Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10: tại đây
- Sách giáo khoa ngữ văn lớp 10 tập 1
- Soạn Văn – Sách Giải Văn – Sách Học Tốt Ngữ Văn Lớp 10
- Soạn Văn – Sách Giải Văn – Sách Học Tốt Ngữ Văn Lớp 10 (Ngắn Gọn)
- Soạn Văn – Sách Giải Văn – Sách Học Tốt Ngữ Văn Lớp 10 (Cực Ngắn)
- Sách Giáo Viên Ngữ Văn Lớp 10 Tập 1
- Sách Giáo Viên Ngữ Văn Lớp 10 Tập 2
- Sách Giáo Viên Ngữ Văn Lớp 10 Nâng Cao Tập 1
- Sách Giáo Viên Ngữ Văn Lớp 10 Nâng Cao Tập 2
- Sách Bài Tập Ngữ Văn Lớp 10 Tập 1
- Sách Bài Tập Ngữ Văn Lớp 10 Tập 2
- Sách Bài Tập Ngữ Văn Lớp 10 Tập 1 Nâng Cao
- Sách Bài Tập Ngữ Văn Lớp 10 Tập 2 Nâng Cao
Đề bài: Dàn ý Phân tích truyện cổ tích Tấm Cám
Dàn ý mẫu
I. Mở bài
– Giới thiệu khái quát về đặc trưng thể loại truyện cổ tích.
– Giới thiệu về truyện cổ tích Tấm Cám: Thuộc thể loại cổ tích thần kì kể về cuộc đời của Tấm thông qua đó thể hiện ước mơ cháy bỏng về khát vọng hạnh phúc và công lí của nhân dân.
I.. Thân bài
1. Diến biến mâu thuẫn xung đột giữa Tấm và mẹ con Cám
– Chặng 1: Con đường đến với hạnh phúc của Tấm.
+ Cám lừa Tấm, trút hết giỏ tép của Tấm vào giỏ của mình để cướp phần thưởng.
Tấm ôm mặt khóc, bụt hiện lên cho Tấm một con cá bống
+ Mẹ con Cám lừa Tấm đi chăn trâu ở cánh đồng xa để giết thịt cá bống. Tấm khóc. Bụt hiện lên bảo Tấm cho xương cá đựng vào bốn chiếc lọ chôn ở bốn chân giường.
+ Dì ghẻ trộn thóc lẫn gạo, bắt Tấm nhặt không cho đi trẩy hội. Tấm khóc. Bụt hiện lên, sai một đàn chhim sẻ xuống nhặt giúp.
+ Tấm không có quần áo đẹp mặc đi hội. Tấm tủi thân khóc. Bụt hiện lên cho Tấm quần áo, khăn, giày, xe ngựa. Tấm đến gặp vua, đánh rơi chiếc hài và may mắn trở thành hoàng hậu
→ Ở chặng này, mâu thuẫn chủ yếu xoay quanh hơn thua về vật chất và tinh thần. Tấm bị mẹ con Cám cướp đoạt trắng trợn công sức lao động, phần thưởng, niềm vui tinh thần.
→ Tấm luôn trong thế bị động, không thể tự giải quyết xung đột mà phải nhờ đến Bụt. Sự xuất hiện đúng lúc của Bụt cho thấy sự bênh vực của nhân dân đối với kẻ yếu.
→ Quá trình giải quyết mâu thuẫn theo hướng thiện thắng ác, ở hiền gặp lành
⇒ Tấm hiện lên là một cô gái mồ côi, đau khổ, tội nghiệp, hiền lành, chỉ biết khóc mỗi khi bị ức hiếp. Mẹ con Cám lười biếng, đố kị, nhẫn tâm nhưng ở chặng này mới dừng lại ở đố kị, ghen nghét, chưa có hành động tiêu diệt.
– Chặng 2: Con đường đấu tranh giành lấy hạnh phúc của Tấm.
+ Tấm về giỗ cha, bị mẹ con Cám dụ trèo lên cây cau, sau đó chặt gốc cau. Tấm ngã chết, Cám được đưa vào cung thay thế.
+ Tấm chết hóa thành chim vàng anh, báo hiệu sự có mặt trên đời. Mẹ con Cám giết thịt chim
+ Tấm hóa thành cây xoan đào, tỏa bóng mát cho nhà vua. Mẹ con Cám chặt cây, đốt làm khung cửi.
+ Tấm hóa thành con ác trên khung cửi, trực tiếp tuyên chiến với kẻ thù . Mẹ con Cám đốt khung cửi.
+ Tấm hóa thành quả thị, ngày ngày chui ra quét dọn, nấu cơm cho bà hàng nước, sau đó gặp lại nhà vua và trở về làm hoàng hậu. Mẹ con Cám ngỡ ngàng và chết một cách thảm khốc
→ Chặng 2, mâu thuẫn xung đột dữ dội, một mất một còn xoay quanh ngôi vị hoàng hậu
→ Tấm luôn trong thế chủ động, đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt. Tấm không còn khóc, không còn Bụt giúp đỡ, những lần hóa thân của Tấm cho thấy sự chiến đấu không khoan nhượng, sức sống mãnh liệt không thể tiêu diệt của cái thiện.
→ Mâu thuẫn cũng được giải quyết theo hướng thiện thắng ác.
⇒ Tấm từ một cô gái nhu mì, yếu đuối trở nên mạnh mẽ, can đảm, kiên cường đấu tranh để giành lấy hạnh phúc, diệt trừ cái ác. Mẹ con Cám là những kẻ tham lam, độc ác truy sát Tấm đến tận cùng.
2. Bản chất của mâu thuẫn, xung đột
– Xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình phụ hệ: Dì ghẻ – con chồng
+ Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ
+ Tấm và dì ghẻ là con chồng dì ghẻ
→ Đây là mâu thuẫn phổ biến trong xã hội.
– Phản ánh mâu thuẫn xã hội giữa cái thiện và cái ác.
+ Tấm đại diện cho các nhân vật ở tuyến thiện: Hiền lành, nhu mì, đau khổ, tội nghiệp luôn nhận được sự giúp đỡ, dám đứng lên chống lại cái ác
+ Mẹ con Cám lười biếng, nhẫn tâm, độc ác
→ Thể hiện quan niệm của nhân dân ở hiền gặp lành, ác giả ác báo và ước mơ về một xã hội công bằng.
3. Hành động trả thù của Tấm
– Tấm trở về cung, làm hoàng hậu và trẻ đẹp hơn trước
– Cám ngỡ ngàng, khát khao được đẹp như chị. Tấm bày cách cho Cám xuống hố, dội nước sôi cho trắng đẹp rồi chết
– Mẹ Cám ăn lọ mắm làm từ thịt con gái, kinh khiếp lăn đùng ra chết.
→ Hành động này phù hợp với quá trình trưởng thành trong đấu tranh của Tấm: Từ hiền lành cam chịu, yếu đuối đến mạnh mẽ quyết liệt chống lại cái ác và cuối cùng ra tay trừng phạt cái ác
→ Phù hợp với quan niệm của nhân dân: Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo
4. Đặc sắc nghệ thuật
– Xây dựng những mâu thuẫn, xung đột theo hướng tăng tiến
– Xây dựng hai tuyến nhân vật thiện ác rõ rệt
– Sử dụng những mô típ truyền thống: mô típ vật duy nhất còn sót lại (con cá, chiếc giày, quả thị, trầu têm cánh phương), mô típ hóa thân,…
– Sử dụng các yếu tố thần kì: nhân vật thần kì (Bụt), vật thần kì (Xương cá bống, bầy chim sẻ), những lần hóa thân của Tấm.
I.I. Kết bài
– Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện cổ tích Tấm Cám
– Mở rộng: Kiểu truyện Tấm Cám có mặt ở hầu hết các truyện kể dân gian ở các nước như “Cô bé Lọ lem”, “Cô Tro bếp”. Hình tượng cô Tấm và cốt truyện Tấm Cám cũng xuất hiện nhiều ở các loại hình nghệ thuật khác như truyện thơ, trèo. Từ đó cho thấy sự hấp dẫn và phổ biến của kiểu truyện Tấm Cám.
Đề bài: Phân tích truyện cổ tích Tấm Cám
Bài văn mẫu
Tấm Cám là một trong những truyện cổ tích đặc sắc nhất trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Tác phẩm kể về cuộc đời và quá trình đấu tranh của Tấm để giành lại sự sống, hạnh phúc cho bản thân. Qua tác phẩm còn thể hiện những quan điểm, triết lí của ông cha ta.
Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ, Tấm sớm mồ côi và sống cùng dì ghẻ và cô em tên Cám. Tấm luôn bị đày ải, hành hạ, còn Cám chỉ biết rong chơi. Tấm chăm chỉ làm lụng, hiền lành được bụt giúp đỡ và trong ngày hội đã trở thành hoàng hậu. Đến ngày giỗ cha nàng về nhà thì bị mẹ con Cám bức hại, và từ đó nàng phải trải qua hết kiếp hóa thân này đến kiếp hóa thân khác mới được trở về sống cùng nhà vua, hưởng hạnh phúc trọn đời. Còn mẹ con Cám bị trừng phạt thích đáng.
Ta có thể thấy mâu thuẫn chính, chủ yếu trong tác phẩm là mâu thuẫn mẹ ghẻ, con chồng. Ông cha ta vẫn thường có câu: “Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”, đây là mâu thuẫn cơ bản dẫn đến hàng loạt các xung đột biến cố phía sau. Từ đó nâng lên thành xung đột giữa thiện – ác, tốt – xấu mang ý nghĩa xã hội to lớn.
Trước hết mâu thuẫn nảy sinh là do sự đối xử bất công của dì ghẻ với Tấm. Hàng ngày Tấm phải làm lụng vất vả từ sáng đến tối, ngày nàng chăn trâu, cắt cỏ, đêm thì giã gạo, xay thóc,… cô phải luôn chân luôn tay làm việc, không có lúc nào nghỉ ngơi. Còn Cám lại suốt ngày rong chơi, hái hoa bắt bướm. Và đỉnh điểm của sự việc là khi Tấm bị Cám lừa lấy hết giỏ tép vào giỏ mình về nhà trước nhận phần thưởng là chiếc yếm đỏ. Chiếc yếm đỏ không đơn thuần chỉ là một phần thưởng mà nó còn tượng trưng cho sự trưởng thành, là khát khao của cô gái mới lớn. Mẹ Cám hoàn toàn biết sự thật nhưng vẫn mặc kệ trao thưởng cho Cám, Tấm bất lực chỉ biết ngồi khóc. Như vậy, Tấm trước hết bị Cám tước đoạt quyền lợi về mặt vật chất. Ông bụt xuất hiện, ban thưởng cũng là bù đắp cho số phận của những người con gái bị lừa gạt. Cá bống xuất hiện làm bạn, xua tan những cô đơn, tủi cực của Tấm. Nhưng đồng thời, chính lúc này Tấm phải đối diện với lần lừa gạt thứ hai. Cá bống là người bạn duy nhất tâm tình cùng Tấm, Tấm “nhường cơm sẻ áo” cho người bạn ấy. Mẹ con Cám khi biết chuyện đã lừa Tấm “đi chăn trâu đồng xa, chớ chăn gần nhà người ta bắt mất trâu” để giết cá bống. Không chỉ tước đoạt phần thưởng vật chất, mẹ con Cám còn tước đoạt niềm vui tinh thần của Tấm. Mâu thuẫn tiếp tục đẩy lên cao hơn, trong ngày hội mẹ Cám trộn một đấu thóc với một đấu gạo, bắt Tấm nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo nhằm ngăn Tấm không được hưởng niềm vui tinh thần – dự hội cùng mọi người. Mẹ con Cám hết lần này đến lần khác đối xử bất công với Tấm, ngăn cản niềm vui, hạnh phúc của Tấm. Đó là biểu hiện của sự độc ác, tàn nhẫn và bất công.
Trước sự đối xử bất công, Tấm chỉ có duy nhất một phản ứng chính là ôm mặt không, cô chỉ mới dừng lại ở việc ý thức được sự đau khổ, chứ chưa có hành động quyết liệt để thoát nỗi đau khổ đó. Tâm luôn cam chịu, nhẫn nhục một cách thụ động. Và để giải quyết những nỗi ấm ức, bất hạnh của Tấm, Bụt xuất hiện sau mỗi tiếng khóc của cô, Bụt ban cho Tấm: cá bống – làm bạn, quần áo – dự hội, đây đồng thời cũng là cơ hội để Tấm có được hạnh phúc. Và kết quả cô đã trở thành hoàng hậu. Đây là motip quen thuộc trong văn học dân gian thể hiện quan điểm “Ở hiền gặp lành” của nhân dân ta.
Nhưng nếu câu chuyện mới chỉ dừng lại ở đó thì Tấm Cám sẽ nhòe mờ trong vô vàn truyện cổ tích có motip tương tự, câu chuyện tiếp tục phát triển với những mâu thuẫn mới xuất hiện. Khi trở thành hoàng hậu, nàng vẫn giữ trọn vẹn đạo hiếu, ngày giỗ cha trở về nhà làm giỗ. Và cũng chính từ đây hàng loạt biến cố trong đời nàng tiếp tục xảy ra. Dì ghẻ bảo Tấm trèo lên cây hái cau. Dì ghẻ ở dưới chặt cây, Tấm thấy động, hỏi thì dì ghẻ bảo đuổi kiến, nhưng kì thực mẹ Cám đang chặt cây cau, cây đổ, Tấm chết và Cám vào cung thay chị làm hoàng hậu. Như vậy Tấm bị cướp đoạt mạng sống và ngôi vị, đây là sự tước đoạt cả về quyền lợi vật chất lẫn tinh thần. Nhưng ở giai đoạn này không còn là cô Tấm cam chịu, Tấm không cam lòng và trở về hoàng cung với nhiều hình dạng khác nhau: chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi và đều bị mẹ con Cám sát hại dã man. Qua hai chặng từ Tấm bị đối xử bất công đến bị mẹ con Cám hại chết cho thấy mâu thuẫn giữa hai tuyến nhân vật càng ngày càng quyết liệt hơn, gay cấn hơn.
Không còn là một nàng Tấm cam chịu trước những bất công, ở chặng thứ hai này, Tấm đã vùng lên phản kháng, đấu tranh một cách quyết liệt. Bởi Tấm không chỉ bị tước quyền lợi vật chất, tinh thần mà còn bị cướp đi cả mạng sống hết lần này đến lần khác, nó đã quá giới hạn chịu đựng của con người. Bởi vậy nàng phải vùng lên đấu tranh, quay trở về tuyên chiến với Cám bằng lời đe dọa: “Cót ca cót két/ Lấy tranh chồng chị/ Chị khoét mắt ra”. Không chỉ tuyên chiến mà Tấm còn trừng trị Cám một cách thích đáng và quay lại ngôi vị hoàng hậu hưởng hạnh phúc bên nhà vua. Câu chuyện đến đây còn thêm nhiều ý nghĩa, đó là bài học về “Ác giả ác báo”, khẳng định cái thiện sẽ luôn giành chiến thắng. Đồng thời qua quá trình đấu tranh của Tấm cũng cho thấy hạnh phúc chỉ thực sự bền lâu khi mỗi chúng ta biết đấu tranh và giữ lấy nó.
Thành công của tác phẩm không chỉ ở nội dung đặc sắc mà còn ở hình thức nghệ thuật. Tấm Cám xây dựng tình huống truyện hấp dẫn, giàu kịch tính theo chiều tăng tiến. Sử dụng linh hoạt các yếu tố thần kì: ông bụt là nhân vật trợ giúp; sự góa thân liên tiếp của Tấm thể hiện ý thức đấu tranh giành hạnh phúc. Nhân vật không đơn nhất một chiều mà có sự phát triển tính cách.
Tấm Cám là câu chuyên hấp dẫn, đặc sắc ở cốt truyện lôi cuốn, có sự phát triển. Qua tác phẩm các tác giả dân gian gửi gắm những quan niệm sâu sắc: Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Đồng thời truyện cũng phản ánh những mâu thuẫn xung đội trong gia đình thời cổ.
Đề bài: Phân tích truyện cổ tích Tấm Cám
Bài văn mẫu
Dù là truyện loài vật, thần kì hay thế tục thì truyện cổ vẫn mang yếu tố chính là xuất hiện và phản ánh những sự việc xảy ra trong xă hội loài người.
Truyện cổ Tấm – Cám thuộc loại truyện thần kì kể về dời cô Tấm, một có bé bất hạnh phải chịu nhiều nỗi đắng cay, chua xót nhưng được tiên, bụt.. phò trợ nên đã vượt qua và đạt được hạnh phúc trong đời.
Truyện tuy có những chi tiết thần kì giữ vai trò mở nút thắt trong từng tình huống, nhưng trên tất cả là thề hiện ước mơ cháy bỏng của nhân dân lao động về hạnh phúc gia đình, về lẽ công bằng xã hội, về phẩm chất và năng lực tuyệt vời của con người.
Đoạn đầu truyện, dân gian giới thiệu các nhân vật chính và hoàn cảnh sống của họ. Tấm là con vợ cả, Cám là con vợ lẽ. Mẹ Tấm đã chết từ hồi Tấm còn bé. Sau đó mấy năm thì cha Tấm cũng chết. Tấm ở với dì ghẻ là mẹ của Cám.
Lời giới thiệu không chỉ gọn, rõ mà còn gợi mở số phận đắng cay của nhân vật Tấm với người đọc. Đúng vậy, tục ngữ – ca dao cũng đã từng nhắc nhở:
Mấy đời bánh đúc có xương,
Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng
Cám thì được mẹ nuông chiều, được ăn trắng mặc trơn. Ngược lại thì Tấm bị dì ghẻ bắt làm đổ mồ hôi, sôi nước mắt mà không hết việc.
Sau đoạn văn giới thiệu, tình huống thứ nhất xuất hiện do mụ dì ghẻ rất cay nghiệt bày ra. Mụ mang ra hai cái giỏ đưa cho hai chị em đi bắt tôm bắt tép, và ra điều kiện rằng: Hễ đứa nào bắt được đầy giỏ thì thưởng cho một cái yểm đỏ.
Một điều kiện, một lời hứa khá là công bằng, chẳng bắt ép con ghẻ, cũng chẳng thiên vị con ruột. Đứa nào nhiều hơn thì được thưởng. Thế thôi! Nhưng ai biết được mụ đã nói gì với Cám, con gái cưng của mụ? Tất nhiên trong sinh hoạt hàng ngày mụ dư biết Tấm đã quen với việc mò tôm bất tép, còn Cám thì không. Chỉ một buổi thôi, Tấm đã bắt được một giỏ đầy. Thấy vậv, Cám mới bảo: Chị Tấm ơi, chị Tấm! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về dì mắng.
Về hình thức thì câu nói có vần có điệu khiến lời kể hấp dẫn hơn. về nội dung thoạt nghe thì hữu lí, nhưng nghĩ lại cho cùng thì ẩn chứa sau lời nhắc nhở có chút đe dọa kia là một mưu toan. Tin là thật nên Tấm làm theo, còn Cám thì thừa dịp đó trút hết tôm tép vào giỏ của mình rồi ba chân bôn cẳng chạy về nhà.
Tất cả những chi tiết tạo nên tình huống trên giúp người đọc thấy rõ đặc tính của mỗi nhân vật, ai là người chân thật, ai là kẻ dối trá và lừa đảo.
Trước tình cảnh đó, cô Tấm chỉ còn biết khóc. Thế là Bụt xuất hiện. Hiện thực (Tấm) và siêu nhiên thần kì (Bụt) giao hóa để tạo nên tình huổng mới. Nếu không có Bụt xuất hiện thì hướng phát triển của truyện theo chiều hiện thực (chẳng hạn Tấm về nhà, bị mụ dì ghẻ đánh mắng và đuổi đi…). Có Bụt xuất hiện Bụt mới chỉ cho Tấm cách nuôi con cá bống duy nhất còn sót lại trong giỏ. Và bống cũng trở thành con cá thần kì nghe được tiếng người gọi theo lời Bụt dặn để trồi lên…
Bống bống, bang bang,
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta,
Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người
Thế giới siêu nhiên thần kì sống giao hòa với con người bắt đầu từ tình huống này. Tấm làm theo lời Bụt nuôi cá bống ở giếng trong vườn nhà, mỗi ngày gặp nhau bằng câu Bụt dặn. Với người tin thế giới tâm linh thì đó là câu thần chú. Với người bình thường thì đó là câu mật khẩu để nhận ra người cùng phe dù không biết mặt mũi của nhau. Nhờ vậy mà Tấm với bông sống và gập gỡ nhau trong một thời gian dài.
Nhưng sự việc không qua được cặp mắt soi mói, đầu óc nghi ngờ của mụ dì ghẻ. Mụ sai Cám đi rình, học thuộc mấy câu trên, rồi thực hiện âm mưu đen tối của mình. Mụ sai Tấm chăn trâu, phải chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu. Tấm làm theo. Tới chiều về, Tấm mang cơm ra cho bống như mọi khi. Gọi mãi mà không thấy bống, cuối cùng chỉ thấy một cục máu nổi lên mặt nước. Chi tiết kì ảo ấy khiến người đọc có cảm giác rờn rợn. Tính độc ác tăng dần trong con người của hai mẹ con mụ dì ghẻ. Cái chết đã xuất hiện, dù là cái chết của con cá bống. Mà cá bống, trong trường hợp này lại là một phần của lực lượng siêu nhiên bởi có sự dẫn dắt, chỉ bảo của Bụt, rõ hơn là tình thương, là sự giúp đỡ cùa Bụt đối với Tấm – cô bé mồ côi, bất hạnh. Bởi vậy, khi nghe Tấm vừa khóc vừa trình bày sự việc, Bụt đã cho biết là bống đã bị người ta ăn thịt và chi cho cách sử dụng xương của bống. Tấm lục lọi tìm xương của bông khắp vườn, nhưng không thấv. Thấy vậy, một con gà bảo Tấm: Cục ta cục tác! Cho ta nắm thóc, ta bới xương cho.
Tấm làm theo yêu cầu của gà, rồi theo gà vào bếp. Lấy được xương bống, Tấm cho vào bốn cái lọ và chôn dưới bốn chân giường theo lời Bụt dặn.
Chắc chắn Tấm chẳng biết ai ăn thịt bống, nhưng qua đoạn văn thì siêu nhiên (ở đây là Bụt) biết, chỉ cho Tấm cách dùng xương của bống, và sắp xếp cho gà gặp và mách bảo cho Tấm. Gà nói được tiếng người hay người nghe được tiếng gà cũng do quyền năng của siêu nhiên. Quyền năng ấy là điều bí ẩn, cũng như việc chôn bốn lọ đựng xương xuống dưới bốn chân giường để làm gì, sau này chúng thành nhừng thứ gì thì con người chẳng ai biết. Nhưng người đọc nhận ra sự liên can giữa bốn lọ xương với Tấm khi tự đặt ra câu hỏi: Tại sao không chôn bốn lọ xương ây ở một nơi nào khác mà lại chôn dưới bốn chân giường của Tấm? Chính những chi tiết ấy khèu gợi tính tò mò của người đọc khiến họ không muốn đứt câu chuyện.
Truyện được kể tiếp về những ngày hội ở kinh đô. Không muôn Tấm cùng đi, mụ dì ghẻ trộn hai đấu thóc và gạo vào nhau, bảo Tấm lựa hai loại để riêng ra rồi hãy đi. Bụt lại giúp Tấm hai câu thần chú gọi chim sẻ:
Rặt rặt xuống nhặt cho tao
Ăn mất hạt nào, thì tao đánh chết.
Không có quần áo đẹp đi dự hội, Bụt bảo Tấm đào bôn cái lọ đã chôn dưới bốn chân giường lên. Xương của bống đã hóa thành lễ phục, đỏi giày thêu, con ngựa và yên ngựa. Từ phương tiện để chưng diện, di chuyển ấy Tấm nhanh chóng đi dự lễ hội. Ngựa phóng qua chỗ lội, Tấm bị rơi mất một chiếc giày. Hai chú voi đẫn đầu đoàn xa giá của vua đến dự hội tới đấy đều kêu rống lên, không chịu đi tiếp. Nhà vua phải sai quân hầu tìm hiểu thì vớt được chiếc giày. Nhà vua nhìn kĩ chiếc giày và thầm bảo: Chà, một chiếc giày thật xinh! Người đi giày này hẳn phải là một trang tuyệt sắc. Từ chiếc giày ở đây trở lại đầu truyện, những chi tiết tạo nên những tình huống giúp Tấm vượt qua thử thách đều do Bụt, và bống là nhân vật liên can. Chính nhờ chiếc giày được biến hóa từ xương của bông mà Tấm được vua sai đoàn thị nữ rước nàng vào cung, dù trước đó khi gặp hai mẹ con Cám trong buổi thử giày nàng đã bị mụ dì ghẻ bĩu rằng: Chuông khánh còn chả ăn ai, nữa là mảnh chinh vứt ngoài bờ tre. Từ đây trở về sau, các chi tiết chính tạo nên các tình huống chính đều liên can trực tiếp đến sinh mạng của Tâm, và mưu mô ác độc của mụ dì ghẻ và Cám.
Tuy sống sung sướng trong hoàng cung, Tấm vẫn không quên ngày giỗ cha. Chi tiết ấy cho người đọc nhận ra Tấm không chỉ là cô gái thật thà mà còn là người con hiếu thảo. Nàng xin phép nhà vua về phụ với dì ghẻ làm cỗ cúng cha thì bị mụ dì ghẻ lợi dụng lòng hiếu thảo ây sai nàng trèo lên cây cau xé lấy một buồng để cúng bố để đốt cây giết nàng. Mụ còn đưa Cám vào cung thay thế vai trò của chị. Nhà vua thì trong bụng không vui, nhưng vẫn không nói gì cả.
Cái chết của Tấm nảy sinh ra một chuỗi tình huống nhỏ tiếp theo. Tấm chết, hóa làm chim vàng anh, bay thẳng về cung nhắc nhở Cám:
Phơi áo chồng tao, phai lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao.
Chim vàng anh được vua vô cùng yêu qúy, cho ở lồng vàng. Cám biết được, nghe lời mẹ bắt vàng anh làm thịt nấu ăn và vứt lông chim ra vườn. Lông chim hóa ra hai cây xoan đào được vua cho mắc võng và ngày nào cũng ra nám hóng mát. Mụ dì ghẻ và Cám lén chặt cây làm khung cửi. Cứ mỗi lần ngồi dệt và Cám nghe lời đe dọa.
Cót ca cót két,
Lấy tranh chồng chị,
Chị khoét mắt ra
Sợ quá, Cám nghe lời mẹ đốt khung cửi rồi sai người mang tro đổ bên vệ đường cách xa hoàng cung. Từ đống tro mọc lên một cây thị chỉ đậu được một quả khi đến mùa, hương thơm ngát tỏa ra khấp nơi. Bà lão hàng nước gần đó thấy bèn xin:
Thị ơi thị, rụng vào bị bà, bà đem bà ngửi, chứ bà không ăn.
Về với bà lão hiền từ, Tấm từ quả thị chui ra giúp bà dọn dẹp nhà cửa, múc nước, nấu cơm. Bà lão thấy ]ạ bèn rình xem. Khi thấy cô gái xinh đẹp thì bà ôm choàng lấy, rồi xé vụn võ thị Từ đó Tấm ở với bà hàng nước, hai người thương yêu nhau như hai mẹ con.
Nhân một chuyến vi hành, thấy quán nước sạch sẽ và tươm tất nên nhà vua ghé vào. Bà lão mang cau trầu và nước dáng vua. Thấy miếng trầu têm cánh phượng, vua nhớ tới miếng trầu Tấm têm dâng vua ngày trước, bèn hỏi bà lão. Nhờ vậy mà Tấm và vua đoàn tụ.
Một chuỗi nguyên nhân và kết quả, một chuỗi tình huống nhỏ xuất phát từ cái chết, từ xương thịt của Tấm. Từ chim vàng anh, cây gỗ xoan đào, khung cửi, cây thị đều có gốc từ xương thịt của Tấm mà ra. Nhưng chỉ từ cây thị, quả thị Tấm mới hóa kiếp lại thành người bởi Tấm đã trả xong những món nợ trong quá khứ mà đạo Phật gọi là nghiệp (nghiệp báo) nay ở vào hoàn cảnh gặp được người lành.
Nếu ở truyện cổ Thạch Sanh – Lí Thông, Thạch Sanh thì tha nhưng Trời thì trừng phạt, cả hai mẹ con Lí Thông bị sét đánh chết thì ở truyện này Tấm lại trả thù, giết chết Cám. Có người cho rằng Tấm nhẫn tâm. Nhưng suy cho cùng thì mẹ con Cám đã tạo nghiệp ác quá nhiều, giết mẹ con Cám là Tấm muôn xóa sạch nghiệp ác ấy, để những người khác không phải chịu hành vi độc ác của mẹ con Cám nếu cả hai còn sống. Cái chết của mẹ con Cám hợp với quy luật: Gieo gió thì gặp bão!
Truyện cổ thần kì Tấm – Cám kể lại số kiếp long đong trong một phần đời của Tấm kể từ ngày mất mẹ, mất cha, và phải sống với mụ dì ghẻ và đứa em gái cay nghiệt độc ác. Qua nghệ thuật hư cấu truyện với những chi tiết thần kì, phần đời ấy, sự chuyển biến hình tượng của Tấm chính là sự đấu tranh giữa điều thiện với cái ác, là sự mâu thuẫn và xung đột trong gia đình dưới chế độ mẫu hệ. Từ một cô bé mồ côi bị hãm hại phải chết đi sống lại nhiều lần, cuối cùng Tấm vẫn giữ ngôi hoàng hậu đã thể hiện sức mạnh của điều thiện trước cái ác.
Đề bài: Dàn ý Cảm nghĩ về truyện cổ tích Tấm Cám
Dàn ý mẫu
I. Mở bài
– Giới thiệu về truyện cổ tích Tấm Cám: Là truyện cổ tích thần kì kể về cuộc hành trình kiếm tìm hạnh phúc gian nan của Tấm
– Trình bày khái quát những suy nghĩ về câu chuyện: Tấm Cám cho chúng ta những bài học cuộc sống, nuôi dưỡng những khát khao và khiến ta có thái độ đánh giá đúng đắn về thiện – ác.
I.. Thân bài
1. Nhân vật và những mâu thuẫn xung đột của nhân vật
a. Nhân vật
– Nhân vật Tấm:
+ Là cô bé mồ côi mẹ từ bé, sống cùng dì ghẻ và cô em gái cùng cha khác mẹ.
+ Chịu sự đối xử bất công, độc ác của dì ghẻ, sự ganh ghét, bắt nạt của Cám, phải làm lụng vất vả suốt ngày .
– Mẹ con Cám:
+ Cám: lười biếng, được mẹ nuông chiều chơi dông dài
+ Hai mẹ con Cám mưu mô, thủ đoạn, dùng lời ngon ngọt lừa dối, bóc lột, tước đoạt những niềm vui vật chất và tinh thần của Tấm.
→ Thể hiện sự đồng cảm, xót thương cho thân phận của Tấm, đồng thời lên án, bất bình trước cách đối xử của mẹ con Cám đối với Tấm
b. Những mâu thuẫn xung đột của nhân vật.
– Xuất phát từ mối quan hệ gia đình giữa Tấm và dì ghẻ: Mâu thuẫn dì ghẻ con chồng.
– Xuất phát từ mối quan hệ giữa Tấm và Cám: Mâu thuẫn con chung – con riêng.
– Xuất phát từ thân phận và những hành động, cách đối xử của mẹ con Cám với Tấm: Mâu thuẫn thiện – ác.
→ Những xung đột đó trở thành sườn của câu chuyện, mâu thuẫn ngày càng tăng tiến, xung đột ngày càng quyết liệt, người đọc hồi hộp chờ đợi diễn biến và kết quả của cuộc đấu tranh ấy.
2. Diễn biến mâu thuẫn xung đột giữa Tấm và mẹ con Cám
a. Những mâu thuẫn xoay quanh hơn thua về vật chất và tinh thần.
– Cám lười biếng nhưng muốn cướp phần thưởng là tấm lụa đào nên đã lừa Tấm lấy hết giỏ tép. Tấm ngồi khóc, được Bụt hiện lên tặng cho con cá bống
– Mẹ con Cám muốn diệt trừ người bạn duy nhất của Tấm, đã lừa Tấm đi trăn trâu ở cánh đồng xa, ở nhà giết thịt cá bống. Tấm khóc, bụt hiện lên mách Tấm chôn xương cá vào bốn chân giường.
– Mẹ con Cám không muốn cho Tấm đi xem hội, đã trộn thóc lẫn gạo, bắt Tấm nhặt riêng ra. Tấm khóc. Bụt hiện lên sai chim sẻ xuống giúp đỡ, cho Tấm quần áo, giày, xe ngựa đi trẩy hội. Tấm đánh rơi chiếc giày và được làm hoàng hậu.
⇒ Bày tỏ những cảm nhận về nhân vật thông qua những mâu thuẫn trên:
+ Thương xót cho số phận cô Tấm, hiền lành, chịu khó, nhu mì. Ở chặng đường này, Tấm là cô gái quá mỏng manh, yếu đuối, không làm chủ được cuộc đời, chỉ biết khóc khi bị ngược đãi, hành hạ.
+ Bất bình trước những hành động ngược đãi, những thủ đoạn thủ đoạn cướp đoạt trắng trợn vật chất và tinh thần của mẹ con Cám
⇒ Bày tỏ những cảm nhận về ý nghĩa rút ra từ mâu thuẫn, xung đột.
+ Sự xuất hiện của các chi tiết kì ảo: Ông bụt, con gà biết nói, xương cá bống, chim sẻ là sự bênh vực, tương trợ của nhân dân khi đứng trước hoàn cảnh éo le của Tấm.
+ Thể hiện ước mơ về một xã hội công bằng, ở hiền gặp lành.
b. Xung đột một mất một còn xoay quanh ngôi vị hoàng hậu.
– Xung đột lúc này trở nên gay gắt, quyết liệt, không còn là mâu thuẫn gia đình mà là mâu thuẫn xã hội:
+ Mẹ con Cám đuổi cùng giết tận hòng chiếm đoạt vinh hoa phú quý, không cho Tấm con đường sống.
+ Tấm có sự phát triển trong hành động, phản kháng, đấu tranh một cách mãnh liệt để giành và giữ lấy hạnh phúc vớn thuộc về mình
– Những lần hóa thân của Tấm:
+ Tấm về ăn giỗ cha, mẹ con Cám lừa Tấm trèo lên cây cau, sau đó chặt gốc cau sau đó cướp ngôi hoàng hậu.
+ Tấm hóa thành chim vàng anh báo hiệu cho sự trở về của mình “giặt áo chồng tao thì giặt cho sạch…chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao”. Mẹ con Cám giết thịt chim vàng anh.
+ Tấm hoá thành cây xoan đào tỏa bóng mát cho nhà vua. Mẹ con Cám chặt cây làm khung cửi.
+ Tấm hóa thành con ác trên khung cửi, trực tiếp tuyên chiến với kẻ thù “Cót ca cót két, lấy tranh chồng chi, chị khoét mắt cho”. Mẹ con Cám sợ hãi đem đốt khung cửi.
+ Tấm hóa thành quả thị, hằng ngày bước ra giúp bà hàng nước quét dọn, têm trầu, gặp lại nhà vua và trở về cung làm hoàng hậu.
⇒ Tấm đã có sự trưởng thành, từ bị động sang chủ động, từ yếu đuối, nhu mì trở nên kiên cường, mạnh mẽ. Người đọc không còn thấy thương hại, đồng cảm cho Tấm mà cảm thấy hả hê, vui mừng vì sức sống, sự chiến đấu không khoan nhượng của Tấm trước những âm mưu thâm độc của mẹ con Cám. Sau đó là sự cổ vũ, niềm tin về chiến thắng bất diệt của cái thiện trước cái ác.
⇒ Thể hiện thái độ căm phẫn, bất bình trước những hành động thâm độc, đuổi cùng giết tận của mẹ con Cám
⇒ Ý nghĩa của những lần hóa thân của Tấm: Thể hiện sức sống bất hiệt của cái thiện, ước mơ về một lẽ sống công bằng của nhân dân ta “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”
– Hành động trả thù của Tấm
+ Trước sự ngỡ ngàng và khát khao được xinh đẹp như chị, Tấm đã để Cám xuống hố, rội nước sôi cho trắng đẹp rồi chết
+ Dì ghẻ ăn mắm làm từ thịt con gái cũng kinh khiếp lăn ra chết.
⇒ Có ý kiến đồng tình, có ý kiến phản đối kết thúc này bởi nó mâu thuẫn với sự hiền lành, thùy mị của Tấm
⇒ Bày tỏ sự đồng tình với kết thúc này bởi: tấm là nhân vật chức năng, cô có trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ của nhân dân giao phó là trừng trị tận gốc cái ác. Kết truyện phù hợp với mong muốn của nhân dân.
3. Nghệ thuật
– Cốt truyện li kì, hấp dẫn
– Sử dụng các yếu tố kì ảo
– Xây dựng những mâu thuẫn xung đột có sự tăng tiến, nhân vật có hai tuyến thiện ác rõ ràng.
I.I. Kết bài
– Khái quát lại những cảm nhận về truyện cổ tích Tấm Cám
– Thể hiện thái độ ca ngợi đối với Tấm, lên án, phê phán mẹ con Cám.
– Rút ra những bài học từ câu chuyện: Hạnh phúc có ngay chốn trần gian, con người hãy đấu tranh để giành lấy hạnh phúc thuộc về mình.
Đề bài: Cảm nghĩ của em về truyện cổ tích Tấm Cám.
Bài văn mẫu
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam vô cùng phong phú, giàu có. Nhưng có lẽ để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng người đọc chính là truyện cổ tích Tấm Cám. Tác phẩm đã cho thấy những vẻ đẹp khác nhau của cô Tấm: thảo hiền, chăm chỉ,… và phẫn nộ trước sự độc ác của mẹ Cám. Tác phẩm để lại dấu ấn không phai mờ trong lòng người đọc.
Trước hết tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc về một cô Tấm hiền lành, chăm chỉ, ngoãn ngoãn nhưng số phận bất hạnh, chịu nhiều bất công. Tấm là con người vô cùng chăm chỉ, lương thiện, đôn hậu: công việc trong nhà một tay Tấm làm lụng, quán xuyến, Cám chỉ biết rong chơi lêu lổng. Cô cần mẫn nên khi mẹ Cám treo phần thưởng là chiếc yếm đỏ bằng sự nhanh nhẹn khéo léo cô đã nhanh chóng bắt đầy giỏ tép. Không chỉ vậy, có người bạn là bống cô còn nhường cơm cho bống, nuôi bống lớn lên,… Đọc đến đây ai lại không xúc động trước tấm lòng lương thiện của cô trước những sinh linh bé nhỏ. Nhưng vẫn như ông cha ta xưa vẫn quan niệm, người hiền lành ắt sẽ có được hạnh phúc, nàng Tấm đã lấy được vua, trở thành hoàng hậu. Đây là phần thưởng xứng đáng cho tấm lòng lương thiện, trong sáng của nàng.
Nhưng cuộc đời Tấm lại chịu nhiều bất hạnh, bất công. “Mẹ Tấm chết từ hồi Tấm mới biết đi”, như vậy ngay từ nhỏ Tâm đã không được sống trong tình yêu thương đủ đầy của cả cha và mẹ. Và đau xót hơn cô phải sống chung với dì ghẻ, một người vô cùng độc ác. Mụ hành hạ, bắt Tấm làm việc từ sáng đến đêm. Còn Cám thì lừa Tấm để trút hết giỏ tép, tranh phần thưởng với Tấm. Phần thưởng cái yếm đào bị mất, Tấm khóc không chỉ vì bị mất phần thưởng mà còn khóc bởi một chút tình cảm, hơi ấm gia đình, sự công bằng cũng bị cướp mất đi. Không dừng lại ở đó Tấm còn bị mất cả người bạn thân thiết – cá bống. Số phận nàng Tấm vô cùng bất hạnh, bị tước đoạt mọi quyền lợi, tước đoạt hết cả vật chất lẫn tinh thần. Tấm chính là đại diện tiêu biểu cho số phận của những con người thấp cổ bé họng trong xã hội xưa.
Đau đớn và xót xa hơn Tấm còn bị mẹ con Cám tước đi mạng sống hết lần này đến lần khác, nhưng nàng không cam chịu mà vùng lên đấu tranh. Cô hóa thành chim vàng anh, bay vào cung vua, nhắc nhở, cảnh cáo Cám: “Giặt áo chồng tao thì giặt cho sạch, phơi áo chồng tao, thì phơi bằng sao, chới phơi bờ rào, rách áo chồng tao”. Bị giết hại nàng biến thành cây xoan đào, thành khung cửi, thành quả thị. Nàng kiên cường, bất khuất không chịu khuất phục trước cái xấu, cái ác. Hành trình đó cho thấy quá trình đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng của cái thiện với cái ác, đồng thời những lần hóa thân của Tấm cũng cho thấy sức sống mãnh liệt của cái thiện, nó không thể bị cái ác tiêu diệt. Sau quá trình đấu tranh không ngừng nghỉ, Tấm đã trở về, lấy lại hạnh phúc của mình và trừng trị những kẻ độc ác. Hành trình đấu tranh của Tấm cũng cho thấy một chân lí: hạnh phúc chỉ có được khi ta biết dũng cảm dành và giữ chúng. Hạnh phúc trở về với Tấm chính là món quà quý giá cho tấm lòng thủy chung, cho sự dũng cảm của cô.
Bên cạnh nhân vật Tấm hiền thục, thảo hiền mang nhiều phẩm chất đẹp đẽ thì phía bên kia lại có tuyến nhân vật vô cùng độc ác, nhẫn tâm chính là mẹ con nhà Cám. Cám là kẻ lười biếng, chỉ ham chơi, không bao giờ giúp đỡ những công việc trong gia đình giúp Tấm. Không chỉ vậy Cám còn là một kẻ xảo trá, lừa Tấm hụp nước cho sâu rồi cướp mất giỏ tép Tấm chăm chỉ bắt được. Chính Cám là người cướp đi phần thưởng quý giá đầu tiên của Tấm. Cám còn nghe lời mẹ, gây ra bao nhiêu điều độc ác với Tấm, thậm chí giết Tấm. Lòng dạ của Cám vô cùng thâm hiểm.
Và người độc ác nhất phải kể đến chính là mụ dì ghẻ, mụ là chính là đầu mối gây nên mọi đau khổ cho Tấm. Chính mụ dì ghẻ đã dung thứ để Cám lộng hành, chính mụ ta bắt Tấm làm việc ngày đêm, không chỉ vậy mụ còn đang tâm giết Bống – người bạn duy nhất của Tấm. Mụ lần lượt cướp hết đi niềm vui tinh thần của Tấm, ngay cả nhu cầu đi xem hội mụ cũng tìm cách tước đoạt nốt. Mụ quả là một người phụ nữ xấu xa.
Những tưởng sau khi Tấm làm hoàng hậu, mụ ta sẽ không tìm cách hại Tấm nữa. Nhưng không phải vậy, chặng sau của câu chuyện tội ác của mụ còn nhân lên gấp bội. Mụ là người bày mưu để Tấm về và giết chết Tấm với kế sách chị chết, em thay và quả thực ý định của mụ đã thành hiện thực. Nhưng điều mụ không ngờ nhất chính là sức sống mãnh liệt của Tấm, Tấm biến thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, mụ đều xui Cám giết chết, hoặc đốt chết đi. Mụ không từ mọi thủ đoạn để loại bỏ sự sống của Tấm, cốt sao cho con gái mụ được yên ổn làm hoàng hậu. Quả thật, xưa nay hiếm có người nào lại độc ác, thâm hiểm đến vậy, mụ đã giết Tấm những bốn lần, mỗi lần thủ đoạn lại tàn ác hơn. Mụ đã mất hết nhân tính, tình người, chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân. Mụ lại đại diện tiêu biểu cho kẻ ác trong xã hội lúc bấy giờ. Và theo quan niệm của cha ông ta, những kẻ bất nhân tất sẽ phải nhận quả báo, báo ứng và mụ ta cùng đứa con cũng không nằm ngoài quy luật chung ấy. Sau tất cả những hành vi tội lỗi của mình cả hai nhân vật đều phải trả giá bằng cái chết. Đây là trừng phạt thích đáng nhất cho những kẻ chuyên đi gây tai họa, tàn nhẫn với người khác.
Để tạo nên thành công của tác phẩm, ta không thể không nhắc đến những nét đặc sắc về nghệ thuật. Tác phẩm có cốt truyện hết sức kịch tính, tình tiết phát triển hợp lí, gây hứng thú cho người đọc. Ngoài ra còn phải kể đến nghệ thuật xây dựng nhân vật, mỗi nhân vật thực hiện chức năng riêng, thể hiện một loại người trong xã hội. Các yếu tố thần kì, nhân vật phù trợ, những câu vần vè đan xen trong tác phẩm cũng góp phần không nhỏ vào sự thành công của truyện cổ tích Tấm Cám.
Đọc những dòng cuối cùng của tác phẩm, người đọc không thể nào quên một cô Tấm lương thiện, có ý chí đấu tranh, bằng sự kiên trì, bền bỉ đã cấp bến bờ hạnh phúc; còn những kẻ bất lương như mẹ con Cám đã phải chịu hình phạt xứng đáng. Qua tác phẩm chúng ta còn thấy rõ hơn ý nghĩa, triết lí của cha ông ta: “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”
Đề bài: Dàn ý Phân tích nhân vật Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám
Dàn ý mẫu
I. Mở bài
– Giới thiệu về truyện cổ tích Tấm Cám: Là truyện cổ tích tiêu biểu và hấp dẫn của truyện cổ tích Việt Nam
– Khát quát về nhân vật Tấm: Là nhân vật trung tâm của truyện, có số phận bất hạnh. Tấm có sự trưởng thành, phát triển về nhận thức và hành động trong quá trình chiến đấu với cái ác để giành và giữ lấy hạnh phúc.
I.. Thân bài
1. Hoàn cảnh của Tấm.
– Mẹ Tấm chết khi Tấm còn nhỏ
– Cha lấy vợ khác sau đó cũng sớm qua đời. Tấm ở cùng dì ghẻ và em gái cùng cha khác mẹ là Cám.
– Tấm phải làm việc suốt ngày đêm, trăn trâu cắt cỏ, mò cua bắt ốc, xay cám, giã giạo.
→ Là con riêng, lại là phận gái, Tấm phải chịu bao cay đắng, tủi nhục. Hoàn cảnh của Tấm thương tâm, tội nghiệp
– Tấm hiền lành, nết na, chịu khó là hiện thân cho cái thiện. Mẹ con Cám lười biếng, độc ác gây ra bao nỗi bất hạnh cho Tấm, họ là hiện thân cho cái ác.
→ Sống với cái ác, vẻ đẹp của Tấm càng nổi bật. Quá trình chiến đấu với cái ác của Tấm là cuộc đấu tranh để giành và giữa lấy hạnh phúc.
2. Tấm – cô gái hiền lành, yếu đuối, cam chịu.
– Đi bắt tép: Tấm chăm chỉ bắt được đầy giỏ nhưng bị Cám lười biếng lừa lấy hết sạch giỏ tép, cướp lấy phần thưởng.
→ Tấm ngồi khóc và được ông Bụt tặng cho con cá bống
– Đi trăn trâu: Tấm bị mẹ con Cám lừa đi trăn trâu ở cánh đồng xa rồi ở nhà làm thịt cá bống ăn
→ Tấm khóc và bụt hiện lên mách Tấm cho xương cá vào bốn cái lọ chôn vào bốn chân giường.
– Đi xem hội: Tấm bị mẹ con Cám bắt ở nhà nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo, không có quần áo mới
→ Tấm lại khóc, Bụt hiện lên, sai đàn chim sẻ xuống nhặt thóc, cho Tấm quần áo, giày, xe ngựa đi trảy hội. Tấm gặp vua và trở thành hoàng hậu
⇒ Tấm bị mẹ con Cám tước đoạt trắng trợn cả vật chất và tinh thần. Nhưng Tấm chỉ biết cam chịu, bật khóc mỗi lần bị ức hiếp, trà đạp. Tấm luôn trong thế bị động và không có ý thức phản kháng.
⇒ Sự xuất hiện của Bụt là yếu tố kì ảo, là sự hóa thân của nhân dân bênh vực, bảo vệ kẻ yếu, đứng về phía cái thiện
3. Tấm – cô gái mạnh mẽ, quyết liệt chống lại cái ác
– Tấm về ăn giỗ cha: Bị mẹ con Cám lừa trèo lên cây cau rồi chặt gốc cau. Tấm ngã lăn ra chết.
– Tấm hóa thành chim vàng anh hót cho vua nghe, chui vào tay áo vua. Tiếng hót của chim “Giặt áo chồng tao thì giặt cho sạch…chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao” là lời báo hiệu cho sự trở về của Tấm. Mẹ con Cám giết thịt chim vàng anh.
– Tấm hóa thành cây xoan đào tỏa bóng mát cho nhà vua. Mẹ con Cám chặt cây làm khung cửi
– Tấm hóa thành con ác trên khung cửi, trực tiếp tuyên chiến với kẻ thù “Cót ca cót két, lấy tranh chồng chi, chị khoét mắt cho”. Mẹ con Cám sợ hãi đem đốt khung cửi.
– Tấm hóa thành quả thị, hằng ngày bước ra giúp bà hàng nước quét dọn, têm trầu, gặp lại nhà vua và trở về cung làm hoàng hậu.
⇒ Tấm vẫn luôn ở cạnh nhà vua, thực hiện bổn phận của một người vợ.
⇒ Quá trình đấu tranh, phản kháng mạnh mẽ, quyết liệt không khoan nhượng của Tấm. Tấm không còn nhu mì, yếu đuối, chỉ biết khóc khi bị bắt nạt, biết trông cậy vào sự giúp đỡ của Bụt mà đã kiên cường chống lại.
⇒ Những lần hóa thân của Tấm cho thấy sức sống mãnh liệt của cái thiện trước cái ác.
4. Tấm ra tay trừng trị cái ác.
– Tấm trở về cung trong sự ngỡ ngàng và sợ hãi của mẹ con Cám
– Hành động trừng phạt: Cho Cám xuống hố, dội nước sôi cho trắng đẹp cho đến chết. Cho dì ghẻ ăn mắm làm từ thịt con gái, kinh khiếp mà chết
⇒ Hành động trừng phạt này phù hợp với quá trình trưởng thành, đấu tranh của Tấm
⇒ Thể hiện ước mơ của nhân dân về một xã hội công bằng, về quan niệm sống “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”.
5. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
– Xây dựng những mẫu thuẫn có sự tăng tiến để thể hiện sự phát triển trong hành động nhân vật
– Xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập để khắc họa nhân vật
– Sử dụng các yếu thần kì.
I.I. Kết bài
– Khái quát nội dung và nghệ thuật xây dựng nhân vật
– Mở rộng: Tấm là hiện thân của cái đẹp và cái thiện. Hình tượng cô tấm nết na, thùy mị, hiền lành từng là biểu tượng cho vẻ đẹp người phụ nữa Việt Nam với những ví von “Hiền như Tấm”, “Cô Tấm Làng Mai”.
Đề bài: Phân tích nhân vật Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám
Bài văn mẫu
Truyện cổ tích Tấm Cám thuộc tiểu loại cổ tích thần kì, với kiểu nhân vật người con riêng chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh rất phổ biến trong kho tàng truyện cổ tích thế giới. Tấm là hình ảnh tiểu biểu cho kiểu nhân vật này, sau quá trình đấu tranh không khoan nhượng với cái ác cô đã giành được hạnh phúc về cho mình.
Tấm hiện lên với nhiều phẩm chất tốt đẹp, trước hết Tấm là cô gái chăm chỉ, thảo hiền. Tấm mồ côi cả cha và mẹ, từ nhỏ đã thiếu thốn tình yêu thương. Tấm là cô gái chăm chỉ, hiền lành, mọi việc trong nhà đều một tay cô làm: “hết chăn trâu gánh nước, đến thái khoai, vớt bèo; đêm lại còn xay lúa giã gạo”, trong lần đi bắt tép cùng Cám, Tấm nhanh nhẹn, tháo vát bởi vậy mà chẳng mấy chốc cô đã lấy đầy giỏ tép. Không chỉ vậy Tấm còn lương thiện, biết chia sẻ với cả những sinh linh bé nhỏ nhất. Được bụt cho con cá Bống, cô nhường cơm, chăm sóc Bống như người bạn. Bống chính là chỗ dựa tinh thần để cô bớt cô đơn sau những giờ phút làm việc cực nhọc. Ngoài ra ta cũng cần thấy, Tấm còn là người con hết sức hiếu thảo. Thân tuy là hoàng hậu, nhưng ngày giỗ cha nàng vẫn về nhà làm giỗ, không chỉ vậy nàng còn đích thân leo lên cây cau để hái cau xuống thắp hương cho cha. Điều đó cho thấy tấm lòng chân thành, hiếu thảo của Tấm với người bố đã mất.
Mặc dù mang trong mình nhiều phẩm chất tốt đẹp để được hưởng cuộc sống hạnh phúc, nhưng cuộc đời Tấm lại chịu rất nhiều bất công. Sự bất công trước hết thể hiện trong phạm vi gia đình, nếu như Cám chỉ mải rong chơi thì Tấm lại là người gánh vác tất cả công việc trong nhà, nàng làm đến khuya vẫn chưa hết việc. Tấm bị bóc lột sức lao động. Không chỉ vậy nàng còn bị tước đoạt niềm vui, bị Cám cướp công giành được cái yếm đỏ; bị mẹ con Cám âm mưu giết chết bống – người bạn tinh thần giúp cô khuây khỏa nỗi lòng. Hình ảnh cục máu nổi lên cho thấy nỗi oan khuất hận thù, Tấm bật khóc nức nở và được Bụt hiện lên giúp đỡ. Sự bất công tiếp tục tăng lên, trong ngày hội, vì ghen ghét mẹ Cám không muốn cho Tấm đi hội, đã trộn thóc với gạo bắt Tấm nhặt riêng mỗi loại rồi mới cho Tấm đi dự hội.
Là người mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp, nên khi gặp những khó khăn, Tấm luôn được Bụt hiện lên giúp đỡ. Lần là đền bù phần thưởng bằng chú cá bống. Lần giúp Tấm có quần áo đẹp đi hội. Cùng bởi là người hiền lành, nên nhất định Tấm sẽ có kết cục hạnh phúc, bởi vậy khi đi qua chỗ lội nàng đánh rơi giày xuống nước, nhà vua nhặt được chiếc giày xinh xắn, ban lệnh ướm thử, Tấm thử vừa như in và trở thành hoàng hậu. Như vậy, nàng Tấm chịu qua bao nhiêu bất hạnh cuối cùng đã có một kết cục viên mãn.
Bên cạnh đó Tấm còn là người có sức sống mãnh liệt, có ý thức đấu tranh giành lại sự sống và hạnh phúc, điều này được thể hiện rõ nhất ở chặng thứ hai của truyện. Chặng thứ hai giúp cho câu chuyện Tấm Cám trở nên sâu sắc, giàu ý nghĩa hơn những câu chuyện cổ tích khác trên thế giới. Nếu như nàng Lọ Lem, chỉ dừng lại ở việc ướm giày xong và thành hoàng hậu sống một cuộc đời hạnh phúc, mẹ con dì ghẻ trốn biệt, không còn gặp lại nữa. Còn mẹ con Cám không chỉ ghen tị mà còn vô cùng độc ác, bức tử Tấm hết lần này đến lần khác. Bởi vậy, Tấm phải trải qua rất nhiều biến cố khác nhau để đến được bến bờ hạnh phúc.
Tấm tuy đã là hoàng hậu nhưng vẫn là một cô gái hiếu thảo, nàng vẫn về nhà và leo lên cây cau hái cau để thắp hương cho cha. Ở dưới, dì ghẻ đã đang tâm chặt gẫy cây, Tấm ngã xuống ao chết, cái ác đã được nâng lên một cấp độ mới, sẵn sàng giết chết người khác để thỏa mãn mong muốn của bản thân. Nhưng chính giây phút bị bức hại ý thức trong Tấm đã bừng tỉnh, đúng như nhận xét của nhà nghiên cứu Bùi Mạnh Thị: “Thật kì lạ khi thể xác của cô Tấm bị giết hại thì ý thức của cô thức tỉnh. Dường như có một cô Tấm khác sống dậy không phải để bưng mặt khóc, để bị lừa dối mà tỉnh táo nhận diện, vạch mặt kẻ thù, để tìm lại hạnh phúc đã mất và tự tay trả thù”.
Nếu như ở phần trước của truyện Tấm thụ động, mềm yếu chỉ biết bưng mặt khóc mỗi khi bị áp bức, và nhờ sự trợ giúp của Bụt thì đến chặng thứ hai cô Tấm trở nên kiên cường, chủ động biến hóa từ kiếp này sang kiếp khác, đấu tranh kịch liệt với kẻ thù để giành hạnh phúc. Tấm biến hóa thành: chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi với lời đe dọa Cám: “Cót ca cót két/ Lấy tranh chồng chị/ Chị khoét mắt ra”. Và cuối cùng Tấm đã dành được hạnh phúc vốn thuộc về mình, mẹ con Cám bị trừng phạt, công lí dân gian đã được thực hiện: “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”.
Về cái kết của truyện cũng là chi tiết gây nhiều tranh luận. Các nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng, chi tiết đó thể hiện sự độc ác, đó là cách trừng phạt của thời trung cổ, quá ư tàn nhẫn. Nhưng nếu đặt lăng kính về thời điểm tác phẩm ra đời, thì cái kết đó hoàn toàn hợp lí, nhân dân ta vô cùng ủng hộ kết thúc đó, vì nó là minh chứng cho triết lí nhân sinh của nhân dân “ác giả ác báo”. Bởi vậy, khi xem xét tác phẩm cũng cần đặt cái nhìn phù hợp với thời đại nó ra đời để có những bình luận, nhận xét đúng đắn.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật thành công, mang tính khái quát cao, biểu trưng cho một kiểu người trong xã hội. Tính cách nhân vật chủ yếu bộc lộ qua hành động. Cốt truyện đa tình tiết, phát triển tự nhiên, hợp lí, ngoài ra kết cấu hai phần sáng rõ cho thấy sự phát triển trong tính cách nhân vật. Ngoài ra cần phải kể đến những yếu tố, nhân vật thần kì làm phù trợ cho nhân vật chính, đây cũng là yếu tố làm tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm.
Qua tác phẩm ta thấy Tấm hiện lên với những phẩm chất vô cùng đẹp đẽ: hiền lành, chăm chỉ, hiếu thảo nhưng lại chịu nhiều bất công. Nhưng bằng quá trình đấu tranh không khoan nhượng với cái ác cô đã giành được hạnh phúc vốn có của mình. Tấm là nhân vật tiêu biểu thể hiện quan niệm, triết lí: “ở hiền gặp lành” của ông cha ta.
Đề bài: Lập dàn ý Cảm nhận của em về vẻ đẹp hình tượng nhân vật Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám.
Dàn ý mẫu
I. Mở bài
– Giới thiệu Tấm Cám – truyện cổ tích thần kì tiêu biểu của dân tộc.
– Hình tượng Tấm có sự phát triển về tính cách.
II. Thân bài
1. Tổng
– Nguồn gốc của truyện gắn với thời kì xã hội đã nảy sinh những xung đột, mâu thuẫn. Vai trò của yếu tố thần kì góp phần phản ánh ước mơ công bằng của nhân dân.
– Triết lí nhân sinh từ câu chuyện toát lên từ hình tượng trung tâm: cô Tấm xinh đẹp, thảo hiền trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác, giành lại hạnh phúc.
2. Phân
a. Tính cách Tấm khi ở với mẹ con Cám.
– Hiền lành.
– Nhẫn nhục đáng thương.
– Khi gặp hoạn nạn chỉ biết tủi thân ôm mặt khóc. Chỉ có Bụt an ủi giúp đỡ Tấm.
b. Tấm thành hoàng hậu và âm mưu của mẹ con Cám.
– Tấm thành hoàng hậu do bản chất tốt đẹp của nàng.
– Sự ganh ghét đó kị đã trở thành tội ác ghê tởm của mẹ con Cám. Sự ngây thơ, lòng hiếu thảo của Tấm đã phải trả giá bằng cái chết. Nàng trở thành nạn nhân của một âm mưu thấp hèn.
– Mỗi lần bị hại, Tấm càng trở nên mạnh mẽ hơn. Sự hóa thân thần kì của nhân vật là tình cảm của dân gian bênh vực và bảo vệ cho vẻ đẹp không bị hủy diệt. Nàng chủ động bảo vệ hạnh phúc của mình.
c. Sự trở về của Tấm
– Lần hóa thân cuối cùng của Tấm vào quả thị thể hiện được bản tính của người con gái thơm thảo. Tấm sống cùng bà lão nghèo, được gần gũi chia sẻ với nhân dân.
– Miếng trầu là hình ảnh sống động về người con gái thảo hiền nết na, cũng là dấu hiệu để vua nhận ra nàng, đón nàng về cung.
– Sự trừng phạt là tất yếu với mẹ con Cám để diệt trừ tận gốc cái ác, bộc lộ rõ ràng thái độ của dân gian. Bọn chúng phải trả giá tương xứng với tội ác chúng đã gây ra cho Tấm.
3. Hợp
– Sự phát triển tính cách của Tấm thể hiện triết lí dân gian sâu sắc về eon người. Quan niệm ở hiền gặp lành không phải thụ động chờ hưởng phúc mà phải đấu tranh để đạt tới.
– Vẻ đẹp của nhân vật thêm phần hấp dẫn nhờ yếu tố thần ki, đồng thời khẳng định tinh thần không chịu khuất phục trước cái xấu, cái ác.
III. Kết bài
Cảm nhận của bản thân về vẻ đẹp hình tượng Tấm.
Đề bài: Phân tích diễn biến của truyện cổ tích Tấm Cám để thấy mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám
Bài văn mẫu
Diễn biến của truyện là diễn biến của những sự việc nổi bật gắn với những biến cố trong cuộc đời Tấm
Chiếc yếm đỏ: Tấm bị Cám lừa và giành mất chiếc yếm đỏ. Chiếc yếm đỏ là ước mơ nhỏ bé đầu tiên trong cuộc đời Tấm, cũng là phần thưởng cho sự chăm chỉ tháo vát mà Tấm xứng đáng được hưởng. Cám lừa lấy đi chiếc yếm đỏ là tước đoạt đi không chỉ quyền lợi chính đáng mà còn là ước mơ của Tấm. Đây là mâu thuẫn đầu tiên, mâu thuẫn được tạo nên bởi lòng tham của Cám.
Con cá bống: một sinh vật nhỏ bé nhưng là người bạn gần gũi gắn bó nhất của Tấm, là món quà quí giá mà Tiên Bụt đem đến cho cô Tấm hiền lành. Tấm đã chia sẻ với bống không chỉ bát cơm ít ỏi hàng ngày mà còn là tất cả tâm tình giản dị hồn hậu của mình. Cho bống ăn, trò chuyện với bống là niềm vui, là giá trị tinh thần lớn nhất trong cuộc sống của Tấm. Mẹ con Cám bắt bông làm thịt là hủy hoại đi niềm hạnh phúc duy nhất thuộc vể Tấm. Đây là mâu thuẫn trên vấn đề quyền lợi tinh thần, mâu thuẫn được tạo nên bởi sự ích kỉ, ganh ghét độc ác của mẹ con Cám.
Thử giày: ngày hội, Tấm muôn đi trẩy hội. Đó là khao khát được giao hòa trong đời sông cộng đồng. Mẹ con Cám trộn thóc lẫn gạo bắt Tâm nhặt thể thiện rõ ý đồ sẵn sàng vùi dập mọi niềm vui của Tấm, quyết không cho Tấm được hưởng bất kỳ niềm hạnh phúc nào, Tấm thử giày và trở thành Hoàng hậu, bước lên đỉnh cao của hạnh phúc. Sự kiện này cũng khiến chc mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám được đẩy lên đỉnh điểm, trở thành một mâu thuẫn sâu sắc khó có thể dung hòa được mà cần có sự giải quyết. Đến đây mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám đã chuyến thành xung đột dữ dội mang tính chất sống còn. Vì nó dụng đến quyền lợi vật chất cao nhất gắn với vinh hoa, phú quý, giàu sang.
Tấm chết là cách giải quyết mâu thuẫn của tác giả (đây là kết cục tất yếu phải xảy ra bởi lẽ trong mâu thuẫn này Tấm hoàn toàn yếu ớt và bị động, còn mẹ con Cám lại quá tàn nhẫn và mang dã tâm muốn tiêu diệt Tấm đến cùng).
Tấm chết và quá trình hóa thân là bước phát triển mới của diễn biến truyện. Đầu tiên, Tấm hóa thành chim vàng anh, báo hiệu sự có mặt của mình, lên tiếng cảnh cáo kẻ thù. Bị giết, cô lại hóa thân thành cây xoan đào làm chiếc khung cửi và công khai tuyên chiến với kẻ thù. Bị hủy hoại một lần nữa Tấm ẩn mình trong quả thị thơm quay trở về với đời và trừng phạt kẻ thù của mình một cách không thương tiếc. Những lần chết đi sống lại của Tấm phản ánh tính chất gay gắt, quyết liệt của xung đột. Mẹ con nhà Cám quyết truy đuổi Tấm đến cùng, tìm mọi cách tiêu diệt Tấm. Tấm cũng không chịu để mình phải chết oan ức trong im lặng nên liên tiếp khẳng định sự tồn tại của mình và tấn công kẻ thù, càng về sau càng mạnh mẽ, cương quyết.
Như vậy, diễn biến của các sự kiện cho thấy sự phát triển từ thấp đến cao của mâu thuẫn dẫn đến xung đột gay gắt giữa Tấm và mẹ con Cám. Ban đầu mới chỉ là những mâu thuẫn xoay quanh quyền lợi – vật chất và tinh thần trong cuộc sống gia đình hàng ngày, về sau là mâu thuẫn xoay quanh quyền lợi xã hội và biến thành xung đột một mất một còn. Mâu thuẫn và xung đột đó ngày càng cao độ do sự phát triển của hai tuyến nhân vật. Mẹ con nhà Cám thì tàn nhẫn độc ác và quyết, tâm muốn chiếm đoạt tất cả những gì thuộc về Tấm, muốn tiêu diệt Tấm dến cùng, về phía Tấm ban đầu bị động, yếu ớt chỉ biết khóc lóc, nhưng càng về sau càng mạnh mẽ và cuối cùng đã tự vùng lêu chiến đâu tiêu diệt kẻ thù. Chúng ta cần chú ý, tuy hóa thân, nghĩa là quyết xuất hiện để khẳng định quyền lợi chán chính nhưng Tấm đều bị giết. Chỉ phản ứng cuối cùng, Tấm mới giết kẻ hãm hại, đã trở thành kẻ thù của cô. Có nghĩa là, nhân dân lao động vốn dĩ hiền lành, nhẫn nhịn, chỉ mong chung hưởng hạnh phúc, thanh bình. Nhưng nếu dồn họ đến cùng thì phản ứng của họ rất bạo liệt.
Đề bài: Em hãy chỉ ra Bản chất của mâu thuẫn và xung đột trong truyện cổ tích Tấm Cám.
Bài văn mẫu
Trước hết mâu thuẫn và xung đột trong Tấm Cám phản ánh mâu thuẫn và xung đột trong quan hệ gia đình bình dân, bình thường , phổ biến xã hội. Gia đình phụ quyền và mối quan hệ dì ghẻ- con chồng ; cùng cha khác mẹ. Đó là mâu thuẫn xung quanh vấn đề quyền lợi và tinh thần trong cuộc sống thường ngày.
Bên cạnh đó mâu thuẫn và xung đột ở đây còn mang ý nghĩa xã hội là mâu thuẫn giữa thiện và ác, giữa lao động và bóc lột, giữa thật thà gian trá. Tấm đại diện cho những người lao động lương thiện cho cái thiện mẹ con Cám đại diện cho những kẻ bất lương cho cái ác.
Đề bài: Phân tích mỗi hình thức biến hóa mang một ý nghĩa đặc sắc riêng của truyện cổ tích Tấm Cám
Bài văn mẫu
Tấm chết, linh hồn hóa thân thành chim vàng anh, cây xoan đào ,khung cửi, rồi cây thị, quả thị. Đây vốn là những vật rất gần gũi trong cuộc sống của người lao động nơi thôn quê dân dã. Mỗi hình thức biến hóa mang một ý nghĩa đặc sắc riêng.
Chim vàng anh tiếng hót trong trẻo, thánh thót đem lại niềm vui. Chim quấn quýt bên nhà vua, được vua sủng ái yêu chiều như với người. Hình ảnh chim vàng anh là sự hóa thân của một linh hồn trong sáng, hồn hậu, đồng thời trong sự hóa thân đó đã xuất hiện một cô Tấm không còn yếu đuôi, bị động như trước.
Lần thứ hai, Tấm hóa thành cây xoan đào. Cây xoan đào cành lá xanh tươi xòe bóng che mát cho nhà vua, lòng cây màu hồng như tấm lòng son mãi không phai qua bao thăng trầm của Tấm. Bị chặt đem đi làm khung cửi, Tấm trong cây xoan đào lại lên tiếng vạch mặt, tiếp tục tuyên chiến với kẻ thù quyết liệt hơn.
Lần thứ ba, Tấm hóa thành cây thị. Cây thị mộc mạc dân dã và thân thiết với người nông dân nơi thôn quê. Quả thị nhỏ nhắn luôn tỏa ngát hương thơm khiến ai cũng thích, cũng quí. Đó là hóa thân của tấm lòng thơm thảo của Tâm. Bước ra từ quả thị trở về với cuộc sống bên bà lão hàng nước. Tấm trở lại đúng là chính mình. Không lam lũ nghèo hèn, không cao sang quyền quí và rất đỗi bình dị. Qua mấy kiếp luân hồi. Tấm vẫn vừa là cô Tấm nết na thảo hiền chịu thương chịu khó thuở nào, lại vừa như được lột xác để mang một dáng dấp mới, xinh đẹp hơn, tự tin hơn và chủ động hơn trong cuộc sống của chính mình.
Như vậy mỗi lần, Tấm đều hóa thân trong những hình ảnh rất đẹp. Mỗi lần mỗi khác nhưng tất cả những hình ảnh đó đều có một sự thống nhất chung. Hiển hiện của một linh hồn lương thiện, trong sáng, thủy chung, một linh hồn không cam chịu khuất phục khi ý thức được nỗi oan ức của mình.
Quá trình hóa thân của Tấm là sự thể hiện một sức sống mãnh liệt, không thể bị tiêu diệt của cái đẹp, cái thiện. Đó là quan niệm, đồng thời cũng là mơ ước cháy bỏng của nhân dân lao động bao đời nay trong cuộc đối mặt với cái ác, cái xấu.
Đề bài: Phân tích thân phận và con đường đến với hạnh phúc của cô gái mồ côi Tấm trong truyện Tấm Cám
Bài văn mẫu
Đã là người Việt Nam, trong thời thơ ấu của mình có mấy ai không từng được nghe kể chuyện Tấm Cám và hình ảnh cô Tấm mồ côi ao ước chiếc yếm đào, ngồi khóc bên giếng vì mất bống, bị hắt hủi tội nghiệp đã làm lay động bao trái tim nhân hậu. Kiểu truyện Người mồ côi rất quen thuộc trong truyện cổ tích Việt Nam và nước ngoài, trong đó Tấm Cám là kiểu truyện phổ biến. Ở Pháp có truyện Lọ Lem, Đức có Cò Tro Bếp, Trung Quốc có Nàng Diệp Hạn, Thái Lan có Con cá vàng, Mianma có Truyện con rùa, Cam-pu-chia có Nẽang-Cantóc… Nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng có những truyện tương tự Tấm Cám: Tua Gia Tua Nhi (Tày), Ý Ưởi Ý Noọng (Thái), Gầu Nà – Gầu Rềnh (Mông), Đôi giày vàng (Chăm), ứ và Cao (Hơ-rê), Gơ liu- Gơ lát (Xơ-rê)… khác với những truyện tương tự Tấm Cám ở phương Tây, thường kể về cô gái mồ côi bất hạnh, chăm chỉ hiền lành được vào hoàng cung, lấy chồng hoàng tử và kết thúc ở đó. Truyện Tấm Cám còn có phần thứ hai, phản ánh cuộc đấu tranh gian nan và quyết liệt đế giành và giữ hạnh phúc của Tấm. Cả hai phần của truvện đều thể hiện mơ ước thiện thắng ác và mơ ước về hạnh phúc của nhân dân lao động Việt Nam xưa. Thân phận và con đường đến với hạnh phúc của cô gái mồ côi.
Truyện kể mẹ Tấm chết từ hồi Tấm mới biết đi, lời kể đã xác định thân phận mồ côi của Tấm. Trong bao nỗi đau buồn của một đứa trẻ, có lẽ đau khổ thiệt thòi nhất là thiếu mẹ. Tục ngữ có câu “Cha chết ăn cơm với cá, mẹ chết liếm lá đầu chạ” để khái quát nỗi đau khổ, thiệt thòi vô cùng của đứa con mồ côi mẹ. Mồ côi cha đã khổ, mồ côi mẹ còn thiệt thòi, đau khổ hơn nhiều. Mọi đau khổ của Tấm đều bắt nguồn từ quan hệ với mẹ con người dì ghẻ. Tấm cô đơn chỉ biết khóc mỗi khi bị hành hạ. bị Cám lừa trút mất giỏ tép, mất hi vọng có cái yếm đào, Tấm khóc. Cái yếm đào chỉ là một món quà bé nhỏ, nhưng với cô Tấm nghèo khó, mồ côi, đang ở tuổi trăng tròn, lại chẳng bao giờ được nhận một món quà nào thì nó thật đáng quý. Vì vậy, dường như Tấm không chỉ khóc vì bị mất yếm đào mà còn vì chút hi vọng được nhận yêu thương cũng tan biến mất. Bị lừa đi chăn trâu đồng xa để ở nhà mẹ con Cám làm thịt chú bống bé nhỏ bầu bạn với Tấm, Tấm lại khóc. Chú bống nhỏ bé, được cô nhường nhịn, chăm chút yêu thương trong bát cơm hẩm san sẻ cho bống và câu gọi thiết tha “‘Bổng bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”. Với cô gái mồ côi không được nhận sự chăm sóc nào như Tấm thì chăm chút cho bống là một nhu cầu tình cảm, nhu cầu được chăm chút và sẻ chia. Vì vậy, việc giết bống đâu phải để thỏa mãn sự tham ăn của mẹ con Cám mà là để hành hạ Tấm, phá đi chỗ dựa tình cảm của cô gái đơn côi. Cục máu bầm nổi trên mặt giếng như bằng chứng không lời về sự tàn bạo, độc ác của hành động giết bống. Lần thứ ba Tấm khóc là khi cô không được đi hội làng. Dì ghẻ trộn thóc với gạo bắt Tấm nhặt. Đến đây, sự hành hạ chẳng cần phải che đậy như những lần trước. Hội làng là ngày vui nhất trong năm. Mọi người từ già đến trẻ, từ giàu đến nghèo đều được đi hội và chia sẻ niềm vui chung, thế mà riêng Tấm bị bắt ở nhà, cô càng lẻ loi hơn. Tấm lại khóc và dường như tiếng khóc lại một lần nữa đẩy nỗi đau khổ của cô lên cao hơn.
Thân phận đầy đau khổ của cô Tấm trong truyện cổ là thân phận chung của những người nghèo, người mồ côi lương thiện trong xã hội xưa. Mâu thuẫn giữa Tấm với mẹ con dì ghẻ không chỉ là mâu thuẫn dì ghẻ – con chồng mà còn là biểu hiện cụ thể của xung đột thiện – ác trong cuộc đời. Tấm đại diện cho nhân vật thiện chăm chỉ, lương thiện, đôn hậu (bắt được đầy giỏ tép, đi chăn trâu đồng xa, nhịn cơm dành nuôi bông…). Cái ác hiện hình trong mẹ con mụ dì ghẻ qua hành động: lừa gạt lấy mất giỏ tép để tước đoạt ước mơ bé nhỏ của Tấm là cái yếm đào, lén lút giết chết con bống là giết chết người bạn bé nhỏ của Tấm, trắng trợn trộn thóc với gạo nhằm dập tắt niềm vui được đi hội làng, được giao cảm với đời của cô, … Tiếng khóc tội nghiệp của Tấm mỗi lần bị chèn ép, áp bức có sức lay động mọi trái tim nhân hậu, gợi dậy niềm cảm thông, chia sẻ của mọi người.
Cái thiện càng bị o ép, áp bức, cái ác càng lộng hành, tác oai tác quái thì mâu thuẫn thiện – ác thể hiện càng sâu sắc, không thể dung hòa, tạo nên không khí căng thẳng buộc phải thay đổi.
Truyện cổ tích thần kì thường giải quyết mâu thuẫn ấy theo hướng: dù lâu hay mau, dù gian nan khó khăn đến thế nào, song thiện nhất định sẽ thắng ác và người lương thiện nhất định sẽ được nhận hạnh phúc. Con đường đến với hạnh phúc của nhân vật thiện chính là xu hướng giải quyết mâu thuẫn rất đặc trưng của cổ tích. Để giải quyết mâu thuẫn đó, truyện cổ tích thường sử dụng yếu tố kì ảo.
Truyện Tấm Cám, giải quyết mối xung đột thiện – ác cũng theo hướng thiện thắng ác và nhờ sự giúp sức của nhân vật Bụt. Bụt thường xuất hiện đúng lúc mỗi khi Tấm khóc, an ủi, nâng đỡ cô mỗi khi Tấm gặp khó khăn hay đau khổ. Tấm mất yếm đào – Bụt cho cá bống. Tấm mất bống – Bụt cho hi vọng đổi đời. Tấm không được đi hội – Bụt cho chim sẻ đến giúp Tấm, đưa Tấm đến hội, gặp nhà vua, được làm hoàng hậu và đạt đến đỉnh cao hạnh phúc. Bụt (tên gọi dân gian của Phật) vốn là nhân vật của Phật giáo, đã được dân gian hóa, trở thành ông lão hiền lành, tốt bụng, nhiều quyền năng, xuất hiện đúng lúc để nâng đỡ mơ ước, chữa lại số phận hẩm hiu cho người nghèo. Cùng với Bụt, con gà biết cảm thông với Tâm, chim sẻ biết giúp Tấm nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo, cũng là yếu tố kì ảo, trợ giúp Tâm trên đường tới hạnh phúc. Hoàng hậu Tấm là hình ảnh cao nhất về hạnh phúc mà nhân dân có thể mơ ước cho cô gái mồ côi nghèo, cô đơn trong xã hội xưa.
Những đau khổ của người mồ côi là có thực và phổ biến, còn hanh phúc mà họ được hưởng thường rất hiếm hoi, phần lớn chỉ là mơ ước. Để phản ánh mơ ước về hạnh phúc qua nhân vật mồ côi, truyện cổ tích đã “chữa lại” số phận không may mắn cho họ. Điều đó thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, hi vọng ở tương lai công bằng, dân chủ của nhân dân lao động.
Trong truyện Tấm Cám Việt Nam và những truvện tương tự của nước ngoài, các cô gái mồ côi đến với hạnh phúc nhờ đôi giày, vật báu trực tiếp đem lại may mắn. Nhờ chiếc giày cô gái đánh rơi mà nhà vua hay hoàng tử nhận ra người đẹp và kết hôn với cô. Hình ảnh đôi giày trong văn hóa một số nước có ý nghĩa giao duyên, là vật làm tin các chàng trai cô gái thường trao cho nhau trước hôn lễ. Các chú rể người Đức thường tặng cho vị hôn thê của minh một đôi giày trong lễ đính hôn. Khi cô gái ướm chân vào giày, chàng trai phải tự tay mình đóng nốt những chiếc đinh cuối cùng với hi vọng hôn nhân của họ sẽ bền chặt, ơ Trung Quốc, các cô gái dù chưa biết mặt người chồng tương lai của mình là ai vẫn cứ khâu một đôi giày vải hoặc tết một đôi giày rơm làm món quà tặng đầu tiên cho chồng, ở Việt Nam, đôi giày không có ý nghĩa giao duyên, nhưng khi những người phụ nữ bình dân nghe tin loa truyền, ai đi vừa giày sẽ được làm hoàng hậu thì “đàn bà con gái trong đám hội chen nhau đến ướm chân vào giày”. Ướm chân hay chính là được một lần thử vận may của mình! Có ai không mơ ước hạnh phúc và có ai lại bỏ qua cơ hội kiếm tìm hạnh phúc cho mình. Ướm giày, họ hi vọng một may mắn tình cờ nào đó sẽ dẫn mình đến tương lai tôt đẹp. Nhưng truyện cổ tích không bao giờ có ngẫu nhiên cho những người bất kì. Chỉ có người đáng hưởng hạnh phúc nhất mới là người ướm chân vừa giày và nhận món quà may mắn của số phận. Ta hiểu rằng, đằng sau lũy tre làng yên tĩnh luôn ấp ủ bao mơ ước lãng mạn và kì diệu của người nghèo, truyện cổ tích đã tạo hình cho những mơ ước đó và nuôi nó sống động trong những câu chuyện kể.
Tấm nhờ chăm chỉ, lương thiện mà được Bụt giúp đỡ, từ cô gái mồ côi nghèo trở thành hoàng hậu. Đó là con đường đến với hạnh phúc của các nhân vật thiện như Tấm trong truyện cổ tích châu Âu và thế giới. Điều đó một mặt phản ánh ước mơ thiện thắng ác, mặt khác còn nêu triết lí “ở hiền gặp lành”, một triết lí phổ biến trong truyện cổ tích.
Đề bài: Phân tích cuộc đấu tranh giành và giữ hạnh phúc của cô gái mồ côi Tấm trong truyện Tấm Cám hay Hành trình đến với hạnh phúc của Tấm.
Bài văn mẫu
Các truyện cổ tích châu Âu cùng kiểu với truyện Tấm Cám của Việt Nam thường kết thúc khi cô gái mồ côi kết hôn với hoàng tử và hưởng hạnh phúc. Truvện Tấm Cám không chỉ dừng ở kết thúc phổ biến đó mà còn tiếp thêm một chặng nữa của cuộc đời nhân vật. Tấm trở thành hoàng hậu nhưng vẫn bị cái ác tiêu diệt. Cô Tấm lương thiện, hiếu thảo trèo cau hái quả cúng cha đã bị mẹ con Cám chặt cây giết chết. Cô Tấm hiền lành, ngây thơ vừa ngã xuống, một có gái mạnh mẽ và quyết liệt hơn sống dậy, hóa thân trở về với cuộc đời, công khai chống lại cái ác đòi hạnh phúc. Cuộc chiến đấu đó thật gian nan, quyết liệt nhưng cũng thật hấp dẫn đối với người nghe, người đọc truyện cổ tích. Bởi trong cuộc đời. những gì người mồ côi yếu thế, nhỏ nhoi không thể làm được thì cô Tấm đã thay họ thực hiện “oán thì trả oán, ân thì trả ân” đến tận cùng.
Tấm thảo hiền bị dì ghẻ chặt cây sát hại mà không cam chịu chết. Cô hóa vàng anh, bay vào cung vua báo hiệu sự có mặt của mình trong lời nhắc nhở “Giặt áo chồng tao, thì giặt cho sạch, phơi áo chồng tao, thì phơi bằng sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao”, vàng anh bị giết chết. Tấm hóa cây xoan đào (khung cửi), tuyên chiến với kẻ thù trực tiếp và dữ dội hơn “Lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra”, khung cửi bị đốt cháy. Từ đống tro tàn chết chóc, Tấm hóa cây thị (quả thị) trở lại với đời. Trong sự hóa thân ấy có sự kiên nhẫn và lòng dũng cảm. Phải chăng trong nhân vật Tấm đã hội tụ sự dịu dàng và tính cách bất. khuất của phụ nữ Việt Nam từ xa xưa.
Tấm đã hóa thân, cái thiện không chịu chết một cách oan ức trong im lặng đã vùng dậy, còn cái ác cũng tìm mọi cách tiêu diệt cái thiện. Những lần chết đi sống lại của Tấm phản ánh tính chất gay gắt, quyết liệt của cuộc chiến đấu giữa thiện với ác, đồng thời cũng thể hiện sức sống mãnh liệt, không thể bị tiêu diệt của cái thiện. Phải chăng cô Tấm có thể chết đi sống lại, có thể tự mình hóa thân để trở lại với đời? Chính những người dân nhân hậu và giàu tình thương đã không nỡ để một cô gái lương thiện như Tấm phải chết oan ức trong thầm lặng. Họ đã mượn yếu tố kì ảo, thổi sức sống mãnh liệt cho nhân vật, di dưỡng sức sống tiềm tàng trong đó, vực nhân vật dậy “đi trả thù để sống tự do”. Nhân dân đã gửi gắm vào nhân vật Tấm lòng nhân đạo, tình yêu thương con người sâu sắc của mình.
Chim vàng anh, cây xoan đào (khung cửi), cây thị (quả thị) là những nơi Tấm gửi gắm linh hồn, cũng là những vật bình dị thân thương trong cuộc sông dân dã. Đó cũng là những hình ảnh đẹp của làng quê, làm nên ấn tượng thẩm mĩ cho câu chuyện. Nếu như ở phần đầu truyện, mỗi lần Tấm khóc Bụt thường hiện lên ban tặng vật thần kì, thì ở phần sau, cuộc đấu tranh với cái ác quyết liệt hơn nhưng Tấm không còn khóc, cũng không còn thấy sự xuất hiện của Bụt, chỉ thấy Tấm hành động liên tiếp để chống lại kẻ thù. Cũng chính nhân dân lao động, những người có thân phận như Tấm, những người thấu hiểu và cảm thương cô tấm thiệt thòi, đã gửi vào nhân vật ấy ý thức mãnh liệt giành và giữ hạnh phúc của mình. Đằng sau câu chuyện đã gửi gắm một chân lí: Hạnh phúc chỉ bền chặt khi ta biết dũng cảm giành và giữ lấy. Vì vậy, nếu lúc đầu mỗi lần Tấm uất ức chỉ biết ngồi khóc, còn Bụt làm thay tất cả, thì đến đây chim vàng anh, khung cửi, quả thị (yếu tố kì ảo) không thay Tấm trong cuộc chiến đấu mà chỉ là nơi Tấm hóa thân, tạm ẩn mình để trở về đấu tranh với cái ác quyết liệt hơn.
Sau bao lần hóa thân chống lại kẻ thù, Tấm trở về với cuộc đời, với làng quê bình dị, vẫn là cô gái đảm đang khéo léo vởi miếng trầu têm cánh phượng. Nhờ miếng trầu mà nhà vua nhận ra người vợ đảm của mình và đưa Tấm về cung. Miếng trầu là hình ảnh quen thuộc trong đời sông văn hóa Việt Nam, gắn với phong tục hôn nhân người Việt “Miếng trầu nên dâu nhà người”, “Miếng trầu ăn ngọt như đường, đã ăn lấy của phải thương lấy người”… Miếng trầu mang ý nghĩa giao duyên như vậy đã có mặt trong sự hội ngộ của nhà vua và Tấm.
Nhưng sau nhiều lần chết đi sống lại trong lốt chim, cây, quả., dường như Tấm hiểu rằng không thể có hạnh phúc trọn vẹn chừng nào cái ác còn tồn tại, chừng nào mẹ con Cám còn hiện diện. Cô lừa Cám để nó sai người đào hố, giội nước sôi, tự tìm đến cái chết. Kết thúc đó nêu triết lí dân gian “ác giả ác báo”, phù hợp với mong ước của nhân dân về sự trừng phạt tận gốc kẻ thù. Cuối cùng, hạnh phúc đã trở về với Tấm như món quà tặng quý giá cho lòng chung thủy và sự dũng cảm của cô.
Sự hóa thân nhiều lần rồi trở về với cuộc đời của Tấm là biểu hiện sinh dộng của quan niệm về công bằng xã hội và hạnh phúc. Người lương thiện phải được nhận hanh phúc, còn kẻ ác nhát định bị trừng phạt, đó là quy luật của lòng nhân đạo, tình yêu thương con người. Người lao động không chờ đợi hạnh phúc đẹp và mơ hồ ở cõi nào khác, mà tìm và giữ hạnh phúc thực sự ngay trên mảnh đất mình từng gắn bó, ở nơi trần thế. Những lần hóa thân ấy của Tấm đã hàm chứa nhiều triết lí dân gian sâu sắc về hạnh phúc và đấu tranh đúng như có nhà thơ đã viết:
Không rơi xuống bùn, ôi trái thị quê ta,
Để bùn lấm và thành bùn vạn kiếp
Rơi vào tay người đó là định luật,
Của đấu tranh và nhân nghĩa Việt Nam.
Cuộc chiến đâu giữa Tấm với mẹ con dì ghẻ gian nan, quyết liệt nhưng cuối cùng Tấm đã chiến thắng. Đó là chiến thắng tất yếu của cái thiện, của lòng nhân đạo và lạc quan theo quan niệm của nhân dân. Kết thúc có hậu trong truyện cổ tích là biểu hiện tập trung những ước mơ của tác giả dân gian. Hầu hết truyện cổ tích đều kết thúc có hậu: người nghèo sẽ giàu có, người mất vợ sẽ tìm lại được và sống hạnh phúc, người xấu xí, dị dạng trở nên xinh đẹp, người bị áp bức nhiều nhất sẽ bước lên địa vị tối cao, được làm vua hay hoàng hậu… Kết thúc đó mang đến ánh sáng và vẻ đẹp lãng mạn cho truyện cổ tích, làm cho nó có sức hấp dẫn đặc biệt đổi với mọi thế hệ, thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời và niềm khát khao vươn tới cái đẹp, cái thiện của nhân dân lao động Việt Nam xưa. Cô Tấm nghèo khổ, bị hành hạ, chết đi sống lại, cuối cùng đã tiêu diệt cái ác, gặp lại chồng, trở về làm hoàng hậu bên những người dân hiền lành tốt bụng. Kết thúc đó còn mang mơ ước đổi đời của những người lao động nghèo, là bức tranh về một xã hội lí tưởng có “vua hiền, tôi giỏi”. Trong xã hội mơ ước đó, người lao động hiền lành, lương thiện đã được hưởng hạnh phúc.
Cũng như nhiều truyện dân gian khác, truyện Tấm Cám có nhiều dị bản. Những bản kể ra đời ở thời trung đại đều kết thúc khi Tấm giết Cám, là mắm gửi về cho dì ghẻ. Mụ ăn cứ tấm tắc khen ngon, đến khi ăn hết mới nhận ra đầu lâu con mình ở đáy hũ liền lăn đùng ra chết. Không ít người từng hài lòng trước sự trừng phạt ấy, bởi Tấm đã thay mặt cái thiện để tiêu diệt cái ác, thực hiện công lí mang tính nhân dân thể hiện quan niệm và mơ ước về sự chiến thắng tuyệt đốỉ, tự mình tiêu diệt tận gốc kẻ thù. Mẹ con Cám đã không từ thủ đoạn độc ác nào để hành hạ Tấm, từ lừa gạt đến trắng trợn bóc lột, từ lén lút giết Tấm đến công khai đốt cô thành tro bụi… Tội ác man rợ đó đáng bị trừng trị, hơn thế theo quan niệm “làm ác trả ác”, “hại nhân nhân hại” thì sự trừng phạt ấy là đích đáng. Nhưng hiện nay, tính chất thời đại đã thay đổi, hình thức trừng phạt ấy khiến cho nhiều người cảm thấy rùng rợn và ấn tượng đẹp về một cô Tấm thảo hiền, đôn hậu bị giảm đi. Vì vậy truyện cổ tích Tấm Cám lại tiếp tục số phận lịch sử của nó trên chặng đường truyền miệng, lời kể đã được thay đổi cho phù hợp với nhu cầu và quan niệm thẩm mĩ ở thời hiện đại mà nó đang lưu truyền.
Đề bài: Hành động trả thù của Tấm đối với Cám trong truyện cổ tích Tấm Cám.
Bài văn mẫu
Tất cả các truyện cổ tích đều kết thúc ở việc nhân vật phản diện bị trừng trị. Truyện Tấm Cám cũng vậy. Nhưng có một điểm khác – nhân vật phản diện trong Tấm Cám bị trừng trị không phải do lực lượng thần kỳ hay tự mình chuốc lấy mà là do chính Tấm – nhân vật chính diện, trực tiếp trả thù và trả thù một cách quyết liệt, dữ dội.
Tấm trừng phạt Cám như vậy là hành động tất yếu xuất phát từ sự biến đổi trong hình tượng sau quá trình liên tiếp bị chà đạp tàn khốc. Hành động của Tấm thể hiện những quan niệm và mơ ước của nhân dân lao động. Cái ác phải bị tiêu diệt và phải biến mất vĩnh viễn trong cuộc sống cùa con người, không thể có hạnh phúc khi cái ác đang còn tồn tại và hạnh phúc cũng chỉ bền vững khi cái thiện biết đấu tranh đến tận cùng để tiêu diệt triệt dể cái ác. Mặt khác, đây còn là lời cảnh báo về sự nổi giận cuốì cùng của những con người lao động cần cù, lương thiện, hiền lành, vốn chỉ muốn sống yên bình.
Trước hết mâu thuẫn và xung đột trong Tấm Cám phản ánh mâu thuẫn và vung đột trong quan hệ gia đình bình dân, bình thường, phổ biến trong xã hội. Gia đình phụ quyền và mối quan hệ dì ghẻ – con chồng; chị em cùng cha khác mẹ. Đó là mâu thuẫn xung quanh vấn đề quyền lợi vật chất và tinh thần trong cuộc sống thường ngày.
Bên cạnh đó mâu thuẫn và xung đột ở đây còn mang ý nghĩa xã hội. Đó là mâu thuẫn giữa thiện và ác, giữa lao động và bóc lột, giữa thật thà và gian trá. Tấm đại diện cho những người lao động lương thiện, cho cái Thiện, mẹ con Cám đại diện cho những kẻ bất lương, cho cái ác.
Đề bài: Có nhà nghiên cứu nhận định truyện cổ tích Tấm Cám: “Đặc sắc nghệ thuật của truyện là khắc họa hình tượng Tấm có sự phát triển về tích cách.” Anh (chị) hiểu như thế nào về nhận định trên? Phân tích tác phẩm để làm rõ
Bài văn mẫu
Trên quê hương ta biết bao nhiêu cô Tấm xinh đẹp đảm đang… Vâng, cô Tấm từ trong quả thị từ xa xưa đến nay luôn gần gũi thân thuộc với mỗi tâm hồn Việt Nam. Tấm Cám gắn với lời kể của mẹ, lời hát của bà “Bống bống bang bang…” đưa ta vào không gian huyền ảo của câu chuyện cổ tích thần kì thấm được cảm hứng nhân văn này.
Tấm Cám đánh dấu sự rạn nứt trong các mối quan hệ xã hội, khi bắt đầu nảy sinh những xung đột mang mầm mống của cuộc đấu tranh giai cấp. Bởi thế câu chuyện chính là sự phản chiếu tâm hồn của những người bị áp bức mong muốn có một cuộc sống công bằng và tốt đẹp hơn. Sách giáo khoa Ngữ văn 10 (thí điểm), tập 1 nhận định về truyện cổ tích Tấm Cám: Đặc sắc nghệ thuật của truyện là khắc họa được hình tượng Tấm có sự phát triển về tính cách (từ yếu đuôi, thụ động đến kiên quyết đấu tranh giành lại cuộc sống và hạnh phúc). Triết lí dân gian thể hiện sinh động trong nội dung cuộc đấu tranh với mức độ ngày càng quyết liệt căng thẳng giữa cô Tấm hiền dịu với mẹ con mụ dì ghẻ độc ác. Triết lí ấy hàm chứa ước mơ của người bình dân: “ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”.
Bắt đầu cho những xung đột của tác phẩm là mối quan hệ dì ghẻ – con chồng, sự phân biệt đối xử giữa những đứa con không cùng chung dòng máu. Sự bất công thể hiện không chỉ ở những gì mà mụ dì ghẻ đối xử với Tấm kiểu con yêu – con ghét, mà mầm mống ấy đã nảy nở sang người em khác mẹ với cô: Cám được nuông chiều bởi sự thiên vị đã tất yếu bộc lộ sự ích kỉ, tranh giành phần hơn, xem việc Tấm bị thiệt thòi như một tất yếu. Mầm ác cứ lớn dần từ việc Cám lừa Tấm tranh giỏ cá để được chiếc yếm đỏ ban đầu cho đến việc hai mẹ con dì ghẻ dồn mọi việc nặng nhọc sang cho Tấm, hành hạ cô chăn trâu cắt cỏ đồng xa để bọn chúng ở nhà thực hiện những mưu mô đen tối. Điều đáng nói là trong mối quan hệ này, hầu như Tấm chưa hề có phản ứng gì mà chỉ biết bưng mặt khóc.
Bởi thế, dân gian đã sáng tạo ra hình tượng ông Bụt giúp Tấm giành lại những quyền lợi đáng ra cô phải được hưởng. Yếu tố ngẫu nhiên về con cá bống còn sót lại trong giỏ cho đến khi bống thành người bạn thân thiết cùa Tấm, cô gái mồ côi cô đơn, đã chuyển sang ý nghĩa triết lí. Người hiền lành như Tấm phải được hưởng sự công bằng, đó là lẽ trời. Thế nhưng, mầm thiện luôn bị chèn ép bởi cội rễ cái ác cứ lớn dần. Mẹ con dì ghẻ đã tước đoạt luôn niềm vui của cô bé bởi cội rễ cái ác cứ lớn dần. Mẹ con dì ghẻ đã tước đoạt luôn niềm vui của cô bé khi dùng mẹo lừa Tấm đi xa để bắt bống ăn thịt. Từ xung đột này, câu chuyện đã mang ý nghĩa một xung đột chiều sâu: sự an phận đổng nghĩa với việc để cho cái ác tiếp tục hoành hành. Một lần nữa Bụt xuất hiện để an ủi Tấm, con gà cũng giúp cô tìm xương cá bống…
Câu chuyện phát triển theo hướng xung đột càng trở nên gay gắt: hai mẹ con Cám hưởng thụ niềm vui hội hè còn Tấm phải âm thầm tủi hể gạt qua khát khao được đi chơi để hoàn thành công việc mà dì ghẻ bày ra hành hạ cô. Lúc này bên cạnh Tấm có đàn chim sẻ trợ giúp. Xương cá bống bây giờ biến thành quần áo đẹp giúp cô đi xem hội. Có thể nói chính nhân dân đã tạo ra các yếu tố thần kì để bênh vực cho những quyền lợi chính đáng cho cô gái đảm đang, Tấm xứng đáng được hưởng sự công bằng.
Những tưởng cuộc đời Tấm sẽ sang trang sau khi thử vừa chiếc hài đánh rơi, được đón về cung vua, giống như cô bé Lọ Lem được hưởng hạnh phúc cùng hoàng tử trong câu chuyện cổ nước ngoài. Thế nhưng truyện Tẩm Cám đã chuyển sang một loạt những xung đột mới gay gắt hơn. Sự đố kị, lòng ích kỉ đã khiến cho hai mẹ con Cám không buông tha Tấm. Chúng không chấp nhận hạnh phúc đến dễ dàng với cô gái xinh đẹp dịu hiền. Tội ác của mẹ con Cám phát triển ở mức độ tinh vi hơn, bắt đầu từ một thủ đoạn lừa đảo đánh đúng lòng hiếu thảo của Tấm. Tấm chết vì chính sự ngây thơ không mảy may đề phòng dã tâm của mẹ con Cám. Nhưng cũng bắt đầu từ thời điểm này, hàng loạt quá trình hóa thân thần kì của Tấm đã thể hiện một nhận thức mới, gắn những hình tượng bất tử là một truyền thông độc đáo của truyện cổ tích thần kì Việt Nam, khẳng định sức sông mạnh mẽ và ý chi tranh đấu của người bình dân vượt lên các thế lực bạo tàn.
Mạch truyện gắn với các tình tiết hóa thân kì ảo của nhân vật. Mặc dù Cám được vào cung vua, thế nhưng Tấm mới là người giành trọn được tình yêu thương của ông vua trẻ. Nàng lần lượt biến thành chim vàng anh, cây xoan đào quấn quýt bên chồng. Chim vàng anh là biểu tượng của một tình yêu khăng khít, cây xoan đào là biểu tượng dịu dàng của người vợ chỉ mong muốn được chăm sóc chồng. Tính chất xung đột càng lúc càng gay gắt hơn khi lần lượt Cám giết chim vàng anh, chặt cây xoan đào, phá tan mong muốn sum vầy hạnh phúc của Tấm. Bởi thế, nỗi đau đớn vì hạnh phúc bị cướp đi đã biến thảnh tiếng rít căm hờn của Tấm – khung cửi: Cót ca cót két. Lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra. Không còn là một cô Tấm tủi thân tủi phận ngày nào nữa, nàng đã bắt đầu cho cuộc đâu tranh giành lại hạnh phúc của mình. Cuộc chiến chôn hoàng cung lại tiếp diễn với phần thắng tạm nghiêng về Cám, khi khung cửi bị đốt thành tro và tro bị vứt trả về với đất bụi dân dã. Thế nhưng điều kì diệu về sức sống mãnh liệt của Tấm bầy giờ mới thật sự bắt đầu.
Tấm được trở về sống với bà lão hàng nước nghèo khổ nhân hậu, trong hình hài quả thị thơm thảo như tấm lòng của cô. Để rồi từ trong quả thị, cô bước ra trong hình hài đẹp đẽ nhất, với tất cả vẻ dịu dàng đảm đang, quán xuyến tảo tần: dọn dẹp nhà cửa, cơm lành canh ngọt. Tấm hiện thân cho vẻ đẹp đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam, rất bình dị và trong sáng, vẻ đẹp ấy tất yếu chỉ xuất hiện trong cuộc sông dân dã, gắn bó những tâm hồn thuần hậu chất phác trong dáng vẻ quê mùa, trong những công việc thổi cơm, rót nước, gói bánh, têm trầu, vẻ đẹp ấy thấm đượm tinh thần nhân văn của người lao động.
Miếng trầu têm cánh phượng là dấu ân gặp gỡ giữa Tấm với vua – người chồng chung thủy không nguôi nhớ về cô giáo thảo hiền nết na xinh đẹp. Lẽ công bằng được lập lại, lần này không do bàn tay của Bụt giúp, mà chính từ phẩm chất của Târn, từ sự sông bất tử của cái thiện vượt lên mọi mưu mô độc ác. Vua không phải đại diện của thế lực thông trị mà chỉ là hiện thân của một lẽ công bằng. Cung vua và cuộc sống dân dã ấy không quá cách xa như những câu chuyện cổ tích về sau.
Không dừng lại như kết thúc của sách giáo khoa, lời kể dân gian còn tiếp diễn với việc Cám bị trừng phạt vì chính những tham vọng của mình, mụ dì ghẻ cũng phải đền tội vì chính tội ác mụ gây ra cho người con chồng. Có lẽ đó là một kết thúc hợp lí vì cái ác không thể tồn tại đế’ gây họa tiếp tục cho những người lương thiện… Đó cũng là thái độ của nhân dân kiên quyết diệt trừ cái ác, đứng về cái thiện, thể hiện khát khao cháy bỏng về lẽ công bằng ở đời. Đó cũng là công lí và đạo lí dân gian, làm nên vẻ đẹp trọn vẹn của câu chuyện cổ tích thần kì Tấm Cám.
Đề bài: Phân tích đặc trưng của truyện cổ tích thần kì qua truyện Tấm Cám
Bài văn mẫu
Thuộc nhóm truyện cổ tích thần kì, Tấm Cám mang những đặc trưng cơ bản của nhóm truyện này.
Đó là một loại truyện mà nhân vật trung tâm là người lao động lương thiện vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, lại liên tiếp bị đọa đày qua rất nhiều hoạn nạn, nhưng cuối cùng luôn được đổi đời và hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Tấm mồ côi, phải sống cảnh dì ghẻ con chồng, chết đi sống lại qua bao kiếp nhưng cuối cùng vẫn trở lại làm người, bước lên đinh cao của hạnh phúc. Đó là hành trình số phận quen thuộc của những nhân vặt trung tâm trong truyện cổ tích. Hành trình đó vừa phản ánh hiện thực vừa thể hiện cho những ước mơ khát vọng của nhân dân lao động.
Có sự tham gia của các yếu tố thần kì. Trong Tấm Cám yếu tố thần kì trước hết gắn liền với nhân vật Bụt. Mỗi lần gặp thử thách là Bụt lại xuất hiện đem đến cho Tấm rất nhiều những điều kì diệu, ở phần sau, nhân vật Bụt không xuất hiện nữa, yếu tố thần kì lúc này gắn liền với các hình thức hóa thân của Tấm. Hóa thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, cây thị, quả thị, trở lại làm người. Ớ phần này, yếu tố thần kì không thay Tấm trong cuộc chiến đấu với kẻ thù. Nó biểu trưng cho sự bất diệt của cái Thiện.
Như vậy yếu tố thần kì có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt cốt truyện, giúp phát triển tình tiết, giải quyết xung đột. Không có yếu tố này cốt truyện sẽ không phát triển được hoặc phát triển theo cách khác, theo chiều hướng khác và tác phẩm sẽ không còn là một của chuyện cổ tích. Đồng thời nó sẽ giúp nhân dân lao động thực hiện những giấc mơ đẹp, biến những khát vọng, mơ ước của mình thành hiện thực trong tác phẩm. Yếu tố thần kì chính là nét đặc trưng không thể thiếu của truyện cổ tích thần kì, góp phần quan trọng tạo nên một thế giới cổ tích lấp lánh, mang vẻ đẹp kì diệu và sức hấp dẫn kì lạ đối với con người.
Đề bài: Vai trò của yếu tố thần kì trong truyện Tấm Cám
Bài văn mẫu
Lên con thuyền thời gian về với những thiên truyện kể xa xưa, những trang cổ tích đã làm say đắm lòng ta từ thời trai trẻ. Hẳn thời thơ bé ấy có lúc ta tự hỏi tại sao cô Tấm lại có thể bước ra từ quả thị? Bao yếu tố tình tiết li kì ấy như một phép nhiệm màu thôi miên tâm hồn thơ bé còn nhiều ngây ngô của ta. Như mọi truyện cổ tích khác, Tẩm Cám cũng được dựng lên từ nhiều yếu tố li kì. Hãy đi sâu vào khám phá thế giới thần kì của thiên truyện để thấy hết ý nghĩa giá trị to lớn của nó và cũng để giải mã cho sự nghi hoặc đã được đặt ra từ thời thơ bé của ta.
Cổ tích là một loại truyện kể dân gian, là sản phẩm được hun đúc, kết tinh từ trí tưởng tượng của nhân dân. Khi con người bế tắc trước hiện thực cuộc sống thì tìm đến khát vọng ước mơ làm lối thoát và từ đó cổ tích đã ra đời. Được ra đời trong khi xã hội đã xuất hiện giai cấp nên cổ tích chủ yếu phản ánh sự đâu tranh xã hội, phản ánh mâu thuẫn giai cấp mà chủ yếu là mâu thuẫn giữa những kẻ áp bức và người bị áp bức. Như một yếu tố không thể thiếu của truyện cổ tích yếu tố thần kì góp phần vào việc giải quyết những mâu thuẫn ấy.
Quay trở lại với câu truyện Tấm Cám ta thây yếu tố thần kì đã xuất hiện như một sự tất nhiên không thể thiếu. Đọc cổ tích ta thấy không vắng bóng được hình ảnh của ông bụt, bà tiên đó là lực lượng thần thánh, siêu nhiên mang lại sự huyền bí, lạ kì và thúc đẩy tình tiết truyện phát triển, ông bụt, bà tiên thường hiền từ độ lượng, như người cha, người mẹ, chỉ có điều là họ có khả năng vô tận, có thể đem đến mọi điều may mắn mà người cha, người mẹ bình thường không phải bao giờ cũng đem đến cho con cái được. Và ông bụt trong Tấm Cám đã xuất hiện giữa cuộc đời khổ cực, bị mẹ ghẻ đày đọa, cô Tấm được cho quần áo đẹp đi dự hội, cho cô được lấy hoàng tử đế không còn sống cuộc sống cực khổ nữa. Những phép màu mà ông bụt ban cho Tấm trong truyện chúng ta cần chú ý đến đôi giày thần kì. Đôi giày nhỏ nhắn, xinh xắn kì diệu ấy đã trở thành vật giao duvên bởi nhờ nó mà cô thiếu nữ xinh đẹp kia mới biết và lấy được vua. Đôi giày đã là cái mối hôn nhân. Cái duyên của đôi lứa, đã mang lại hạnh phúc và giải thoát cho cuộc đời khổ cực của Tấm. Nếu không có đôi giày mang phép màu thần kì của ông bụt chắc Tấm sẽ mãi mãi là cô gái chỉ biết quẩn quanh làm công cụ lao dộng cho mụ dì ghẻ ác độc kia. Sự xuất hiện của yếu tố thần kì này góp phần thể hiện ước mơ khát vọng của nhân dân ta. Đó là khát vọng được thoát khỏi cuộc sống khổ cực, bị áp bức bóc lột, mơ ước có được cuộc sống hạnh phúc no ấm và bình đẳng. Như vậy, yếu tố thần kì này có vai trò nói lên khát vọng của con người trước hiện thực bế tắc không lối thoát. Trước hiện thực ấy không biết làm gì chỉ còn biết gửi gắm những nỗi niềm vào ước mơ, khát vọng.
Chưa dừng lại ở đó, câu chuyện còn được tiếp tục phát triển bằng các yếu tố tình tiết kì lạ nữa. Cô Tấm khi Cám hãm hại chết đi, nhưng kì lạ thay đã biến thành chú chim vàng anh xinh đẹp, rồi cây xoan đào, khung cửi dệt vải và cuối cùng là quả thị. Bôn lần hóa thân này, tác giả dân gian không đơn thuần nói lên sự luân hồi của con người, của cuộc đời như thuyết duy tâm của tôn giáo. Mà điều quan trọng ở đây tác giả dân gian muốn nói lên đó là sự phản kháng vươn lên quyết liệt của Tấm. Không chịu khuâ’t phục trước cái ác, cái xâ’u, cái bất công, Tấm đã vươn lên bằng mọi giá và cuối cùng đã chiến thắng, mặc dù sự chiến thắng này có được là nhờ sự trợ giúp của các yếu tố thần kì. Sự phản kháng này của Tấm chính là cuộc đấu tranh giai cấp giữa người bị áp bức và kẻ áp bức. Vậy một lần nữa yếu tố thần kì lại góp phần thể hiện khát vọng ước mơ chiến thắng cái ác, cái xâu, áp bức bất công của nhân dân lao động. Nhờ vậy mà đưa đến kết thúc có hậu cho câu truyện, điều này phù hợp với tâm lí truyền thống nhân đạo xưa nay của dân tộc ta.
Như vậy yếu tố kì diệu siêu nhiên chính là thủ pháp nghệ thuật gắn với nội dung lãng mạn của truyện. Tác giả dân gian cũng như thính giả dân gian để cho trí tưởng tượng bay bổng theo những sự kiện kì diệu trong truyện không phải vì thực tâm tin – ít ra thì cũng không hoàn toàn tin – rằng những sự kiện đó là có thực nhưng chủ yếu là vì những sự kiện đó cần thiết cho việc giải quyết những vấn đề mà thực tế cuộc sông trong xã hội cũ chưa cho phép giải quyết hoàn toàn như ý muôn như ước vọng của nhân dân. Yếu tô’ thần kì trong cổ tích xét cho kĩ không phải chủ yếu là sản phẩm của đầu óc mê tín mà là phương diện cần thiết cho tác giả dân gian có thể đưa sự phát triển tình tiết theo ý muốn của mình. Nhờ vậy mà Tấm Cám đã thể hiện được tất cả những gì mà tác giả dân gian gửi gắm. Đó là khát vọng ước mơ, là quan niệm triết lí về cuộc sống, cuộc đời với quy luật nhân quả từ nghìn đời nay của cha ông.
Tôi thiết nghĩ nếu thiếu đi những yếu tố thần kì thì những câu truyện cổ tích sẽ ra sao? Có lẽ nó sẽ trở thành một mảnh đất khô cằn mà cây đời không thể bám rễ vào hút những dòng tươi mát như bây giờ. Và khi nghe truyện cổ tích mà không tin theo, rung cảm theo những sự việc kì diệu, không thể cho trí tưởng tượng và tình cảm của mình bay bổng theo sự việc, nhất là sự việc hoang đường ở trong truyện thì không thưởng thức được hết ý nghĩa của truyện.
Đề bài: Từ truyện cổ tích Tấm Cám ngày xưa, hãy xây dựng thành một truyện cổ tích mới về “cô Tấm ngày nay” và kể lại câu chuyện đó
Bài văn mẫu – Cô Tấm của bà
Hàng ngày, bà cụ nấu nước chè tươi, ngồi nhấn nha bán dưới gôc cây mít cổ thụ đầu làng nên mọi người từ lâu đã quen gọi là quán bà cụ Mít. Cụ Mít chắc phải ngoài bảy mươi rồi. Tóc bạc trắng như cước, lưng còng gập, đi lại chậm chạp, lòng khòng. Cụ sống một mình, không chồng, con, ngay trong quán hàng nhỏ xíu của mình.
Cái Gái rất thích cõng em ra chơi nhặt lá mít làm trâu, vênh sừng nghé ọ, nhảy lò cò… Thấy quán vắng khách là nó lại sà vào lòng bà cụ Mít, nhổ tóc sâu, để được nghe cụ kể chuyện cổ tích. Gái thích nhất là truyện Tấm Cám. Nó hay ngửa cổ nhìn lên ngọn cây Mít và ước ao: Giá như cây mít này biến thành cây thị. Sẽ có một quả thị thật to, để cụ Mít đem cái bị ra, bảo:
– Thị ơi thị! Thị rơi bị bà, bà đem bà ngửi chứ bà không ăn?
Rồi sẽ có một cô Tấm từ trong quả thị chui ra và sống mãi ở đây với bà cụ Mít.
Một lần mẹ đi chợ, cái Gái lẽo đẽo cõng em theo mẹ ra tận đầu làng, cứ dặn đi dặn lại:
– U nhớ nhé! Con không ăn bánh đa đâu! U mua cho con một quả thị rõ thật to, u nhé!
Hôm ấy mẹ mua cho Gái quả thị chín vàng, tròn như cái bát. Gái thích lắm, cầm quả thị, chạy một mạch ra quán cụ Mít. Lúc ấy, cụ Mít đang lúi húi rửa chè xanh ngoài cầu ao. Cái Gái liền lẻn vào quán. Nó để quả thị lên cái đĩa gỗ trên bàn thờ rồi tong tả chạy về nhà với nỗi vui mừng, thấp thỏm, chờ mong…
Ngày nào Gái cũng ra chơi với cụ Mít để dò xem có cô Tấm nào chui ra quả thị hay không?
Cụ Mít cứ hinh hỉnh cái mũi lên mà hít hà và bảo:
– Quái lạ! Có mùi thị ở đâu thơm quá! Gái có ngửi thấy không cháu?
Gái tủm tỉm cười, vờ như không biết:
– Vâng! Đúng là có mùi thị, thơm thật!
Năm ngày sau, quả thị bị héo tóp lại, vỏ thâm xì, chảy cả nước thị ra cái đĩa gỗ. Gái vừa thất vọng vừa tiếc của, nó đành ném quả thị héo ấy ra bụi tre.
Chuyện đó, cụ Mít hoàn toàn không biết gì.
Năm ấy, cái Gái đã là học sinh lớp 10. Nó không còn tin là trong quả thị có cô Tấm nữa. Nhưng nó vẫn ước ao làm được một việc gì đó để giúp đỡ cụ Mít như tất cả mọi người trong làng này đối xử với cụ.
Mỗi ngày, cứ buổi sáng, cái Gái lại cắp rổ đi kiếm rau lợn. Hôm nào nó cũng ghé qua quán cụ Mít để bí mật làm một việc gì đó, vì cụ Mít thường đi mua chè vào buổi sáng. Cửa quán luôn chỉ khép hờ. Gái lách cửa, vào nhà, gặp việc gì làm được, là nó làm ngay. Vại nưởc sắp hết, nó lấy đôi thùng ra giếng gánh, đổ đầy tràn cả ra ngoài. Hôm thì nó quét lá tre, lá ổi rụng đầy vườn, vun vào gốc cho bà cụ lấy cái đun bếp.
Hôm nay, vừa lách vào nhà, Gái đã nhìn thấy ngay máy cái bát cáu đen những nhựa chè. Nó hối hả bưng ngay chén, bát ra bờ ao, lấy rơm và tro bếp đánh thật sạch cả trong lẫn ngoài, trông như mới vậy! Có sáu cái bát, nó đánh xong được năm cái. Đến cái thứ sáu, vì hơi mạnh tay, nên cái bát bị sứt một mảnh nhỏ. Gái sợ hãi luống cuông, trông ngực đánh thình thịch… Làm sao bây giờ? Chỉ tại mình cọ mạnh quá! … nó vội dấu cái bát vỡ dưới bụi khoai nước bên bờ ao rồi đem năm cái bát kia úp trên nhà, nó lấy vôi cô’ gắn mảnh bát vỡ, loay hoay mãi đến toát mồ hôi mà mảnh vỡ vẫn không chịu dính vào.
Vừa lúc đó, bà cụ Mít lọc cọc chống gậy, bưng rổ chè về.
– À, à! Bà bắt được quả tang rồi nhé! Hôm nào bà cũng nằm mơ thấy cô Tấm về làm giúp bà mà! Cháu vừa chui ở quả thị nào ra thế?
– Nhưng… nhưng cháu không ngoan đâu Cháu lỡ tay đánh vỡ bát của bà rồi!… Hu!… Hu..!
– Không sao đâu! Nín đi cháu! Cái bát ấy đã nứt sẵn rồi, vỡ là phải! Cháu không có lỗi gì đâu! Cô Tấm của bà ngoan lắm!
Đề bài: Tóm tắt truyện Tấm Cám
Bài văn mẫu
Tấm Cám là một trong nhiều truyện tiêu biểu cho loại truyện cổ tích thần kì Việt Nam. Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Bố mẹ mất sớm, Tấm phải ở với dì ghẻ (mẹ Cám). Tấm vất vả, khổ cực, còn Cám thì được cưng chiều.
Một hôm, Tấm và Cám cùng đi hớt tép, Cám mải rong chơi nên chiều về giỏ không. Cám đã lừa trút hết tép trong giỏ của Tâm. Tấm khóc. Bụt hiện lên bảo Tấm xem trong giỏ còn gì không. Tấm tìm thấy một con cá bống. Tấm thả cá Bống xuống giếng, mỗi ngày cho Bống ăn cơm. Mẹ con nhà Cám rình, biết được, đã lừa cho Tấm đi chăn trâu thật xa, ở nhà giết thịt cá bống. Bụt bảo Tấm tìm nhặt xương cá, bỏ vào bốn cái lọ, chôn ở bốn chân giường.
Đến ngày hội làng, mọi người nô nức đi xem hội. Mẹ con Cám trước khi đi còn trộn thóc lẫn gạo bắt Tấm nhặt. Tấm tủi thân ngồi khóc. Bụt hiện lên, sai đàn chim sẻ nhặt giúp Tấm. Rồi bảo Tấm đào bốn cái lọ xương bống dưới chân giường lên. Trong lọ có quần áo đẹp, khăn, nón, giày… và một con ngựa hồng rất đẹp. Tấm vui sướng, tắm rửa, thay đồ, cưỡi ngựa đi xem hội.
Khi ngựa qua cầu, chẳng may Tấm đánh rơi một chiếc giày xuống sông. Tấm mò mãi mà không được.
Lát sau, ngựa của nhà vua qua cầu cứ hí lên không chịu đi. Vua sai quân lính xuống sông mò, thì bắt được một chiếc giày xinh đẹp. Vua truyền lệnh: hễ ai ướm giày vừa chân thì vua sẽ lấy làm vợ.
Mọi người thi nhau ướm thử. Đến lượt Tấm, chiếc giày vừa vặn. Vua cho kiệu rước Tấm về cung. Ít lâu sau, nhân ngày giỗ bố, Tấm xin phép vua về thăm nhà. Dì ghẻ lập mưu lừa Tấm trèo cau rồi đốn gốc giết Tấm, để Cám vào cung thay chị.
Tấm chết, biến thành Vàng Anh. Vua rất yêu chim. Mẹ con Cám giết Vàng Anh, đổ lông ra góc vườn. Nơi ấy mọc ra hai cây xoan đào. Vua rất thích hai cây xoan đào, mắc võng ngủ, không để ý gì đến Cám. Mẹ con Cám chặt hai cây xoan làm khung cửi. Khung cửi kêu tiếng người khiến Cám sợ hãi chặt khung cửi, đốt, đem tro đổ ra thật xa.
Nơi xa ấy lại mọc ra cây thị tươi tốt. Nhưng cây thị chỉ có một quả thơm và ở trên cao. Một bà cụ đi chợ trông thấy, đọc câu: Thị ơi, thị hỡi! Thị rụng bị bà. Thị thơm bà ngửi, chứ bà không ăn. Quả thị liền rụng vào bị bà. Bà cụ đem về. Tâm ở trong quả thị chui ra, nâu cơm, nấu nước, dọn nhà dọn cửa cho bà. Bà cụ rình bắt được, xé nát vỏ quả thị đi. Từ đó Tấm sống với bà cụ như hai mẹ con.
Một lần, nhà Vua kinh lí đi qua ghé vào quán nước, nhận được Tấm. Vua đón nàng về cung.Cám thây chị đẹp hơn xưa đem lòng ganh ghét. Tấm trả thù Cám. Mụ dì ghẻ cũng uất lên mà chết theo con.
Truyện Tấm Cám phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội, nói lên số phận của những con người mồ côi, bất hạnh và thể hiện khát vọng chiến thắng cái ác giành và giữ hạnh phúc.