Xem toàn bộ tài liệu Lớp 6: tại đây
- Bài Tập Trắc Nghiệm Sinh Lớp 6
- Giải Vở Bài Tập Sinh Học Lớp 6
- Giải Sinh Học Lớp 6 (Ngắn Gọn)
- Giải Sách Bài Tập Sinh Học Lớp 6
- Sách Giáo Khoa Sinh Học Lớp 6
- Sách Bài Tập Sinh Học Lớp 6
Giải Bài Tập Sinh Học 6 – Bài 35: Những điều kiện cần cho hạt nảy mầm giúp HS giải bài tập, cung cấp cho học sinh những hiểu biết khoa học về đặc điểm cấu tạo, mọi hoạt động sống của con người và các loại sinh vật trong tự nhiên:
Trả lời câu hỏi Sinh 6 Bài 35 trang 113: Trả lời câu hỏi:
– Hạt đỗ ở cốc nào đã nảy mầm
– Giải thích vì sao hạt đỗ ở các cốc khác không nảy mầm được?
– Kết quả của thí nghiệm cho ta biết hạt nảy mầm cần những điều kiện gì?
Lời giải:
– Hạt ở cốc 3 đã nảy mầm.
– Cốc 1 hạt không nảy mầm được vì để khô, hạt thiếu nước không nảy mầm được.
– Cốc 2 hạt không nảy mầm được vì ngâm trong nước hạt bị thiếu không khí.
– Hạt nảy mầm được cần đủ nước và không khí.
Trả lời câu hỏi Sinh 6 Bài 35 trang 114: Làm một cốc thí nghiệm có những điều kiện giống cốc số 3 trong thí nghiệm 1, rồi để trong hộp xốp đựng nước đá. Quan sát kết quả sau 3-4 ngày.
– Hạt đỗ trong cốc thí nghiệm này có nảy mầm được không? Vì sao?
– Ngoài điều kiện đủ nước, đủ không khí, hạt nảy mầm còn cần những điều kiện nào nữa?
Lời giải:
– Hạt đỗ trong cốc thí nghiệm không nảy mầm được.
– Ngoài điều kiện đủ nước, đủ không khí, hạt nảy mầm còn cần có nhiệt độ thích hợp.
Trả lời câu hỏi Sinh 6 Bài 35 trang 114: Vận dụng những hiểu biết về các điều kiện nảy mầm của hạt, hãy giải thích cơ sở của một số biện pháp kĩ thuật sau:
Lời giải:
– Sau khi gieo hạt gặp trời mưa to, nếu đất bị úng phải tháo hết nước ngay→ giúp cho hạt có đủ không khí để hô hấp, để hạt có thể nảy mầm.
– Phải làm đất thật tơi, xốp trước khi gieo hạt→Tạo điều kiện tốt cho hạt đủ không khí để hô hấp thì hạt mới nảy mầm.
– Khi trời rét phải phủ rơm rạ cho hạt đã gieo→ giữ ấm cho hạt, tạo điều kiện nhiệt độ thích hợp cho hạt nảy mầm.
– Phải gieo hạt đúng thời vụ→ tạo điều kiện thích hợp nhất về nhiệt độ, độ ẩm và không khí cho hạt nảy mầm.
– Phải bảo quản tốt hạt giống→ Để hạt không bị thối, hỏng, nấm mốc.
Bài 1 (trang 115 sgk Sinh học 6): Trong thí nghiệm 2 ta đã dùng cốc thí nghiệm nào để làm đối chứng ? Giữa cốc đối chứng và cốc thí nghiệm chỉ khác nhau về điều kiện nào ? Thí nghiệm nhằm chứng minh điều gì ?
Lời giải:
+ Trong thí nghiệm 2 ta đã dùng cốc 3 ở thí nghiệm 1 làm cốc đối chứng.
+ Giữa cốc thí nghiệm và cốc đối chứng giống nhau về các điều kiện: hạt giống, nước, không khí nhưng khác nhau về điều kiện nhiệt độ (cốc đối chứng để ở nơi mát, cốc thí nghiệm để ở thùng nước đá).
+ Thí nghiệm nhằm chứng minh nhiệt độ là yếu tố cần thiết ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt. Nếu không có nhiệt độ thích hợp, hạt không thể nảy mầm.
Bài 2 (trang 115 sgk Sinh học 6): Những điều kiện bên ngoài và bên trong nào cần cho hạt nảy mầm ?
Lời giải:
Điều kiện cần cho hạt nảy mầm:
– Điều kiện bên ngoài: độ ẩm, không khí, nhiệt độ, nước, cường độ ánh sáng,…
– Điều kiện bên trong: chất lượng của hạt (kích thước hạt, màu sắc hạt, độ sạch bệnh, mức độ nguyên vẹn, lượng chất dinh dưỡng trong hạt,…).
Bài 3 (trang 115 sgk Sinh học 6): Cần phải thiết kế thí nghiệm như thế nào để chứng minh sự nảy mầm của hạt phụ thuộc vào chất lượng hạt giống ?
Lời giải:
Thí nghiệm chứng minh sự nảy mầm của hạt phụ thuộc vào chất lượng hạt giống:
+ Chuẩn bị: 2 cốc thủy tinh, giấy thấm, nước, 10 hạt đỗ tốt (chắc mẩy, kích thước đều nhau, hạt tròn đều, không bị sứt sẹo và không có nấm bệnh) và 10 hạt đỗ chất lượng kém (hạt nhăn, lép, bị sứt sẹo, kích thước không đồng đều).
+ Tiến hành:
– Thấm đều 2 tấm giấy thấm vào nước cho đến khi vừa đủ ẩm, cho vào mỗi cốc thủy tinh 1 tấm giấy thấm.
– Cốc thủy tinh 1: bỏ vào 10 hạt đỗ chất lượng tốt, cốc thủy tinh 2: bỏ vào 10 hạt đỗ chất lượng kém. Đặt hai cốc ở nơi thoáng khí, mát mẻ; bổ sung nước hàng ngày.
– Quan sát sự nảy mầm của các hạt đỗ ở hai cốc sau 3-4 ngày.
+ Kết quả:
– Cốc 1: tất cả các hạt đỗ đều nảy mầm.
– Cốc 2: không có (hoặc chỉ có một vài) hạt đỗ nảy mầm.