Văn nghị luận văn học Tập 1

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 9: tại đây

Đề bài: Phân tích nhân vật Lục Vân Tiên qua đoạn thơ “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

Bài văn mẫu

   Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ yêu nước Nam Bộ. Ông sống trong thời kì loạn lạc, xã hội rối ren, chế độ phong kiến Việt Nam suy tàn, bọn vua quan nhà Nguyễn thối nát. Xã hội đen tối, đau thương. Ngoài thơ văn yêu nước, Nguyễn Đình Chiểu nổi tiếng vói truyện thơ Truyện Lục Vân Tiên dài 2082 câu thơ lục bát.

   Truyện thơ đề cao trung, hiếu, tiết, hạnh theo quan niệm đạo lí của nhân dân ta. Đạo làm tôi, đạo làm con, tình bằng hữu, nghĩa vợ chồng… được nhà thơ hết lời ca ngợi:

"  Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình"

   Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga là hai nhân vật trung tâm của truyện thơ sáng ngời trung hiếu, tiết hạnh.

   Đoạn thơ Lục Vân Tiên đánh cướp là một trong những đoạn thơ hay nhất của tác phẩm, tiêu biểu cho bút pháp tự sự của Nguyễn Đình Chiểu. Nhân vật Lục Vân Tiên được khắc họa thành mẫu người anh hùng lí tưởng tuyệt đẹp: giàu lòng thương người, dũng cảm và vị nghĩa cao cả.

   Lòng thương người là đức hạnh tốt đẹp nhất của Lục Vân Tiên. Từ giã thầy, chàng xuống núi, hăm hở về kinh đô ứng thí. Lộ trình đầy gian nan. Giữa đường, Lục Vân Tiên bất ngờ gặp nhân dân dắt díu nhau chạy trốn, tiếng kêu khóc vang lên thảm thiết. Chàng đã ân cần hỏi han sự tình đầu đuôi và quyết ra tay đánh cướp để cứu dân lành thoát khỏi cảnh đau thương, nước sôi lửa bỏng:

"  Tôi xin ra sức anh hào,
Cứu người cho khỏi lao đao buổi này!"

   Căm giận lũ bất lương, Lục Vân Tiên sôi sục lên án hành động dã man của chúng. Chàng đã đứng về phía nhân dân, quyết bảo vệ dân:

"  Kêu rằng: Bớ đảng hung đồ.
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân"

   Đạo lí của nhân dân ta rất đẹp: ” Thương người như thể thương thân”. Lục Vân Tiên đã hành động vì tình thương bao la ấy.

   Tình thương người đã nâng cao chí khí và lòng dũng cảm cho người thư sinh họ Lục. Lũ cướp rất đông và đáng sợ, gươm giáo sáng ngời. Tướng cướp Phong Lai “mặt đỏ phừng phừng” đầy sát khí. Hắn dữ tợn và có sức khỏe muôn người khôn địch! Giữa vòng vây của lũ cướp, không một tấc sắt trong tay, một mình với cành cây làm gậy, Lục Vân Tiên đã dũng cảm đánh cướp. Đột kích bên tả, xung phong bên hữu, chàng tung hoành giữa bọn cướp. Chúng bị đánh tơi bời. Bọn lâu la đã khiếp đảm quẳng gươm giáo bỏ chạy tan tác. Tướng cướp Phong Lai bị tiêu diệt. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã so sánh Lục Vân Tiên đánh cướp với chiến công của hổ tướng Triệu Tử Long phá vòng vây Đương Dang thời Tam quốc để ca ngợi tinh thần quả cảm của người anh hùng vị nghĩa:

"  Vân Tiên tả đột hữu xông,
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.
  Lâu la bốn phía vỡ tan,
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.
  Phong Lai trở chẳng kịp tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong."

   Giọng thơ hùng tráng vang lên diễn tả trộn đánh cướp đầy kịch tính hấp dẫn.

   Lục Vân Tiên là một anh hùng vị nghĩa cao đẹp.

   Đánh tan lũ cướp sơn đài, Lục Vân Tiên đã giải thoát cho Kiều Nguyệt Nga và Kim Liên. Cuộc kì ngộ giữa người đẹp và trang anh hùng diễn ra cảm động và đầy tình người. Kiều Nguyệt Nga muốn mời chàng hiệp sĩ qua miền Hà Khê, để cha nàng “báo đức thù công”

"  Gẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi."

   Nhưng Vân Tiên “nghe nói liền cười”. Một nụ cười rất tươi, biểu lộ một tâm hồn cao cả: vô tư, hào hiệp, khẳng khái. Chàng xem việc đánh cướp của mình là một hành động nhân nghĩa. Người tráng sĩ phải ra tay cứu nhân độ thế, diệt trừ cái ác, chở che bênh vực người lầm than, bị áp bức. Nếu thấy việc nghĩa mà không làm thì còn đâu đáng mặt anh hùng nữa ?

"  Nhớ câu kiến ngãi  bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng."

   Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa nhân vật Lục Vân Tiên mang cốt cách tráng sĩ thời loạn, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, trọng nghĩa khinh tài, sống và hành động theo phương châm: “Lộ kiến bất bình, bạt đao tương trợ”. Vân Tiên cũng như người anh hùng Từ Hải trong “Truyện Kiều”.

"  Anh hùng tiếng đã gọi rằng,
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!"

   Hình ảnh Vân Tiên đánh cướp được khắc họa thần tình. Cử chỉ, hành động, ngôn ngữ và cách ứng xử của chàng rất đẹp, mang phong thái người anh hùng, người tráng sĩ ngày xưa. Tuy nhiên hình tượng này rất chân thật vì lòng thương người, chí quả cảm, tinh thần vị nghĩa của Vân Tiên đậm đà màu sắc đạo lí nhân dân ta. Trên một trăm năm mươi năm qua, nhân vật Lục Vân Tiên được nhân dân ta yêu mến, hâm mộ. Tinh thần chiến đấu kiên cường của đồng bào miền Nam trong cuộc đấu tranh chống phong kiến và đế quốc trong hơn thế kỉ qua đã làm cho ta cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp lí tưởng của người anh hùng Lục Vân Tiên. Tấm gương sáng chói ấy mãi mãi là một minh chứng hùng hồn về sức mạnh thẩm mĩ của thi ca, của truyện thơ Truyện Lục Vân Tiên mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho đời.

Đề bài: Tính cách nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên qua đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

Bài văn mẫu

   Truyện Lục Vân Tiên là tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu trong giai đoạn sáng tác trước khi thực dân Pháp xâm lược. Cuộc đời và tính cách Lục Vân Tiên có những nét trùng hợp với cuộc đời và tính cách của tác giả. Điểm nổi bật trong tính cách Lục Vân Tiên là tính nghĩa hiệp. Lục Vân Tiên là điển hình của con người nghĩa hiệp trong một xã hội đang suy thoái. Muốn hiểu con người nghĩa hiêp Lục Vân Tiên, ta cùng nhau phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga.

   Đang trên đường lên kinh đô dự thi thấy dân tình than khóc thảm thiết, Lục Vân Tiên đã dừng lại hỏi han. Nghe dân tình kể: có một bọn cướp nhóm ở Sơn Đài không ai đương nổi hiện đang xuống cướp thôn hương “gặp con gái tốt qua đường bắt đi” Lục Vân Tiên bèn “ghé lại bên đàng”

"Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô."

   Một người trong tay không có khí giới lại đơn độc vẫn bẻ cây làm gậy xông vào đánh bọn cướp. Chỉ riêng điều đó đã nghĩa hiệp lắm rồi. Vân Tiên không hề đắn đo, tính toán. Người khác chắc phải nghĩ ngợi suy tính truớc khi hành động. Nên nhớ là chàng đang đi thi. Công danh phú quý đang đợi chàng ở phía trước. Bọn cướp lại rất đông, ai ai cũng đều khiếp sợ chúng. Thế mà chàng quyết định một cách nhanh chóng. Điều đó chứng tỏ hành động vì việc nghĩa đã trở thành bản chất tốt đẹp của chàng.

   Gặp bọn cướp, Lục Vân Tiên mắng ngay vào mặt chúng:

"  Kêu rằng: "Bớ đảng hung đồ,
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân".

   Lời mắng của chàng càng chứng minh cụ thể hơn tính cách nghĩa hiệp ấy. “hại dân” là việc làm bất nghĩa. Vì dân diệt trừ lũ “hại dân” là việc làm nhân nghĩa. Chính nhận thức được điều đó mà Lục Vân Tiên đã “tả đột hữu xông”

"Khác nào Triệu Từ mở vòng Đương Dang."

   Hình ảnh so sánh này càng làm nổi bật tính cách nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên. Tài nặng của chàng được ví với Triệu Tử Long – một danh tướng thời Tam quốc. Một mình chống lại bọn cướp cứu giúp dân lành, Lục Vân Tiên là hiện thân của con người luôn hành động vì nghĩa lớn.

   Tính cách nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên còn được biểu hiện qua cử chỉ từ chối việc trả ơn của Kiều Nguyệt Nga – người mà chàng đã cứu thoát khỏi tay bọn cướp, Nguyệt Nga rất biết ơn chàng. Nàng muốn tạ ơn để đáp lại hành động nghĩa hiệp của chàng:

"  Hà Khê qua đó cũng gần,
Xin theo cùng thiếp đền ân cho chàng.
   Gặp đây đang lúc giữa đàng,
Của tiền chẳng có bạc vàng cũng không.
   Gẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi."

   Lời lẽ của Kiều Nguyệt Nga rất phù hợp với đạo lý. Người chịu ơn bao giờ cũng mong muốn được trả ơn. Đó là tấm lòng thành của nàng. Nhưng ” Vân Tiên nghe nói liền cười”. Nụ cười của chàng thât vô tư, hồn nhiên. Và chúng ta hãy nghe chàng giải thích với nàng:

"Làm ơn há dễ trông người trả ơn.
   Nay đà rõ đặng nguồn cơn,
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì.
   Nhớ câu kiến ngãi bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng."

   Nếu làm ơn mà trông người khác hoặc buộc người khác trả ơn, theo Lục Vân Tiên thì không phải là con người nghĩa hiệp. Chàng không chấp nhận những lẽ như vậy. Chàng hành động không phải để được đền đáp. Việc từ chối sự đền ơn của Kiều Nguyệt Nga càng tô đẹp thêm con người nghĩa hiệp Lục Vân Tiên. Chàng vốn trọng nghĩa khinh tài. Cử chỉ ấy của chàng càng làm cho chúng ta thêm khâm phục và yêu mến. Quan niệm của chàng cũng chính là quan niệm của Nguyễn Đình Chiểu. Sách xưa nói: “kiến ngãi bất vi vô dũng giã” Lục Vân Tién coi đó là phương châm sống của chàng. Vì thế thấy việc nghĩa chàng không hề đắn đo, cân nhắc, đã lao vào đánh tan bọn cướp cứu Kiều Nguyệt Nga, mang lại cuộc sống bình yên cho dân lành.

   Có thể nói qua đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa khá đầy đủ chân dung người anh hùng lí tưởng. Lục Vân Tiên là con người nghĩa hiệp mà hành động một mình với chiếc gậy thô sơ, đã đánh tan bọn cướp Phong Lai là một minh chứng. Hình ảnh Lục Vân Tiên sống mãi trong lòng người dân Việt Nam qua các thế hệ như một tấm gương về tính cách nghĩa hiệp của chàng.

Đề bài: Trong truyện “Lục Vân Tiên” Nguyễn Đình Chiểu viết:

   “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi

   Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”

Em hãy bình luận câu thơ trên.

Bài văn mẫu

   Hơn một trăm năm nay, có biết bao nhiêu người ưa thích tác phẩm “Truyện Lục Vân Tiên” vì trong đó có những nhân vật sống và hành động theo một phương châm cao quý được tác giả bộc lộ qua câu thơ sau:

   Nhớ người kiến nghĩa bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng

   Trước hết, ta thử tìm hiểu ý nghĩa của câu thơ ấy. Nội dung câu này có thể hiểu là: thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải anh hùng.

   Tư tưởng này thể hiện một lẽ sống cao thượng. Cao thượng bởi vì nó yêu cầu làm việc nghãi một cách vô điều kiện: làm việc nghĩa trong bất cứ hoàn cảnh nào, trước bất kì khó khăn không sợ thiệt thòi đến bản thân, không sự nguy hiểm, không mong được ca tung, không đợi được đền bù. Cao thượng bơi vì nó có ích cho đời. Nó cứu giúp người yếu đuối khi bị bức hại; nó giúp người nghèo khổ khi gặp khó khăn, nó dám chống lại quyền uy kẻ giàu sang, bạo lực kẻ côn đồ để bảo vệ công lý. Đó là qua nđiểm đề cao tinh thần xả thân vì nghĩa.

   Rõ ràng những người sống có lý tưởng trong tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu là cao quý. Luc Vân tiên chỉ cần nghe tiếng kêu cứu của người bị nạn là xông vào giữa bọn cướp để cứu cho người khỏi nạn. Lục Vân Tiên chỉ kịp bẻ một cành cây bên đường làm vũ khỉ để “tả đột hữu xung” trước bọn cướp vừa đông đúc tàn bạo. Hoàn thành nhiệm vụ, chàng không những từ chối hành động trả ơn, còn từ chối cả thái độ biết ơn. Với chàng, sống trên đời, gặp việc như thế ai cũng phải hành động tùy sức mình. Những bạn chàng như Hớn Minh, Vương Tử Trực và cả Kiểu Nguyệt Nga nữa, trong những hoàn cảnh khác nhau, cũng đều hành động với tinh thần cao cả ấy.

   Trong lịch sử nước nhà, dã có không ít những tấm gương thấy việc nghĩa thì làm như thế. Chỉ riêng trong thời đại Nguyễn Đình Chiểu, trước cuộc xâm lăng của bọn thực dân Pháp, có biết bao sĩ phu đã đứng lên, cùng nhân dân đánh giặc theo tinh thần ấy. Nhiều khi họ biết thất bại là điều khó tránh nhưng vẫn làm. Tại sao? Vì cứu cho đất nước khỏi bị xâm lăng, que hương khỏi bị giày xéo là bổn phận của mọi công dân. Tinh thần vì nghĩa ấy mạnh mẽ đến nõi như người anh hùng Nguyễn trung Trực đã nói: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.

   Lối sống “vì việc nghĩa”, “sẵn sàng làm việc nghĩa” ấy vẫn là một lối sống đáng ca ngợi trong thời đại chúng ta. Nếu có điều cần làm rõ và nhấn mạnh trong lối sống ấy thì đó là: cần xác định thế nào là việc nghĩa. Việc nghĩa phù hợp chính nghĩa của thời đại, việc có ích cho nước, có lợi cho dân. Bởi thế, Lê Văn Tám tự đốt mình làm ngọn đuốc để đốt cháy kho xăng giặc, Bế Văn Đàn lấy thân là mgias súng để bắn giặc, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, …

   Hôm nay trong cuộc sống bình thường, có những thanh niên bình thường, một anh xích lô, một anh dân phòng, dám một mình đánh cướp để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Có những người, không sợ thù oán, dá, dũng cảm tố cáo tôi ác bọn lưu manh hay những kể lộng quyền. họ chính là những Lục Vân Tiên thời này ….

   Sống cao thượng, sống anh hùng bao giờ cũng là lối sống hấp dẫn thế hệ trẻ chúng ta. Nhưng không phải chờ đến việc anh hùng mới có thể sống theo lối sống anh hùng. Không phải đợi đến việ lớn mới làm việc nghĩa. Có những việc nghãi rất bình thường. Phải biết làm và tập làm việc nghĩa từ những việc nhỏ nhặt như thế. Dắt một em bé, một người già, một người tàn tật qua đường, tham gia dạy một lớp học tình thương, chia sẻ với các em bé mồ côi món tiền ăn sáng của mình, tham gia một đợt công tác cứu trợ xã hội, … tất cả đều là việc nghĩa.

   Dân tộc Việt nam là một dân tộc giàu nhân nghĩa. Tuy không phải ai cũng trở thành anh hùng nhưng lối sống anh hùng sẵn sàng làm việc nghĩa là lối sống chung của đại đa số nhân dân ta. Lối sống đẹp đó dã trở thành phẩm chất đạo đức mang tính truyền thống của con người Việt Nam.

Đề bài: Phân tích nhân vật ông Ngư trong đoạn thơ “Lục Vân Tiên gặp nạn

Bài văn mẫu

   Đoạn thơ Lục Vân Tiên gặp nạn một lần nữa cho thấy tư tưởng nhân nghĩa tỏa sáng trong Truyện Lục Vân Tiên và thể hiện niềm tin của nhà thơ mù đất Đồng Nai đối với nhân dân giữa thời loạn lạc.

   Nhân vật ông Ngư được nói đến trong đoạn thơ thật đẹp, tiêu biểu cho đạo lí của nhân dân ta: “Thương người như thể thương thân”. Nguyễn Đình Chiểu đã dành cho ông Ngư một tình cảm nồng hậu biết bao!

   Trịnh Hâm là một kẻ độc ác, thâm hiểm, đố kị tài năng. Hắn đã lừa Vân Tiên lên thuyền (khi chàng đã mù) rồi đẩy xuống sông cho chết. Giữa “đêm khuya lặng lẽ như tờ”, hắn đã “ra tuy” đẩy Vân Tiên xuống nước, thế nhưng hắn còn xảo quyệt, đạo đức giả cất “tiếng kêu trời” . Đối lập với những con người độc ác ấy, những người cùng đi thuyền đã đau đớn kêu thương:

"  Trong thuyền ai nấy kêu la,
Đều thương họ Lục, xót xa tấm lòng."

   Thái độ, tình cảm ấy biểu thị tình thương người của nhân dân ta như ca dao đã truyền lại: ” Thấy người hoạn nạn thì thương…”

   Trời đất cũng không thể phụ một con người tốt đẹp như Vân Tiên. Giao long là một loài thủy quái cũng đã đến cứu người bị nạn:

"  Vân Tiên mình lụy giữa dòng,
Giao long dìu đỡ vào trong bãi rày."

   Sự xuất hiện của giao long trong cảnh Vân Tiên gặp nạn tuy có tạo nên màu sắc huyền thoại của truyện thơ, nhưng đã làm nổi bật một sự thật cay đắng ở đời, đó đây có lúc con người còn ác độc hơn cả loài lang sói. Trong tình huống ấy, ông Ngư đã xuất hiện. Người bị nạn đã gặp được người nhân đức:

"  Vừa may trời đã sáng ngày,
Ông chài xem thấy vớt ngay lên bờ."

   Bốn chữ “vớt ngay lên bờ” thể hiện một tinh thần hối hả, khẩn trương, kịp thời cứu người chết đuối. Cả một gia đình xúm vào cứu chữa, sẵn sóc người bị nạn. Con thì “vầy lửa”, đốt lửa lên, sưởi ấm người chết đuối. Hai vợ chồng, người thì “hơ bụng dạ” người thì “hơ mặt mày” cho Vân Tiên:

"  Hối con vầy lửa một giờ,
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày."

   “Hối” nghĩa là hối hả, giục giã, cách nói biểu cảm dân dã của người nông dân Nam Bộ. Trong văn cảnh, nó thể hiện sự lo lắng cho tính mệnh người bị nạn, biểu lộ tình thương người bao la của ông Ngư.

   Vân Tiên hồi tỉnh, ông Ngư đã ân cần “hỏi han”, hết lời an ủi, chia sẻ nỗi đau buồn với người gặp nạn. Mặc dù nhà nghèo, nhưng ông Ngư đã chan tình mời Vân Tiên, một người mù lòa, đau khổ ở lại với gia đình ông, để được chăm sóc nuôi nấng:

"  Ngư rằng: "Người ở cùng ta,
Hôm mai hẩm hút với già cho vui"

   Ở đời, có “một lời nói một đọi máu ” (đọi: bát). Có “một câu nói một gói bạc”. Câu nói của ông Ngư là một tấm lòng vàng, chan chứa tình nhân đạo.

   Cuộc đời ông Ngư là cuộc đời của một con người “lánh đục tìm trong” xa lánh con đường danh lợi, coi trọng tình người, phấn đấu cho lí tưởng nhân nghĩa cao cả:

"  Ngư rằng: "Lòng lão chẳng mơ,
Dốc lòng nhơn nghĩa há chờ trả ơn.
   Nước trong rửa ruột sạch trơn,
Một câu danh lợi chi sờn lòng đây"

   Vân Tiên đánh cướp cứu dân, cứu Kiều Nguyệt Nga với ý thức: “Làm ơn há để trông người trả ơn”. Ông Ngư cũng vậy: “Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn”. Những tấm lòng cao cả ấy đã gặp nhau, họ đã nêu cao tình nhân ái. Và đó cũng là cái lẽ đời: “ở hiền thì lại gặp hiền” như một nhà thơ đã nói.

   Ông Ngư ngoài tình nhân ái mênh mông còn có một tâm hồn thanh cao. Ông đã chan hòa, gắn bó với thiên nhiên. Sông dài biển rộng, trời cao là môi trường thảnh thơi, vui thú của ông. Suốt đêm ngày, năm tháng, ông đã lấy doi, vịnh, chích, đầm, lấy bầu trời, lấy Hàn Giang làm nơi vẫy vùng, tìm nguồn vui sống. Ông đã lấy gió và trăng, con thuyền và dòng sông làm bầu bạn. Ông đã lấy công việc chài lưới để sống cuộc đời thanh bạch. Ông Ngư là một con người tự do, thoát vòng danh lợi, thích nhàn. Câu thơ vang lên như một tuyên ngôn đẹp về lẽ sống của một nhà nho, một kẻ sĩ chân chính đang sống giữa thời loạn lạc:

"     Rày doi, mai vịnh vui vầy,
Ngày kia hứng gió đêm nầy chơi trăng.
(...) Thuyền nan một chiếc ở đời,
Tắm mưa chải gió trong vời Hàn Giang."

   Đây là những câu thơ hay nhất, đậm đà nhất trong Truyện Lục Vân Tiên. Giọng thơ nhẹ nhàng, êm ái. Cảm hứng thiên nhiên trữ tình dào dạt tạo nên sắc điệu thẩm mĩ sáng giá, biểu hiện một cách tuyệt đẹp tâm hồn trong sáng, thanh cao và phong thái ung dung của ông Ngư.

   Cũng như ông Quán, ông Tiều, lão bà, tiểu đồng, nhân vật ông Ngư trong đoạn thơ này vừa là người lao động chất phác, nhân hậu, vừa là hình ảnh một nho sĩ bình dân coi thường danh lợi, giàu lòng nhân nghĩa, yêu tự do và thanh cao. Sống giữa thời loạn lạc, nhân vật ông Ngư cũng là nhân vật lí tưởng phát ngôn lẽ sống và tư tưởng nhân nghĩa của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Đẹp vậy thay một con người:

"  Kinh luân đã sẵn trong tay,
Thung dung dưới thế, vui say trong trời."

Đề bài: Truyện Lục Vân Tiên phản ánh cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong một xã hội phong kiến suy tàn. Có thể nói là Nguyễn Đình Chiểu đã đưa vào trận “cả một đạo quân bừng khí thế, kiên quyết vì chính nghĩa mà chiến đấu và chiến thắng'” (Hoài Thanh). Đạo quân chính nghĩa ấy gồm những ai? Hãy kể lại một hai cuộc giao tranh giữa cái thiện và ác được miêu tả trong tác phẩm và phân tích những điều cơ bản Nguyễn Đình Chiểu muốn nói về cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong tác phẩm nổi tiếng này của Ông.

Bài văn mẫu

   Nguyễn Đình Chiểu được nhân dân ta nhớ tới như một nhà thơ yêu nước tiêu biểu nhất của thời kì đất nước bị thực dân Pháp xâm lược. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu còn là một nhà thơ của đạo lí làm người ở đời, ca ngợi chính nghĩa, chống gian tà mà tác phẩm Lục Vân Tiên là một minh chứng hùng hồn. Nhân dân ta thực sự quý trọng tác phẩm này vì không chỉ nó là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật mà còn phản ánh cuộc đấu tranh giữa “cái thiện” và “cái ác” trong xã hội phong kiến suy tàn. Có thể nói Nguyễn Đình Chiểu đã đưa vào trân “cả một đạo quân bừng bừng khí thế, kiên quyết vì chính nghĩa mà chiến đấu và chiến thắng” (Hoài Thanh).

   Lục Vân Tiên là một truyện phản ánh cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa hại loại người chính nghĩa và phi nghĩa. Những việc làm và ý nghĩa của họ mâu thuẫn với nhau, đối chọi nhau, đấu tranh với nhau.

   “Cái thiện” đó là những con người và việc làm đẹp đẽ, trong sáng, minh bạch đầy sức hấp dẫn như ánh sáng mặt trời. Còn “cái ác” đó là những con người và việc làm phi nghĩa ám muội, đê tiện, đen tối, mặc dù tìm cách che đậy bằng những lớp vỏ giả nhân giả nghĩa. Chúng đã dùng mọt thủ đoạn độc ác, mọi mưu ma chước quỷ nhằm tấn công cái thiện để tồn tại, Nhưng trải qua bao sóng gió, gian truân, thậm chí bị đày đọa, phải hi sinh cuối cùng cái thiện vẫn chiến thắng, Nguyễn Đình Chiểu đã đưa vào vì chính nghĩa mà chiến đấu, và chiến thắng.

   Trước hết đó là Lục Vân Tiên tiêu biểu cho lí tưởng sống, đạo đức cao đẹp của nhân dân lúc bấy giờ. Chàng học rộng tài cao, văn võ kiêm toàn lại luôn luôn sẵn sàng rat ay cứu giúp người khi hoạn nạn. Đó là một người con chí hiếu với mẹ. Nghe tin mẹ mất, chàng bỏ đi thi trở về chịu tang. Vì thương mẹ chàng đã khóc lóc xót xa đến mức mù cả hai mắt. Từ đó cuộc đời Lục Vân Tiên liên tục mắc nhiều tai nạn. Khi thì bị xô xuống nước, khi thì bị đẩy vào hang sâu, bị phản bội lừa đảo, bị hãm hại nhưng lòng dạ chàng vẫn sáng như “trăng sao”. Cuối cùng nhờ bạn bè, nhờ những người lương thiện giúp đỡ chàng lại được sáng mắt, thi đỗ Trạng Nguyên, thắng được giặc, vinh quang trở về.

   Đó là Hớn Minh, bạn của Vân Tiên “giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”. Đó là Vương Tử Trực một nho sinh tuy không có được cái văn võ kiêm toàn như Vân Tiên hay cái ngang tang như Hớn Minh, song lại là con người trong sạch, thẳng thắn chân tình, nghĩa tình với bạn bè.

   Ngoài ra, còn có những người lao động như ông Ngư, ông Tiều … tuy nghèo khổ nhưng lại rất giàu lòng nhân đức sẵn sàng cứu giúp người khác không vì một lợi lộc nào.

   Giữa những con người ấy, Kiều Nguyệt Nga nổi lên với lòng trung hậu, với tình thủy chung như một đóa hoa lộng lẫy. Được Vân Tiên cứu nạn “yêu vì nết”, trọng vì tài” Nguyệt Nga đã tạc hình Vân Tiên thờ chàng như một ân nhân đồng thời như một người chồng lí tưởng.

   Tất cả những con người ấy được tập hợp lại xuất hiện trong tác phẩm như một đạo quân chính nghaix nhân hậu nhưng cũng bừng bừng khí thế. Họ đã sống và chiến đấu cho đạo lí làm người, cho lòng nhân ái trung hậu thủy chung và sẵn sàng xả thân vì việc nghĩa. Trong tác phẩm “cái thiện” không phải là một điều gì trừu tượng, một vài câu châm ngôn răn dạy mà được hiện lên bằng những con người cụ thể bằng xương bằng thịt, những việc làm và hành động cụ thể, đặc biệt được thể hiện hùng hồn những phẩm chất cao đẹp trong các cuộc giao tranh giữa cái thiện và cái ác.

   Nhưng phẩm chất cao đẹp của Lục Vân Tiên là tấm gương sáng về đạo đức nhân cách đối với chúng ta. Nhưng điều khiến cho nhân vật này sống mãi trong lòng nhân dân chính là cái phương châm sống cao quý của chàng, đó là sẵn sàng làm việc nghĩa một cách vô tư, dù phải hy sinh trong đấu tranh.

   Trên đường đi, chợt nghe tiếng kêu cứu, không cần biết người bị nạn là ai. Kẻ cướp là bọn nào, không kể đến mối hiểm nguy nào có thể đe dọa tính mạng mình. Lục Vân Tiên tức thời xông vào giữa cả một bọn cướp, một mình tả xung hữu đột đánh tan bọn phi nghĩa. Làm xong việc nghĩa, chàng không hề coi đó là công ơn và khảng khái từ chối việc đền ơn, Chàng đã nói:

Làm ơn há dễ trông người trả ơn

   Sau này nhờ sự tình cơ, chàng đã gặp lại Kiều Nguyệt Nga, nhưng hẳn chàng đã không nghĩ rằng mình đã làm ơn cho người khác. Vân Tiên làm việc nghĩa một cách vô điều kiện, và coi đó như là điều tự nhiên ở đời phải thế, không thể nào khác được. Có lẽ khi kể lại cuộc giao tranh này nếu có điều Nguyễn Đình Chiểu muốn nói với người đời thì chính là điều đó.

   “Cái ác” lại thể hiện trong bọn cường quyền áp bức. Đấu tranh với bọn chúng là “một mất, một còn”. Đặng Sinh ỷ thế con quan huyện giàu sang giở trò cưỡng hiếp phụ nữ một cách trắng trợn trên đường đi giữa ban ngày. Trước những việc làm ngang ngược bỉ ổi đó. Hớn Minh đã nổi giận bất bình và đã hành động một cách kịp thời nhanh lẹ lạ thường:

   Tôi bèn nổi giận một khi
Vật chàng xuống đó, bẻ đi một giò.

   Tên Thái Sư trong triều đình muốn hỏi Nguyệt Nga cho con trai hắn nhưng không được, Thái Sư bắt nàng đi cống giặc Ô Qua. Để giữ lòng chung thủy với Vân Tiên, nàng đã nhảy xuống sông tự tử với bức hình Vân Tiên.

   Đó là một thái độ kiên quyết bảo vệ lòng chung thủy, nhân phẩm con người.

   Đọc truyện Lục Vân Tiên, ta thấy rõ qua những cuộc giao tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu hình như muốn nhắn gửi với mọi người: Sống ở trên đời này con người cần phải có những đạo đức cao quý; lòng nhân ái trung hậu thủy chung, biết xả thân vì việc nghĩa. Đó là lí tưởng sống đẹp của nhân dân ta. Nhà thơ cũng phê phán lối sống như cha con Võ Công “tham vàng bỏ ngải” như Trịnh Hâm “lừa thầy phản bạn” … Đó chính là ý nghĩa rút ra từ cuộc đấu tranh. Tác phẩm đã để lại bài học quý về đạo lý làm người cho thế hệ trẻ chúng ta trong cuộc sống hôm nay.

Đề bài: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

   Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà

Trình bày ý kiến của em về quan điểm sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu. Quan điểm này thể hiện trong sáng tác của ông như thế nào?

Bài văn mẫu

   Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ đã để lại trong mọi thế hệ học sinh những ấn tượng sâu đậm bởi những bài thơ yêu nước sâu sắc, bới Truyện Lục Vân Tiên bất hủ và còn bởi quan niệm sáng tác rất đúng đắn của mình. Về vấn đề này, Nguyễn Đình Chiểu có lần viết :

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà

   “Thuyền” và “bút” theo em chính là hình ảnh ẩn dụ mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã sử dụng để chỉ tác phẩm văn chương. “Đạo” ở đây là đạo làm người trong thế gian, đạo làm dân đối với đất nước. Theo Nguyễn Đình Chiểu tác phẩm văn chương phải miêu tả phải thể hiện, phải ngợi ca đạo đức nhân dân, đạo dức làm người và miêu tả bao nhiêu, ca ngợi bao nhiêu cũng không đủ. Còn “thằng gian” ở đây là những kẻ xấu xa, độc ác trong xã hội, bọn cướp nước và bọn bán nước. Theo ông, văn chương phải chống lại kẻ ác, chống lại bọn bán nước.

   Quan niệm trên rất đúng đắn và chi phối cả cuộc đời chiến đấu của ông. Đọc tiểu sử Nguyễn Đình Chiểu, ta thấy cuộc đời của ông gồm toàn những tai biến và bất hạnh. Bệnh tật mù lòa đã đến với ông giữa tuổi thanh xuân và ông đã phải sông suốt 40 năm trời trong cảnh tối tăm đó. Những năm sau đó, chế độ phong kiến suy tàn, cái ác lan tràn khắp nơi. Rồi quê hương ông bị ngoại xâm chiếm đóng. Nhân dân trong đó có ông, sống trong cảnh lầm than. Bất hạnh của đời riêng hòa trong bất hạnh chung của nhân dân của dân tộc. Chính trong cảnh bất hạnh, tối tăm ấy, một phong trào mạnh mẽ của nhân dân đấu tranh chống cái ác, chống ngoại xâm sôi nổi khắp nơi và Nguyễn Đình Chiểu đã gia nhập phong trào đó với lòng tự nguyên. Vì bị mù không cầm được gươm súng nên ông đã cầm bút. Và ngay từ đầu Nguyễn Đình Chiểu đã vạch cho mình một con đường đúng dắn: dùng thơ văn làm vũ khí đấu tranh cho tự do và hanh phúc của nhân dân. Hai câu thơ trên là tuyên ngôn của Đồ Chiểu về chức trách của nhà thơ, về nhiệm vụ của văn học đối với cuộc đời. Tuyên ngôn đó thể hiện tính tư tưởng, tính chiến đấu rất cao. Ông biết sáng tác cho cái gì, sáng tác vì ai và đấu tranh với ai. Đó là một quan niệm rất tiến bộ về thiên chức của nhà văn đối với cuộc đời.

   Quan niệm của Nguyễn Đình Chiểu đúng đắn, phù hợp với những quan niêm tiến bộ về nghĩa vụ văn nghệ của các thế hệ trước. Ngày xưa, không ít người cho rằng thơ văn chỉ là để ngắm hoa, vinh nguyêt như Bác Hồ nói : “Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ”, hoặc thơ văn chỉ để ngâm nga lúc “tửu hậu trà dư”. Có lẽ Nguyễn Đình Chiểu cũng biết khuynh hướng này. Nhưng ông không chịu ảnh hưởng vì trong toàn bộ sự nghiệp văn thơ của oongta không thấy có bài nào thuộc loại đó. Trái lại, ông rất tâm dắc với kết luận khái quát của người xưa về nhiệm vụ của văn chương nghệ thuật : “Văn dĩ tải đạo”, văn phải chở đạo, phải phản ánh ngợi ca đạo đức con người. Con thuyển chở đạo của Nguyễn Đình Chiểu phải chăng là sự hình tượng hóa quan điểm tiến bộ của người xưa về nhiệm vụ chức năng của văn học.

   Do quan niệm tiến bộ đó, trong tác phẩm của ông, việc yêu ghét, ngợi ca phê phán rất rõ ràng và đúng đắn.

   Truyện Luc Vân Tiên có khá nhiều nhân vật. Các nhân vật đó được chia làm hai tuyến : thiện và ác, có đạo đức và gian tà. Ngòi but của ông khi viết về các nhân vật đó hoàn toàn có thái độ khác nhau. Ông bán quán, hai vợ chồng ông chài, người tiều phu, anh tiểu đồng, anh bạn nóng tính Hớn Minh, … đều được Nguyễn Đình Chiểu trân trọng đề cao. Họ là những ccon người lao động chăm chỉ làm ăn là những nho sĩ lương thiện. Họ có long tốt. Họ trọng nghĩa khinh tài. Họ là chính nghĩa, vì nghĩa mà cứu Lục Vân Tiên thoát nạn. Rồi Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, hai nhân vật chính được Nguyễn Đình Chiểu hết lời ca ngợi dồn cả tâm lực xây dưng, để qua đó đề cao đạo đức làm người theo quan điểm của ông :

Trai thì trung hiếu làm đầu
Gái thì đức hạnh làm câu sửa mình

   Không những đã “chở đạo”, truyện Lục Vân Tiên còn vạch mặt lên án bọn gian tà trong xã hội. Đó là bộ ba Võ Công, Quỳnh Trang, Võ Thể Loan tráo trơ, bất nhân, định hại Vân Tiên khi gặp nạn. Nhưng khi Vân Tiên công thành danh toại, hai mẹ con lại trơ tráo kéo nhau ra đón. Ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu đã vạch trần tâm địa bỉ ổi của bonjn gười bội bac. Nột loại người nữa mà ông lên án à Bùi Kiệm, Trịnh Hâm. Chúng cũng học hành, cũng đi thi với Vân Tiên nhưng chúng đều là những nho sĩ rởm, dốt nát, dâm ô, lập mưu giết tiểu đồng và xô Vân Tiên xuống sông. Ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu đã căm giận lên án chúng và trừng trị ngay giữa nhãn tiền: mẹ con Võ Thể Loan cuối cùng phải chết ở nơi hang tối, Bùi Kiệm, Trịnh Hâm cũng bị trừng trị thích đáng như tội ác mà chúng gây ra.

   Khi Pháp xâm lược Việt Nam, trươc cảnh nước mất nhà tan, một sô kẻ xấu đã dùng thơ văn để tô vẽ cho bộ mặt cướp nước của kẻ thù, thanh minh cho thái độ đầu hàng của chúng. Trái ngược ngòi bút Nguyễn Đình Chiểu chỉ xoay quanh một vấn đề là vấn đề mất nước. Lời ca tiếng thép của ngòi bút ông lúc này đều hướng vào một mục tiêu duy nhất là cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Trước cảnh đất nước bị xâm lăng, ông ca ngợi những người hi sinh cứu nước, phê phán kẻ thù cướp nước và bán nước. Khi giặc mới đánh vào Bến Nghé, Nguyễn Đình Chiểu có câu hỏi chất vấn:

Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng
Nỡ để dân đen mắc nạn này

   Trong khỏi lửa mù mịt của chiến tranh như mây đen che kín bầu trời, ông mong mỏi, ước mơ có người cứu nước:

Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông
Chúa xuân đâu hỡi có hay không?

   Và khi những trang dẹp loạn xuất hiện, những ngọn gió đông thổi, ông hết lời ca ngợi. Ông ca ngợi những người nông dân tay cày tay cuốc đã vùng dậy lăn ả vào đồn địch và chiến đấu anh dùng. Ông ca ngợi những người lãnh tụ như nghĩa quan Trương Định, Thủ Khoa Huân một lòng thờ vua cứu nước, anh hùng bất khuất. Còn hình ảnh kẻ thù: ông đã ví chugns như đám mây den làm vẩn đục cả bầu trời, chúng đi đến đâu đốt phá làng mạc cướp bóc tài sản của dân:

Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ bầy chim dáo dác bay
Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuốm máu mây.

   Và trong nhiều bài thơ khác, ông đã ố cáo kẻ xâm lược và bọn bất lương làm tay sai cho chúng. Rõ ràng văn thơ ông vẫn tiếp tục làm vũ khí đấu tranh trong cuộc đấu tranh của toàn dân tộc, thể hiện rõ quan niệm đúng dắn và sáng suốt của ông.

   Nhờ đâu mà Nguyễn Đình Chiểu có một quan niệm về nhiệm vụ của văn chương một cách đúng đắn và sáng suốt như vây? Trước tiên ta phải thấy Nguyễn Đình Chiểu là người có học. Ông đã từng đi thi và sau đó làm nghề dạy học. Chắc chắn những tri thức trong sách vở xưa nay đã ảnh hưởng đến ông. Các nhà văn, nhà thơ trước ông với những tác phẩm xuất sắc của họ đã lay động tâm hồn ông, đã giúp ông rút ra những kết luận đúng đắn. Nhưng có lẽ ảnh hưởng này không phải chủ yếu mà cái chính là do cuộc sống ông gắn bó với nhân dân. Nhân dân dã cưu mang ông, động viên ông, đã truyền cho ông những tình cảm, phẩm chất tốt lành và cuộc đấu tranh chống cái ác của nhân dân đã lay động tâm hồn ông, đã gieo vào lòng ông sự đồng cảm. Vì vậy ông ta đa gia nhập vào đội ngũ của họ bằng vũ khí của mình, các tác phẩm văn học ông đã tham gia cuộc chiến đấu của nhân dần và trở thành lãnh tụ tinh thần của cuộc kháng chiến ấy.

   Rõ ràng cuộc đời Đồ Chiểu gắn bó với cuộc đấu tranh của nhân dân. Cuộc đời của ông éo le chông chất nhưng là cuộc đời vinh quang rực rỡ vì gắn nghiệp văn chương rực rỡ của ông. Từ sự nghiệp văn chương Đồ Chiểu, thế hệ chúng ta học được không biết bao nhiêu điều bổ ích về đạo lý làm người, về trách nhiệm nghề nghiệp của người cầm bút, về nhiệm vụ của văn chương với cuộc đời. Là học sinh, em nguyện học tập Nguyễn Đình Chiểu, ra sức tu dưỡng ngòi bút và tiếp tục con đường văn nghệ mà Nguyễn Đình Chiểu đã đi.

Đề bài: Phân tích đoạn thơ “Kiều Nguyệt Nga đi cống giặc Ô Qua

Bài văn mẫu

   Không thể nào mua chuộc, ép buộc Kiều Nguyệt Nga lấy con trai mình, quan thái sư đã trả thù một cách xảo quyệt, hèn hạ. Ăn không được thì phải đạp đổ. Kiều Nguyệt Nga trở thành vật hi sinh. Người đẹp trở thành cống phẩm dâng chúa Ô Qua để giặc lui binh.

   Đoạn thơ ghi lại tâm trạng đau khổ của Nguyệt Nga trên đường đi cống giặc và ca ngợi tấm lòng son sắt thủy chung trong tình yêu của nàng.

   Nguyệt Nga là một thiếu nữ xinh đẹp “Vóc ngọc mình vàng” có thị tì Kim Liên hầu hạ. Nàng xuất thân trong tầng lớp quý tộc, là “con quan tri phủ ở miền Hà Khê”. Nguyệt Nga là một con người giàu lòng trung nghĩa; trước hành động nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên, nàng đã nói:

"  Gẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi"

   Cảm phục trước hành động anh hùng và hào hiệp của người con trai xa lạ vừa đánh cướp cứu mình, Kiều Nguyệt Nga đã khắc sâu trong trái tim mình hình ảnh Lục Vân Tiên, và nàng đã vẽ bức hình chàng, luôn mang theo bên mình. Con gái Kiều Công quả là một thiếu nữ đa cảm, đa tình. Mối tình đơn phương ấy thật đẹp và son sắt thủy chung.

   Bị bắt đi cống giặc là một thử thách đầy bi kịch. Đã mười ngày trôi qua, Kiều Nguyệt Nga đã đi tới ải Đồng, bên này là quê hương mình, bên kia là xứ người, là đất giặc Ô Qua.

   Dòng sông bao la “mênh mông”, tiếng sóng vỗ “đùng đùng”trăng ” vằng vặc?” , sao “mờ mờ” gần xa. Cả một bầu trời “lặng lẽ như tờ”. Nguyễn Đinh Chiểu đã lấy ngoại cảnh sông, nước, trăng, sao để diễn tả tâm trạng cô đơn của người đẹp trên đường đi cống; lấy tĩnh để tả động, trời thì “lặng lẽ” mà trong lòng kẻ bạc mệnh thì quặn đau tê tái và cô đơn. Sóng vỗ trên sông hay đang vỗ trong lòng nàng?

"  Mười ngày đã tới ải Đồng,
Minh mông biển rộng đùng đùng sóng xao.
   Đêm nay chẳng biết đêm nào,
Bóng trăng vằng vặc bóng sao mờ mờ.
   Trên trời lặng lẽ như tờ."

   Trước cảnh xa lạ, bao la và mịt mờ ấy, Kiều Nguyệt Nga cất lời than. Vừa thương mình vừa thương người quân tử mà mình đã mang nặng ân sâu; chàng trai anh hùng hào hiệp mà mình đã yêu dấu sắt son, đã thủ tiết đợi chờ:

"  Than rằng: "Nọ nước kìa non,
Cảnh thời thấy đó, người còn về đâu ?"

   “Người” mà Kiều Nguyệt Nga nhắc đến chính là Lục Vân Tiên. Câu hỏi “người còn về đâu” chứa đầy tâm trạng đau đớn, cô đơn và sầu tủi.

   Nếu như Nguyễn Du dùng hai câu tả cảnh vật giờ khắc quyết định tự tử của Kiều trên sông Tiền Đường: “Cửa bồng vội mở rèm châu- Trời cao sông rộng một màu bao la” thì ở đây, Nguyễn Đình Chiểu cũng đã viết cái phút đớn đau ấy của Kiều Nguyệt Nga bằng những vần thơ ứa lệ:

"  Quân hầu đều đã ngủ lâu,
Lén ra mở bức rèm châu một mình."

   Giai nhân mệnh bạc tự thương và tự than thân. Vầng trăng trên trời cao là chứng nhân cho lời thề son sắt thủy chung, cho quyết tâm “giữ ngọc gìn vàng” của người thiếu nữ, “thú tiết'” bằng cái chết để giữ trọn “một tấm lòng ngay” với tình nhân mà mình đã từng tôn thờ, đã từng ôm ấp:

"  Vắng người có bóng trăng thanh,
Trăm năm xin gởi chút tình lại đây.
   Vân Tiên anh hỡi có hay?
Thiếp nguyền một tấm lòng ngay với chàng."

   Bao nhiêu nước mắt đã chảy xuống? Để giữ trọn “tấm lòng ngay với chàng” Kiều Nguyệt Nga đã hành động một cách quyết liệt:

"  Than rồi lấy tượng vai mang,
Nhắm dòng nước chảy vội vàng nhảy ngay."

   Lúc xa cách thì vẽ chân dung người yêu để sớm tối được ôm ấp, ngắm nghía. Lúc sống trong lận đận khó khăn, hình tượng người yêu là nơi nương tựa tinh thần. Lúc nhảy xuống sông tự tử, Kiều Nguyệt Nga vẫn vai mang tượng Lục Vân Tiên đi sang thế giới bên kia với lời nguyền son sắt thủy chung. Cũng là bi kịch giai nhân xưa nay, nhưng mỗi người một khác. Cũng là “phận hồng nhan”, “chốn đoạn trường'” nhưng nào ai giống ai? Sau khi Từ Hải vì mắc lừa Hồ Tôn Hiến mà bị giết chết, Kiều phai hầu rượu đánh đàn trong bữa tiệc quan, rồi bị ép lấy viên thổ quan, nàng phải nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử:

"  Giết chồng mà lại lấy chồng,
Mặt nào còn đáng ở trong cõi đời?
   Thôi thì một thác cho rồi,
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông."

   Kiều phải tự tử vì đau khổ và ân hận. Kiều Nguyệt Nga phải nhảy xuống sông để ugửi chút tình” với trăng nước, để giữ tròn “tấm lòng ngay” với Lục Vân Tiên. Tiết hạnh của Kiều Nguyệt Nga vằng vặc như trăng sao. Hành động tự tử của Kiều Nguyệt Nga là để thủ tiết với Lục Vân Tiên, là để chống lại mọi âm mưu hèn hạ, xảo quyệt của tên Thái Sư, vị đại quan đầu triều.

   Đoạn thơ đã thể hiện bút pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Đình Chiểu. Sự kết hợp hài hòa giữa miêu tả, tự sự và độc thoại trữ tình đã tô đậm tính cách Kiều Nguyệt Nga: son sắt, thủy chung và tiết hạnh.

   Nhân vật Kiều Nguyệt Nga là một nhân vật lí tưởng của Nguyễn Đình Chiểu, đã nêu cao tấm gương tiết hạnh của một giai nhân:

"Gái thời tiết hạnh là câu trau mình."

   Phẩm giá của người con gái khuê các trong xã hội ngày xưa được thể hiện qua đoạn thơ này vẫn ít nhiều làm ta xúc động.

Đề bài: Nhà thơ Bảo Định Giang đã ca ngợi: “Mắt Nguyễn Đình Chiểu mù lòa, nhưng tấm lòng ông sáng vằng vặc như sao Bắc Đẩu“. Hãy giải thích và chứng minh ý kiến đấy

Bài văn mẫu

   Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của dân tộc ta cuối thế kỉ 19, là ngôi sao sáng trên bầu trời văn nghệ Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là bài ca yêu nước tự hào dân tộc. Trong bài phát biểu nhân dịp kỉ niệm “75 năm ngày mất nhà thơ yêu nước Nam Bộ”. Bảo Định Giang có nói:

   “Mắt Nguyễn Đình Chiếu mù lòa, nhưng tấm lòng ông vằng vặc như sao bắc đẩu“. Câu nói ấy biểu lộ một tình cảm kính yêu và khâm phục của nhân dân ta với nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

   “Mắt Nguyễn Đình Chiểu mù lòa” đó là một bi kịch của nhà thơ. Sau khi đỗ tú tài, ông ra Huế chuẩn bị cho một kì thi mới thì được tin mẹ mất. Ông bỏ thi về quê chịu tang. Đi đường vất vả, bị cảm, lại thương khóc mẹ nhiều, ông bị mù. Không khuất phục trước số phận, ông mở trường dạy học, làm thuốc cứu người và sáng tác thơ văn. Cuộc đời và sự nghiệp thơ van Nguyễn Đình Chiểu mãi mãi là tấm gương sáng chói. Truyện Lục Vân Tiên, Ngư Tiều y thuật vấn chip, Dương Từ Hà Mậu và hàng trăm bài thơ, bài văn tế chứa chan tình yêu nước của ông đã góp phần làm giàu đẹp nền văn học Việt Nam cận đại.

   Sinh ra và sống trong xã hội loạn lạc, chế độ phong kiến Việt Nam suy tàn và thối nát cực độ, đầy rẫy chuyện đau lòng. Bọn bất lương, bọn lừa thầy phản bạn, bọn trộm cướp nổi lên như ong. Nguyễn Đình Chiên dã lấy thơ văn đề cao đạo đức “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Ông đã sáng tạo ra một thế giới nhân vật “trung, hiếu, tiết, hạnh”. Lục Vân Tiên là đứa con hiếu thảo, là người anh hùng vị nghĩa đánh cướp cứu dân:

"Tôi xin ra sức anh hào,
Cứu người cho khói lao đao buổi này".

   Ông Ngư sống cuộc đời sông nước, coi thường danh lợi, giàu tình nhân ái. Vân Tiên chết đuối được ông cứu vớt. Cả nhà săn sóc cơm cháo thuốc thang:

"Ngư rằng: lòng lão chẳng mơ,
Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn".

   Đọc truyện “Ngư Tiểu y thuật vấn đáp”, hình ảnh Nhân Sơ đã để lại trong tâm hồn chúng ta một ấn tượng rất sâu sắc. Tổ quốc bị quân thù chiếm đóng, là một tri thức đầy danh vọng, không thể để lũ giặc mua chuộc, dụ dỗ. Ông xông mù đôi mắt, giữ trọn khí tiết, quyết không đội trời chung với giặc:

"Sự đời thà khuất đôi tròng thịt,
Lòng đạo xin tròn một tấm gương".

   Vương Tử Trực, Hớn Minh nghĩa khí, cao cả trong tình bạn. Kiều Nguyệt Nga tiết nghĩa, chung thủy trong tình yêu, v.v… Trái lại, bọn Phong Lai, Bùi Kiệm, Trịnh Hâm, cha con Võ Thái Loan, v.v… tiêu biếu cho bọn tà tâm, độc ác, đã bị trừng phạt. Qua đó, ta thấy thái độ yêu, ghét, phân biệt chính, tà của nhà thơ rất rõ ràng, dứt khoái, tiến bộ và sáng ngời niềm tin. Thật vậy, tấm lòng nhà thơ “vằng vặc như sao Bắc đẩu”.

   Thơ văn yêu nước là lời tâm huyết của nhà thơ mù đất Đồng Nai. Giặc Pháp xâm lăng nước ta, vua quan nhà Nguyễn đầu hàng nhục nhã, dâng nước ta cho giặc. Nguyễn Đình Chiểu đau đớn thương xót nhân dân lầm than. Ông trách móc và tha thiết mong đợi:

"Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy.
Mất ổ đàn chim dáo dác bay...
(...)
Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng.
Nỡ để dân đen mắc nạn này?"
                  (Chạy giặc)

   Tuy bị mù lòa, nhưng nhà thơ đã đứng về phía các lãnh tụ nghĩa quân, bàn mưu tính kế đánh Pháp. Ông ca ngợi lòng yêu nước, chí quả cảm của các nghĩa sĩ đã oanh liệt hi sinh vì đại nghĩa. Với ngọn tầm vông, lưỡi dao phay, họ xung trận với khí thế “kẻ đâm ngang, người chém ngược làm cho mã tà, ma ní hồn kinh”. Tấm lòng son sắt trung nghĩa của họ vàng vặc như ánh trăng rằm. Khí phách chiến đấu của nghĩa sĩ lẫm liệt vô song: sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia…” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc). Trong thế nước hiểm nghèo “súng giặc đất giặc” tiếng thơ của ông ngùn ngụt bốc lửa căm giận, tin tưởng mãnh liệt về một ngày mai tươi sáng, đất nước được giải phóng, nhân dân được sống yên vui thanh bình:

... "Bờ cõi xưa đà chia đất khác,
Nắng sương nay há đội trời chung.
Chừng nào thánh để ân soi thấu,
Một trận mưa nhuần rửa núi sông".
                   (Xúc cảnh)

   Chí căm thù giặc Pháp xâm lược, tình cảm yêu nước thương dân của nhà thơ đã làm cho nhân dân ta vô cùng kính phục. Đúng như Bảo Định Giang đã nói: “Mắt Nguyễn Đình Chiểu mù lòa, nhưng tấm lòng ông vằng vặc như sao Bắc đẩu”. Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ vĩ đại “Thư sinh giết giặc bằng ngòi bút” (Tùng Thiện Vương). Niềm tin của ông vô cùng mãnh liệt và sáng ngời:

"Sau trời Thúc Quý tan mây,
Sông trong bể lặng mắt thầy sáng ra".
         (Ngư Tiều y thuật vấn đáp)

   Cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là bài ca nhân nghĩa và yêu nước tuyệt vời. Tên tuổi nhà thơ không bao giờ phai mờ trong tâm hồn dân tộc. Ông là tấm gương cao quý của kẻ sĩ trước mọi sóng gió cuộc đời, tận trung, tận hiếu với nước với dân. Vĩ đại thay nhà thơ mù yêu nước Nam Bộ. Nhân cách cao đẹp của ông là bài học lớn cho nhân dân ta.

Đề bài: Phân tích bài thơ “Chạy giặc” của Nguyễn Đình Chiểu

Bài văn mẫu

"Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,
Một bàn cờ thế phút sat ay.
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy.
Mất ổ đàn chim dáo dát bay.
Bến Nghé của tiền tan bọt nước.
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây
Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng.
Nỡ để dân đen mắc nạn này?"

   Đừng nói đến cảnh dân chạy giặc vội, mà trước hết hãy chú ý đến “tiếng súng Tây” rộ lên vào thời điểm tan chơ, Nghĩa là trước lúc súng nổ, chợ búa vẫn họp bình thường. Cuộc sống hoàn toàn thanh bình yên ổn. Lúc tan chợ là lúc bắt đầu sự sum họp của gia đình. Những đứa em ngóng anh chị, con cái đợi chờ cha mẹ, cháu chắt đợi ông bà. Cảnh hạnh phúc đầm ấm đơn sơ sẽ diễn ra ở mọi nhà với những món quà giản dị của chợ vùng quê: củ khoai, tấm bánh đúc ngô, dăm ba gióng mía, mấy nắm bỏng rang trộn mật … Cả nhà sẽ xúm quanh mâm cơm thanh đạm có bát canh chua, khúc cá kho, hay giản dị hơn chỉ có “râu tôm nấu với ruột bầu” …

"Tiếng súng Tây nổ đúng vào lúc đó,
Bất ngờ, đột ngột, dữ dội vô cùng."

   Súng Tây thời ấy nổ ghê gớm lắm: “súng giặc đất rền”. Nghe tiếng súng thì bọn giặc đã ở ngay bên cạnh. “Vừa nghe” thế mà cả bàn cờ thế đã hỏng “phút sa tay”. Thất bại ập đến nhanh quá. Thời gian ngắn ngủi càng tăng thêm tính chất đột ngột, bất ngờ, căng thẳng của tình thế. Và vì thế, thay cho cảnh sum họp đầm ấm là cảnh tượng lộn xộn sẻ nghé tan đàn:

"Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,
Mất ổ đàn chim dáo dát bay."

   Súng vừa nổ, giặc đã ập đến. Người lớn còn chưa kịp đi chợ về hoặc còn đang ở ngoài đồng. Cho nên hốt hoảng lũ trẻ dắt díu nhau chạy lơ xơ. Đặt chữ “lơ xơ” lên trước chữ “chạy” là rất gợi tả. Dường như ta chỉ nhìn thấy sự rã rời, hốt hoảng sắp kiệt sức của những em bé, rồi sau mới biết là các em chạy. Hình ảnh so sánh đàn chim mất ổ dáo dát với lũ trẻ bỏ nhà chạy lơ xơ thật là đặc sắc. Nhưng cũng phải thấy thêm rằng khi giặc đến, chẳng những con người khốn khổ mà chim muông cũng không được yên ổn. Giặc đến làm đau cả sông núi, đau cả chim muông, đau cỏ cây.

   Tả chạy giặc, một cuộc chạy vội vã, đột ngột không hề được chuẩn bị, chỉ đặc tả lũ trẻ và bầy chim là rất thành công. Xa hơn cảnh tượng sống động, bối rối, hốt hoảng, lộn xộn của lũ trẻ và bầy chim là sự mất mát, thiệt hại của cả một vùng quê rộng lớn:

"Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây."

   Của cải bị mất mái, nhà cửa bị thiêu cháy, con cái lạc cha mẹ, và chắc là sẽ không tránh khỏi sự chết chóc đau thương: “Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều. Não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ”. Giặc đến gieo bao tội ác lên đầu nhân dân, trước hết là những người dân lành, “Dân đen” côi cút làm ăn toan lo nghèo khó trọng ấp trong làng.

   Nguyễn Đình Chiểu cũng phải chạy giặc và ông thấu hiểu sâu sắc những cảnh đó. Ông cất lên tiếng hỏi và cũng là lời trách móc phê phán những người có chức, có quyền, có trách nhiệm của triều đình:

"Hỏi trạng dẹp loạn rày đâu vắng, 
Nỡ để dân đen mắc nạn này?"

   Không phải chỉ là một câu hỏi gay gắt và lời phê phán nghiêm khắc những trang dẹp loạn của triều đình. Hình như câu thơ còn là một tiếng khóc nghẹn tràn đầy nước mắt của con người mù lòa hết lòng yêu nước thương dân mà không thể làm gì cho dán trong cơn loạn lạc.

Đề bài: Phân tích bài thơ “Chạy giặc” của Nguyễn Đình Chiểu

Bài văn mẫu

   Có những tác phẩm văn chương bất tử khi nó trở thành chứng nhân lịch sử, nó gắn liền với nỗi vui, buồn của một dân tộc. Bài thơ “Chạy giặc” là một bài thơ mang ý nghĩa như vậy.

   Năm 1859, thực dân Pháp tấn công thành Gia Định. Trước họa xâm lăng, Nguyễn Đình Chiểu đã viết bài thơ “Chạy giặc” Bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, phản ánh nỗi đau thương của dân tộc, căm thù lên án tội ác quân Pháp xâm lược và thể hiện lòng thương xót nhân dân:

   Hai câu đề nói lên một cục diện bi thảm của đất nước ta hồi bấy giờ. Giặc Pháp nổ súng đánh chiếm thành Gia Định. Trận đánh diễn ra như “một bàn cờ thế” phút chốc thay đổi bất ngờ “phút sa tay”. Thành Gia Định thất thủ, Đổng Nai, Bến Nghé rơi vào tay giặc. Vần thơ cất lên như một lời than:

"Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây, 
Một bàn cờ thế phút sa tay"

   Các từ ngữ: “vừa nghe tiếng súng Tây” “phút sa tay” làm nổi bật thời gian, sự việc diễn ra bất ngờ, nhanh chóng và nói lên nỗi kinh hoàng của nhà thơ, của nhân dân khi thành Gia Định bị giặc Tây nổ súng đánh chiếm. “Một bàn cờ thế” là một ẩn dụ, cách nói ước lệ, hàm súc về một cục diện chiến trường, một tình thế chiến tranh hồi ấy (1859).

   Hai câu thực 3,4 tả cảnh chạy loạn, chạy giặc trong nỗi kinh hoàng của nhân dân. Các từ ngữ: “bỏ nhà”, “lơ xơ chạy”, “mất ổ”, “dáo dát bay” đặc tả sự tan nát, hoảng sợ, hãi hùng. Nhà thơ lấy thế giới con người là “lũ trẻ”, lấy thế giới thiên nhiên là “lũ chim”, hai hình ảnh ấy điển hình cho nỗi đau thương của nhân dân trước thảm họa đất nước quê hương bị xâm lược:

"Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,
Mất ổ đàn chim dáo dát bay "

   Phép đảo ngữ đặt vị ngữ trước chủ ngữ để nhấn ý các chữ “bỏ nhà” và “mất ổ” tạo nên nỗi ám ảnh bi thương về cảnh chạy giặc của dân lành.

   Hai câu luận 5,6 đối nhau làm hiện lên hai cảnh tang thương điêu tàn nơi Bến Nghé và Đồng Nai. Gần 200 năm về trước, Bến Nghé đã là cảnh đô hội, sầm uất, trên bến dưới thuyền buôn bán tấp nập. Đồng Nai là vựa lúa miền Nam. Thế mà chỉ trong chốc lát đã bị giặc Pháp bắn giết, đốt phá, cướp bốc rất dã man. Tài sản của nhân dân đã bị chúng cướp phá sạch sành sanh “tan bọt nước”. Nhà cửa, phố phường, làng xóm của đồng bào ta bị quân xâm lược đốt phá tan hoang. Lửa khói ngút trờỉi bao phủ một vùng rộng lớn “nhuốm màu mây”. Nhà thơ tả ít mà gợi nhiều. Chỉ bằng hai hình ảnh so sánh rất chọn lọc, đối nhau: “của tiền tan bọt nước”, “tranh ngói nhuốm màu mây” đã căm thù lên án tội ác tày trời của quân xâm lược. Nỗi đau đớn và căm thù chứa đầy vần thơ:

"Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây."

   Tội ác quân giặc không thể nào kể xiết! Nhà thơ tưởng như cất lời than uất hận trước tội ác ghê tởm của giặc Pháp:

"Binh tướng nó hãy đóng sông Bến Nghé, 
làm cho bốn phía mây đen;
Ông cha ta còn ở đất Đồng Nai,
ai cứu một phường con đỏ
 ("Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc") 

   Sau khi hạ thành Gia Định, giặc Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Cả một vùng rộng lớn của đất nước ta chìm trong máu lửa, Phan Văn Trị, người bạn thân của Nguyễn Đình Chiểu đã căm giận viết khi nghe tiếng kèn giặc:

"Tò te kèn thổi tiếng năm ba, 
Nghe lọt vào tai dọ xót xa.
Uốn khúc sông Rồng mù mịt khói,
Vắng hoe thành Phụng ủ sầu hoa ..."
                  ("Cảm tác")

   Hai câu kết, cảm xúc nghẹn lại bỗng trào lên, biểu lộ một tâm trạng đau đớn, lo âu. Lo âu cho tính mạng và tài sản của nhân dân ta đang bị giặc Pháp bắn giết, cướp phá dã man. Lo âu cho vận mệnh đen tối của đất nước. Câu hỏi tu từ thể hiện tình thương xót nhân dân đau khổ trước họa xâm lăng:

"Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,
Nỡ để dân đen mắc nạn này?"

   “Chạy giặc” là bài ca yêu nước thể hiện sâu sắc lòng căm thù giặc Phấp và nói lên tình thương xót nhân dân trước họa xâm lặng. Những cảnh mà nhà thơ nghe thấy (tiếng súng Tây), nhìn thấy, cảm thấy lũ trẻ lơ xơ chạy, đàn chim dáo dát bay, của tiền tan bọt nước, tranh ngói nhuốm màu mây) là những chi tiết nghệ thuật rất hiện thực mang giá trị lịch sử sâu sắc. Bài thơ “Chạy giặc” là một chứng tích về tội ác giặc Pháp trong những ngày tháng đầu chúng xâm lược đất nước ta.

   Ngôn ngữ hàm súc, nghiêm trang, chứa chan tình cảm, bài thơ thể hiện tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu. Nó cho thấy tính mẫn cảm chính trị của nhà thơ yêu nước “đám mấy thằng gian bút chẳng tà”. Với ông, “thơ là súng là gươm”. (“Đọc thơ Đồ Chiểu” – Lê Anh Xuân)

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4 / 5. Số lượt đánh giá: 917

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống