Xem toàn bộ tài liệu Lớp 5: tại đây
A. Hoạt động cơ bản
(Trang 84 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1) 1. Quan sát ảnh cổng trời
(Trang 85 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1) 2 – 3 – 4. Đọc, giải nghĩa và luyện đọc
(Trang 85 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1) 5. Thảo luận, trả lời câu hỏi
(Trang 86 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1) (1) Vì sao địa điểm miêu tả trong bài thơ được gọi là “cổng trời”?
(Trang 86 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1) (2) Hình ảnh cổng Trời được miêu tả trong khổ thơ đầu đẹp như thế nào?
(Trang 86 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1) (3) Em hãy tả lại vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên trong khổ thơ 2, 3 và 4.
(Trang 86 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1) (4) Điều gì đã khiến cánh rừng sương giá ấy như ấm lên?
(Trang 86 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1) (5) Trong những cảnh vật được miêu tả trong bài thơ, em thích nhất cảnh vật nào? Vì sao?
Trả lời
(1) Địa điểm miêu tả trong bài thơ được gọi là “cổng trời” vì: đó là một đèo cao giữa hai vách đá; từ đỉnh đèo có thể nhìn thấy cả một khoảng trời có mây bay, gió thoảng, tạo cảm giác như đó là cổng để đi lên trời.
(2) Hình ảnh cổng trời được miêu tả trong khổ thơ đầu đẹp, không gian khoáng đạt, trong sáng có gió thoảng, có mây trôi bồng bềnh
(3) Tả vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên trong khổ thơ 2, 3, 4 là:
+ Từ cổng trời nhìn ra, qua màn sương khói huyền ảo, có thể thấy cả một không gian mênh mông, bất tận, những cánh rừng ngút ngàn cây trái và muôn vàn sắc màu cỏ hoa, những vạt nương màu mật, những thung lũng lúa đã chín vàng như mật đọng, khoảng trời bồng bềnh mây trôi, gió thoảng. Xa xa kia là thác nước trắng xoá đổ xuống từ triền núi cao, vang vọng, ngân nga như khúc nhạc của đất trời. Bên dòng suối mát trong uốn lượn dưới chân núi, đàn dê thong dong soi bóng mình xuống nước. Không gian nơi đây gợi vẻ hoang sơ, bình yên như thể hàng ngàn năm nay vẫn như vậy, khiến ta có cảm giác như được bước vào cõi mơ. (4) Cảnh rừng sương giá như ấm lên bởi có hình ảnh sinh hoạt và lao động của con người, ai nấy tất bật, rộn ràng với công việc: người Tày từ khắp ngả đi gặt lúa, trồng rau; người Giáy, người Dao đi tìm măng, hái nấm; tiếng xe ngựa vang lên suốt triền rừng hoang dã; những vạt áo chàm nhuộm xanh cả nắng chiều.
(5) Trong bức tranh thiên nhiên được miêu tả, em thích nhất cảnh:
+ Em thích hình ảnh đứng ở cổng trời, ngẩng đầu lên nhìn thấy khoảng không có gió thổi, mây trôi, tưởng như mình có thể lên đến trời được.
+ Em thích hình ảnh đàn dê ăn cỏ, soi mình xuống dòng suối, giữa ngút ngàn cây trái xanh tươi.
+ Em thích hình ảnh thung lũng lúa chín vàng, gợi cuộc sống ấm no, đầy đủ…
+ Cánh rừng sương giá như ấm lên bởi có hình ảnh con người. Những người dân đi làm giữa cảnh suối reo, nước chảy.
B. Hoạt động thực thành
(Trang 86 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1) 1. Lập dàn ý cho bài văn miêu tả một cảnh đẹp ở địa phương em
Trả lời
I.Mở bài: Giới thiệu chung về Hồ Gươm.
II.Thân bài
1. Vị trí địa lí và diện tích
a. Vị trí địa lí
Nằm giữa trung tâm quận Hoàn Kiếm
Hồ Gươm có vị trí giữa các khu phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào, Lương Văn Can… và các khi phố Tây do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỉ
b. Diện tích
Diện tích của hồ là hơn 12ha và dài 700m
2. Tên gọi
LỤC THỦY: hồ được gọi với tên này vì nước hồ xanh quanh năm và là nơi sinh sống của nhiều loại tảo
THỦY QUÂN: hồ dược gọi với tên này là vì do nhà Trần sử dụng hồ làm chỗ luyện tập thủy quân.
HỒ HOÀN KIẾM: tên gọi này bắt đầu từ thế kỷ 15, khi có truyền thuyết “Lê Lợi trả gươm cho Rùa thần”, ghi lại dấu ấn thắng lợi trong cuộc chiến chống quân Minh (1417-1427).
TẢ VỌNG – HỮU VỌNG: đây là cái tên có từ Thời nhà Mạc, vua cho xây đập, ngăn hồ thành hai nửa để tìm rùa thần. Sau đó, cái đập được giữ lại. Nửa hồ phía Bắc là Tả Vọng, nửa hồ phíaNamlà Hữu Vọng.
3. Lịch sử
Đầu thế kỉ 15 gắn với truyền thuyết “ Trả gươm” của vua Lê lợi
4. Vẻ đẹp thiên nhiên của Hồ
Từ xa nhìn lại hồ như một chiếc gương khổng lồ.
+ Mặt hồ lăn tăn gợn sóng.
+ Nước hồ trong vắt, nhìn rõ đàn cá bơi lội, hay những chú rùa con đang tập bơi.
+ Tháp Rùa cổ kính in bóng xuống đáy hồ.
+ Hai bên hồ, những cây cổ thụ toả bóng mát.
+ Hàng liễu thướt tha rủ bóng xuống mặt hồ.
+ Những bồn hoa đủ loại, đủ màu sắc đua nhau mời gọi lũ ong bướm.
+ Xa một chút là cầu Thê Húc màu son, dẫn vào đền Ngọc Sơn.
+ Mái đền cong cong, cổ kính rêu phong, ẩn mình dưới tán đa già.
+ Tháp Bút đứng hiên ngang sừng sững như khí phách của dân tộc ta.
5. Các công trình gắn liền với hồ: tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, Đài Nghiên, Tháp Hòa Phong, Tượng đài Lý Thái Tổ
6. Vai trò của hồ
Hồ có chức năng điều hòa khí hậu.
Là nơi sinh hoạt văn hóa và các lễ hội đặc sắc của Hà Nội.
Là nơi yên tĩnh luyện tập thể dục thể thao, vui chơi, giải trí (phố đi bộ)….
Nguồn cảm hứng thơ ca và âm nhạc
III. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về hồ Gươm: Hồ Gươm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử hào hùng là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Hồ Gươm là cảnh đẹp nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. Mỗi chúng ta đều tự hào về cảnh đẹp nơi đây.
(Trang 86 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1) 2. Dựa theo dàn ý đã lập, viết một đoạn văn miêu tả cảnh đẹp ở địa phương em
Trả lời
Hà Nội có rất nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử đẹp nhưng phong cảnh để lại cho em nhiều tình cảm nhất là Hồ Gươm. Hồ Gươm nằm giữa trung tâm quận Hoàn Kiếm giữa các khu phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào, Lương Văn Can… và các khi phố Tây do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỉ. Diện tích của hồ là hơn 12ha và dài 700m. Hồ có rất nhiều tên gọi. Ban đồ hồ có tên là Lục Thủy vì nước hồ xanh quanh năm và là nơi sinh sống của nhiều loại tảo. Tiếp đến hồ có tên là Thủy Quân vì thời nhà Trần, vua sử dụng hồ làm chỗ luyện tập thủy quân. Từ thế kỷ 15 gắn liền với truyền thuyết “Lê Lợi trả gươm cho Rùa thần”, ghi lại dấu ấn thắng lợi trong cuộc chiến chống quân Minh (1417-1427) hồ có tên là hồ Hoàn Kiếm. Vào mùa thu Hồ như một bức tranh quyến rũ khiến bao người phải mê hoặc. Xung quanh hồ là rặng liễu ngả bóng soi mình xuống mặt hồ và những cây cổ thụ toả bóng mát. Những bồn hoa đủ loại, đủ màu sắc đua nhau mời gọi lũ ong bướm càng làm cho hồ giống như một lẵng hoa rực rỡ. Bao trùm cả hồ là một sắc xanh biếc khiến hồ giống như một hòn đảo nhỏ giữa lòng thành phố. Từ xa nhìn lại hồ như một chiếc gương khổng lồ. Mỗi buổi sớm mai, mặt hồ lăn tăn gợn sóng đón những tia nắng bình minh. Nước hồ trong vắt khiến du khách nhìn rõ đàn cá bơi lội, hay những chú rùa con đang tập bơi. Xa một chút là cầu Thê Húc màu đỏ son cong cong dẫn vào đền Ngọc Sơn. Mái đền cổ kính rêu phong, ẩn mình dưới tán đa già. Đằng trước Đền là Tháp Bút đứng hiên ngang sừng sững như khí phách của dân tộc ta. Hồ Gươm là cảnh đẹp nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. Em rất tự hào về cảnh đẹp nơi đây.
(Trang 87 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1) 3. Kể một mẩu chuyện (đoạn truyện) đã nghe (đã đọc) về quan hệ giữa con người với thiên nhiên
Trả lời
Câu chuyện quan hệ giữa con người với thiên nhiên: Chim sơn ca và bông cúc trắng
Tôi đã từng nghe ai đó nói: Thiên nhiên là bạn tốt của con người. Thiên nhiên đem đến cho con người môi trường sinh sống, đem đến bao loài hoa thơm trái ngọt, bao loài động vật hữu ích,… Ấy vậy mà có hai cậu bé đã không quý trọng thiên nhiên. Chỉ vì thú vui của mình, hai cậu đã vô tình làm hại chết chú sơn ca và loài cúc trắng.
Bên bờ rào của khu vườn nọ, giữa đám cỏ dại, một bông cúc vừa nở những cánh hoa trắng tinh. Dưới nắng, bông cúc y như chiếc chén nhỏ bằng ngọc lấp lánh. Vẻ đẹp ấy đã làm sơn ca đang bay phải sà xuống, líu lo hót rằng:
– “Cúc ơi! Cúc xinh xắn làm sao!”
Bông cúc trắng nghiêng đầu lắng nghe, lòng sung sướng khôn tả. Chim véo von quanh cúc hồi lâu rồi mới bay vút lên bầu trời xanh thẳm.
Sáng sớm hôm sau, khi bông cúc trắng vừa xoè cánh đón bình minh và háo hức chờ đợi sơn ca tới thì đã nghe thấy tiếng hót buồn thảm văng vẳng phía xa. Thì ra, sơn ca đã bị nhốt trong lồng. Bông cúc trắng muốn cứu bạn mà chẳng làm gì được.
Bỗng có hai cậu bé đi vào vườn, cắt đám cỏ lẫn bông cúc đem về bỏ vào lồng cho chim ăn. Sơn ca bị giam cầm, cổ họng khô bỏng vì khát nước. Nó rúc mỏ vặt đám cỏ ướt cho đỡ đói. Bông cúc trắng toả hương thơm ngào ngạt an ủi bạn. Sơn ca dù đói khát, chú ăn hết đám cỏ nhưng vẫn không đụng đến bông hoa. Màn đêm buông xuống tối đen. Hai cậu bé quên bẵng chú chim khốn khổ, không cho nó một giọt nước nào. Đêm ấy, chú sơn ca lìa đời. Bông cúc trắng thương xót bạn, khóc hết nước mắt, héo lả đi bên xác sơn ca.
Sáng ra, thấy chú chim đã chết, hai cậu bé tỏ vẻ ân hận và tiếc nuối. Hai cậu đặt xác sơn ca vào một chiếc hộp thật đẹp rồi chôn cất cẩn thận. Tội nghiệp con chim bé nhỏ! Khi nó còn sống, các cậu đã để mặc nó chết vì tù túng và đói khát. Còn bông cúc trắng, giá các cậu đừng vô tình thì hôm nay nó vẫn xinh tươi đùa vui nắng mặt trời.
Câu chuyện “Chim sơn ca và bông cúc trắng” rất hay phải không các bạn? Nếu hai cậu bé không bắt nhốt chú sơn ca, không ngắt đám cỏ thì đã không gây ra chuyện buồn như vậy. Chúng ta phải biết gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên để người bạn đặc biệt này luôn xanh tươi các bạn nhé!
(Sưu tầm)
(Trang 87 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1) 6. Thảo luận: Con người cần làm gì để thiên nhiên mãi tươi đẹp?
Trả lời
– Trồng cây gây rừng
– Không xả rác bừa bãi
– Không săn bắn động vật quý hiếm
– Không chặt rừng và đốt rừng trái phép
– Hạn chế xả khí các-bô-níc
– Xử lí rác thải đúng nơi quy định
– Kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường.
C. Hoạt động ứng dụng
Kể cho người thân nghe một câu chuyện nói về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên mà em thấy có ý nghĩa nhất.
Trả lời
Người đi săn và con vượn
Thiên nhiên tươi đẹp, kì thú, hoà hợp tương hỗ lẫn nhau. Mọi vật xung quanh ta đều tồn tại trên cơ sở đó. Nhưng con người, vì những nhu cầu cá nhân hoặc tính tham lam đã làm tổn hại những yếu tố tự nhiên theo một cách thiếu suy nghĩ. Câu chuyện “Người đi săn và con vượn” em đã học lúc lớp Ba đáng để loài người suy ngẫm.
Có một người thợ săn lành nghề, bắn rất giỏi, bách phát bách trúng, chưa hề bắn trượt một con thú nào. Con thú nào gặp người thợ săn đó là cầm chắc cái chết.
Một hôm, ông xách nỏ vào rừng săn bắn. Ông thấy một con vượn mẹ ngồi ôm con trên tảng đá, ông nhẹ nhàng giương nỏ bắn một mũi tên trúng tim nó. Vượn mẹ giật mình, nó hết nhìn mũi tên lại nhìn người thợ săn một cách căm giận. Tay vượn mẹ vẫn không rời vượn con. Máu ở vết thương của nó rỉ ra, ướt hết cả ngực. Bỗng vượn mẹ đặt con xuống, vơ nắm bùi nhùi gối đầu cho con. Đoạn nó hái cái lá to, vắt sữa vào và đặt lên miệng vượn con. Vượn mẹ chăm chú nhìn vượn con, nét mắt của nó vô cùng đau khổ. Sau đó, vượn mẹ nghiến răng, giật phắt mũi tiên ra, hét lên thật to rồi ngã xuống.
Chứng kiến cái chết của vượn mẹ, người thợ săn đứng lặng, nước mắt chảy ròng. Người đi săn vô cùng hối hận. Lúc ấy, một câu hỏi vang lên trong đầu ông: “Vượn mẹ chết, rồi đây vượn con sẽ sống ra sao?”. Càng nghĩ càng thấy đau lòng, người đi săn bẻ gãy chiếc nỏ và lẳng lặng quay gót ra về. Từ đấy, người thợ săn bỏ nghề săn thú.
Tình yêu con của vượn mẹ đã đánh thức tâm trí của người thợ săn, để đọng lại trong tim ông nỗi niềm ân hận day dứt. Ông bỏ nghề thợ săn là quyết định đúng. Chuyện kể cũng là lời cảnh báo cho toàn thể loài người, khơi dậy trong tâm hồn con người lòng từ ái đối với vạn vật, hoa lá, chim muông. Bảo vệ thiên nhiên là bảo vệ chính mình.
Cái chết của vượn mẹ, cái lá đựng sữa của vượn mẹ đặt gần con là thông điệp tố cáo sự tàn nhẫn của con người, rất may mắn là bác thợ săn đã nhận thức đúng lúc: bác bỏ nghề để không còn bắn giết thú rừng nữa.
(Sưu tầm)
Các chủ đề khác nhiều người xem