Văn phân tích lớp 8 Tập 1 và Tập 2

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 8: tại đây

Đề bài: Phân tích bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác

Bài làm

    Phan Bội Châu nhà chí sĩ cách mạng Việt Nam, cả cuộc đời ông dùng để hoạt động cách mạng nhằm tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc. Bởi vậy các tác phẩm của ông viết ra đều thể hiện lòng yêu nước, thương dân tha thiết, khát vọng độc lập, tự do và ý chí kiên cường, bền bỉ. Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là một trong những tác phẩm như vậy.

    Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là một bài thơ Nôm được trích trong tác phẩm Ngục trung thư sáng tác năm 1914. Đây là thời gian Phan Bội Châu bị quân phiệt Quảng Đông, Trung Quốc bắt giam. Bài thơ bộc lộ cảm xúc của ông những ngày đầu mới vào ngục.

    Mở đầu bài thơ không phải tư thế của người tù khốn khổ, mà là tư thế đường hoàng, hiên ngang:

Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

    Cách nói “vẫn là” được lặp lại hai lần ở ngay câu đầu mang ý nghĩa khẳng định, kết hợp với hai từ Hán Việt hào kiệt, phong lưu cho thấy tư thế hiên ngang, bất khuất lại có chút tài hoa của người tù trước hoàn cảnh bị đẩy vào ngục của mình. Câu thơ thứ hai tác giả đưa ra cách lí giải: do ông đã phiêu bạt nhiều, đã mỏi chân, nên vào tù cũng chỉ là nghỉ ngơi tạm thời, để chuẩn bị cho những lần di chuyển sau nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Giọng điệu vui đùa, khẩu khí của tác giả thật đáng ngưỡng mộ. Cách nhìn nhận của ông về hoàn cảnh của bản thân hết sức lạc quan, tác giả đã biến chuyện tù đầy trở thành một điều hết sức bình thường.

    Hai câu ba bốn có sự chuyển giọng, từ giọng vui đùa hóm hỉnh chuyển sang giọng điệu thống thiết, trầm lặng. Vừa là khách không nhà, vừa là kẻ có tội. Đến đây những lời ông nói đã được nhìn nhận sát với thực tế hơn. Từ khi Phan Bội Châu bắt đầu con đường cứu nước của mình ông không có một mái nhà, một gia đình, đi đâu cũng gặp kẻ thù, cũng bị bắt bớ, săn đuổi. Trong hai câu thơ này, giọng điệu pha chút trầm lặng, đầy màu sắc cảm khái nhưng không phải là giọng than thân. Nhà thơ có buồn cho thân phận mình nhưng cái mà ông quan tâm hơn chính là đau xót cho số phận dân tộc. Tiếp tục mạch thơ, hai câu tiếp thể hiện ý chí kiên cường, mạnh mẽ của người tù. Dù trong quá trình hoạt động gặp nhiều khó khăn, không nhà không cửa nhưng ông vẫn quyết theo đuổi sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Câu này có quan hệ đối lập với câu thơ trên, cho thấy khí phách và ý chí của nhà cách mạng không hề nao núng.

    Hai câu kết đã gói lại toàn bộ tư tưởng của bài thơ, thể hiện tinh thần lạc quan, thái độ cứng cỏi của Phan Bội Châu trong cảnh tù đày, bị kết tội:

Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

    Đây là lời tự nhủ thầm, tự an ủi, động viên mình. Chỉ cần còn thân xác nhất định sẽ đem nó phục vụ cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Ông sẵn sàng hi sinh tính mệnh vì tổ quốc. Cách lặp từ còn mang sắc thái khẳng định, lời thơ dõng dạc, thể hiện cái “chí” của bậc anh hùng.

    Tác phẩm đã cho thấy ý chí kiên cường sắt đá, đầy lạc quan của người anh hùng Phan Bội Châu trong cảnh tù đầy. Hơn nữa, qua tác phẩm còn cho thấy tình yêu quê hương đất nước sâu nặng của ông, sẵn sàng hi sính tính mạng vì tổ quốc.

Đề bài: Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” của Phan Bội Châu.

Bài làm

   Phan Bội Châu là nhà yêu nước, nhà cách mạng lớn của dân tộc Việt Nam trong hơn hai mươi năm đầu thế kỉ XX. Ông còn là nhà văn, nhà thơ lớn với sự nghiệp sáng tác khá đồ sộ, gồm nhiều thể loại, thấm đượm tình cảm yêu nước thương dân thống thiết.

   Cảm tác vào ngục Quảng Đông là một trong hai bài thơ được ông sáng tác khi bị chính quyền tỉnh Quảng Đông bắt giam năm 1913. Đọc lại bài thơ ta càng hiểu rõ phong thái ung dung của một lãnh tụ cách mạng kiên cường của dân tộc: vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu.

Chạy mỏi chân thì hẵng ở tù.
Đã khách không nhà trong bốn bể,
Lại người có tội giữa năm châu.
Dang tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu!

   Bị chính quyền Trung Quốc bắt giam, giao cho thực dân Pháp, bị tòa án thực dân ở Đông Dương kết án tử hình vắng mặt nhưng ông vẫn coi chuyện bị bắt giam là những phút nghỉ chân. Trong tù, ông thấy mình vẫn là người có tài cao, chí lớn, vẫn là người phong lưu. Câu đầu khẳng định dù là hoàn cảnh có thay đổi nhưng phong độ anh hùng, tư thái phong lưu không hề thay đỗi: Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu.

Chạy mỏi chân thì hẵng ở tù.

   Lời thơ tự nhiên, pha chút tự hào đùa vui biểu hiện thái độ coi thường hiểm nguy, không nao núng tinh thần. Nhà thơ coi việc ở tù như một việc bình thường trong cuộc sống. Đó là cách suy nghĩ biến việc nghiêm trọng (ở tù và bị kết án tử hình) thành việc bình thường đề tự động viên, an ủi mình.

   Hai câu tiếp theo là sự cảm nhận có phần chua xót, mỉa mai của tác giả trước tình cảnh bibi đát của đất nước và của chính minh:

Đã khách không nhà trong bốn bể,
Lại người có tội giữa năm châu.

   Thực vậy, nước mất, nhà tan, ông trở thành kẻ không nhà, bị bọn thực dân săn đuổi, kết án. Tuy cảm nhận về bản thân nhưng câu thơ mang hàm ý rộng lớn. Đó là nỗi đau của cả quê hương, đất nước, của cả dân tộc. Nỗi đau mang tầm vóc lớn lao.

   Đến đây ta mới thấy hết khí phách anh hùng của Phan Bội Châu. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy (khách không nhà, người có tội), ông vẫn glữ vững chí khí hào kiệt. Bốn câu sau thể hiện hoài bão lớn lao:

Dang tay ôm chặt bồ kinh tế,

   Kinh tế đây tức kinh bang tế thế nghĩa là trị quốc an dân. Thái độ dang tay ôm chặt thật kiên quyết, mãnh liệt, cho thấy ý chí vượt mọi khó khăn gian khổ để giữ giữ vững sự nghiệp đang đeo đuổi của nhà chí sĩ:

Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

   Hình ảnh lạc quan, cách nói khoáng đạt. Oán thù do giặc Pháp, do chính quyền Quảng Đông gây ra sẽ được hóa giải khi nào? Chắc chắn chỉ có được khi thắng lợi. Thật là khẩu khí phi thường của một lãnh tụ cách mạng đầy bản lĩnh và tự tin. Tinh thần cách mạng ấy thể hiện chí khí phi thường của tác giả, tạo nên sức mạnh cho lời thơ.

Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu!

   Tư thế lẫm liệt hiên ngang của người anh hùng một lần nữa được khẳng định bằng những lời đúc kết thật trọn vẹn: coi thường nguy hiểm, kiên trì hoạt động, tin tưởng ở sự nghiệp cách mạng. Lời thơ dõng dạc, dứt khoát càng tăng thêm niềm tin và ý chí gang thép của tác giả.

   Tóm lại, bài Cảm tác trong nhà ngục Quảng Đông phong phú về giọng vẻ, thể hiện nét đẹp kì vĩ của một nhà cách mạng lớn của dân tộc với những hoài bão cao cả là sức truyền cảm lớn từ một trái tim yêu nước cháy bỏng. Phan Bội Châu quả rất xứng đáng với lời nhận định của Bác: “Bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập dân tộc, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn kính”.

Đề bài: Phân tích bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” của Phan Bội Châu.

Bài làm

   Cuối thế kỷ XIX, khi các phong trào đấu tranh chống Pháp lần lượt bị thất bại, đất nước chìm ngập trong đau thương. Bước sang đầu thế kỷ XX, hưởng ứng luồng gió mới từ phương Tây thổi tới, những con người yêu nước, quyết chí dành tự do cho dân tộc lại náo nức bước vào một cuộc đấu tranh mới, theo khuynh hướng dân chủ tư sản.

   Phan Bội Châu xuất thân nho học song lại là người sớm có tinh thần tiên tiến, bắt nhịp với thời đại mới. Cái chí khí “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu sang không thể làm cho mê đắm, nghèo khó không thể làm cho thay lòng đổi dạ, uy vũ không thể làm cho khuất phục) của một nho gia đã biến thành bản lĩnh vững vàng, thành cốt cách anh hùng trước cơn tai biến nguy nan của một chí sĩ cách mạng. Ngày 19-1-1914, Phan Bội Châu bị bắt giam vào ngục Quảng Đông. Trước đó, thực dân Pháp đã kết án tử hình vắng mặt đối với ông. Bài thơ Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông nằm trong Ngục trung thư – một huyết tâm thư tuyệt mệnh. Ngay từ đêm đầu tiên vào ngục Phan đã làm hai bài thơ Nôm (Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông là một trong hai bài ấy): “Làm xong hai bài thơ tôi ngâm nga lớn tiếng rồi cả cười, vang động cả bốn vành, hầu như không biết thân mình đang bị nhốt trong ngục”. Xem ra, tù ngục cũng chẳng mảy may khiến bậc trượng phu nao núng.

   Đây là bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Hai câu vào bài thể hiện ngay khẩu khí của bậc anh hùng:

"Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù"

   Nhân vật trữ tình hiện ra với một phong thái đường hoàng, tự tin đến ngang tàng, ngạo mạn. Giọng đùa vui, tự trào làm tan biến đi cảm giác của một người tù, chỉ thấy một tư thế cao ngạo, xem thường hiểm nguy, cổ nhân nói: Trí hơn vạn người gọi là “anh”, trí hơn nghìn người gọi là “tuấn”, trí hơn trăm người gọi là “hào”, trí hơn mười người gọi là “kiệt”. Kẻ tài trí hơn người, phong thái ung dung, đường hoàng (phong lưu) đang ngân nga tỏ chí. Hai từ vẫn trong câu thơ đầu mang đậm tính khẩu ngữ. Một sự việc nghiêm trọng (tù) được nói đến bằng một thái độ cười, cợt, xem thường. Bị giam hãm trong tù ngục (lại là tử tù!) mà cứ như khách tài tử tạm dừng chân trên chặng đường dài dặc. Hoàn cảnh dù có đổi thay, tai biến có thể đến bất cứ lúc hào nhưng chí khí thì chẳng khi nào dời đổi.

   Hai câu tiếp, giọng thơ chợt chuyển:

Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu

   Tác giả tự nghiệm về thân thế của mình. Một cuộc đời bôn ba đầy sóng gió. Phan Bội Châu từng phiêu bạt khắp nơi (khi Trung Quốc, khi thì Nhật Bàn, Thái Lan). Trên hành trình lưu lạc ấy ông đã phải trải qua biết bao cay đắng, cực khổ.

   Chỉ vì hết lòng muốn tìm đường cứu nước, chỉ vì yêu đất nước, dân tộc mình mà người chí sĩ bị xem như một tội nhân, bị truy nã khắp nơi. Phiêu bạt, lênh đênh, chẳng được yên ổn bao giờ, con người ấy cất tiếng than cho mình cũng là đau cho nỗi đau chung của một đất nước đang mất chủ quyền. Tiếng thở dài ấy là của bậc anh hùng. Cái buồn ấy là cái buồn của một người tù yêu nước, của một nhân cách phi thường. Một phút ngẫm ngợi về mình để rồi lại sang sảng ca lên âm giai lãng mạn:

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

   Kinh tế – kinh bang tế thế, người chí sĩ chẳng lúc nào thôi ôm ấp hoài bão trị nước cứu đời. Đây là con đường Phan đã chọn, nguyện dấn thân, vẫn là cái khẩu khí hơn người, tiếng “cười” của một người tù sao mà khoáng đạt đến thế. Đến độ ta chỉ còn thấy âm hưởng hào hùng bao trùm tất cả, lấn át tất cả như cánh buồm thênh thênh lướt sóng đại dương. Lối nói khoa trương đã được sử dụng để biểu đạt cái chí lớn lao, khát vọng xoay chuyển càn khôn. Như trong bài thơ Chơi xuân, Phan viết:

Phùng xuân hội, may ra, ừ cũng dễ,
Nắm địa cầu vừa một tí con con.
Đạp toang hai cánh càn khôn,
Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà...

   Hai liên giữa câu 3 – 4 và câu 5-6 của bài thơ Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông đã tuân thủ khuôn mẫu của một bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường trong đối ý, đối lời. Sự đăng đối, hài hòa ở những câu thơ này góp phần tạo ra ấn tượng về cái vững vàng. Các cặp từ đối: bốn biển – năm châu, bủa tay – mở miệng, bồ kinh tế – cuộc oán thù khiến cho tầm vóc của người chi sĩ trở nên phi thường phù hợp với âm hưởng chủ đạo của bài thơ.

   Bản lĩnh và tư thế khác người của người anh hùng yêu nước được khẳng định dứt khoát trong hai câu thơ kết bài:

Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu!

   Con người ấy còn sống là còn tranh đấu đến cùng cho lý tưởng chính nghĩa của mình. Hai chữ còn ngắt ra, điệp lại càng tăng thêm sắc thái mạnh mẽ, dứt khoát cho câu thơ. Ý chí thép sẽ chiến thắng hiểm nguy.

   Cả bài thơ toát lên một tinh thần bất khuất, một tư thế vững vàng của bậc trượng phu trong cơn sóng gió. Truyền thống yêu nước, chí khí anh dũng của dân tộc đang tiếp tục mạch chảy bất tận trong tâm huyết chí sĩ Phan Bội Châu. Hình ảnh người anh hùng đã tạc vào lịch sử như một minh chứng cho tinh thần yêu nước, xả thân vì lý tưởng chính nghĩa.

Đề bài: Phân tích bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” của Phan Bội Châu.

Bài làm

   Bài thơ Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông nói về ý chí kiên cường, với phong thái dung dung và hào hùng vượt lên cảnh ngục tù khốc liệt để an ủi mình giữ vững lí tưởng, niềm tin và khát vọng cứu nước cứu dân của cụ Phan Bội Châu trong những này bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ.

   Hai câu 1, 2 là hai câu đề: Giới thiệu vấn đề cần nói tới.

"Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu 
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù"

   Cách vào đề rất khéo. Ở đây nhà thơ muốn nói tới hoàn cảnh mình bị bắt giam. Ý của hai câu có thể diễn đạt lại: Vào tù mình vẫn giữ được tài trí và cách sống của mình: là người có tài cao, chí lớn khác thường (hào kiệt), là người luôn giữ dáng vẻ lịch sự, trang nhã (phong lưu). Mình ở tù không phải do bị bắt mà vì chạy mỏi chân (tức hoạt động cách mạng đã nhiều), tạm thời nghỉ ở đây.

   Tác giả có nói đến việc bị bắt vào nhà tù nhưng không nhấn mạnh khía cảnh rủi ro, đau khổ hoặc âu lo, khiếp sợ. Ngược lại, nhà thơ coi việc đó chẳng có gì khủng khiếp, đáng buồn, đó chỉ là những giây phút nghỉ ngơi sau những ngày hoạt động sôi nổi. Mặc dầu trong hồi tưởng cụ viết: “Thật từ lúc cha sanh mẹ để đến nay, chưa lúc nào nếm mùi thất bại chua xót như bây giờ”.

   Giọng điệu thản nhiên pha chút đùa vui ở hai câu đầu đã được thể hiện ngay từ cách dùng điệp từ “vẫn” đi liền với hai tính từ thể hiện phẩm chất trước sau như một của nhà cách mạng (hào kiệt, phong lưu). Nó trở thành cái cười tủm tỉm khi nhà thơ hạ ở cuối câu thứ hai cụm từ “thì hãy ở tù”, biến sự việc bị động, mất tự do thành việc chủ động do mình muốn thế.

   Hai câu 3 -4 là hai câu luận: Trình bày sự việc do phần đề đặt ra.

"Đã khách không nhà trong bốn biển 
Lại người có tội giữa năm châu"

   Hai câu thơ này khác với giọng điệu cười cợt, vui đùa như hai câu đề. Ở đây như lời tâm sự không phải để than thân mà để nói lên nỗi đau đớn lớn lao trong tâm hồn người anh hùng. Tả người tù mà nói “khách không nhà”, “người có tội” với “năm châu” thì thật đúng là cái cười nhạo báng đối với nhà tù của bọn quân phiệt tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

   Chữ “đã”, chữ “lại” mở đầu hai câu thực càng nhấn mạnh thêm tình cảnh tù đày của người chiến sí cách mạng. Song gắn “khách không nhà” với “năm châu”, nhà thơ như muốn vẽ chân dung một người tù một phong cách phóng kháng hơn. Nghệ thuật đối (trong hai câu 3, 4 là hai câu luận) không làm cho ý thơ đối chọi. Ngược lại, sự đối lập ấy lại càng tôn hơn lên chân dung khác thường của người tù: một con người của năm châu, bốn biển, của toàn thế giới.

   Hai câu 5, 6 là hai câu luận: Bàn luận, mở rộng vấn đề.

"Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế 
Mở miệng cười tan cuộc oán thù"

   Ở đây tác giả khẳng định: chí lớn tài cao của người chiến sĩ cách mạng không cảnh tù đày nào có thể đè bẹp. Lối nói khoa trương ở đây thể hiện sự lãng mạn, anh hùng ca, khiến cho con người không còn nhỏ bé nữa mà có tầm vóc lớn lao như thần thánh. Tuy bị bắt nhưng người tù vẫn “dang tay”, “mở miệng” thể hiện thái độ coi thường, coi khinh mọi khó khăn trước mắt.

   Hai câu 7 – 8 là hai câu kết: Nâng cao vấn đề hoặc bày tỏ cảm xúc của tác giả.

"Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp 
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu"

   Trong bài thơ này, hai câu kết khẳng định dứt khoát niềm tin của nhà thơ vào tương lai, thể hiện thái độ coi thường lao tù nguy hiểm.

   Hai tiếng “còn” đứng cạnh nhau tạo nên âm điệu khẳng định mạnh mẽ ý chí đấu tranh cho sự nghiệp cứu nước. Em cảm nhận như hai tiếng trống chắc nịch, âm vang kích động lòng người, kết thúc môt bản hùng ca.

   Bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của cụ Phan Bội Châu được làm ngay sau khi cụ bị bắt vào nhà ngục Quảng Đông, đã truyền vào tâm hồn chúng ta một niềm tự hào về truyền thống bất khuất, hiên ngang của các nhà cách mạng tiền bối.

   Tinh thần của bài thơ thể hiện sự đàng hoàng, hiên ngang, tràn đầy niềm lạc quan cách mạng. Bài thơ có sức truyền cảm lớn, đã khơi dậy lòng yêu nước, ý chí kiên cường, kích thích người đọc – nhất là thanh niên thời ấy- một tấm lòng yêu nước, thương nòi.

Đề bài: Qua bộ phận thơ văn yêu nuớc đã học từ đầu thế kỉ XX đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, em hãy chứng minh khí phách anh hùng, ý chí kiên cường và tấm lòng yêu nước thiết tha của các tác giả trong giai đoạn này.

Bài làm

   Văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX đă chuyển mình theo hướng hiện đại hóa. Thành tựu quan trọng nhất là bộ phận văn học yêu nước và cách mạng mà tiêu biểu là nhà thơ văn Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Tuấn Khải, Phạm Tất Đắc, Tản Đà. Thành tựu về nghệ thuật chỉ là những mầm mống ban đầu nhưng nổi bật là tư tường canh tân, cải tạo xã hội, là lòng yêu nước thắm thiết, cảm động trong một giai đoạn chuyển mình của cách mạng Việt Nam. Tuy chưa có đường lối đúng đắn, những nhà chí sĩ, nhà nho ấy đã thể hiện rõ khí phách anh hùng, ý chí kiên cường và lòng yêu nước thiết tha qua thơ văn.

   Trước hết là hình ảnh cảm động của nhà chí sĩ Việt Nam qua ngòi bút của Nguyễn Ái Quốc trong Những trò lố hay Phan Bội Châu. Trong truyện,khi nghe Va-ren nói thao thao bất tuyệt, Phan Bội Châu vẫn im lặng, dửng dưng như một pho tượng trước miệng lưỡi khéo léo và xảo quyệt của Va-ren. Thậm chí ngọn râu mép của cụ chỉ nhếch lên một chút thì cụ đã chiến thắng. Cụ đã làm cho Va-ren sửng sốt cả người trước thái độ hiên ngang và lòng yêu nước cao cả ấy. Thực vậy, anh hùng ngoài nhà tù là chuyện đáng kính phục, anh hùng ngay trong nhà tù càng làm ta ngạc nhiên và kính phục hơn. Phan Bội Châu kiên cường trong gian nan lỡ bước, vẫn ung dung coi đó là dịp nghỉ chân: Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu.

Chạy mỏi chân thì hẵng ở tù.

   Tạm nghỉ ngơi, tất sẽ đi tiếp con đường cách mạng, con đường cứu nước. Ý chí ấy không cùn nhụt trước gông cùm cùa nhà tù, sự nghiệp ấy gắn liền với sinh mệnh nhà cách mạng:

Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp 
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

   Đồng thời với Phan Bội Châu còn có nhà cách mạng, nhà nho khí tiết Phan Châu Trinh. Trong nhà tù đế quốc ở Côn Lôn, bị đày đọa, khí phách anh hùng, ý chí kiên cường của Phan Châu Trinh càng biểu hiện rõ:

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn 
Lừng lẫy làm cho lở núi non 
Xách búa đập tan năm bảy đống 
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.

   Phải chăng ý chí kiên cường đã làm cho quân thù khiếp sợ, và tinh thần sắt thép của những nhà cách mạng ấy đã trở thành những điểm son của lịch sử dân tộc.

   Đất nước là máu thịt của nhân dân. Đất nước mất chủ quyền, thơ văn giai đoạn này thường mang tâm sự yêu nước thiết tha.

   Những bài Gánh nước đêm của Trần Tuấn Khải, Chiêu hồn nước của Phạm Tất Đắc, Nhớ cảnh Hàm Rồng của Tản Đà thắm đẫm tình cảm yêu nước. Những lúc bế tắc trên bước đường cứu nước, biết bao người mang tâm sự như cô gái gánh nước đêm bởi non sông mù mịt mà bước đêm khuya thân gái ngại ngùng cho nên họ cất lời than vãn:

Nước non gánh nặng, cái đức ông chồng hay hỡi có hay?

   Yêu nước, nhận thức rõ tình trạng mất chủ quyền, làm sao không đau xót đến vạch trời lên hỏi: ta trông cậy vào quan. Ôi, cái danh hiệu mới cao quý làm sao: quan phụ mẫu, cha mẹ của dân.

Thế thời quan cha mẹ ở đâu?

   Thưa rằng: Đang ở trong đình kia, cách đó chừng bốn năm trăm thước. Đình ấy cũng ở trên mặt đê, nhưng cao mà vững chãi, dầu nước to hơn thế nữa cũng không việc gì.

   Thật tài tình, nhà văn đã bắt đầu mô tả “quan phụ mẫu”, bắt đầu từ cái nền cao mà vững chãi thật là đối lập với thế dân, nhà dân đang ngập lụt.

   Tiếp theo, ta còn được biết thêm về không khí vui vẻ, hình ảnh tráng lệ và sinh hoạt rộn ràng ung dung của đình làng: Trong đình, đèn thắp sáng trưng; nha lệ lính tráng, kẻ hầu người hạ, đi lại rộn ràng trông mà thích mắt. Đặc biệt lại có đủ thầy đề, thầy đội nhất, thầy thông nhì và chánh tổng cùng ngồi hầu bài. Bọn quan lại thật thảnh thơi, an nhàn làm sao ấy! Họ an nhàn và hưởng thụ, vui chơi bên nhau. Riêng quan phụ còn được ưu đãi đặc biệt hơn cả. Một mình quan được ăn mà thôi: Bên cạnh ngài, mé tay trái, bát yến hấp đường phèn để trong khay khảm.

Cũng là nhà cửa, cũng giang sơn
Thế mà nước mất nhà tan hỡi trời!

   Trời nào có câu trả lời nên cuối cùng lại là tiếng thét đau đớn bàng hoàng, là nỗi đau xé lòng của người dân mất nước:

Vạch trời thét một tiếng vang
Cho thân tan với giang san nước nhà!

   Từ chí nguyện cao cả ấy, tấm lòng gắn bó thân tan với giang san ấy, con dân Đại Việt với cái nghĩa đồng bào, đã tha thiết gọi nhau quyết tâm liều thân cứu nước, không thể mong chờ ỷ lại vào ai:

Đồng bào hỡi con nhà Đại Việt
Có thân mà chẳng biết liệu đời,
Tháng ngày lần lữa đợi thời,
Ngẩn ngơ ỷ lại người, ai thương?

   Hiểu được tình hình đất nước ấy, ta mới hiểu tấm lòng thiết tha đến mức héo hon như thế nào! Không ít những cuộc đấu tranh vũ trang đã bị dập tắt. Do vậy, tấm lòng yêu nước thật thắm thiết, chất chứa nỗi âu lo nhưng đầy dũng khí, quyết tâm:

Nghĩ thân thế héo hon tấc dạ,
Trông non sông lã chã dòng châu.
Một mình cảnh vắng đêm thâu,
Muốn đem máu đỏ nhuộm màu giang san.

   Lòng yêu nước sâu đậm không chỉ thể hiện ở lời thơ chiến đấu hay căm hờn mà còn gửi gắm qua nỗi nhớ da diết cảnh vật quê hương đất nước. Có yêu thích cảnh đẹp, có quý mến giang san cẩm tủ, ta càng đau buồn khi mất nước. Do vậy, ca ngợi đất nước là biểu hiện tinh tế của lòng yêu nước. Ta có thể hiểu được nỗi lòng của nhà thơ núi Tản sông Đà đối với cảnh Hàm Rồng:

Ai xui ta nhớ Hàm Rồng,
Muốn trông chẳng thấy cho lòng không khuây.

   Nhà thơ chân thành mong ước vẻ đẹp kia còn mãi với thời gian:

Ước sao sông cứ còn sâu,
Non cao còn cứ giữ màu xanh xanh.
Khung của còn cứ như tranh,
Hỏa xa cứ chạy, bộ hành cứ đi

   Từng lời, từng chữ thể hiện những ước mơ tốt đẹp, những ân cần gắn bó với quê hương! Điều đó cho thấy họ luôn canh cánh một nỗi niềm đối với non sông đất nước.

   Nhìn lại chặng đường văn học đầu thế kỉ XX, ta phải kể đến sự thành tựu về nội dung đáng kể này. Đó là giai đoạn cách mạng Việt Nam đang chuyển mình, trăn trở để tìm ra con đường cứu nước hiệu quả nhất. Đó cũng là lúc thực dân ra tay đàn áp các phong trào đấu tranh. Trong màu khói lửa ấy, những tấm lòng yêu nước, vẫn ngời lên, bật lên những tiếng thét cứu nước, sáng lên những ý chí gang thép kiên cường của những người yêu nước, quyết tâm xối máu nóng, rửa vết nhơ nô lệ (Phan Bội Châu). Tự hào thay những nét son của lịch sử và văn học ta!

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4 / 5. Số lượt đánh giá: 904

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống