôi mắt ấy lại như những tia lửa làm mọi người xung quanh cũng phải sợ hãi. Chiếc miệng của ông món mém không còn nhìn rõ viền môi đâu nữa, mỗi khi ông cười nhìn rất hiền từ, phúc hậu. Theo thời gian, da ông đã nhăn nheo đi nhiều, những vết đồi mồi ngày một dày hơn, nhưng da ông vẫn rất hồng hào, khỏe mạnh. Giọng của ông rất trầm ấm và vang. Em thích nhất là được nghe giọng ông khi kể về những năm tháng chiến tranh chống Mỹ hào hùng. Chao ôi, qua giọng kể đầy truyền cảm và nhiệt huyết của ông khiến em càng thêm hiểu những hi sinh, vất vả mà ông cha ta phải trải qua để có được nền độc lập, tự do như ngày hôm nay. Không chỉ vậy, bằng giọng điệu nhẹ nhàng, ấm áp ông còn dạy cho em những bài học bổ ích trong cuộc sống, dạy chúng em làm thế nào để trở thành người có ích cho xã hội. Mái tóc ông bạc trắng như cước, cùng với bộ râu dài cũng đã bạc, nhìn ông chẳng khác nào một ông tiên bước ra từ truyện cổ tích.
Ông em là một người hết sức giản dị, tiết kiệm và luôn lo nghĩ cho con cháu. Những bộ quần áo ông mặc rất đơn giản, không cầu kì, kiểu cách. Mùa hè chỉ là bộ quần áo bà ba nâu, đôi dép cao su. Mùa đông là chiếc áo len đã cũ sờn và chiếc áo bông ông đã mặc rất nhiều năm. Ông ăn uống đơn giản, tiết kiệm, món ăn ông yêu thích nhất chính là món cá chép om dưa.
Ông luôn được mọi người yêu quý, kính trọng. Trong gia đình, bất cứ việc gì có thể tự làm ông không bao giờ nhờ cậy đến con cháu. Không những vậy, trong lúc cả gia đình em bận đi học, đi làm ông còn tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, nấu những món ăn đơn giản cho cả nhà, tuy đơn giản nhưng món nào cũng ngon và đầy ắp tấm lòng yêu thương của ông. Đối với hàng xóm ông hết mực quan tâm, giúp đỡ. Bởi vậy, từ những người trong gia đình, cho đến bà con hàng xóm ai ai cũng yêu mếm và tôn trọng ông.
Em luôn yêu quý, kính trọng ông. Những năm tháng được ở bên cạnh ông đã giúp em khôn lớn và trưởng thành lên rất nhiều. Ông dạy em phải biết quan tâm, chỉa sẻ với mọi người. Phải biết giúp đỡ bố mẹ, làm những việc vừa sức với mình. Phải là người trung thực, không được gian dối,… và còn rất nhiều bài học bổ ích khác. Nếu không có ông luôn ở bên cạnh bảo ban, chỉ dạy có lẽ em sẽ không thể khôn lớn, trưởng thành như bây giờ.
Được sống bên cạnh ông là những năm tháng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời em. Từng lời nói, từng lời chỉ bảo, dạy dỗ em sẽ mãi ghi nhớ để trở thành người có ích như ông hằng mong muốn. Em mong sao ông sẽ sống mãi bên em để giúp em vượt qua được tất cả những khó khăn, bão tố trong cuộc đời này.
Đề bài: Miêu tả hình ảnh cha hoặc mẹ trong tâm trí em
Bài làm
Những lời ru ầu ơ của mẹ từ tấm bé đã luôn khắc sâu trong tâm trí em:
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”.
Quả thực trong cuộc đời này chẳng ai có tình yêu thương con bao la như lòng mẹ. Và đối với em, mẹ cũng là người em yêu quý, kính trọng nhất trên cuộc đời này.
Mẹ em năm nay đã gần bốn mươi tuổi, nhưng mẹ lại già hơn so với tuổi thực của mình, do phải làm việc vất vả để nuôi chúng em khôn lớn, trưởng thành. Mẹ có dáng người đậm đà, hơi thấp. Tóc mẹ dài, đen nhánh mỗi khi mái tóc được buông ra lại tựa như suối nhẹ nhàng, êm ái. Thường ngày mẹ hay búi tóc lên cho gọn gàng. Làn da mẹ rám nắng, đã lộ các nếp nhăn và những đốm tàn nhang đã xuất hiện nhiều trên hai má. Khuôn mặt mẹ tròn, nhìn rất hiền từ, phúc hậu. Mẹ có đôi mắt đẹp, to tròn như hạt nhãn và đôi mắt ấy luôn ấm áp, tràn đầy tình yêu thương. Trong đôi mắt đó chứa đựng cả thế giới nội tâm phong phú, giàu cung bậc cảm xúc của mẹ. Khi buồn đôi mắt ấy u sầu, hàng mi cong vút như cụp xuống, lúc vui đôi mắt của mẹ lại rạng rỡ, hân hoan. Mẹ có chiếc mũi thẳng, cao khiến cho khuôn mặt thanh tú hơn. Em yêu nhất là nụ cười của mẹ, chiếc môi hồng hồng mỗi khi cười để lộ hàm răng trắng sáng, đều tăm tắp. Hơn nữa nụ cười ấy lại vô cùng sảng khoái, khiến cho bất cứ ai nghe được cũng vơi đi phần nào những mệt mỏi và nỗi buồn. Đôi bàn tay mẹ không đẹp, nó ram ráp, nhăn nheo và có những vết chai lớn trên lòng bàn tay. Nhưng em yêu đôi bàn tay ấy biết bao. Đôi bàn tay đã cực nhọc suốt bao năm qua nuôi chúng em trưởng thành. Đôi bàn tay mẹ ấm như nhịp đập trái tim của mẹ vậy. Mỗi khi mùa đông về, em chỉ ước chạy nhanh chóng về nhà, sà vào lòng mẹ, nằm cuộn tròn như con mèo lười và áp chiếc má lạnh cóng của mình lên tay mẹ. Luồng hơi ấm từ cơ thể, từ tình yêu thương của mẹ sẽ nhanh chóng xua tan cái giá buốt của ngày đông.
Mẹ là một người phụ nữ đảm đang và can trường. Bởi bố em mất từ sớm nên trong gia đình mẹ không chỉ là một người mẹ mà mẹ còn đảm đương vai trò một người cha. Nhưng tất cả công việc trong nhà luôn được mẹ sắp xếp tươm tất, gọn gàng. Những công việc nhỏ như quét nhà, nấu cơm, … mẹ rèn cho em từ bé, để em hình thành đức tính tự lập. Mẹ luôn ân cần, chỉ bảo cho em từng chút một. Không chỉ thế mẹ còn nấu ăn rất ngon, chỉ từ những nguyên liệu đơn giản như ít xương, bát dưa muối vàng ruộm mẹ đã nấu được nồi canh dưa tuyệt hảo. Trong công việc mẹ là người tận tâm, luôn cố gắng hoàn thành công việc của mình tốt nhất. Mẹ không chỉ làm ở nhà máy, mà để có tiền cho em ăn học, mẹ còn đi làm thêm bên ngoài, tối về nhận may gia công thêm ở các tiện may. Có những đêm 2 giờ sáng rồi mẹ vẫn chưa ngủ. Mỗi lúc nhìn mẹ cặm cụi làm việc như vậy em chỉ ước mình có thể lớn thật nhanh để đỡ đần mẹ, giúp cuộc sống mẹ bớt cực nhọc, vất vả. Đối với hàng xóm mẹ hết sức nhiệt tình, chu đáo, luôn tận tình giúp đỡ mọi người. Bởi vậy, không chỉ những người trong gia đình mà hàng xóm láng giềng ai cũng quý mến mẹ.
Em còn nhớ mãi lần em mắc lỗi, đã nói dối mẹ để đi chơi. Khi mẹ biết chuyện đã không đánh mắng mà chỉ dùng lời lẽ nhẹ nhàng khuyên bảo và chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm của em. Nghe những lời dạy bảo của mẹ từ đó về sau em không bao giờ nói dối mẹ nữa. Mẹ luôn là tấm gương sáng của em, để em học tập noi theo, mẹ cũng là người tiếp cho em động lực để không ngừng phấn đấu, vươn lên.
Em luôn tự hào về mẹ, luôn yêu thương và kính trọng mẹ bởi những hi sinh, vất vả mẹ đã dành cho em suốt bao năm qua. Em luôn tự hứa với bản thân phải học tập tốt hơn nữa để sau này báo đáp công ơn trời biển của mẹ.
Đề bài: Hãy tả người mẹ của em lúc em đau ốm.
Bài làm
Thứ năm tuần trước, em đi học về bị mắc mưa ướt hết. Đến nửa đêm, cơn sốt ập tới. Nhà chỉ có hai mẹ con vì ba đang công tác ở xa. Mẹ lo lắm, thức suốt đêm canh chừng bên em.
Cơn sốt quái ác thật. Trán em thì nóng bừng bừng mà chân tay lại lạnh cóng. Cái lạnh như từ trong xương tuỷ toả ra khiến em run cầm cập: “Mẹ ơi! Con rét lắm! Mẹ đắp chăn cho con! “. Mẹ ghì chặt em vào lòng, an ủi: “Mẹ biết rồi! Con cảm lạnh đấy mà! Cứ bình tĩnh nhé! Mẹ sẽ đuổi cơn sốt đi ngay! “.
Mẹ đặt em nằm ngay ngắn rồi đi lấy thuốc. Viên thuốc hạ sốt sủi bọt tan rất nhanh trong cốc nước. Mẹ khẽ nâng đầu em lên, ghé cốc vào miệng em, dỗ dành: “Ngoan nào! Con cô’ uống một hơi cho hết, sau đó ngủ một giấc, tỉnh dậy là khoẻ thôi! “.
Vâng lời mẹ, em uống thuốc rồi cố nhắm mắt nhưng đầu óc cứ căng lên, khó chịu vô cùng. Mẹ dấp nước mát vào chiếc khăn bông, đắp lên trán em. Mẹ nhẹ nhàng xoa dầu nóng vào lưng, vào ngực, vào hai bàn chân, bàn tay em. Tiếng xuýt xoa nho nhỏ của mẹ cứ văng vẳng bên tai em trong giấc ngủ chập chờn:
“Khổ thân con tôi! sốt thế này thì làm sao ngày mai đi học được! “. Tự nhiên, nước mắt ứa trên mi em cay xót. Mẹ ơi! Con thương mẹ biết chừng nào! Em vòng tay ôm ngang lưng mẹ rồi thiếp đi lúc nào không biết…
Ò ó o o…! Chú gà trống đã cất lên tiếng gáy giòn giã, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Em mở mắt nhìn quanh tìm mẹ mà không thấy mẹ đâu. Chưa kịp gọi thì em đã nghe tiếng guốc và giọng nói quen thuộc của mẹ: “Dung dậy rồi đấy ư? Mẹ nấu cháo giải cảm cho con rồi đấy! Đánh răng xong con ăn hết bát cháo hành này, mẹ sẽ cho con uống thuốc. Đến trưa nếu hết sốt, mẹ sẽ đưa con đi học. Nếu còn yếu thì mẹ viết đơn xin phép cô cho con nghỉ hôm nay”.
Nhìn quầng thâm quanh đối mắt mẹ, em biết cả đêm qua mẹ thức để săn sóc cho em. Cơn sốt đã lui, dẫu đầu còn váng vất nhưng em cảm thấy đỡ hơn nhiều. Quả là đôi bàn tay mẹ như có phép màu. Mẹ là bóng mát che chở cho con suốt cả cuộc đời. Công ơn của mẹ đối với con sâu nặng biết chừng nào! Con mong sau này lớn lên sẽ đáp đền công ơn trời biển ấy.
Đề bài: Hãy miêu tả hình ảnh mẹ (hoặc bố) của em khi em làm được một việc tốt
Bài làm
Em sẽ nhớ mãi chuyện không vui xảy ra trong gia đình em vào trưa thứ sáu tuần trước. Đầu đuôi sự việc là thế này:
Hai tiết Văn cuối cùng,A chúng em được nghỉ vì cô giáo ốm. Lẽ ra nên về nhà ngay nhưng em lại nghe theo lời rủ rê của bạn Tùng, tạt vào một tụ điểm giải trí ven đường.
Đám con trai chúng em đứa nào cũng thích chơi điện tử bởi nó hấp dẫn vô cùng. Cũng vì thế mà thời gian trôi qua lúc nào em không để ý. Mãi cho đến lúc bụng đói cồn cào, em mới sực nhớ ra. Nhìn lên chiếc đồng hồ treo trên tường, thấy đã hơn mười hai giờ, em và Tùng vội vã trả tiền rồi cắm đầu cắm cổ chạy về nhà.
Thấy em mồ hôi mồ kê nhễ nhại, bố ngạc nhiên hỏi:
– Con làm sao thế?
Em trả lời quấy quá cho qua chuyện:
– Không có gì đâu ạ! Con với bạn Tùng chạy thi xem ai chạy nhanh hơn ấy mà!
Bố em thắc mắc:
– Giữa trưa nắng chang chang thế này mà hai đứa lại chạy thi thì mệt đứt hơi còn gì! Sao dại thế con?
Em không đáp, cúi đầu bước vào phòng trong để thay quần áo. Tâm trí cứ lo nghĩ vẩn vơ: “Bố mẹ biết mình nói dối thì chết! “.
– Thành ơi! Ra ăn cơm đi con!
Tiếng mẹ gọi vọng vào, thúc giục. Suốt bữa, em cúi gằm mặt chẳng dám nhìn ai. Cơm canh ngon lành là thế mà em chẳng hứng thú gì. Cái Mai, em gái em thì thầm với mẹ: “Mẹ ơi! Anh Thành hôm nay làm sao ý mẹ ạ! Mọi khi anh ấy hay kể chuyện vui lắm mà! “. Em cố làm ra vẻ bình thường nhưng trong lòng vẫn thấp thỏm không yên.
– Thành ơi! Ra tớ bảo cái này!
Nhận ra giọng của Dung, bạn cùng tổ cùng lớp, lại là hàng xóm, em giật bắn cả người. Thôi chết! Dung sang đây làm gì thế này? Em chạy bổ ra định ngăn Dung lại nhưng bạn ấy cử “vô tư” cười nói như mọi lần:
– Cháu chào hai bác! Hai bác ăn cơm ạ! Cháu sang rủ Thành chiều nay đi thăm cô Lan dạy Ván. Không hiểu cô đau ốm thế nào mà hôm nay phải nghỉ dạy tiết bốn tiết năm ở lớp cháu.
Em than thầm trong bụng: “Dung ơi! Bạn hại tôi rồi! Tôi biết nói với bố mẹ sao đây! Trời ơi! “. Dù không ngẩng mặt lên, em vẫn cảm thấy ánh mắt của bố đang nhìn chằm chằm vào em. Không khí bỗng trở nên ngột ngạt, khó thở. Em căng thẳng chờ đợi một cơn thịnh nộ.
Bố em nghiêm khắc hỏi:
– Mấy tiếng đồng hồ vừa qua, con đi đâu hả Thành? Nói thật cho bố mẹ nghe nào! Bố biết con không quen nói dối.
Bối rối và hổ thẹn, em không thể cất lời. May mà có Dung đỡ hộ:
– Cháu xin hai bác bớt giận! Thành à! Bạn hãy nhận lỗi với bố mẹ đi!
Em đã kể lại mọi chuyện và xin bố mẹ tha thứ. Bố không hề nổi giận mà còn ân cần khuyên nhủ:
– Con biết nhận lỗi như vậy là tốt. Bố mong con bớt ham chơi và chăm học hơn nữa. Con là con trai lớn trong nhà, Bố mẹ đặt niềm tin vào con rất nhiều. Con có hiểu được điều đó không?
Từng lời, từng lời của bố nhẹ nhàng mà vô cùng thấm thìa. Cách xử sự nghiêm khắc mà khoan dung của bố khiến em hết sợ. Em đã hứa với bố mẹ là từ nay trở đi, em sẽ không bao giờ tái phạm.
Đề bài: Hãy miêu tả hình ảnh mẹ (hoặc cha) của em khi em làm được một việc tốt
Bài làm
Trời đã xế chiều nhưng nắng vẫn chói chang. Trên đường, người và xe tấp nập ngược xuôi, mặc cho hơi nóng bốc lên hầm hập. Một tuần trôi qua nhanh thật! Hôm nay đã là thứ bảy.
Chợt ngoài cửa có tiếng chú bưu tá gọi vọng vào: “Mời bác Quang ra kí nhận thư bảo đảm! “. Buông vội tờ báo, ba em bước ra ngoài. ít phút sau, ba trở vàotay cầm chiếc phong bì lớn. Ba cười thật tươi, vẻ mặt rạng rỡ lạ thường. Khôngnén nổi tò mò, em chạy đến bên ba và hỏi:
– Thư của ai hả ba?
Không trả lời, ba mở phong bì, lấy thư ra đọc rồi bất chợt nhấc bổng em lên,quay tít. Tiếng reo của ba vang khắp căn phòng nhỏ:
– Thành công rồi! Cha con ta thành công rồi! Bống nhà ta đã đoạt giải thưởng cuộc thi vẽ Mùa hè của em! Con gái của ba giỏi lắm! Chúc mừng con! Ba sẽ thưởng cho con hộp màu nước thật “xịn” của Nhật! Thích không?!
Niềm vui tràn ngập, toả sáng trên gương mặt mỗi người thân trong gia đình. Ông nội em chậm rãi vuốt chòm râu bạc, từ tốn nói:
– Ông đã bảo mà! Cái Bống nhà ta có khiếu, lại say mê học vẽ. Có chí thì nên cháu ạ!
Mẹ em từ dưới bếp chạy lên, ôm em vào lòng, xuýt xoa khen:
– Bống của mẹ “cừ” thật đấy! Vượt qua được bao nhiêu bạn cùng tham gia thi vẽ. Thế là từ nay nhà ta có “hoạ sĩ” rồi! Nhưng mẹ bảo này, “hoạ sĩ Bống” chớ có mừng quá mà phổng mũi lên nghe chưa!
Trước tin vui, em xúc động đến chảy nước mắt. Em không ngờ bức tranh của mình lại đoạt được giải thưởng. Trong tranh, em vẽ một thảm cỏ xanh, một bầu trời trong xanh với những đám mây trắng bồng bềnh, làm nền cho cô bé mặc bộ đồng phục học sinh, cổ quàng khăn đỏ, hai cánh tay giơ cao tung chú chim bồ câu trắng.
Trong thư mời ghi rõ 9 giờ sáng mai, Nhà văn hoá thiếu nhi thành phố sẽ tổ chức triển lãm tranh và lễ phát phần thưởng. Ba em bảo cả nhà cùng đi cho vui. Cu Tùng cứ tíu tít chạy tới chạy lui, năn nỉ: “Chị Bống cho Tùng đi theo với nhé! “. Mẹ em mở tủ, chọn cho em bộ váy áo đẹp nhất. Không khí trong nhà rộn ràng và vui như Tết.
Người vui nhất có lẽ là ba em vì suốt mấy năm nay, ba không quản nắng mưa, đưa em đi học vẽ. Ba động viên em rất nhiều, Ba dành dụm từ đồng lương ít ỏi của mình để mua cho em bút lông, màu nước và giấy vẽ. Thành công của em hôm nay có không ít mồ hôi và công sức của ba. Đến một ngày nào đó, em sẽ vẽ bức chân dung của ba với vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc. Em tự nhủ phải cố gắng thêm nhiều để mang lại niềm vui, niềm tự hào cho những người thân yêu.
Đề bài: Hãy tả lại hình ảnh một cụ già đang ngồi câu cá bên hồ.
Bài làm
Làng em có cụ Ngà nổi tiếng là “sát cá”. Năm nay, cụ đã ngoài bảy mươi tuổi, râu tóc bạc phơ nhưng đôi mắt vẫn còn tinh lắm. Chiều chiều, cụ buộc chiếc giỏ tre bên hông và vác chiếc cần trúc lên vai, rồi thong thả đi ra phía đầu làng.
Đầu làng em có một cái đầm rất rộng. Xung quanh đầm, cây cối um tùm. Trên mặt nước, hoa sen, hoa súng màu hồng, màu tím… trông rất đẹp. Rong lá hẹ, rong đuôi chó mọc dày ven bờ. cỏ chân vịt, dừa nước và rau ngổ kết thành bè lớn là nơi trú ngụ, sinh sôi của bao loài tôm cá.
Thỉnh thoảng, em xin cụ Ngà cho đi câu cùng. Chỗ ngồi quen thuộc của cụ là ở dưới gốc cây phi lao già phía cuối đầm.
Mấy chục năm câu cá, cụ Ngà hiểu rõ thói quen của từng loài. Cá trắng hay ăn mồi gì, cá đen hay ăn mồi gì, cụ đều biết cả. Cho nên cụ đã chuẩn bị sẵn từng thứ từ nhà và gói kín bằng lá khoai môn.
Chiếc cần câu của cụ bằng trúc vàng, chỗ tay cầm bóng loáng. Đoạn cước khá dài có gắn chiếc phao lông ngỗng; đầu dây nối với cái móc bằng thép có ngạnh rất sắc. Sau khi móc mồi, cụ Ngà nhẹ nhàng thả câu. Gió thổi nhẹ, sóng gợn lăn tăn, hơi nước mát mẻ toả lên rất dễ chịu.
Cụ Ngà ngồi bó gối, vẻ mặt đăm chiêu, chăm chú nhìn vào chiếc phao trắng đang dập dềnh trên mặt nước. Cụ chậm rãi kể cho em nghe về những lần cụ đi câu được những con cá lớn như thế nào.
Bỗng cụ im bặt, chỉ tay xuống mặt đầm. Chiếc phao chúi mạnh rồi quay rất nhanh thành một vòng tròn. Em hồi hộp giục cụ giật lên, cụ lắc đầu bảo: “Kệ! Cứ để nó vùng vẫy, móc câu sẽ cắm sâu hơn, không vuột ra được”.
Bất chợt cụ khom người đứng dậy, giật mạnh chiếc cần và quay vút ra phía sau. Một chú cá diếc to hơn bàn tay đang giãy đành đạch trên mặt cỏ. Cụ Ngà cất tiếng cười khà khà sảng khoái:
– Chà! Con cá này rán giòn lên nhắm rượu thì ngon phải biết! Cu An gỡ nó ra đi!
Chú cá diếc đã được bỏ vào giỏ có lót nắm lá tre. Cụ Ngà lại móc mồi khác rồi tiếp tục buông câu. Ít phút sau, một chú trắm cỏ tham ăn cũng cùng chung số phận.
Mặt trời đã lặn. Phía Tây, ráng chiều đỏ sẫm. Một làn sương mỏng như khói từ từ phủ xuống mặt đầm. Em xách giỏ cá đi bên cạnh cụ Ngà, trong lòng dâng lên một niềm thích thú khó tả. Đúng như lời cụ Ngà từng nói: “Đi câu là một cái thú tiêu khiển lành mạnh và có ích. Nó làm cho tâm hồn thanh thản sau những giờ lao động mệt nhọc. Đã vậy lại có cá ăn. Con cá mình câu được ăn ngon hơn con cá mua ở chợ rất nhiều đấy cháu ạ!”.
Em chẳng biết có thật như vậy không nhưng được đi câu cùng với cụ Ngà thì quả là thú vị!
Đề bài: Em đã nhìn thấy ở ngoài đời (hay xem trên tivi, sách báo) một lực sĩ đang cử tạ. Em hãy tả lại hình ảnh lực sĩ ấy.
Bài làm
Trong dịp kỉ niệm ngày thành lập Đoàn 26 tháng 3 vừa qua, em được ba cho đi xem Hội khoẻ của thanh niên thành phố, tổ chức tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Rất nhiều tiết mục hấp dẫn như Vovinam, vật tự do, cử tạ, Karatê, bóng bàn, bóng chuyền… nhưng em thích nhất vẫn là môn cử tạ. Vận động viên Huỳnh Quốc Long đã xứng đáng đoạt Huy chương vàng trong cuộc thi này.
Sau lời giới thiệu của ban tổ chức, lực sĩ Long bước ra sàn đấu giữa tiếng vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt của khán giả. Anh rất trẻ, chỉ độ khoảng hai lăm, hai sáu tuổi. Mái tóc đen hớt cao làm tăng thêm vẻ cương nghị của gương mặt chữ điền. Đôi mắt sáng, nụ cười thân thiện rất dễ gần.
Lực sĩ Long có một thân hình rất đẹp. Anh cao khoảng một mét bảy mươi, nặng gần bảy mươi kí lô. Vai rộng, ngực nở, chân tay nổi bắp thịt cuồn cuộn trông mới khoẻ mạnh làm sao! Nước da nâu bóng khiến cho anh trông giống như một pho tượng đổng đen sừng sững.
Lực sĩ khẽ nghiêng mình cúi chào khán giả rồi bắt đầu bài thi đấu của mình. Anh choãi chân, lấy thế đứng vững vàng rồi cúi xuống nâng tạ. Vài giây trôi qua, cả ngàn ánh mắt hồi hộp theo dõi từng động tác của anh. Bất ngờ, anh nâng bổng hai quả tạ sắt nặng tám mươi kí lô giơ cao quá đầu một cách nhẹ nhàng giữa tiếng reo hò khen ngợi và tiếng hoan hô như sấm động. Một số khán giả ùa lên chúc mừng và tặng anh những bó hoa tươi thắm. Gương mặt lực sĩ rạng rỡ một niềm hạnh phúc.
Có được thành công hôm nay, chắc là anh đã phải trải qua một quá trình khổ luyện lâu dài. Ngắm nhìn lực sĩ, em ao ước ngày mai lớn lên, em cũng sẽ có được một thân hình và một sức mạnh như thế. Điều đó chẳng dễ dàng gì nhưng ông cha ta đã dạy: Có chí thì nên.
Đề bài: Hãy tả một người thân yêu và gần gũi nhất với em (Ví dụ như chị gái của em).
Bài làm
– Hà đứng yên để chị tết tóc cho nhé! Xong rồi đấy! Đẹp chưa nào, cô bé?! Chị Thanh sáng nào cũng chải đầu cho em. Hai bàn tay chị nhẹ nhàng làm sao! Thoáng chốc, tóc em đã được tết gọn thành hai bím, có buộc thêm chiếc nơ hồng xinh xinh.
Chị Thanh là chị gái của em. Năm nay, chị mười lăm tuổi, là học sinh lớp 9 của trường Trung học cơ sở Nguyễn Du.
Cũng bởi cái dáng cao gầy mà bạn bè cùng lớp đã đặt cho chị biệt danh là “Thanh kều”. Mái tóc chị Thanh dài đến thắt lưng và đen mướt. Nước da trắng trẻo. Đôi mắt với ánh nhìn hiền dịu cùng nụ cười thân thiện tạo cho gương mặt chị một vẻ đẹp mộc mạc, dễ thương.
Nhiều năm liền, chị Thanh đạt được danh hiệu học sinh giỏi. Môn chị học giỏi nhất là môn Văn. Chị ham đọc sách và thích tìm hiểu những điều kì thú trong thiên nhiên. Chị cũng là cây bút quen thuộc của tập san Tuổi hồng và Mực tím.
Mảnh vườn nhỏ sau nhà là thế giới riêng của chị. Chị trồng hoa hồng, hoa cúc, cẩm chướng, loa kèn, thuỷ trúc… và những bụi tóc tiên, dương xì xùm xoà dọc lối đi. Đôi tay khéo léo của chị đã tạo nên những bình hoa, giỏ hoa thật đẹp để trang trí cho phòng khách và bàn học, làm cho căn nhà nhỏ luôn rạng rỡ và đầy sức sống.
Nhờ có tính kiên nhẫn của chị Thanh mà em đã bỏ được nhiều tật xấu như ham chơi, lười học và hay ỷ lại. Chị ân cần khuyên nhủ, hướng dẫn em trong lúc học, lúc chơi. Chị thường bảo em rằng: – Nhà mình nghèo, chớ nên so sánh, đua đòi với các bạn con nhà giàu. Chị em mình hãy cố gắng chăm ngoan, học giỏi để làm vui lòng ông bà, cha mẹ. Cứ chăm học, chăm làm thì sau này tự mình sẽ làm nên tất cả. Tuy chỉ hơn em vài tuổi nhưng chị Thanh tỏ ra “người lớn” hơn em nhiều lắm.
Em coi chị Thanh như người bạn thân thiết và đáng tin cậy. Có gì thắc mắc em cũng hỏi chị và bao giờ cũng được chị giải đáp đến nơi đến chốn. Em học được từ chị gái của mình nhiều điều hay, điều tốt. Thấy chị Thanh được thầy cô và bạn bè yêu mến, em rất tự hào.