Văn nghị luận

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 8: tại đây

Văn nghị luận – Văn chứng minh

Đề bài: Em hãy giải thích câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân“.

Bài làm

   Bên cạnh truyền thống anh hùng bất khuất, truyền thống nhân đạo đã trở thành máu thịt của nhân dân ta. Tục ngữ của ta cũng thấm nhuần lòng nhân đạo ấy:

   "Thương người như thể thương thân"

   Tìm hiểu quan niệm ấy, ta sẽ hiểu thêm nét đẹp tâm hồn của dân tộc ta.

   Lời khuyên giản dị mà chan chứa tình người. Còn gì chí tình, chí nghĩa hơn là thương yêu, giúp đỡ người khác như thương yêu chính bản thân mình.

   Lời răn dạy ngắn gọn mà chứa đựng ý nghĩa sâu xa. Thân là bản thân, là cái riêng được coi ngang bằng với mọi người khác (chỉ chung nhân loại). Lời răn dạy trên như muốn khuyên ta: Ta từng thân thương ta thế nào ta hãy chia sẻ, cảm thông mà thương thân người như thế. Thân ta nếu đã từng đau đớn vì một lí do nào đó như đứt tay, bệnh hoạn thì ta đã hiểu, đã trải qua nỗi đâu ấy, đã thương xót bản thân mình. Đến nay, nếu người khác lâm cảnh khốn cùng, ta cảm thông giúp đỡ, quan tâm họ như ta vậy.

   Vì sao câu tục ngữ trên lại khuyên ta phải giúp đỡ người khác? Nếu suy nghĩ kĩ, ta thấy điều ấy thật đơn giản: chưa có ai sống đơn độc lẻ loi mà đủ sức tồn tại. Gia đình có quan hệ anh em, cùng chung huyết thống, cùng chung kỉ niệm vui buồn. Anh em như thể tay chân nên lúc hoạn nạn phải giúp đỡ nhau theo tinh thần máu chảy một mềm, chị ngã em nâng.

   Xa hơn nữa là bạn bè, hàng xóm quen biết cùng chung những lúc tối lửa tắt đèn bên nhau. Họ không cùng chung máu mủ nhưng lại là người gần gũi, dễ chia sẻ buồn vui với nhau. Do vậy, cũng có câu: Bán anh em xa mua láng giềng gần. Thực tế thì anh em không bán, láng giềng nên mua, đó là những người gần gũi và có thể hiểu ta, giúp đỡ ta trước khi anh em ta đến nơi. Họ chẳng khác gì anh em một nhà với ta.

   Rộng hơn nữa là những người miền ngược hay miền xuôi trong đất nước ta. Đó là đồng bào, cùng một bọc, cùng là con mẹ Âu Cơ với ta… Tinh thần ấy đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hơn nữa, về mặt lịch sử và địa lí, dân tộc ta có chung môi trường, điều kiện sống, cùng nhau hưởng hạnh phúc trong độc lập và chịu gian nan lúc nô lệ ngoại bang. Ta đã gắn bó biết bao trong kháng chiến gian khổ để có độc lập, tự do hôm nay. Ngoài ra, ta còn phải gắn bó đoàn kết với nhau trong đấu tranh với thiên nhiên. Biết bao lần ta đã gắn bó, đùm bọc nhau khi bị lũ lụt, hỏa hoạn. Biết bao lần ta đã “cứu đồng bào là để tự cứu mình” trong mối quan hệ khăng khít. Những việc làm ấy đều xuất phát từ tinh thần thương người như thể thương thân nói trên. Tỉnh cảm ấy, về thực tế cần phải duy trì, về đạo lí là nét đẹp truyền thống, là nếp sống văn minh tốt đẹp của xã hội.

   Do vậy, hiểu sâu sắc lí do trên ta cần phát triển mối quan hệ tốt đẹp ấy, hiểu rõ vẻ đẹp của lối sống đoàn kết thân ái, phải thương yêu người khác như chính bản thân. Ngày nay, câu tục ngữ không còn mang ý nghĩa giữa cá nhân với nhau mà còn mang nội dung rộng lớn hơn, trở thành tình cảm chung, nếp sống chung của toàn xã hội. Tình cảm nhân đạo ấy được phát triển rộng qua mối quan hệ với cả cộng đồng nhân loại. Thấm nhuần lời dạy ấy, bản thân chúng ta phải có ý thức rèn luyện đạo đức. Ngay từ nhỏ, ta phải biết đoàn kết yêu thương nhau từ trong gia đình, lớp học đến xã hội.

   Theo tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, ta cần giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, giúp đỡ những gia đình neo đơn, người già, người tàn tật. Đó chính là biểu hiện tốt đẹp giữa người và người trong xã hội.

   Tóm lại, câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” đã cho ta một bài học về đạo làm người, nhắc nhở ta phải có lòng nhân ái, biết yêu thương mọi người chung quanh như thương yêu chính bản thân mình. Phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha, chúng ta vừa thể hiện nhân cách làm người, vừa góp phần xây dựng một đất nước văn minh tiến bộ.

   Thật vậy:

   "Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"

   Cao quý thay lòng nhân ái! Vĩ đại thay giàn địa cầu của chúng ta!

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4.8 / 5. Số lượt đánh giá: 1154

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống