Xem toàn bộ tài liệu Lớp 8: tại đây
- Soạn Văn – Sách Giải Văn – Sách Học Tốt Ngữ Văn Lớp 8
- Soạn Văn – Sách Giải Văn – Sách Học Tốt Ngữ Văn Lớp 8 (Ngắn Gọn)
- Soạn Văn – Sách Giải Văn – Sách Học Tốt Ngữ Văn Lớp 8 (Cực Ngắn)
- Giải Vở Bài Tập Ngữ Văn Lớp 8
- Tác Giả – Tác Phẩm Văn Lớp 8
- Sách giáo khoa ngữ văn lớp 8 tập 1
- Sách giáo khoa ngữ văn lớp 8 tập 2
- Sách Giáo Viên Ngữ Văn Lớp 8 Tập 1
- Sách Giáo Viên Ngữ Văn Lớp 8 Tập 2
- Sách Bài Tập Ngữ Văn Lớp 8 Tập 1
- Sách Bài Tập Ngữ Văn Lớp 8 Tập 2
Đề bài: Phân tích truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao
Bài làm
Nam Cao là một trong những cây bút hiện thực xuất sắc nhất của văn học hiện thực trước cách mạng. Các tác phẩm của ông sáng tác trên hai đề tài lớn là người trí thức và người nông dân, nhưng thành công hơn cả là khi ông viết về đề tài người nông dân. Viết về người nông dân, nhà văn có khuynh hướng khám phá, phát hiện những vẻ đẹp phẩm chất ẩn sâu trong con người họ. Truyện ngắn Lão Hạc là một tác phẩm như vậy.
Trước hết về nhân vật lão Hạc, lão có số phận bi thảm nhưng ẩn sau đó là những phẩm chất cao đẹp, đại diện cho người nông dân. Số phận lão Hạc cũng là số phận chung của biết bao người nông dân trước cách mạng. Vợ lão chết sớm, lão ở vậy gà trống nuôi con. Đứa con lớn lên vì không lấy được người mình yêu nên phẫn chí bỏ nhà ra đi. Lão ở vậy một mình với cậu Vàng – kỉ vật người con trai để lại. Nhưng cuộc đời lão càng ngày lại càng bi đát hơn, lão bị ốm, lão tiêu tốn nhiều tiền dành dụm cho con, bởi vậy lão đành bán cậu Vàng – người bạn đã ở bên giúp lão vơi bớt nỗi buồn khi phải xa con. Khi bán cậu Vàng lão vô cùng đau đớn, ân hận. Nỗi ân hận đó được thể hiện qua đoạn văn miêu tả đặc sắc: cười như mếu, đôi mắt ầng ậng nước, mặt đột nhiên co rúm lại, cái đầu ngoẹo về một bên, cái miệng móm mém mếu như con nít, hu hu khóc. Tình cảnh của lão thật đáng thương, lão luôn sống trong sự day dứt, dằn vặt bản thân.
Nhưng ẩn đằng đó chính là những phẩm chất cao đẹp của người nông dân lương thiện. Lão là một người giàu tình yêu thương, tình yêu thương đó được thể hiện ngay cả với một con vật: lão gọi chó là cậu Vàng, gọi nịnh như gọi một đứa trẻ, ông chăm sóc cậu Vàng chu đáo: cho ăn cơm trong bát như một nhà giàu, không chỉ vậy ông còn trò chuyện, mắng yêu cậu vàng,… cậu Vàng làm lão bớt cô đơn, vợi đi nỗi nhớ con. Tình cảm sâu nặng của ông với cậu Vàng có nguồn gốc sâu xa từ tình yêu thương con của lão Hạc, con chó là kỉ vật thiêng liêng mà người con để lại cho ông trước khi đi đến đồn điền cao su.
Tình phụ tử ở lão Hạc cũng vô cùng sâu sắc, thiêng liêng. Vì cảnh nghèo không cưới được vợ cho con, lão vô cùng đau đớn, bởi vậy bao nhiêu tiền của làm được lão đều dành dụm cho con, lão chịu kham khổ, để người đời chửi mắng chứ nhất định không chịu tiêu lạm vào tiền của con. Sau khi bị bệnh nặng, lão chỉ ăn khoai, hết khoai lão ăn củ chuối, rồi ăn sung luộc, rau má, củ ráy,… nghĩa là vớ được thứ gì lão ăn thứ ấy,… Và cuối cùng lão lo lắng sẽ tiêu hết tiền cho con nên lão đành chọn cái chết để bảo toàn tài sản cho con trai mình. Cái chết đau đớn của lão Hạc xuất phát từ lòng thương con âm thầm mà lớn lao.
Mặc dù nghèo khổ nhưng lão luôn giữ lòng tự trọng. Lão không nhận bất cứ sự giúp đỡ của ai, ngay cả khi ông giáo đề nghị giúp, lão từ chối một cách hách dịch, bởi lão hiểu hoàn cảnh gia đình ông giáo cũng nghèo túng chẳng khác gì gia đình mình. Lòng tự trọng đó còn được thể hiện trong cách thức tìm đến cái chết của ông. Trước khi chết ông để lại tiền nhờ bà con lo ma chay, không muốn phiền hà đến hàng xóm. Lão chết bằng cách ăn bả chó, cái chết đau đớn, dữ dội như một lời tạ tội với cậu Vàng. Cái chết của lão Hạc chính là sự khẳng định cho sức sống bất diệt của nhân cách trong ông.
Ngoài nhân vật lão Hạc trong tác phẩm ta còn thấy nổi bật lên hình ảnh của một ông giáo nghèo, người bạn thân thiết của lão Hạc. Ông giáo có sự đồng cảm sâu sắc với cảnh ngộ đáng thương của lão Hạc: an ủi, động viên khi lão bán chó, chia sẻ nỗi buồn với lão Hạc, luôn tìm mọi cách làm cho lão khuây khỏa, lạc quan,… Ông còn là người am hiểu tường tận nhất vẻ đẹp nhân cách của lão hạc: “Không cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”. Nghĩa khác ấy chính là con người có nhân cách cao đẹp nhưng lại phải chết vật vã, đau đớn và cái chết ấy lại càng làm sáng hơn nhân cách cao đẹp của lão.
Nghệ thuật kể chuyện xuất sắc: câu chuyện được kể bởi nhân vật tôi (ông giáo) người luôn bên cạnh lão Hạc, bởi vậy khiến câu chuyện trở nên chân thực, gần gũi, ngoài ra khiến mạch kể trở nên tự nhiên, linh hoạt, tạo điều kiện kết hợp tả, kể với bình luận một cách tự nhiên, sinh động. Giọng văn đa dạng, thay đổi linh hoạt. Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện bất ngờ, hợp lí, những bước ngoặt của truyện giúp bộc lộ rõ tính cách, phẩm chất của nhân vật. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng là một điểm nhấn của văn bản: nhân vật được khắc họa qua diện mạo, ngôn ngữ đối thoại, diễn biến tâm trạng và qua lời nhận xét, bình luận của các nhân vật khác, bởi vậy chân dung nhân vật hiện lên chân thực, sinh động hơn.
Với nghệ thuật kể chuyện đặc sắc, ngôn ngữ giản dị, lôi cuốn Nam Cao đã cho người đọc thấy chân dung số phận bất hạnh của người nông dân trước cách mạng, họ bị đẩy đến bước đường cùng phải tìm đến cái chết. Nhưng đằng sau đó còn là chân dung tinh thần đẹp đẽ: giàu tình yêu thương và nhân cách cao đẹp.
Đề bài: Phân tích nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên
Bài làm
Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Lão không chỉ đại diện cho số phận cùng cực, bất hạnh của người nông dân trong xã hội cũ mà lão còn là đại diện cho những phẩn chất cao quý, tiềm tàng trong họ.
Trước hết lão hạc là người có số phận bất hạnh. Lão góa vợ, sống một mình nuôi con, vì gia cảnh nghèo khó, số tiền thách cưới lại quá cao nên lão không thể lấy vợ cho con, bởi vậy trong lòng lão lúc nào cũng mang tâm trạng dằn vặt, đau đớn. Cũng bởi việc này mà con trai lão bỏ đi đồn điền cao su, bặt vô âm tín. Về già những tưởng có người chăm sóc thì lão lại phải sống trong cảnh cô đơn. Lão không được sống cuộc đời an nhàn, thảnh thơi, dù già nhưng lão vẫn đi làm thuê, để tích cóp cho con. Nhưng số phận trêu đùa, một trận ốm nặng lấy hết tiền lão đã dành dụm, trận bão cướp hết hoa màu. Càng trớ trêu hơn khi cậu Vàng – kỉ vật con trai lão để lại, lão yêu nó hơn cả bản thân nhưng nay lão lại phải bán nó đi. Lão rơi vào bi kịch: bán hay không bán cậu Vàng. Nhưng thực tế khốn khó, dù vô cùng đau đớn lão cũng đành phải bán cậu Vàng. Sau khi bán cậu Vàng, lão rơi vào khủng hoảng tâm lí trầm trọng: “Lão cố làm ra vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước”, “mặt lão đột nhiên co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…”. Lão ân hận, day dứt khi đã bán cậu Vàng. Lão tự kết tội mình là đã đánh lừa một con chó. Trong cuộc đời đầy những vất vả, đổi trắng thay đen, người ta lừa lọc nhau để sống nhưng lão Hạc lại ăn năn vì đã bán một con chó. Điều này cho thấy sự ngay thẳng và nhân cách cao đẹp trong con người lão Hạc. Dù đã bán cậu Vàng những cuộc sống vẫn lão ngày một nghèo khó, lão vớ được thứ gì ăn thứ đó và cuối cùng lão đã tìm đến cái chết như một cách tạ tội với cậu Vàng và giải thoát chính mình. Tuy nhiên, cách giải thoát của lão hết sức bi thảm: tự tử bằng việc ăn bả chó. Việc một con người giàu lòng yêu thương, trung thực phải tìm đến cái chết đau đớn vật vã như vậy tự bản thân nó đã bao hàm ý nghĩa lên án, tố cáo xã hội phi nhân tính.
Không chỉ vậy, lão còn là một người cha hết mực thương con và có trách nhiệm. Khi con bỏ đi đồn điền cao su, lão luôn cảm thấy đau đớn, xót xa vì đã không làm tròn vai trò của một người cha. Bao nhiêu tình yêu thương con lão dồn hết vào việc chăm sóc cậu vàng: lão âu yếm trò chuyện với nó, cho nó ăn cơm trong bát như nhà giàu,… Lão không ngừng lao động, chắt chiu, tằn tiện để dành dụm cho con. Lão quyết tâm tìm mọi cách để giữ lại mảnh vườn cho con. Những ngày đau ốm, cùng trận bão đã cướp sạch đi tiền của và hoa màu của lão, những ngày sau đó lão sống lay lắt, tằn tiện cuối cùng lão quyết định tìm đến cái chết. Trước khi chết lão sang nhà ông giáo gửi gắm lại mảnh vườn, để sau này đứa con trở về vẫn có nơi làm ăn sinh sống. Lão chu toàn trong tất cả mọi việc, không chỉ suy nghĩ trong hiện tại, mà còn bảo vệ tài sản cho con cả ở tương lai. Ông quả là có tình yêu thương con sâu sắc, tha thiết.
Lão Hạc còn là người có lòng tự trọng sâu sắc. Lão luôn sống bằng sức lao động của mình. Dù ông giáo có thiện ý giúp đỡ nhưng lão vẫn từ chối: “Luôn mấy hôm, tôi thấy lão Hạc chỉ ăn khoai. Rồi thì khoai cũng hết. Bắt đầu từ đấy, lão chế tạo được món gì, ăn món ấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng ăn một vài củ ráy hay bữa ốc”. Nhân cách trong sáng của lão còn thể hiện trong dòng nước mắt, trong lời nói đầy ân hận khi lão đã chót lừa cậu vàng, và lão đã lấy cái chết đau đớn, vật vã như một con chó để tạ lỗi với cậu Vàng. Trước khi chết lão chuẩn bị hết sức chu đáo, lão gửi lại tiền ma chay cho ông giáo để sau này khi chết đi không làm phiền đến hàng xóm. Lão quả thật là một con người có nhân cách cao đẹp đáng trân trọng.
Để miêu tả toàn bộ cuộc đời nhân vật, tác giả đã lựa chọn hình thức trần thuật hết sức phù hợp. Lấy người kể chuyện là ông giáo sẽ đem đến nhiều hiệu quả: là người gần gũi chứng kiến toàn bộ cảnh đời lão Hạc nên câu chuyện được thuật lại tự nhiên, chân thật, khách quan. Việc trần thuật từ ngôi thứ nhất khiến cho mạch kể linh hoạt, kết hợp giữa kể, tả và bình luận. Nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc: tính cách, phẩm chất của nhân vật được thể hiện qua ngôn ngữ, hành động và sự đánh giá của các nhân vật khác. Ngôn ngữ nhân vật mang tính cá thể hóa cao độ.
Nhân vật lão Hạc đại diện cho người nông dân Việt Nam mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp: tình yêu thương và lòng tự trọng, nhân cách cao đẹp. Qua nhân vật này tác giả vừa bộc lộ thái độ yêu thương, trân trọng đồng thời thể hiện sự cảm thông sâu sắc cho số phận bất hạnh của những người nông dân trước cách mạng.
Đề bài: Phân tích nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.
Bài làm
Nam Cao là một nhà văn lớn của người nông dân Việt Nam, đặc biệt là người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945. Ông vẫn cảm nhận được những vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn của họ trước bờ vực của cái đói, cái nghèo. Truyện ngắn “Lão Hạc” của nhà văn là một tác phẩm như thế. Nhân vật chính của tác phẩm – nhân vật lão Hạc – dù có một hoàn cảnh bất hạnh, đau đớn nhưng lão vẫn giữ được tình yêu thương đối với những người thân yêu và đặc biệt là một lòng tự trọng cao cả. Qua nhân vật này, nhà văn đã thể hiện tư tưởng nhân đạo tiến bộ và sâu sắc.
Lão Hạc cũng như bao người nông dân Việt Nam khác phải đối mặt với cái nghèo, cái đói của cuộc sống cơ cực, tăm tối trước Cách mạng. Nhưng lão còn có những hoàn cảnh riêng vô cùng bất hạnh. Vợ lão chết sớm. Con trai lão phẫn chí vì nghèo không lấy được người mình yêu nên bỏ đi đồn điền cao su. Lão chỉ có con Vàng là kỷ vật của con để làm bạn. Vậy là cùng một lúc lão phải đối mặt với bao đau khổ: cái đói, sự cô đơn và tuổi già với ôm đau, bệnh tật. Rồi cuộc đời cực khổ, dồn lão đến mức hết đường sinh sống. Lão phải dứt ruột bán đi con chó Vàng mà lão yêu thương nhất. Lão bán con chó trong niềm khổ đau tột cùng: “Mặt co rúm lại, những nếp nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra, cái đầu ngoẹo về một bên, cái miệng móm mém mếu như con nít”, “lão hu hu khóc”,…
Ban đầu là “luôn mấy hôm lão chỉ ăn khoai”, “khoai cũng hết, lão chế tạo được món gì, ăn món ấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy hay bữa trai, bữa ốc”. Rồi đến mức chẳng còn gì để ăn, để sống. Rồi điều gì đến sẽ phải đến. Không còn đường sinh sống, lão Hạc chỉ còn đường chết. Và đó là một cái chết thật đau đớn, thật tủi nhục: chết “nhờ” ăn bả chó tự tử…! Cái chết của lão dữ dội vô cùng: lão sùi bọt mép, lão co giật phải hai người đàn ông lực lưỡng đè lên… Cái chết ấy khiến người đọc liên tưởng đến cái chết của con chó Vàng để rồi rùng mình nhận ra rằng cái chết của lão đâu khác gì cái chết của một con chó.
Đói nghèo như thế, khổ đau như thế nhưng lão không vì vậy mà tha hóa về nhân phẩm. Binh Tư đã tưởng lão xin bả chó để ăn trộm. Ông giáo cũng nghi ngờ lão. Nhưng không, Lão Hạc vẫn giữ được vẹn nguyên tâm hồn dào dạt yêu thương đáng quý, đáng trọng của người nông dân và cả sự tự trọng cao đẹp của mình.
Lão yêu thương con rất mực. Văn học Việt Nam đã có những “Cha con nghĩa nặng” của Hồ Biểu Chánh, “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng,… ngợi ca tình phụ tử. Và trong đó cũng cần nhắc đến “Lão Hạc” của Nam Cao. Vì thương con, lão chấp nhận đối mặt với cô đơn, với tuổi già để con ra đi cho thỏa chí. Con đi rồi, lão dồn cả yêu thương vào con chó Vàng. Đừng nghĩ đơn giản rằng lão cưng chiều “cậu” Vàng vì đó là con chó khôn, chó đẹp. Điều quan trọng nhất khiến lão yêu quý con Vàng đến mức chia với nó từng cái ăn, cho nó ăn vào bát như người, rồi đến lúc nó chết lão quằn quại, đau đớn,… là bởi con chó là kỉ vật duy nhất mà con trai lão để lại. Nhìn con chó, lão tưởng như được thấy con mình.
Không chỉ vậy, lão thương con đến độ chấp nhận cái đói, rồi cả cái chết chứ không chịu bán đi mảnh vườn của con. Nếu lão bán mảnh vườn, ắt lão sẽ đủ ăn tiêu để vượt qua thời khốn khó. Nhưng lão lại lo khi con trai về không có đất sinh sống làm ăn. Vậy là lão đã nhận lấy cái chết rồi nhờ ông giáo giữ đất cho con. Chao ôi! Tình yêu thương con của lão thật cảm động biết mấy!
Lòng tự trọng của lão Hạc rực sáng nhất ngay khi thân xác lão đau đớn nhất. Lão đã chọn cái chết, một cái chết khốc liệt để tâm hồn mình được trong sạch, được trọn vẹn tình nghĩa với tất thảy mọi người – kể cả với con chó Vàng tội nghiệp. Nhưng còn một chi tiết khác cũng cảm động vô cùng. Lão đã tính toán để ngay cả khi chết đi rồi cũng không làm phiền đến mọi người: lão đã gửi ông giáo mấy chục đồng bạc, định khi mình nằm xuống thì nhờ ông giáo lo liệu ma chay khỏi làm phiền hàng xóm! Hỡi ôi lão Hạc!
Xây dựng nhân vật lão Hạc, Nam Cao đã sử dụng nghệ thuật khắc họa nhân vật tài tình. Điều đó được thể hiện trong đoạn văn miêu tả bộ dạng, cử chỉ của lão Hạc khi kể cho ông giáo chuyện lừa bán cậu Vàng, trong đoạn miêu tả sự vật vã đau đớn dữ dội của lão Hạc trước lúc chết. Ngôn ngữ nhà văn sử dụng trong tác phẩm sinh động, ấn tượng, giàu tính tạo hình và hết sức gợi cảm.
Qua nhân vật lão Hạc, nhà văn đã thể hiện tinh thần nhân đạo tiến bộ sâu sắc.
Nam Cao đã đồng cảm đến tận cùng với cái nghèo, cái đói của người nông dân Việt Nam trong nạn đói 1945. Thời cuộc đã dồn họ đến đường cùng và lối thoát nhanh chóng nhất là cái chết nghiệt ngã.
Nhưng trên hết, nhà văn đã biết nâng niu trân trọng vẻ đẹp tâm hồn cao khiết của người nông dân ngay cả khi họ bước vào đường cùng. Không chỉ giàu tình yêu thương, người nông dân còn sống đầy tự trọng. Trong cái đói, tự trọng là thứ gì đó xa xỉ vô cùng. Vì miếng ăn, người ta có thể tàn nhẫn, dã man, thậm chí mất hết nhân tính. Nhưng đáng trọng thay lão Hạc, lão không chỉ giữ được tình thương tươi mát mà còn giữ được lòng tự trọng vàng đá của mình.
Và chính nhờ vẻ đẹp tươi sáng ấy của lão Hạc mà Nam Cao đã chiệm nghiệm: “Cuộc đời chưa hẳn đáng buồn”. Chưa đáng buồn bởi còn có những con người cao quý như Lão Hạc. Viết câu văn ấy, nhà văn đã bày tỏ thái độ tin tưởng đối phẩm cách tốt đẹp của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng. Điều ấy đáng quý vô cùng bởi trước Cách mạng, người nông dân bị coi rẻ như cỏ rác, thậm chí có nhà văn còn nhận định người nông dân “như những con lợn không tư tưởng”. Và bởi thế, tư tưởng của Nam Cao đáng ca ngợi biết bao!
Nhân vật lão Hạc của nhà văn Nam Cao là một nhân vật có nhiều đặc điểm đáng quý, đáng trân trọng. Từ lão Hạc, người nông dân Việt Nam có quyền tự hào về tâm hồn và phẩm cách của mình. Dựng lên nhân vật này, nhà văn Nam cao đã khẳng định một quan điểm giàu tính nhân đạo sâu sắc.
Đề bài: Phân tích nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao.
Bài làm
Viết về đề tài nông dân trước cách mạng, “Lão Hạc” là một truyện ngắn độc đáo, đặc sắc của nhà văn Nam Cao. Một truyện ngắn chứa chan tình người, lay động bao nỗi xót thương khi tác giả kể về cuộc đời cô đơn bất hạnh và cái chết đau đớn của một lão nông nghèo khổ. Nhân vật lão Hạc đã để lại trong lòng ta bao ám ảnh khi nghĩ về số phận con người, số phận người nông dân Việt Nam trong xã hội cũ.
Lão Hạc, một con người nghèo khổ, bất hạnh. Ba sào vườn, một túp lều, một con chó vàng… đó là tài sản, vốn liếng của lão. Vợ chết đã lâu, cảnh gà trống nuôi con, lão lần hồi làm thuê kiếm sống. Đứa con trai độc nhất không có trăm bạc để cưới vợ, cảm thấy “nhục lắm” đã “phẫn chí” đi phu đồn điền cao su Nam Kỳ, biền biệt năm, sáu năm chưa về. Tuổi già, sống cô quạnh, nỗi bất hạnh ngày thêm chồng chất. Lão Hạc chỉ còn biết làm bạn với con chó vàng. Lão bị ốm một trận kéo dài 2 tháng 18 ngày. Không một người thân bên cạnh đỡ đần, săn sóc cho một bát cháo, một chén thuốc! Tinh cảnh ấy thật đáng thương! Tiếp theo một trận bão to, cây trái hoa màu trong vườn bị phá sạch sành sanh. Làng mất nghề sợi. Đàn bà con gái trong làng đi làm thuê rất nhiều, giành hết mọi việc. Sau trận ốm, lão Hạc yếu hẳn đi, chẳng ai thuê lão đi làm nữa. Thất nghiệp! Giá gạo mỗi ngày một cao. Lão và cậu Vàng, mỗi ngày ăn hết ba hào gạo mà vẫn “đói deo đói dắt”. Bao nhiêu tiền bán hoa lợi trong vườn dành dụm được bấy lâu nay, lão đã chi tiêu gần hết trong trận ốm!
“Nhưng đời người ta không chỉ khổ một lần (…). Lão Hạc ơi! Ta có quyền giữ cho ta một tí gì đâu?”. Nhân vật ông giáo đã nghĩ như thế khi nghe lão Hạc nói về ý định phải bán con chó. Cậu Vàng “ăn khỏe”, mỗi ngày cậu ấy ăn “bỏ rẻ cũng mất hào rưỡi, hai hào”. Lão Hạc rất yêu cậu Vàng, nhưng “lấy tiền đâu mà nuôi được?” Lão Hạc phải bán cậu Vàng cho thằng Xiên, thằng Mục… Bán cậu Vàng xong, lão Hạc bị đẩy sâu xuống đáy vực bi thảm. Lão cảm thấy mình là một kẻ “tệ lắm”, đã già mà còn “đánh lừa một con chó”. Đói khổ, túng bấn, cô đơn… ngày một thêm nặng nề… lão Hạc chỉ ăn khoai, ăn củ chuối, ăn sung luộc, ăn rau má, thỉnh thoảng một vài củ ráy, hay bữa trai bữa ốc. Lão từ chối mọi sự giúp đỡ của ông giáo một cách “gần như là hách dịch”. Lão xa ông giáo dần, chỗ dựa tinh thần của lão bấy lâu nay. Lão Hạc đã ăn bả chó để tự tử. Lão chết đau đớn thê thảm: đầu tóc rũ rượi, mắt long sòng sọc, tru tréo, bọt mép sùi ra… vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết! Cái chết thật là dữ dội!
Số phận một con người, một kiếp người như lão Hạc thật đáng thương. Với chủ nghĩa nhân đạo thống thiết, Nam Cao đã nói lên bao tình thương xót đối với những con người đau khổ, bế tắc phải tìm đến cái chết thê thám. Chí Phèo tự sát bằng mũi dao, Lang Rận thắt cổ chết… Và lão Hạc đã quyên sinh bằng cái bả chó! Lão Hạc đã từng hỏi ông giáo: “… nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho thật sướng?”. Câu hỏi ấy đã thể hiện nỗi đau khố tột cùng của một kiếp người.
Lão Hạc, một con người chất phác, hiền lành, nhân hậu. Lão rất yêu con. Biết con buồn vì không có tiền đé cưới vợ “lão thương con lắm…”. Lão đau đớn khi con sắp đi làm phu đồn điền cao su. Lão chỉ biết khóc: “Thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta dã chụp rồi (…). Nó là người của người ta rồi, chứ đâu còn là con tôi ?”. “Cao su đi dễ khó về” (Ca dao). Con trai lão Hạc đã đi “bằn bặt” năm, sáu năm chưa về. Hoa lợi trong vườn, bán được bao nhiêu lão dành dụm cho con, hi vọng khi con trở về “có chút vốn mà làm ăn”. Lão tự bảo: “Mảnh vườn là của con ta… Của mẹ nó tậu thì nó hưởng…”. Đói khổ quá, nhưng lão Hạc đã giữ trọn vẹn ba sào vườn cho con. Lão đã tìm đến cái chết, “thà chết chứ không chịu bán đi một sào”. Tất cả vì con, một sự hi sinh thầm lặng cực kì to lớn!
Lòng nhân hậu của lão Hạc được thể hiện sâu sắc đối với con chó vàng, mà người con trai để lại. Lão quý nó, đặt tên nó là “cận Vàng”. Cho nó ăn cơm trong bát sứ như nhà giàu. Bắt rận hoặc đem nó ra cầu ao tắm. Lão ăn gì cũng chia cho cậu Vàng cùng ăn. Lão ngồi uống rượu, cậu Vàng ngồi dưới chân, lão nhắm một miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ. Lão tâm sự với cậu Vàng như tâm sự với một người thân yêu ruột rà: “Cậu Vàng của ỏng ngoan lắm! Ông không cho giết… Ông để cậu Vàng ông nuôi…”. Có thể nói, cậu Vàng được lão Hạc chăm sóc, nuôi nấng như con, như cháu; nó là nguồn vui, chỗ dựa tinh thần, nơi san sẻ tình thương, giúp lão Hạc vợi đi ít nhiều nỗi buồn cô đơn, cay đắng. Cậu Vàng là một phần cuộc đời lão Hạc. Nó đã tỏa sáng tâm hồn và làm ánh lên bản tính tốt đẹp của ông lão nông đau khổ, bất hạnh này. Vì thế, sau khi bán cậu Vàng đi, từ túng quẫn, lão Hạc chìm xuống đáy bể bi kịch, dẫn đến cái chết vô cùng thảm thương.
Lão Hạc là một nông dân nghèo khổ mà trong sạch, giàu lòng tự trọng. Trong đói khổ cùng cực phải ăn củ chuối, củ ráy… ông giáo mời lão ăn khoai, uống nước chè, lão cười hồn hậu và khất “ông giáo cho để khi khác”. Ông giáo ngấm ngầm giúp đỡ, lão từ chối “một cách gần như hách dịch”. Bất đắc đĩ phải bán con chó; bán xong rồi, lão đau đớn, lương tâm dằn vặt: “thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó”. Ba sào vườn gửi lại nguyên vẹn cho con trai, như một lời nguyền đinh ninh: “Cái vườn là của con ta (…). của mẹ nó tậu thì nó hưởng”. Tnrớc khi chết, lão gửi lại ông giáo mảnh vườn cho con, và gửi lại 30 dồng bạc đê “lỡ có chết… gọi là của lão có tí chút…”, vì lão không muốn làm phiền đến hàng xóm. Nam Cao đã tinh tế dưa nhân vật Binh Tư, một kẻ “làm nghề ăn trộm” ở phần cuối truyện, tạo nên một sự đối sánh đặc sắc, làm nổi bật tấm lòng trong sạch, tự trọng của lão Hạc, một lão nông chân quê đáng trọng.
Tóm lại, cuộc đời của lão Hạc đầy nước mắt, nhiều đau khổ và bất hạnh. Sống thì âm thầm, nghèo đói, cô đơn; chết thì quằn quại, đau đớn. Tuy thế, lão Hạc lại có bao phẩm chất tốt đẹp như hiền lành, chất phác, vị tha, nhân hậu, trong sạch và tự trọng… Lão Hạc là một điển hình về người nông dân Việt Nam trong xã hội cũ được Nam Cao miêu tả chân thực, với bao trân trọng xót thương, thấm đượm một tinh thần nhân đạo thống thiết.
Đề bài: Hãy phân tích hai nhân vật cha và con trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao.
Bài làm
Lão Hạc là truyện ngắn thành công của Nam Cao viết về đời sống của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945. Lão Hạc, nhân vật chính trong truyện, là một nông dân chất phác, đôn hậu, có nhiều nỗi khố tâm, sống trong cảnh nghèo đói đơn độc độc nhưng giàu lòng tự trọng và rất mực thương con.
Xã hội trong truyện Lão Hạc là một xã hội bất công, cầm tù nhân dân trong cảnh nghèo đói, lam lũ. Bên cạnh những người do nghèo đói mà đi ăn trộm như Binh Tư, còn có những con người lương thiện giàu lòng tự trọng như Lão Hạc – đóa sen thơm ngát giữa ao bùn!
Là một nông dân nghèo, không có ruộng, lão phải cày thuê cuốc mướn. Lão dành dụm, chắt chiu mới có mảnh vườn nho nhỏ. Tài sản duy nhất giúp lão có thêm chút hoa màu. Hoàn cảnh lão thật đơn chiếc; vợ lão mất sớm, còn hai cha con mà phải chật vật mới đủ án hàng ngày, lấy đâu ra cho con trai cưới vợ? Tiền mặt, tiền cau, tiền rượu, tiền cưới nữa chắc phải mất đến hai trăm. Không cưới nỗi vợ, con trai lão buồn rầu bỏ đi phu cao su, gửi lại biếu bố vài đồng bạc ăn quà và con chó Vàng – dự định sẽ thịt trong ngày cưới. Vợ mất, con đi biệt xứ với lời hẹn có bạc trăm mới trờ về, lão sống cô đơn, hiu quạnh với tuổi già, chỉ có con Vàng làm bạn. Lão dồn tình thương nhớ con trai cho con Vàng. Ngòi bút bùi ngùi xúc động: “Già rồi, mà ngày cũng như đêm, thui thủi một mình thì ai chả buồn. Những lúc đó có con Vàng làm bạn cũng đỡ hơn một chút. Lão và con Vàng sống lây lất qua ngày với củ ráy, củ khoai, bữa trai, bữa ốc… Vậy mà ngặt nghèo đến nỗi lão phải xa con Vàng. Trong nụ cười gượng gạo, chứa chan bao nỉmỹ mắt, cay đắng, xót xa cho số phận: Thì ra cậu Vàng ăn khỏe hơn tôi, ông giáo ạ. Mỗi ngày cậu ăn thế thì tôi lấy đâu ra tiền mà nuôi. Thôi thì bá phắt đi, đơc được đồng nào hay đồng nấy”. Xã hội khắc nghiệt đã cướp đi tất cả niềm vui nhỏ bé của lão. Chưa hết tai ương, cơn bão lại cướp đi những hoa màu ít ỏi trong vườn. Rồi cơn ốm hai tháng mười tám ngày đã đẩy lão xuống tận cùng cơ cực, nghèo đói. Lão chọn cái chết khốc liệt, chua chát: tự đầu độc.
Câu chuyện chúng tò lão Hạc là con người đôn hậu. Những lời tâm sự, suy nghĩ chân tình của lão trong cảnh ngặt nghèo khi nói với ông giáo khiến ta mủi lòng. Lòng đôn hậu của lão còn biểu hiện cảm động hơn qua cách chăm sóc con Vàng. Lão chăm sóc nó như chăm một đứa trẻ: cho nó ăn cơm bằng bát, lão ăn gì cũng cho nó ăn: lão cứ nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta găp thức ăn cho con trẻ, rồi lão bắt rận, rồi lão tắm cho nó, rồi nựng nịu măng yêu nó… Đên lúc túng quẫn không còn gì để nuôi nó, thậm chí không còn gì để nuôi thân, dự định bán nó đi mà lão đắn đo mãi. Khi bán nó rồi lão khóc vì thương: lão cười như mếu và đôi mắt ầng ậng nước và nhất là vìlão xót xa thấy “gìa bằng ấy tuổi đầu rồi mà còn đánh lừa một con chó”. Lòng thương và nỗi ân hận của lão đối với con Vàng sâu sắc đến mức trở thành nỗi đau khôn lường: mặt lão đột nhiên co rúm lại… cái miệng móm mém của lão mếu như con nít Lão hu hu khóc và ân hận:
“Khốn nạn ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu!… nó cứ làm in như là nó trảch tôi…: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này đấy à?”.
Thật là một con người đôn hậu, chất phác! Biết bao người dám lừa bịp và xử tệ với thân nhân, đồng loại không một chút xót thương. Vậy mà lão Hạc, do hoàn cảnh ngặt nghèo vẫn tự trách minh chưa tốt với con chó!
Không những thế, lão Hạc còn là một nông dân giàu tự trọng. Dù sống trong cuộc sống nghèo khổ, túng quẫn, lão vẫn giữ lòng tự trọng. Lão nghèo nhưng không hèn, không vì miếng ăn mà quỵ lụy kêu xin ai. Thậm chí đoán vợ ông giáo hơi có ý phàn nàn về sự đỡ đẫn của ông giáo đối với mình, lão đã lảng tránh ông giáo.
Tự trọng đến mức không muốn sau khi minh chết còn bị mọi người khinh rẻ. Chẳng còn gì ăn mà lão vẫn không hề đụng tới số tiền dành dụm và đem gửi ông giáo để nếu mình chết thì ông tang ma cho minh: “Con không có nhà, lỡ chết không biết ai đứng ra lo cho được; đề phiền cho hàng xóm thì chết không nhắm mắt được mắt…” Thật là một nhân cách hiếm có trên đời!
Cảm động hơn là tấm lòng lão Hạc dành cho đứa con trai độc nhất của lão. Thương con lão ước mong cho con hạnh phúc. Dù đói khỗ không còn cái án nhưng biêt con trai không đủ tiền cưới vợ, lão vẫn giữ nguyên vẹn cái vườn cho con với ý nghĩ “mẹ nó tậu thì nó hưởng”. Vì nghèo, lão không cưới được vợ cho con. Càng đau xót hơn khi con đi làm đồn điền cao su “nó là người cùa người ta rồi, chứ đâu có còn là con của tôi”. Thương nhớ con, lão nói chuyện với con Vàng và cảm thây như vơi đi nỗi nhớ con vì con Vàng là một kỉ niệm của con trai lão để lại.
Thương nhớ con, lão suy nghĩ sâu xa, không thể bán vườn vi lão nghĩ đến tương lai của con. Lão đã để riêng hoa lợi của khu vườn, dành làm vốn cho con sau này. Lão đã hi sinh tất cả vì con. Trước khi mất, lão gửi mảnh vườn lại cho ông giáo, người hàng xóm thân thiết của lão để khi con trại về giao lại cho con. Lão chết nhưng tấm lòng vẫn hướng về con và mong muôn cuộc sông của con trai mình không gặp cảnh đớn đau như lão. Bi thương thay cuộc đời lão Hạc!
Lão muốn sống trong sạch nhưng xã hội ấy không cho lão sống. Cuộc đời quá bế tắc, lão phải tự tử để bảo toàn danh dự của minh. Cái chết của lão Hạc đã chứng minh sự trong sạch cùa lão. Cái chết của lão đã tố cáo xã hội đen tối thời bấy giờ không thể chấp nhận một con người lương thiện như lão. Lão Hạc quả là một nhân cách cao đẹp, dù cuộc sống có cơ cực đến đâu. Nam Cao đã khắc họa được hình ảnh lão Hạc thật đẹp đẽ, cao quý như hình ảnh những con cò, con hạc trong bài ca dao:
"... Có xáo thì xáo nước trong, Đừng xáo nước đục đau lòng cò con"
Là một nông dân sống trong hoàn cảnh ngặt nghèo của xã hội thực dân, phong kiến, con người luôn bị cảnh chết chóc đe dọa hàng ngày. Vậy mà lão Hạc vẫn giữ tròn phẩm chất cao quý, bàn chất lương thiện. Tấm lòng yêu thương và hi sinh vì con của lão thật đáng quý. Xúc động trước tình phụ tử cao quý thiêng liêng của lão Hạc, em lại càng yêu quý và ngưỡng mộ con người chất phác mà cao thượng ấy. Sự ra đi cùa lão Hạc tuy đớn đau, nhưng chẳng khác nào một cánh hạc thanh cao từ bò trần gian, bay vút tận trời xanh.
Lão Hạc là hình tượng cảm động và cao quý về người nông dân thời Pháp thuộc. Trước khi mất, lão gửi mảnh vườn cho ông giáo, người hàng xóm thân thiết và tin cậy của lão để khi con trai về, giao lại cho con. Lão tự đầy mình đến cái chết, để không ăn vào số tiền và mảnh vườn, với mong muốn cuộc sống của con mình không gặp khó khăn như lão. Vậy là con trai lão Hạc là người như thế nào?
Đó là một thanh niên vắng mặt, là tất cả yêu thương và mong đợi của lão. Qua nỗi nhớ của lão, ta hiểu thêm tính cách của anh thanh niên con trai lão Hạc?
Trước hết, anh là một đứa con trai yêu quý của lão Hạc. Mẹ mất, anh vẫn chăm chỉ làm ăn, ước mơ lấy được người con gái anh yêu và sống hạnh phúc bên nàng. Anh đã chuẩn bị chu đáo cho đám cưới, nuôi con chó để dành cho tiệc vui. Thế nhưng gia đình cô gái thách cưới quá cao, gần trăm bạc Lão Hạc phân tích cho con: “Bán vườn rồi thì cưới vợ ở đâu?” Thế là cô gái anh yêu trở thành vợ người khác!
Anh ra đi, phải ra đi vì phẫn chí bởi ở lại càng đau khổ! Xa quê hương và người cha thân yêu, anh rất khổ tâm. Nghèo đến không lấy nổi vợ, thật đau xót! Thương cha, có hiếu nhưng anh vẫn phải ra đi, mong.có bạc trăm mới trở về để trả món nợ danh dự! Thế là anh xin đi làm đồn điền cao su nhưng ai mà không biết:
Cao su đi dễ khó về Khi đi trai tráng, khi vẻ bủng beo!
Chỉ có anh, biết hay không biết, anh vẫn đi với biết bao đau xót và phẫn uất, phẫn uất nên vẫn liều lĩnh đi… ước mơ, hỉ vọng… thật là đau xót, đáng thương!
“Tôi chỉ chỉ biết khóc chứ còn biết làm sao được nữa? Thẻ của nó người ta giữa. Hình của nó người ta đã chụp rồi. Nó lại đã lấy tiền của người ta. Nó là người của người ta rồi, chứ đâu còn là con của tôi”. Đó là tiếng than đứt ruột của người cha thương con hết lòng mà phải chịu sống xa con! Cha xót, con phải đau! Anh rất hiếu thảo, ngay khi nhận được tiền đăng kí, anh đã nghĩ đến cha: “Con biếu thầy ba đồng để thỉnh thoảng thầy ăn quà… Con đi chuyến này cố chí làm ăn bao giờ con có bạc trăm con mới về, không có tiền, sống khổ sống sở ở cái làng này nhục lắm…” thương cha và hiếu thảo, anh đã nghe lời cha “chẳng lấy đám này thì lấy đám khác” mặc dầu anh đã trót yêu cô gái. Anh là nạn nhân của tục thách cưới!
Nơi anh tìm đến với hi vọng chịu khó để có bạc trăm lại là nơi đầy đọa và bóc lột sức lao động tinh vi, tàn nhẫn của thực dân Pháp. Phải chăng anh quá chân thật, hiền lành nên đã ước mơ xa thực tế, chỉ có lão Hạc đã nhìn rỗ vấn đề “nó là người của người ta rồi, chứ đâu là con tôi?” Hóa ra anh là nạn nhân của bọn thực dân Pháp trong việc chúng vơ vét tài nguyên và nhân lực Việt Nam. Muốn vươn lên, rửa món nợ danh dự, muốn sống đầy đủ và hạnh phúc, anh lại rơi vào cái bẫy, trở thành nô lệ đáng thương! Từ đây, cho anh sẽ mỏi măt chờ đợi bời lẽ thường tình đã được đúc kết:
Cao su xanh tốt lạ đời Mỗi cây bón một xác người công nhân
Hình ảnh con trai lão Hạc tiêu biểu cho người thanh niên chân thực, biết yêu thương, có khát vọng vươn lên, sống tốt đẹp bằng công sức lao động của chính mình. Thương cha nhưng bất đắc chí anh đã trở thành nạn nhân của chế độ bóc lột đương thời.
Nghệ thuật xây dựng rất độc đáo, hình tượng con trai lăo Hạc chì được phản ánh thông qua cuộc nói chuyện tâm tinh giữa lão Hạc và ông giáo. Hình ảnh con trai lão Hạc không rõ nét bằng lão Hạc nhưng thật đáng thương. Cùng với lão Hạc, hal nhân vật đã nêu bật chủ đề tác phẩm và tố cáo chế độ đương thời. Trong đó, những người lao động chân chính là nạn nhân của nghèo đói, hủ tục cưới xỉn rườm rà và thực chát bóc lột của các đòn điền cao su do Pháp lâm chủ. Bên cạnh hlnh ảnh của chị Dậu, anh Dậu, cái Tí, lão Hạc và con trai lão Hạc góp phần làm rõ bức tranh hiện thực của xã hối ta thời Pháp thuộc.
Đề bài: Dàn ý Phân tích nhân vật ông giáo trong truyện ngắn Lão Hạc
Bài làm
A. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả Nam Cao và tác phẩm Lão Hạc: “Lão Hạc” là truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn hiện thực- nhân đạo Nam Cao.
– Giới thiệu và khái quát những nét chính về nhân vật ông giáo: Nhân vật ông giáo trong tác phẩm tuy không phải là nhân vật chính nhưng lại vô cùng quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng của tác giả.
B. Thân bài:
Luận điểm 1: Lý lịch và hoàn cảnh nhân vật.
– Ông giáo là một tri thức nghèo ở nông thôn, có hoàn cảnh khó khăn.
+ Nếu như với một người nông dân như lão Hạc, sự nghèo đói khiến lão phải bán đi con chó – người bạn thân nhất của lão, thì với một trí thức như ông giáo, thứ ông quý trọng nhất, nâng niu nhất nhưng cuối cùng ông vẫn phải bán chúng đi để chữa bệnh cho con – đó là sách.
+ Cuộc sống khó khăn của ông giáo còn được thể hiện qua hình ảnh người vợ của ông. Sự nghèo đói, khổ cực đã khiến thị trở nên ích kỉ với tất cả mọi người, ngoại trừ những đứa con của thị.
⇒ Cuộc sống khó khăn bao trùm lên ngôi làng nhỏ, dù là một người trí thức cũng không thể thoát khỏi vòng vây của cái đói, cái khổ.
Luận điểm 2: Ông giáo là một người giàu tình cảm, giàu lòng yêu thương.
– Ông giáo khác vợ ông ở chỗ, dù nghèo đói, túng quẫn, nhưng ông vẫn giữ được cái phẩm chất, cái lòng thương người, đồng cảm của mình, đặc biệt là với ông bạn già – lão Hạc.
+ Từ khi con trai lão Hạc ra đi, ngoài cậu Vàng thì có lẽ, ông giáo chính là người thấu hiểu và đồng cảm với lão nhất, ông luôn lắng nghe mọi tâm sự của lão Hạc, từ việc con trai không có tiền cưới vợ phải bỏ đi đồn điền, đến việc lão muốn bán chó, muốn gửi vườn, gửi tiền,…
+ Ông giáo luôn muốn giúp đỡ lão Hạc, dù chỉ là củ khoai, chén rượu, khi lão Hạc từ chối sự giúp đỡ của ông, ông giáo vừa buồn vừa thông cảm. Sự giúp đỡ duy nhất của ông dành cho lão, có lẽ là giữ vườn và tiền làm ma hộ lão.
– Không chỉ với lão Hạc, ông giáo cũng hiểu và thông cảm cho sự ích kỉ của người vợ: “ Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi”
Luận điểm 3: Ông giáo là một trí thức vừa đáng thương vừa đáng quý.
– Tưởng như trong câu chuyện này, lão Hạc đã là người khổ nhất, đáng thương nhất, nhưng nếu như nhìn lại tất cả, có lẽ ông giáo mới là người đáng thương nhất.
+ Ông giáo là nhân vật đại diện cho tầng lớp trí thức nghèo sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ.
+ Sự bế tắc ấy được thể hiện ở chỗ ông chính là người chứng kiến mọi đau khổ của lão Hạc, con lão, của vợ ông, và có lẽ của rất nhiều người khác, những ông chỉ có thể đứng nhìn mà không thể cứu giúp họ khỏi cái khổ đau ấy.
+ Ông giáo không chỉ gánh trên vai sựu thiếu thốn về vật chất mà còn gánh cả nỗi đau về tinh thần, đó là sự dày vò, day dứt khi không thể làm gì cho xã hội, cho đất nước, như chính trách nhiệm của một nhà nho, nhà trí thức đương thời.
+ Khi vợ ông ích kỉ với lão hạc, ông chỉ “buồn chứ không nỡ giận”, khi nghe Binh Tư nói lão Hạc muốn đánh bả chó, ông chỉ biết thốt lên “Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn”. Và cho đến khi chứng kiến cái chết của lão Hạc, điều duy nhất ông có thể làm đó là giữ trọn lời hứa với lão.
⇒ Tình cảnh bế tắc và tấm lòng nhân đạo của ông giáo khiến người đọc thấy đâu đó trong con người ông là nỗi lòng, tâm sự của chính tác giả – nhà văn Nam Cao.
C. Kết bài:
– Khẳng định lại phẩm chất của nhân vật ông giáo và vai trò của nhân vật trong toàn bộ tác phẩm: Ông giáo có những phẩm chất đại diện cho tầng lớp trí thức đương thời.
– Liên hệ và đánh giá về cảm hứng nhân đạo, nhân văn của truyện: Đọc truyện, người ta thấy lấp ló đằng sau nhân vật ông giáo ấy chính là hình ảnh tác giả với tấm lòng nhân đạo cao cả và nỗi lòng bế tắc trước cảnh ngộ của những người dân lao động.
Đề bài: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương. ” (Nam Cao – Lão Hạc). Hãy chứng minh nhận xét này qua các nhân vật trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao.
Bài làm
A. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả Nam Cao và truyện ngắn Lão Hạc
– Trích dẫn câu nói của ông giáo: “…”
– Khái quát nội dung câu nói: Quan điểm về cách nhìn nhận con người: Khi đánh giá con người chúng ta cần phải nhìn bằng sự cảm thông, khách quan nhất có thể.
B. Thân bài:
Luận điểm 1: Ý nghĩa câu nói
– Nhận xét trên là suy nghĩ của ông giáo khi vợ ông nói điều không tốt về lão Hạc.
– Ý nghĩa: Quan điểm về cách nhìn nhận đánh giá con người: Để có thể nhìn nhận, đánh giá một người thì ta cần phải hiểu thật kĩ về họ và nhìn bằng con mắt của sự cảm thông, trân trọng.
– Nhận xét này được chứng minh qua cái nhìn của các nhân vật về lão Hạc.
Luận điểm 2: Chứng minh
* Cái nhìn của ông giáo về lão Hạc
– Dù là người bạn thân nhất của lão, nhưng cũng có những lúc, ông giáo không thể hiểu hết được con người và hoàn cảnh của lão, vì vậy, chính ông cũng đã có những cái nhìn chưa đúng.
+ Khi lão Hạc băn khoăn chuyện bán chó, ông giáo đã nghĩ “Làm quái gì một con chó mà lão có vẻ băn khoăn quá thế!” và cho rằng “lão quý con chó vàng của lão đã thấm vào đâu với tôi quý năm quyển sách của tôi”. Lúc này, ông giáo chưa hề biết con chó ấy chính là kỉ vật cuối cùng của thằng con lão Hạc, là người bạn thân nhất và duy nhất luôn bầu bạn với lão trong suốt những năm qua. Cho đến khi biết được hết mọi chuyện, ông giáo mới thốt lên “Bây giờ thì tôi đã hiểu…”.
+ Khi lão Hạc gửi ông vườn và tiền làm ma, ông cũng thấy lão thật gàn dở, lo xa: “tội gì bây giờ nhịn đói mà tiền để lại”
+ Ngay cả khi nghe Binh Tư nói xấu về lão, ông giáo cũng tin và cho rằng “Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư?” và vội kết luận “Cuộc đời quả thật cứ ngày một thêm đáng buồn”
⇒ Chính ông giáo cũng đã có những suy nghĩ, kết luận sai khi đánh giá lão Hạc khi chưa tìm hiểu kĩ mọi chuyện
* Cách nhìn nhận của vợ ông giáo về lão Hạc
– Khi thấy lão gửi tiền gửi ruộng, thị cũng nhìn lão như một gã gàn dở, ngu ngốc, thậm chí mắng nhiếc lão “Cho lão chết”. Thị không hề hiểu gì về lão, lại thêm cái đói, cái khổ khiến thị trở nên ích kỉ, không thể có một chút thông cảm, xót thương nào cho tình cảnh của lão.
* Cách nhìn nhận của Binh Tư về lão Hạc
– Vốn là một người hiền lành, nhưng khi lão xin bả chó của Binh Tư, ngay lập tức gã đã bĩu môi khinh khỉnh và cho rằng lão “chả vừa đâu”. Binh Tư từ chính bản chất xấu xa của mình để đánh giá lão Hạc. Hắn nghĩ ai cùng đường cũng sẽ phải làm điều xấu như hắn.
⇒ Suy nghĩ của ông giáo là sự chiêm nghiệm về cuộc đời, về con người của chính tác giả. Từ cách nhìn nhận, đánh giá một con người, cho đến lòng cảm thông, thương xót và thấu hiếu người nông dân, tất cả đã làm nên cảm hứng nhân đạo, nahan văn sâu sắc trong sự nghiệp văn học của Nam Cao.
C. Kết bài:
– Khẳng định lại ý nghĩa của lời nhận xét: Câu nói của ông giáo chính là quan điểm của tác giả về cách nhìn nhận con người trong xã hội.
– Liên hệ đến các biểu hiện khác trong cảm hứng nhân đạo, nhân văn của Nam Cao.
Đề bài: Phân tích nhân vật ông giáo trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao.
Bài làm
Truyện ngắn Lão Hạc là một trong những thành công của Nam Cao trong việc xây dựng những hình tượng người nông dân Việt Nam sống dưới ách thống trị nặng nề trọng xã hội thực dân nửa phong kiến, những con người phải sống một cuộc đời đầy đau khổ nhưng vẫn mang một vẻ đẹp tâm hồn thạt cao quý. Nếu lão Hạc là hình tượng nhân vật gảy xúc động bởi tình phụ tử thiêng liêng vả nhân cách cao thượng thì ông giáo cũng là điểm sáng về tinh thương người, về cách nhìn đầy cảm thông trân trọng đối với người nông dân nghèo đói đương thời.
Trước hết, ta thấy nhân vật “tôi” trong tác phẩm là một người tri thức nghèo. Nghề giáọ trong xã hội ấy thường bị thất nghiệp. Mọi mơ ước, lí tưởng, mọi nhiệt tình sôi nỗi của tuổi trẻ đành bỏ dở và phai nhạt dần. Kể cả những cuốn sách quý giá ông giáo cũng đành bán đi để chữa bệnh cho con. ông giáo, do đó, rất cảm thông với nỗi đau xót của lão Hạc… ông tâm sự như muốn nói với người bạn đồng cảnh ngộ: “Lão Hạc ơi!Ta có quyền giữ cho ta một tí gì đâu? Lão qúy con chó Vàng của lão đã thấm vào đâu với tôi quý năm quyển sách của tôi!”
Từ kinh nghiệm, từ nỗi đau bản thân, ông giáo dễ dàng thông cảm với lão Hạc. Ông thấy được phẩm chắt cao quý của lão Hạc và rất trân trọng lão Hạc. Ông đã nhận xét nếu không hiểu sâu tâm hồn phẩm chất của họ, ta chì thấy họ ngu dốt, gàn dở, xấu xa! Ngược lại, đã hiểu và yêu quý Lão Hạc, ông giáo ngầm giúp đỡ lão Hạc đến nỗi vợ của ông phàn nàn trách cứ. Đó là thời buổi cái đói khổ và cái chết chóc đang rình rập bất cứ ai! Hiểu nhau ở tinh thần, thể hiện bằng hành động giúp đỡ cụ thể, điếu đó rõ là tình cảm sâu xa, nhân hậu.
Đối với lão Hạc, còn quý gì hơn lời hứa thực hiện điều ông trăn trối: Lão Hạc ơi! Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão… cái vườn mà lão nhất định không chịu bán đi một sào”. Ta như nghe ông giáo đang thề nguyện trước vong linh người đã khuất, ta tin rằng ông sẽ làm tròn lời hứa với lão Hạc.
Truyện Lão Hạc đã cho ta thấy xã hội đương thời có nhiều cảnh bi thương, dồn con người lương thiện vào đường cùng không giúp được, không cưu mang nổi nhau để cuối cùng phải tự kết liễu đời mình mọt cách thảm thương. Ý nghĩa tố cáo của truyện thật sâu sắc!
Tóm lại, ông giáo là người trí thức, không may mắn trong xã hội đương thời nhưng vẫn có tấm lòng nhân hậu đáng quý, có cái nhìn sâu sắc để cảm thông chia sẻ và quý trọng một người chất phác thật thà như lão Hạc. Biết bao người có lòng nhân hậu mà không giúp nhau vượt qua bi kịch của cuộc sống! Qua ông giáo, ta hiểu cái nhìn cảm thông tin tưởng của Nam Cao đối với nhân cách đáng quý: dù đó là trí thức hay nông dân thì quan hệ giữa họ vẫn là tri kỉ, họ có thể kí thác những điều hệ trọng, thiêng liêng nhất đời mình.
Đề bài: Phân tích nhân vật ông giáo trong “Lão Hạc” của Nam Cao
Bài làm
Mỗi nhân vật trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao là một mảnh đời, một số phận. Ta thương cảm xót xa cho cái chết đầy đau đớn dữ dội của lão Hạc, nhưng cũng không quên đi một ông giáo đầy bất hạnh. Nung nấu trong mình những ý định lớn lao, nhưng tất cả đều sụp đổ bởi “cơm áo không đùa với khách thơ”.
Hai tiếng ông giáo đầy kính trọng, thiêng liêng. Ở cái đất quê mùa, ít học ấy mấy ai được người đời tôn xưng là ông giáo. Đó phải là người hiểu luân lí, lắm chữ nghĩa mới được gọi như vậy. Và ông giáo chính là một người như vậy.
Dưới sự giới thiệu của Nam Cao, người đọc được biết đôi nét về tiểu sử của ông giáo. Thời trẻ ông giáo là một người chăm chỉ, ham học hỏi, sống có mục đích, lí tưởng, thứ ông quý hơn sinh mạng của mình chính là những cuốn sách. Nhưng cuộc sống đưa đẩy, đầy éo le, vào Sài Gòn lập nghiệp không được bao lâu, ông giáo ốm, trận ốm ấy đã khiến ông bán gần hết những gia sản mình có và mang về được một va li sách. Nếu như lão Hạc yêu quý cậu Vàng như thế nào thì ông lão cũng nâng niu những cuốn sách của mình như vậy. Nhưng lấy vợ, rồi cái nghèo cứ đeo bám, ông bán dần bán mòn những quyển sách của mình và giữ lại đúng năm quyển, tự hứa sẽ không bán chúng đi nữa. Nhưng cuộc đời cũng thật biết trêu đùa, con ông ốm đau, sài đẹn, ông phải làm sao? Đành bán vợi, bán dần những cuốn còn lại kia. Cuộc đời của ông giáo cũng chính là một bi kịch khác, bi kịch của một người trí thức nghèo.
Ông giáo còn là một người có tâm lòng nhân hậu, luôn biết yêu thương và san sẻ với mọi người. Ông giáo là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho lão Hạc. Ông giao là nơi để lão Hạc chia sẻ tâm sự, vợi bớt đi bao nỗi buồn, đặc biệt là tư ngày con lão Hạc bỏ đi đồn điền cao su. Những bức thư con lão gửi về cũng chính là ông giáo đọc, để lão thỏa vơi nỗi nhớ con. Rồi khi lão Hạc bán chó, đau đớn, xót xa, tự trách mình, cũng chính ông giáo đã ở bên an ủi, động viên: “Chẳng kiếp gì sung sướng thật, nhưng có cái này là sung sướng: bây giờ cụ ngồi xuống phản này chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai lang, nấu một ấm nước chè tươi thật đặc; ông con mình ăn khoai, uống nước chè, rồi hút thuốc lào… Thế là sướng”. Đối với ông giáo, lão Hạc là một người thân trong gia đình, ông thương cảm cho số phận bất hạnh của lão Hạc, vợ mất, một mình gà trống nuôi con, nay lại lụi cụi một mình khi đứa con trai bỏ đi. Lão Hạc nào có ai bên cạnh chăm sóc, ngoài sự quan tâm, sẻ chia của ông giáo.
Dù gia cảnh cũng không khấm khá gì hơn lão Hạc. Nhưng nhìn cảnh lão Hạc sau khi gửi tiền tang ma sau này và giao mảnh vườn lại để cho con, phải ăn uống kham khổ, lấy củ khoai, củ ráy ăn thì ông giáo động lòng thương cảm muốn giúp đỡ. Ông giúp bằng chính cái tâm của mình, nhưng lại bị lão Hạc từ chối gần như là hách dịch. Ông hiểu lắm, bởi lão là người có lòng tự trọng, nên không muốn ai thương hại mình. Cái chết của lão Hạc cũng làm ông giáo bàng hoàng đau đớn. Đến bấy giờ ông mới thực sự hiểu hết con người lương thiện, nhân cách cao đẹp của lão Hạc: “Lão Hạc ơi! Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt. Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão. Đến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo hắn: Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn; cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào…”.
Ông giáo cũng là người rất hiểu chuyện, nắm bắt rõ tâm lí con người. Khi ông đem chuyện lão Hạc kể với vợ, mụ vợ gắt phắt đi vì cho rằng chính lão tự làm lão khổ nên mặc kệ lão. Ông giáo không trách vợ bởi: “Vợ tôi không ác nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên dược cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?Khi người ta đau khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”.
Ông giáo là nhân vật tư tưởng của nhà văn Nam Cao, ông đại diện cho Nam Cao phát biểu những suy nghĩ, quan niệm nhân sinh ở đời. Xây dựng nhân vật với chiều sâu tâm lí cho thấy biệt tài của tác giả, đồng thời cũng thể hiện niềm cảm thong sâu sắc của Nam Cao với những trí thức nghèo đương thời.
Đề bài: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là nhũng người đáng thương. ” (Nam Cao – Lão Hạc). Hãy chứng minh nhận xét này qua các nhân vật trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao.
Bài làm
Có những tác phẩm đọc xong , ta quên ngay, nhưng cũng cỏ những tác phẩm đọc xong, ta bồi hồi xao xuyến như vừa chia biệt một người thân, vừa mất mát một tài sản vô giá, vừa hận lại vừa muốn khóc!! Đó là tâm trạng tôi khi đọc xong ” Lão Hạc” của Nam Cao. Lão Hạc đã chết, và bao nhiêu lão Hạc đã chết ? Tôi nào biết, nhưng tôi mãi nhớ Nam Cao và Lão Hạc của Nam Cao!
Không phải ngẫu nhiên mà Nam Cao với tác phẩm “Lão Hạc? của ông đã đưa ra nhiều ý kiến nhìn nhận về lão Hạc để rồi cuối cùng khéo léo đưa ra quan điếm vê cách nhìn nhận đánh giá con người, đồng thời đó cũng là quan đìểm sáng tạo của ông. “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ thì ta chỉ thấy họ gàn dở…”. Bằng ngòi bút linh hoạt xuất sắc, cả tác phẩm “Lão Hạc” của ông đâ toát lên quan điểm đó một cách thầm kín mà sâu xa.
Ở bản thân lão Hạc, cái hình thức bên ngoài khá mâu thuẫn với bản chất bên trong của lão. Chính vì vậy, để đạt được một hình ảnh lão Hạc có sức thuyết phục lớn như ngày nay chắc chắn Nam Cao phải có sự đồng cảm sâu sắc với quần chúng lao khổ.
Mỗi nhân vật trong tác phẩm đều nhìn nhận lão Hạc với một quan điểm riêng. Vợ ông giáo nhìn nhận lão Hạc chỉ từ một hướng. Khỉ ông giáo nói chuyện về lão Hạc, thị gạt phắt đi “Cho lão chết! Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ. Lão làm lão khổ chứ ai làm lão khổ”.
Vợ ông giáo hiểu một cách nông cạn về lão Hạc quá! Thị đâu biết rằng, lão để dành tiền lại là để khỏi liên lụy đến hàng xóm sau này khi làm ma cho lão. Bởi lão biết rằng, những người láng giềng cũng nghèo như lão mà thôi. Lão là một con người sống biết lo xa, sống hôm nay mà đã nghĩ ngày mai. Vậy mà vợ ông giáo đã hiểu lão Hạc một cách lầm lẫn, ông giáo rât buồn, nhưng ông không trách vợ “Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi “. Rất cụ thể, Nam Cao đưa ra dẫn chứng: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?” Đúng vậy, đau chân còn có lúc đỡ, lúc khỏi, chứ cái nghèo đói nó cứ bám riết lấy con người ta. Và ắt hẳn vợ ông giáo “chằng còn nghĩ gì đến ai được nữa; người ta xuất phát vốn là một người tốt – vợ ông giáo cũng vậy nhưng “cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”. Thế đấy, một con người như thế thì làm sao hiểu nổi người khác, nhất là một người phức tạp như lão Hạc.
Cũng như lão Hạc và vợ chồng ông giáo, Binh Tư xuất phát cũng là một người nông dân. Nhưng không chịu nổỉ cuộc sống lương thiện để rồi suốt đời nghèo khổ, Binh Tư đã quay mặt với cái thiện. Từ lâu, Binh Tư đả “vốn không ưa lão Hạc bởi lão lương thiện quá”. Khi nhìn nhận về lão Hạc, Nam Cao cũng đã để cho một con người Binh Tư suy nghĩ về lão: “Lão làm bộ đấyỊ Thật ra thì lão chỉ tẩm ngẩm thế nhưng cũng ra phết chứ chả vừa đâu. Lão vừa xin tôi một ít bả chó”. Qua câu nói đầy ẩn ý của Binh Tư, ta tưởng chừng như Binh Tư lại chính là người hiểu lão Hạc. Nhưng trước cái chết của lão Hạc, ta mới thấy Binh Tư đã hiểu về lão Hạc một cách rất sai lệch. Binh Tư vốn là một tên dùng bả chó để ăn trộm cho nên phải chăng hắn nghĩ rằng người ta dùng bả chó chỉ để làm cái việc xấu xa giống hắn. Thế đấy, vẫn với “một cái chân đau”, Bỉnh Tư cũng đã nhìn nhận con người chỉ qua hình thức bên ngoài.
Xuyên suốt câu chuyện lả cả một quá trình tìm hiểu lão Hạc của ông giáo. Kết lại câu chuyện cũng là những suy nghĩ của ông giáo về lão Hạc nói riêng, và cuộc đời bần cùng hóa của người nông dân nói chung.
Ông giáo, nhân vật “tôi” chính là người kể chuyện có những nét rất gần gũi với Nam Cao. Tuy “tôi” không hoàn toàn đồng nhất với Nam Cao nhưng đã phần nào mang hình mẫu của tác giả. Bản thân ông giáo cũng phải có cả một quá trình khám phá để nhận biết lão Hạc. Lúc đầu, ông cho lão Hạc là một con người lẩm cẩm, nói đi nói lại mỗi chuyện con chó và “trong lòng tôi rất dửng dưng”. Con chó mà lão thường nhắc đến với một tình cảm hiếm có thì ông giáo cho rằng: “Lão quý con chó vàng của lão đã thấm vào đâu so với tôi quý năm quyển sách của tôi”, về sau qua câu chuyện lão Hạc kể, ông giáo cũng đã hiểu thêm phần nào lão Hạc: “Bây giờ thì tôi hiểu tại sao lão không muốn bán con chó Vàng của lão”. Thế rồi dần dần, sau khi Lão Hạc bán con chó, ông giáo đã hiểu lão Hạc nhiều hơn. Nhìn bộ mặt “cười như mếu và đôi mắt ầng ậng nước” của lão Hạc, ông giáo đã “muốn ôm choàng lấy lão mà òa lên khóc”. Ồng giáo đã có sự đồng cảm, xót xa sâu sắc với lão Hạc và “tôi không xót xa năm quyển sách của tôi quá như trước nữa”. Tuy ông giáo mới chỉ dừng lại ờ mức hiểu và thông cảm cho lão Hạc nhưng cũng đã mất đi một thời gian tìm hiểu. Khi thêm một cuộc đối thoại nữa với lão Hạc thì ông giáo đã có một bước nhận thức sâu hơn về lão Hạc, nể phục lão Hạc, nhưng cũng sau cái lần gửi hết tiền và mảnh vườn cho ông giáo, lão Hạc “chỉ ăn khoai”, rồi dần dần lão chế tạo được món gì, ăn món nấy”. Ông giáo muốn giúp đỡ lão Hạc nhưng mà sự giúp đỡ đều vô ích bởi “Lão từ chối tất cả những gì tôi cho lão. Lão từ chối một cách gần như là hách dịch. Và lão cứ xa tôi dần dần”. Đúng vào lúc đó thì cái tin thì thầm của Binh Tư: “Lão bảo có con chó nhà nào cứ đến vườn nhà lão… Lão định cho nó xơi một bữa, nếu trúng lão với tôi uống rượu” đủ khiến ông giáo cũng phải lầm tưởng: “Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư?. Và ông đã phải thốt lên răng: “Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn”…
Nhưng ngay sau đó, trước cái chết của lão Hạc, quan điểm của ông giáo đã khác hẳn: “Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”. Tại sao lão Hạc lại phải chọn cái chết tàn khốc như vậy — một cái chết sáng tỏ nhân cách cao thượng, lão đã chọn một cái chết cũng vật vã và thương đau như cuộc đời lão, “chằng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình như vậy. Chỉ có hai người hiểu “Nhưng nói ra làm gì nữa. Vậy thì cuộc đời này vẫn chẳng đáng buồn làm sao. Bởi sao những ngưởi như lão Hạc không được sống hạnh phúc. Tuổi lão Hạc lẽ ra giờ đây phải được quây quần quanh con cháu hưởng thụ phần cuối của cuộc đời. Vậy mà… lão Hạc ơi, cùng với các nhân vật trong truyện, bây giờ người đọc mới thực sự hiểu nổi lão. Con người lão phức tạp quá! Nhìn hình thức bên ngoài, ta không thể hiểu bản chất bên trong của lão rằng: lão đang nghĩ gì, lão sẽ làm ai? Cũng đã có những người hiểu về lão Hạc một cách nông cạn như thế nhưng đều bởi vì họ có “một cái chân đau. Đây cũng chính là nét đặc sắc trong tác phẩm của Nam Cao. Khác với chị Dậu trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, chị đẹp cả hình thức lẫn tâm hồn và ai nhìn vào chị cũng thấy đẹp; mỗi nhân vật trong “Lão Hạc? nhìn nhận lão với ý kiến riêng của mình và không phải ý kiến nào cũng tốt đẹp. Nhưng dường như trước cái chết của lão Hạc, mọi người đều đã vỡ lẽ ra, bởi vì “Hình như tấm lòng của Nam Cao muốn viết về con người, cho con người sâu hơn, rộng hơn cái anh đã viết ra.” (Kim Lân). Ống quan niệm mỗi con người đều có một góc cạnh, và quả thật trong cuộc sống, con người có những góc cạnh như thế. Cuối cùng, lão Hạc cũng đã chết – chết “vinh” – chết như lão đã từng sống.
Những người nông dân trong trang viết của Nam Cao cũng rất đa dạng, tốt có xấu có. Có những người sống vì người khác không màng danh lợi cho riêng mình như ông giáo. Nhưng cũng có những người vì khổ quá nên “chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa”, sống ích kỉ, sống cho riêng mình như vợ ông giáo. Và có cả những người giữa cảnh tranh tối tranh sáng của sã hội đương thời đã phải từ bỏ cái gốc người nông dân, quay mặt với cái thiện như Binh Tư.
“Cái chết dữ dội như con chó dại ấy là cái chết của con người nặng yêu thương, trọng nghĩa tình. Nó khép lại thiên truyện nhưng không đè nặng tim tôi như cái chết Chí Phèo…” Cô giáo Hoàng Thị Phương đã nói thế! Nhưng người viết bài này lại khóc cho Lão Hạc của Nam Cao, muốn làm văn tế lão Hạc và thương tiếc, xót xa cho bao nhiêu người cha Việt Nam mãi mãi!
Thế đấy, cuộc sống xã hội này phức tạp lắm thay. Và để sống giữa một xã hội như thế, ta không thể không “cố mà tìm hiểu những người ở quanh ta”. Trải qua thời gian nhưng cùng với tác phẩm “Lão Hạc” của mình, quan điểm của Nam Cao đã trở thành bất hủ, và hình tượng Lão Hạc vẫn còn mãi trong văn học Việt Nam. Tôi ước gì lão Hạc đã được đi cấp cứu, trở về ngôi vườn, ăn cháo của ông bà giáo và đón trai mình trở về nhà!
Đề bài: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là nhũng người đáng thương. ” (Nam Cao – Lão Hạc). Hãy chứng minh nhận xét này qua các nhân vật trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao.
Bài làm
Cuộc sống của chúng ta muôn màu muôn vẻ, nào đâu chỉ có trắng và đen mà còn có rất nhiều màu sắc khác nhau. Những màu sắc đó khiến cho cuộc sống vừa phong phú, đa dạng nhưng đồng thời cũng khiến nó trở nên phức tạp, khó nắm bắt đặc biệt là đối với mỗi con người. Bởi vậy mà Nam Cao đã từng đúc kết lại trong tác phẩm Lão Hạc của mình bằng một câu văn thấm đẫm chất triết lí: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi … toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương”.
Lão Hạc là một trong những truyện ngắn thành công nhất của nhà văn Nam Cao khi viết về đề tài người nông dân. Các tác phẩm của ông giàu chất triết lí và thường được đặt vào những lời nói, câu thoại của nhân vật. Lời nhận định trên chính là một dẫn chứng điển hình. Câu nói đó được ông giáo – người kể chuyện, người bạn hàng xóm của lão Hạc nói ra sau khi lão Hạc gửi gắm tiền bạc, vườn tược và từ chối sự giúp đỡ của ông giáo sống cuộc đời khổ sở. Đối với lão Hạc, mỗi nhân vật trong tác phẩm này đều có những nhận xét và đánh giá riêng. Để người đọc từ đó có cái nhìn toàn diện và sâu sắc nhất về nhân vật.
Trước hết là nhân vật Binh Tư. Binh Tư vốn không được người ta ưa, vì làm nghề ăn trộm chó. Phải chăng trước khi làm cái nghề đó, Binh Tư cũng là người nông dân lương thiện và bị đẩy vào bước đường cùng phải lấy nghề đó mà mưu sinh, sống qua ngày. Khi Binh Tư thấy lão Hạc sang xin bả chó của mình, ngay lập tức anh ta đã nghĩ rằng: “Lão làm bộ đấy! Thật ra thì lão chỉ tẩm ngẩm thế, nhưng cũng ra phết chứ chả vừa đâu: lão vừa xin tôi một ít bả chó” . Nhận xét của Binh Tư đã khiến cho ông giáo bị lạc hưởng, và tưởng rằng một con người lương thiện nhường ấy cũng đi đến bước đường tha hóa. Nhưng khi ông giáo và ngay cả Binh Tư khi chứng kiến cái chết đột ngột, dữ dội của lão Hạc thì họ đã hiểu cả, đã hiểu hết phẩm chất đẹp đẽ của lão Hạc. Cái nhìn của Binh Tư cũng đã thay đổi, không còn là cái nhìn của người “cùng hội cùng thuyền” kinh thường sự tha hóa của lão Hạc, mà là cái nhìn thương cảm, xót xa cho số phận lão.
Bên cạnh đó lão Hạc còn được soi chiếu dưới con mắt của mụ vợ ông giáo. Vợ ông giáo cũng là một người nông dân nghèo khổ, bị dồn tới bước đường cùng. Khi nghe được những lời tâm tình, mong mỏi giúp đỡ lão Hạc của chồng bà gạt phắt ngay đi: “Cho lão chết! Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ? Lão làm lão khổ chứ ai làm lão khổ! Nhà mình sung sướng gì mà giúp lão? Chính con mình cũng đói…”. Nhìn bề ngoài có vẻ lời nói của bà vợ ông giáo là tuyệt tình, không có tình nghĩa, không giúp đỡ người khác. Nhưng ở một góc nhìn khác, ta lại thấu hiểu và cảm thông cho mụ. Thiên tính là một phụ nữ, tất yếu sẽ phải chăm sóc, vun vén cho gia đình, bởi vậy khi con của mụ vẫn còn đói, cuộc sống gia đình vẫn còn khổ cực bà không còn thể suy nghĩ cho người khác. Tấm lòng bao dung bị cái đói, cái nghèo che khuất mất, đúng như ông giáo đã nói: “Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất” . Cũng bởi vậy ta không thể trách hoàn toàn người vợ của ông giáo là vô tâm, ích kỉ, không thấu hiểu cho những suy nghĩ của lão Hạc. Mà hơn nữa lão Hạc lại là người có đời sống nội tâm phong phú, phức tạp nên việc mụ vợ ông giáo không hiểu hết con người lão là hoàn toàn dể hiểu.
Nhưng để có thể làm nổi bật toàn bộ vẻ đẹp nhân cách của lão Hạc, Nam Cao đã cho người đọc cảm nhận qua cái nhìn của ông giáo. Ông giáo là người bạn, luôn bên cạnh đồng hành cùng lão Hạc, phải chẳng ông giáo là người thấu hiểu lão nhất. Lớp lang câu chuyện dần dần hé mở giúp bạn đọc hiểu rõ toàn bộ câu chuyện.
Ban đầu ông giáo cho lão Hạc chỉ là một ông già lẩm cẩm, đối với một con chó lại lưu luyến quá mức. Những lần lão Hạc thông báo với ông giáo sẽ bán con chó, mặt ông vờ như là chú tâm, nhưng thực tế “lòng tôi rất dửng dửng” vì đã nghe câu ấy quá nhiều lần, bởi chẳng bao giờ lão Hạc sẽ bán đi cậu Vàng. Và phũ phàng hơn ông giáo còn cho rằng: “Và lại, có bán thật nữ thì sao? Làm quái gì một con chó mà lão có vẻ băn khoăn quá thế”. Và lão quý con vàng chắc gì đã “thấm vào đâu với tôi quý năm quyển sách của tôi” . Nhưng để rồi sau đó nghe những lời bộc bạch, tâm tình của lão Hạc thì ông giáo đã hiểu, thì ra cậu Vàng không đơn thuần chỉ là một con chó, mà nó còn là kỉ vật do con trai lão để lại, là người bạn để lão giải khuây khi buồn, khi nhớ con.
Hành trình tìm hiểu bản chất con người lão Hạc tiêp tục khi ông giáo nhận được thông báo lão Hạc đã bán cậu Vàng. Lão cố làm ra vẻ vui mừng, nhưng kì thực lão cười như mếu, đôi mắt ầng ậng nước, và khi không thể kìm nén cảm xúc nữa, lão bưng mặt khóc như một đứa trẻ. Ông giáo thực sự thấu hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của lão. Từng bước một ông giáo ngày càng hiểu hơn con người đáng kính trọng này. Nghe những lời tâm sự của lão Hạc, giao lại mảnh vườn nhờ ông giáo giữ hộ cho con, đưa tiền cho ông giáo để làm ma chay không phiền lụy hàng xóm. Ông mới cảm nhận được hết tình mẫu tử thiêng liêng và lòng tự trong sâu sắc trong con người lão Hạc. Có lẽ làm bạn với nhau lâu năm, nhưng phải đến giờ phút này ông giáo mới hiểu được con người lão Hạc.
Phần cuối truyện có những bước ngoặt lớn trong quá trình tìm hiểu lão Hạc. Khi ông giáo hay tin lão Hạc xin bả chó, ông giáo đau đớn, bởi đến bước đường cùng “lão cũng có thể làm liều như ai hết” và “cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn” . Nhưng khi chứng kiến cái chết đau đớn, dữ dội của lão Hạc, ông giáo đã hiểu ra mọi chuyện: “Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”. Cái chết của lão Hạc đau đớn, vật vã, dữ dội đã giúp ông giáo cũng như toàn thể người đọc hiểu rõ phẩm chất trong sạch, nhân cách cao đẹp của lão Hạc
Quả thực, cuộc đời này vốn lắm đa đoan, phức tạp. Để thấu hiểu và cảm thông cho mỗi số phận, hoàn cảnh cần có cái nhìn linh hoạt, toàn diện. Lời triết lí của Nam Cao tuy ngắn gọn nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc cho muôn đời, muôn thế hệ sau trong cách hành xử, đánh giá mọi sự việc, mọi vấn đề trong cuộc sống.