Viết bài tập làm văn số 1: Cảm nghĩ về một hiệu tượng đời sống (hoặc một tác phẩm văn học)

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10: tại đây

Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về một bài thơ hoặc một nhà thơ mà anh (chị) yêu thích.

A/ Dàn ý chi tiết

I. MỞ BÀI

– Giới thiệu bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh: Bài thơ đã diễn tả một cách tinh tế, sâu sắc những cảm nhận tế vi của mình trong thời khắc giao mùa khi thu sang.

II. THÂN BÀI

– Mùa thu của Hữu Thỉnh khoác lên mình một chiếc áo mới, trong không gian quen thuộc của làng quê Bắc Bộ.

– Khổ đầu, Hữu Thỉnh đã đưa con tàu không gian của mình ngao du trong không gian tinh tế của làng quê lúc sang thu.

– Khổ thứ hai là sự cảm nhận tinh tế của thiên nhiên mùa thu trong không gian đất trời….

– Khổ cuối là những chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về cuộc đời mỗi con người.

– Bài thơ có thể thơ năm chữ, cách ngắt nhịp linh hoạt, giọng điệu tự nhiên, nhẹ nhàng, ngôn ngữ hình ảnh trong sáng, tinh tế giàu sức gợi, sức biểu cảm…

– Hữu Thỉnh đã gửi đến người đọc một bức tranh thiên nhiên lúc sang thu thật sự đẹp, thật duyên, thật tinh tế của một tâm hồn yêu thiên nhiên, quê hương tha thiết.

III. KẾT BÀI

Sang Thu của Hữu Thỉnh đã góp một tiếng nói riêng, đằm thắm vào một góc sang thu.

B/ Bài văn mẫu

Cảm nghĩ về một bài thơ hoặc một nhà thơ yêu thích – mẫu 1

Mỗi tác phẩm đều để lại những dòng chảy qua tâm hồn ta, bồi đắp cho ta những tình cảm cao quý, thiêng liêng của tâm hồn con người, để từ đó hướng ta đến thế giới của chân thiện mĩ. Và trong cái tháp ngà văn chương ấy, trong cái mùa thu là thơ của đất trời, thơ là thu của hồn người tôi vẫn bị ám ảnh bởi những vần thơ của Hữu Thỉnh trong bài Sang Thu. Bài thơ đã diễn tả một cách tinh tế, sâu sắc những cảm nhận tế vi của mình trong thời khắc giao mùa khi thu sang.

Mở đầu bài thơ, Hữu Thỉnh đã đưa con tàu không gian của mình ngao du trong không gian tinh tế của làng quê lúc sang thu. Một hồn thơ tinh tế được bộc bạch, góp phần làm tăng thêm tình yêu thiên nhiên, quê hương:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về.

Vẫn là mùa thu ấy, mùa thu đã làm say đắm suối rượu nguồn tình của bao thi nhân, từ Tam thu bất biến của cụ Tam Nguyên Yên Đổ, hay Thu Hứng của Đỗ Phủ đến Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, là một lần người đọc được khám phá những đắc sắc và hương vị riêng của mùa thu. Đối với Hữu Thỉnh, mùa thu lại khoác lên mình một chiếc áo mới, trong không gian quen thuộc của làng quê Bắc Bộ, nhà thơ bỗng tinh tế nhận ra mùi hương ổi chín. Đó là mùi vị ngọt ngào, nồng nàn thanh mát của quê hương, của những tâm hồn đã chắt chiu vun trồng nên hương ổi. Đó là hương vị quen thuộc, bình dị gợi nhắc đến màu thu quê hương. Không phải là lá ngô đồng như trong thơ cảu Bích Khuê, cũng không phải là hương cốm trong bài Đất Nước của Nguyễn Đình Thi, bằng cảm nhận và tình yêu quê tha thiết, hương ổi đã phả vào tâm hồn nhà thơ, đánh thức những cảm nhận riêng để ngỡ ngàng nhận ra mùa thu đã đặt chân xuống trần gian tuyệt diệu. Nhưng hương ổi mạnh mẽ, ngọt ngào phả vào trong gió se, càng làm quyện đọng vị ngọt và sánh mịn của hương ổi. 

Hữu Thỉnh lại tiếp tục gây ấn tượng với người đọc bởi những chất liệu để làm nên trang hoa, tờ hoa của Sang Thu. Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của nữ hoàng nghệ thuật để làm quen với độc giả và nhà thơ đã sáng tạo tài tình được ngôn ngữ giàu sức gợi qua từ “chùng chình”. Từ đã diễn tả vẻ đẹp mộng mơ, duyên dáng và yêu kiều như nàng thiếu nữ đang e ấp duyên dáng bao quanh xóm làng. Cảnh vật không gian làng quê chìm ngập trong màn sương khói mờ ảo, giăng mắc như làm thiên nhiên thêm huyền ảo, lung linh hơn. Một bức tranh thủy mặc như được tạc dựng. Và trước hương ổi trong gió se, trước đám mây chùng chình kia, thi nhân của chúng ta ngỡ ngàng Hình như thu đã về. Từ hình như diễn tả tâm trạng bâng khuâng, man mác của nhà thơ, cũng như vẻ ngờ ngợ không dám tin rằng thu đã về rồi. Đó là sự luyến tiếc của tâm hồn thi nhân, vừa ngỡ ngàng với thu sang, vừa luyến tiếc khi hạ đã rời đi. Quả là một tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết.

Sang đến khổ thơ tiếp theo, là sự cảm nhận tinh tế của thiên nhiên mùa thu trong không gian đất trời. Sự tinh tế và tấm lòng khát khao giao cảm, muốn nắm bắt sự thay đổi của vạn vật đã được bộc lộ rõ:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu.

Sự tinh tế của tác giả tiếp tục được khơi nguồn bằng những cảm hứng rất riêng về thiên nhiên đất trời khi thu sang. Dòng sông mùa thu không còn vẻ vội vàng, gấp gáp và chảy xiết như trong những ngày hạ, sông êm đềm, tĩnh lặng, yên ả uốn mình hiền hòa sau lũy tre xanh xanh của làng quê. Những cánh chim bắt đầu, cho thấy sự quan sát rất tinh của Hữu Thỉnh khi nhận ra sự chuyển dời của đàn chim tìm nơi trú ẩn cũng là dấu hiệu nhắc thu sang. Và đám mây kia chính là điểm nhấn cho nền trời, cho bức tranh thiên nhiên quyến rũ, xinh tươi ấy. Đám mây vắt nửa mình, dường như cũng đang chứa đựng sụ lưu luyến, bịn rịn. Đám mây giống như cây cầu nối liền giữa mùa hạ và mùa thu để ngân rung mãi lên một nhịp riêng của đất trời, nhịp giao thời, nhịp chuyển mùa. Thu sang trong bao nhiêu của thi ca muôn thuở, nay trở về trong những câu thơ của Hữu Thỉnh sao vẫn đắm đuối, si mê lòng người như thế. Vậy là mùa thu trong không gian làng quê được cảm nhận mới tinh tế và nên thơ làm sao. Chỉ có thể yêu thiên nhiên lắm, Hữu Thỉnh mới vẽ nên một bức tranh thật đẹp, thật duyên đến vậy.

Nhưng những cảm nhận tinh tế, những ngôn ngữ giàu sức gọi chưa phải là yếu tố đủ để Hữu Thỉnh làm nên giá trị cho bài thơ của mình, bởi giá trị của một tác phẩm trước hết ở giá trị tư tưởng của nó, và một lần nữa những chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về cuộc đời mỗi con người lại khẳng định tài năng và tấm lòng của nhà thơ:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Với những tháng năm kinh nghiệm cuộc đời, những chiêm nghiệm sâu sắc về nhân sinh Hữu thỉnh đã gửi đến chúng ta những thông điệp thật ý nghĩa. Hình ảnh nắng, mưa, sấm là biểu tượng cho những sóng gió, thăng trầm của cuộc đời mà con người đã trải qua. Khi đã đi qua bao nhiêu nắng mưa, bao nhiêu giông tố, con người dường như cũng trở nên điềm đạm, bình tĩnh hơn trước những thử thách, chông gai của cuộc đời. Con người khi trưởng thành “hàng cây đứng tuổi” sẽ không còn những bồng bột, sôi nổi và sự liều lĩnh của tuổi trẻ mà sẽ lắng mình xuống để suy ngẫm và chiêm nghiệm, cũng sẽ không để những sóng gió cuộc đời quật ngã mỗi bước đi. Phải chăng đó cũng chính là thông điệp sâu sắc mà Hữu Thỉnh gửi gắm.

Thế là một lần nữa, quê hương và thiên nhiên thu sang tươi đẹp lại được khoác lên mình tấm áo mới qua cách sáng tạo của Hữu Thỉnh. Với thể thơ năm chữ, cách ngắt nhịp linh hoạt, giọng điệu tự nhiên, nhẹ nhàng, ngôn ngữ hình ảnh trong sáng, tinh tế giàu sức gợi, sức biểu cảm, Hữu Thỉnh đã gửi đến người đọc một bức tranh thiên nhiên lúc sang thu thật sự đẹp, thật duyên, thật tinh tế của một tâm hồn yêu thiên nhiên, quê hương tha thiết. Sang Thu của Hữu Thỉnh đã góp vào bản hoà ca mùa thu của quê hương, đất nước một tiếng nói riêng, đầy thi vị, ám ảnh, xúc động.

Mỗi mùa lại có những hương sắc riêng và mỗi bài thơ, mỗi tài năng văn học đã góp phần làm nên điều ấy. Sang Thu của Hữu Thỉnh đã góp một tiếng nói riêng, đằm thắm vào một góc sang thu.

Cảm nghĩ về một bài thơ hoặc một nhà thơ yêu thích – mẫu 2

Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô?

Dường như mùa thu luôn là nguồn thi hứng để các nhà thơ viết nên từng vần thơ đẹp đẽ. Từ những chiếc lá vàng, đến những ngọn gió mát lành và ánh nắng ấm áp, mùa thu hiện lên trong khung cảnh dịu êm và lãng mạn. Trong đó, có một bài thơ mà tôi vô cùng ấn tượng, một bài thơ đã tái hiện đầy tinh tế khung cảnh đất trời lúc sang thu vô cùng gần gũi, giản dị, đó là bài thơ Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh.

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Các nhà thơ thường miêu tả mùa thu với lá vàng rụng ngoài sân, sắc vàng dịu êm mà cũng buồn sầu. Riêng với Sang thu, tác giả cảm nhận mùa thu rất riêng, rất mới, bằng sự rung động tinh tế. Hương ổi thoang thoảng trong gió, nhà thơ đã thật nhạy cảm, khéo léo để có thể nhận ra được mùi hương rất đỗi nhẹ nhàng như vậy. Cụm từ bỗng nhận ra đã diễn tả trạng thái ngỡ ngàng của tác giả khi phát hiện mùa thu đã chạm ngõ chỉ với hương ổi, mùi hương đồng nội thân quen, gợi nên những cảm xúc khó tả. Mùi hương ổi ấy đã phả vào trong gió se đầu mùa thu dịu nhẹ, se sắt. Động từ phả đã diễn tả sự quyện chặt vào, sự gắn kết giữa hương ổi và làn gió đầu mùa. Chỉ qua hai câu thơ đầu, Hữu Thỉnh đã mang đến cho người đọc một cảm nhận mới về mùa thu, về sự chuyển mùa tinh tế nhất, về nhưng điều bình dị ở xung quanh chúng ta.

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

Sương thu đã được nhân hóa; hai chữ “chùng chình” diễn tả bước đi chầm chậm của mùa thu, khiến ta cảm nhận được khung cảnh sương bao trùm đầu ngõ. Sương thu đến không vội vàng, mà lại mơ hồ và châm rãi. Tác giả phải thốt lên hình như, là chưa chắc chắn, là phỏng đoán, nhưng thật ra trong thâm tâm nhà thơ, dường như ông biết rằng mùa thu đã đến rồi. 

Từ cảm nhận của các giác quan, cảm xúc của tác giả về mùa thu dần hòa vào cảnh vật chung quanh:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu.

Nước mùa thu dâng lên theo mùa, sự dâng lên ấy có gì đó gợn sóng, uyển chuyển. Những cánh chim trời cũng vội vã bay. Đất trời khi giao mùa dường như gấp gáp hơn, chuyển động hơn. Mùa thu lúc này hiện ra trong cảm nhận của nhà thơ mang hình thái rõ ràng, bởi nhà thơ đã nhận ra rằng mùa thu về. Đám mây mùa hạ được tác giả miêu tả vô cùng độc đáo, diễn tả quá trình chuyển mình của nhà thơ một cách nhẹ nhàng. Nhà thơ Hữu Thỉnh từng tâm sự: “Khi tôi viết bài thơ này tôi đã liên tưởng đến những đám mây mùa Hạ. Đó là những đám mây tràn trọn vẹn vào mùa Thu. Thế nhưng có gì ngăn cảm xúc của tôi lại theo chiều hướng đấy… Mây mùa Hạ thường chứa nhiều màu sắc, thậm chí đầy giông bão tựa hồ những ước mơ khao khát của tuổi trẻ. Những ước mơ khao khát ấy thường lấy đi rất nhiều sức lực của tuổi trẻ. Tuy nhiên giữa mơ và thực là hai thế giới luôn đối lập nhau và chẳng phải ước mơ nào cũng trở thành hiện thực.”

Đến với khổ thơ cuối, nhà thơ đã chiêm nghiệm mùa thu bằng cái nhìn của một đời người:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

Nắng, mưasấm là những hiện tượng tự nhiên, thế nhưng ở đây nhà thơ không chỉ miêu tả cảnh thu, mà còn thể hiện cái nhìn về cuộc đời và con người. Tác giả đã mượn hình ảnh hàng cây đứng tuổi để nói lớp người từng trải, đã đi qua những gian khổ khó khăn, cũng như mùa thu vậy; mùa thu cũng là mùa của độ tuổi xế chiều. Có lẽ khi con người ta trải qua tuổi bồng bột, đến một lúc nào đó cần bình thản nhìn lại và nhẹ nhàng cảm nhận chúng. Khi mà người ta đã đi qua những ngày tháng gian khổ, dường như cuộc đời cũng chẳng thể đánh gục họ được nữa, nó khiến con người tĩnh lặng hơn, sâu sắc và nhiều tâm sự hơn.

Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh là một bài thơ gần gũi, quen thuộc. Nó không chỉ miêu tả cảnh đất trời lúc sang thu, mà với em, bài thơ còn là tâm sự của một người từng trải, một người đã đi qua những ngày tháng khó khăn. Qua bài thơ này, em không chỉ cảm nhận được thiên nhiên lúc giao mùa, mà còn học được bài học về cuộc đời, về con người.

Cảm nghĩ về một bài thơ hoặc một nhà thơ yêu thích – mẫu 3

Trong cảm nhận của mỗi nhà thơ, mùa thu lại mang vẻ đẹp riêng. Ta biết tới mùa thu thanh tao của Nguyễn Khuyến qua chùm thơ thu, Tiếng thu êm ái của Lưu Trọng Lư. Ta còn bắt gặp cái nhìn tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh ghi lại phút giao mùa của đất trời “Sang thu” cùng những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời, con người.

Với giác quan nhạy bén, nhà thơ phát hiện dấu hiệu đầu tiên của mùa thu qua hương ổi thơm dịu ngọt, thoang thoảng trong làn gió nhẹ.

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Nhà thơ từng gắn bó với vùng đồng bằng Bắc Bộ mới có thể tái hiện nét đặc trưng của thiên nhiên nơi đây một cách bình dị đến thế. Bài thơ phá bỏ những thi liệu khuôn mẫu về mùa thu như sắc vàng của lá, đóa hoa cúc,… Mấy khi ta để tâm tới hương ổi quen thuộc để rồi khi nhận ra ta không khỏi bất ngờ, ngỡ ngàng khi thưởng thức hương thơm phảng phất khắp không gian thoáng đãng. Động từ phả tạo ấn tượng mạnh mẽ, dường như hương sắc muốn quyện hòa với cơn gió dìu dặt, se lạnh ấy? 

Trong buổi sớm khoáng đạt, nhà thơ còn hình dung tới bước chân e thẹn, rón rén của màn sương:

Sương chùng chình qua ngõ

Từ láy chùng chình thổi hồn vào màn sương mỏng manh, với bước đi ngập ngừng thật duyên dáng, làn sương như làm duyên khi bén gót tới từng con đường. Có lẽ nó cũng ngây ngất giữa tiết trời chớm lạnh hòa cùng hương ổi thanh thanh nên chưa muốn dời. Chứng kiến vạn vật lúc giao mùa, nhà thơ buông câu hỏi vu vơ:

Hình như thu đã về

Hỏi để khẳng định thu đang đến, nhà thơ chắc hẳn còn bâng khuâng trước những chuyển biến của đất trời. Tầm nhìn mở rộng hơn, giúp tác giả lưu lại nét độc đáo của sự sống.

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Những cụm từ bắt đầu, được lúc lột tả một cách chính xác sự đổi thay của dòng sông và cánh chim lúc giao mùa. Dưới mặt đất, dòng chảy của con sông mới dềnh dàng lưu tốc chậm hơn không cuồn cuộn những con nước như lúc hè về. Trên bầu trời, từng đàn chim sải cánh bay đều đều chưa thực vội vã âu lo tìm về phương nam tránh rét. Cuộc sống được hòa nhịp thật hài hòa. Trên nền bức tranh ấy, tác giả chú ý tới đám mây lơ lửng trên không trung. Với cách liên tưởng táo bạo, nhà thơ hình dung đó là đám mây mùa hạ chỉ vắt nửa mình sang bầu trời mùa thu, đám mây cũng giống như một người thiếu nữ còn đang lưỡng lự, vấn vương mùa hè rực rỡ, náo nhiệt nên chưa thực sự thuộc về mùa thu. Phát hiện của nhà thơ làm không gian càng trở nên sinh động hơn.

Trong khoảnh khắc giao mùa, thời tiết cũng có đổi thay rõ rệt:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

Dư âm của nàng hạ vẫn còn vương lại nhưng nắng, mưa, sấm không còn dữ dội, gay gắt như trước nữa. Những trạng từ vơi dần, bớt gợi tả những chuyển biến tinh vi ấy. Không chỉ khắc họa khung cảnh thiên nhiên sang thu mà ý thơ ở hai câu kết còn nâng lên tầm chiêm nghiệm về con người trong cuộc đời. Âm thanh tiếng sấm ẩn dụ những khó khăn, thử thách của mỗi người phải trải qua trong suốt hành trình cuộc sống. Hàng cây đứng tuổi chỉ những con người tuổi đã “sang thu”, từng trải và dạn dày kinh nghiệm, họ không còn hoảng sợ, hãi hùng trước mọi thách thức. Câu thơ vừa mang nghĩa thực vừa mang nghĩa biểu tượng mở ra những cách cảm thú vị nơi bạn đọc.

Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh không chỉ đọng lại trong lòng độc giả những phát hiện mới mẻ về khoảnh khắc giao thời từ hạ sang thu mà còn bởi triết lý sâu sắc về cuộc đời.

Cảm nghĩ về một bài thơ hoặc một nhà thơ yêu thích – mẫu 4

Mùa thu hiện lên trong hương cốm mới, trong cái nắng vàng ươm ướp đất trời, trong hương bưởi nồng nàn say đắm. Mùa thu của Hữu Thỉnh cũng đẹp như thế, để lại nhiều ấn tượng và dư ba trong lòng người đọc. Bài thơ Sang thu chính là sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ về một trong những mùa đẹp nhất trong năm.

Bài thơ được tác giả sáng tác năm 1977, khi ông tham gia trại viết văn quân đội. Mùa thu vốn là đề tài không mới trong thi ca và nối tiếp vào mạch thi cảm đó, Hữu Thỉnh đưa ta đến một mùa thu đẹp tuyệt nhưng lại trong một khoảnh khắc rất đặc biệt khi trời vừa chớm sang thu. Khoảnh khắc ấy phải là một tâm hồn đầy tinh tế, nhạy cảm mới có thể nhận ra được. Mở đầu bài thơ, tác giả đem tới không khí của mùa thu qua những cảm nhận đầu tiên về hương vị đất trời:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

Tác giả nhận ra mùa thu qua hương thơm rất đặc trưng của vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Hương ổi nồng nàn phả vào không gian – động từ ấy khiến hương thơm như quyện thành luồng rất đậm đặc. Từ bỗng đặt ở đầu câu thơ làm nổi bật sự bất ngờ của tác giả khi nhận ra hương vị đầu tiên của mùa thu đất trời. Làn gió heo may mang theo hương ổi, đưa hương thơm ấy đi khắp mọi nơi khiến tâm hồn tác giả ngây ngất. Trong hương thơm đó, sương hiện lên qua từ láy gợi hình chùng chình khiến làn sương như trở thành một người còn đang lưỡng lự, chậm chạp len lỏi khắp mọi con ngõ. Sương giăng mắc trên những ngọn cây, sương lan ra trong từng con hẻm, tất cả hòa vào nhau tạo nên bức tranh phong cảnh làng quê Bắc Bộ vào thu trong một buổi chiều làm hiện lên vẻ đẹp thơ mộng đầy lãng mạn. 

Trong buổi chiều đó, tác giả như cảm nhận mùa thu đã thật sự lan tỏa khắp đất trời:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Dòng sông ăm ắp nước bắt đầu dềnh dàng, những cánh chim bắt đầu vội vã tìm nơi cư trú trước khi mùa đông lạnh giá bắt đầu. Các từ được lúc, bắt đầu khiến các sự vật trở nên như một con người, bắt đầu một cuộc hành trình mới. Thu sang như mở ra một ô cửa đến với một thế giới mới, một sắc màu mới. Hình ảnh đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu là hình ảnh đầy độc đáo và giàu giá trị biểu cảm. Trên bầu trời cao xanh của mùa thu hình như còn sót lại những đám mây của mùa hạ. Động từ vắt khiến hình ảnh đám mây trở nên thật uyển chuyển, mềm mại như đang chấp chới nửa muốn nửa không sang. Không muốn vì nuối tiếc của hạ, nhưng lại muốn sang để trải nghiệm một không khí mới. Đó phải chăng cũng chính là tâm hồn tác giả đang đứng giữa ranh giới của thu và hè để hòa vào khoảnh khắc giao mùa của đất trời hay chăng? Hai khổ thơ đầu tiên tác giả sử dụng các từ láy có mật độ rất cao, thể hiện được những cảm xúc tinh tế của tác giả về thời khắc thu sang.

Nếu như hai khổ trên tác giả tập trung miêu tả mùa thu của đất trời thì đến khổ cuối lại quay về khắc họa mùa thu của lòng người qua các câu thơ đầy tính triết lí:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

Mùa hạ đã qua đi, những gì của mùa hạ đều đang giảm dần đi. Nắng vẫn vàng ươm nhưng mưa đã vơi bớt và những cơn sấm cũng bớt bất ngờ để không làm kinh động đến hàng cây đứng tuổi. Thế nhưng chính hình ảnh hàng cây đứng tuổi lại gợi cho ta nhiều suy ngẫm. Phải chăng, nó là hình ảnh của con người khi đã trưởng thành, đã đi đến cái dốc bên kia của đời người còn sấm là hình ảnh tượng trưng để chỉ những vang động, va đập của cuộc sống? Từ đó nhà thơ mang đến cho ta suy ngẫm sâu sắc: Khi con người ta đã đủ trưởng thành, đủ kinh nghiệm thì những vang động và thử thách của cuộc sống sẽ không còn khiến họ thấy nản lòng mà ngược lại lại luôn giữ một thái độ bình tĩnh đến không ngờ.

Bài thơ mang lại cho ta cảm nhận về khoảnh khắc sang thu đầy ấn tượng mà chỉ có một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm mới có thể cảm nhận được, không những thế, nhà thơ còn đem đến cho ta triết lí sâu sắc về mùa thu của đời người, của con người. Chính vì vậy mà Sang thu cho đến nay vẫn là một trong những bài thơ thu hay nhất trong nền văn học Việt Nam.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4 / 5. Số lượt đánh giá: 976

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống