Viết bài làm Văn số 2: Văn tự sự

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10: tại đây

Đề bài:Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất.

A/ Dàn ý chi tiết

I. MỞ BÀI

– Giới thiệu mối quan hệ của bản thân với người mà mình đã có được kỉ niệm giàu ấn tượng và sâu sắc (ông bà, cha mẹ, bạn bè, thầy cô…).

– Kể lại hoàn cảnh nảy sinh kỉ niệm ấy (trong một lần về thăm quê, trong một lần cùng cả lớp đi chơi, đi học nhóm hoặc trong một lần được điểm tốt, hay một lần mắc lỗi được thầy cô rộng lượng phân tích và tha thứ…).

II. THÂN BÀI

1. Giới thiệu chung về tình cảm của bản thân với người mà ta sắp xếp (tình cảm gắn bó lâu bền hay mới gặp, mới quen, mới được thầy (cô) dạy bộ môn hay chủ nhiệm…).

2. Kể về kỉ niệm.

– Câu chuyện diễn ra vào khi nào?

– Kể lại nội dung sự việc.

+ Sự việc xảy ra thế nào?

+ Cách ứng xử của mọi người ra sao?

Ví dụ: Vào giờ kiểm tra, tôi không học thuộc bài nhưng không nói thật. Tôi tìm đủ lí do để chối quanh co (do mẹ tôi bị ốm…). Nhưng không ngờ hôm trước cô có gọi điện cho mẹ trao đổi về tình hình học tập của tôi. Nhưng ngay lúc ấy cô không trách phạt. Để giữ thể diện cho tôi, cô mời tôi cuối giờ ở lại để “hỏi thăm” sức khoẻ của mẹ tôi…

– Kỉ niệm ấy đã để lại trong bản thân điều gì? (Một bài học, thêm yêu quý ông bà, bạn bè, thầy cô hơn…).

III. KẾT BÀI

– Nhấn mạnh lại ý nghĩa của kỉ niệm ấy.

– Tự hào và hạnh phúc vì có được người ông (bà, cha mẹ, bạn, thầy cô …) như thế.

B/ Bài văn mẫu

Kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò – mẫu 1

Ba mẹ tôi chia tay từ sớm, mẹ đưa tôi rời bỏ quê hương đến một vùng đất mới để sinh sống. Khi ấy tôi còn nhỏ tôi chưa biết thế nào là cực khổ, vất vả, tôi chỉ biết gia đình tôi nghèo hơn những gia đình khác. Nếu mâm cơm bình thường mọi nhà mỗi người sẽ có một quả trứng, thì nhà tôi chỉ có duy nhất một quả cho hai mẹ con. Nếu nhà mọi người được làm bằng gỗ, láng si măng thì nhà tôi được quây lại bằng những phên nứa ọp ẹp mà chỉ cần một cơn mưa to là có thể đổ ập. Nhưng mẹ tôi là một người phụ nữ kiên cường. Những năm đói khổ ấy mẹ vẫn vững vàng trước mọi giông tố nuôi tôi khôn lớn.

Mẹ tôi nhỏ người, thấp và gầy. Khuôn mặt mẹ tròn và những đường nét trên mặt rất đẹp. Dù phải chịu nhiều vất vả, khổ cực nhưng cũng không làm phai mờ nét đẹp đó của mẹ. Đôi lông mày đen dài dài, uốn cong cong, ôm trọn lấy đôi mắt trong, sáng và có hồn. Đôi mắt mẹ, tôi ít thấy tươi vui, trong mắt ngập đầy nỗi buồn và ưu tư. Nhưng cũng có đôi khi tôi thấy đôi mắt ấy cười, nhất là những ngày mẹ đi làm được nhiều tiền hơn, hôm ấy bữa ăn đủ đầy và nhìn thấy tôi ăn ngon miệng, hết bát này đến bát khác. Niềm vui của mẹ thật bình dị. Da mẹ trước đây rất trắng, hồng hào, tôi đã từng xem một bức ảnh của mẹ, nhưng từ ngày dời quê hương, phải vất vả kiếm sống da mẹ đã sạm dần, những vết nhăn cũng xuất hiện trên mặt. Tôi thích giọng mẹ nói, giọng mẹ hát ru. Những trưa hè nghe tiếng mẹ ru ngọt ngào: “Đôi làn môi con ….” dù có nóng nực cũng khiến tôi chìm sâu vào giấc ngủ.

 Những năm đầu sống ở đây cuộc sống của hai mẹ con rất chật vật, vất vả. Mẹ tôi làm đủ nghề, đi chợ huyện, bán hàng,… để trang trải cuộc sống. Mẹ hay cáu gắt và khe khắt với tôi. Bất cứ lỗi nào, dù nhỏ mẹ cũng mắng và tệ hơn là đánh. Đôi khi tôi rất ghét mẹ, vì mẹ đã đối xử tệ bạc với tôi. Nhưng tôi đâu thấu hiểu nỗi lòng của một bà mẹ phải tự mình nuôi con. Sợ tôi được nuông chiều đâm hư hỏng, nên mẹ khắt khe với tôi hơn những người mẹ khác.

Nhưng có lẽ để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi chính là ngày hôm ấy. Trước khi mẹ được nhận làm giáo viên ở trường mầm non và cuộc sống hai mẹ con bớt chật vật, sáng nào mẹ cũng dậy từ 3 giờ, đi chợ huyện để bán hàng. Hôm ấy như mọi ngày mẹ đi chợ vào sáng sớm và để tôi ở nhà tự lo liệu mọi việc. Nhưng hôm ấy thay vì như mọi lần tôi ở nhà ngoan ngoãn, đợi mẹ về thì tôi lại cùng chúng bạn vào rừng lấy củi từ sớm. Tôi muốn tạo cho mẹ một bất ngờ, tôi muốn cho mẹ thấy tôi đã trưởng thành và có thể giúp đỡ của mẹ. Mọi chuyện vẫn êm đẹp nếu tôi không nổi hứng cùng chúng bạn nhảy xuống sông nghịch nước. Ban đầu tôi men ở gần bờ, rồi sau đi ra ngày một xa mà không hề biết. Tôi bất ngờ trượt chân vào vùng nước sâu, tôi chới với, khua chân, đập tay cầu cứu. Rồi tôi lả dần, lịm đi và không còn biết gì nữa.

Có lẽ sau đó ai đấy nhìn thấy nên đã ra cứu tôi, mang tôi về nhà, có lẽ lúc ấy tôi đã như một con cá mắc cạn, người lả đi, môi tím tái. Tôi không biết gì cả cho đến sáng hôm sau, lờ mờ mở mắt ra thì thấy mẹ ngủ gục bên cạnh. Trên mặt mẹ vẫn còn ướt đẫm nước mắt, những giọt nước mặt vẫn còn vương trên mi, tay mẹ nắm chặt lấy tay tôi. Tôi thấy người mỏi và nóng nên khẽ cựa mình. Thấy tôi cử động, mẹ choàng tỉnh, cuống cuồng hỏi han và ôm lấy tôi. Mẹ ghì chặt tôi vào lòng, có cảm giác tôi không thể thở được nữa. Có lẽ mẹ sợ mất tôi. Người thân duy nhất còn lại bên mẹ. Mẹ để tôi nằm xuống không mắng mỏ, không quát tháo, chỉ nhìn, nhìn thấu tôi,… đôi mắt vừa sầu bi, buồn thảm vừa vui mừng,… tôi không biết diễn tả sao cho hết ánh mắt ấy. Chỉ biết đến tận bây giờ tôi vẫn ám ảnh.

Một đêm thức chăm tôi mẹ gầy rộc đi, có lẽ vì lo cho tôi mà mẹ gầy nhanh đến vậy, mẹ bỏ bê cả buôn bán, chợ búa – việc mà mẹ yêu nhất trên đời, mẹ chưa bỏ buổi chợ nào kể cả những ngày mưa bão hay gió lạnh. Mẹ ở nhà quanh quẩn bên tôi, tôi cần gì mẹ sẽ đem đến tận nơi. Lần đầu tiên tôi thấy mẹ mình như vậy. Nhà tôi vốn nghèo nên chẳng có gì tẩm bổ, nên những bữa cơm hôm đó mẹ nhường cả quả trứng bé tí hon cho tôi ăn. Mẹ chỉ ăn rau và luôn nói, có rau là đủ chất rồi. Còn tôi, tôi lại nghĩ rằng đó là mẹ nói thật, tôi ăn hết cả quả trứng mà chẳng hề suy tư, chẳng hề biết rằng đó là lời mẹ nói dối. Mãi sau này khi lớn lên, khi đã hiểu chuyện hơn tôi mới thấu hiểu những lời mẹ mắng, những lần mẹ đánh và cả những lời mẹ nói dối khi xưa. 

Giờ cuộc sống của hai mẹ con đã dần ổn hơn, mẹ đã không còn vất vả như xưa nữa. Nhưng mỗi lần nghĩ về mẹ, nghĩ về những năm tháng nhọc nhằn nuôi tôi khôn lớn tôi lại thầm cảm ơn mẹ. Nếu không có mẹ có lẽ sẽ không có tôi mạnh mẽ, trưởng thành và khôn lớn như ngày hôm nay. Cảm ơn mẹ của con.

Kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò – mẫu 2

Đêm đã về khuya, trời tối dần. Cảnh vật im lìm xung quanh khiến tôi bỗng cảm thấy nhớ nhà đến lạ thường. Sống xa nhà đã một năm nay, vì thế mà mỗi khi nhớ về gia đình, trong tôi lại trào dâng một nỗi nhớ da diết. Gia đình nhỏ của tôi có rất nhiều kỉ niệm bên nhau, nhưng tôi nhớ nhất, là mùa hè năm trước, khi nhà tôi gặp một biến cố.

Gia đình tôi vốn ít làm quen với bệnh viện và thuốc men. Ai cũng nghĩ rằng bản thân có một sức khỏe phi thường cho nên chẳng bao giờ có bệnh tật gì hết. Nhưng đúng là chẳng ai có thể thắng nổi tuổi tác và thời gian. Mẹ tôi cũng không còn trẻ nữa, công việc căng thẳng khiến bà trở nên yếu hơn, tới bệnh viện, bác sĩ nói mẹ tôi bị sỏi mật, chùm sỏi đã lớn lắm rồi, cần làm phẫu thuật cắt bỏ túi mật ngay. Những cơn đau bụng kéo dài khiến mẹ tôi cảm thấy mệt mỏi và đau đớn. Bố tôi quyết định đưa mẹ vào bệnh viện để làm phẫu thuật, tiến hành cắt bỏ túi mật như lời bác sĩ đã dặn dò.

Mẹ tôi luôn là người quán xuyến hết mọi việc gia đình. Từ ngày mẹ tôi vào viện, công việc nhà lại dồn cả vào tôi. Thế là tôi phải là người thay mẹ quán xuyến hết việc nhà, cũng bởi từ bé tôi chưa quen nhiều việc, nên ban đầu tôi cảm thấy rất lúng túng. Con bé tôi của mùa hè năm trước còn vụng về hậu đậu, tôi loay hoay một mình mà cũng chẳng biết cầu cứu sự trợ giúp của ai. Trải qua những ngày tháng như thế tôi mới hiểu các bà, các mẹ đã vất vả như nào để có thể giữ gìn cho tổ ấm của mình luôn gọn gàng, ấm cúng. Hết dọn việc nhà, tôi còn phải nấu cháo, đưa bố mang vào viện cho mẹ. Nhiều lúc tôi chỉ muốn òa khóc lên vì mọi việc cứ dồn dập lên đầu, mẹ nhập viện, tôi phải ở nhà một mình, còn bao nhiêu việc trên đời lại đổ dồn hết vào tôi. Ở bệnh viện, mẹ tôi vẫn thường gọi điện cho tôi hỏi han, dặn dò. Tôi chỉ biết cố nhịn khóc để mẹ khỏi lo, rồi lại lặng lẽ khóc một mình.

Ngày mẹ phẫu thuật đã tới. Nhìn mẹ được đưa vào phòng mổ mà tim tôi thắt lại. Từ trước đến giờ chưa bao giờ tôi nhìn thấy mẹ phải nhập viện, nếu có người đi bệnh viện thì đó chính là tôi. Từ trước đến nay tôi luôn là người được chở che chăm sóc. Tôi đã quên rằng, bố mẹ tôi không còn trẻ, và người cần chăm sóc sức khỏe nhất, chính là bố mẹ của tôi.

Ca phẫu thuật thành công, mẹ tôi được đẩy vào phòng hồi sức. Ngồi trên băng ghế dài của bệnh viện, tôi không được gặp mẹ, lại càng lo lắng thêm bội phần. Mẹ đã vào viện điều trị được 2 tuần, chỉ có 2 tuần thôi mà sao tôi thấy thời gian trôi qua lâu đến thế. Nhà cửa, vườn tược vắng bóng người, sự lo lắng quây quanh tôi khiến lòng tôi bất an vô cùng. Liệu mẹ đã tỉnh chưa nhỉ? Liệu bao lâu nữa mẹ mới được xuất viện? Những câu hỏi dồn dập khiến tôi cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi khi ngồi chờ mẹ ở hành lang.

Mấy ngày sau, mẹ tôi được xuất viện. Vết mổ vẫn còn đau, mẹ tôi cũng không dám đi lại như người bình thường. Bố tôi lại trở về đi làm sau những ngày xin nghỉ phép để chăm sóc cho mẹ tôi. Tôi ở nhà, nấu cháo cho mẹ, dọn dẹp nhà cửa, cho gà vịt ăn. Tôi bưng một bát cháo đầy lên cho mẹ, mẹ ăn mà tôi thấy hình như mắt mẹ ươn ướt.

– Mẹ, sao mẹ lại khóc?

– Con gái của mẹ lớn thật rồi đấy nhỉ?

Tôi chợt sững sờ. Thì ra, khoảng thời gian mà mẹ nhập viện, tôi đã lớn hơn nhiều lắm. Không còn là cô nhóc thích làm nũng mẹ ngày xưa nữa, cũng không còn trẻ con hay lười biếng như xưa. Tôi đã trở thành người biết suy nghĩ hơn, biết cáng đáng mọi việc hơn, và cũng trở nên trưởng thành hơn nữa. Mẹ ốm, tôi đã biết chăm sóc mẹ như ngày xưa mẹ đã từng chăm sóc cho tôi. Lòng tôi chợt cảm thấy vui. Từ nay, tôi sẽ quan tâm và chăm sóc cho bố mẹ nhiều hơn nữa vì bố mẹ tôi cũng không còn trẻ nữa rồi. Đứa con như tôi, đã từng nhận được rất nhiều tình yêu và sự chăm sóc của bố mẹ, đến nay khi đã lớn khôn, bổn phận còn lại là phải phụng dưỡng cha mẹ cho thật tốt.

Một năm đã trôi qua. Tôi rời gia đình đi theo học ở trường chuyên cấp 3 ngoài tỉnh. Mỗi lần nhớ nhà, nhớ bố mẹ, tôi lại nghĩ đến kỉ niệm thuở nào mà tự nở một nụ cười. Trong hoạn nạn, khó khăn, mới thấy tình cảm gia đình quý giá biết nhường nào. Và chỉ khi có gian nan thử thách, con người ta mới thấy được giá trị của tình yêu mà cố gắng giữ gìn.

Kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò – mẫu 3

Trong cả cuộc đời mình, con người ta đã gặp và kết bạn với hàng trăm người. Những mối quan hệ ấy là sợi dây gắn kết con người trong xã hội lại với nhau. Nhưng dù có hàng trăm, hàng nghìn sợi dây liên kết xã hội như thế, con người ta vẫn không thể từ bỏ gia đình – cái nôi nuôi dưỡng ta và những điều bình dị nhất.

Từ trước đến giờ tôi vẫn luôn là một đứa con ngoan của bố mẹ, một người chị tốt của thằng em trai, là học trò cưng của thầy cô giáo và là hình mẫu được dùng để bố mẹ lũ bạn mang ra dạy dỗ chúng. Nhưng chẳng ai biết, cuộc sống của tôi thật sự chỉ xoay quanh việc đi học và về nhà. Tôi không có bạn thân, không có những buổi tụ tập, hẹn hò lê la phố xá với lũ bạn như học sinh khác. Tan trường tôi sẽ trở về nhà để học bài và chơi với thằng em trai. Có lẽ vì thế mà tôi cũng không được trải nghiệm nhiều thứ. Những kỉ niệm thời cấp hai và cả học trò của tôi chỉ là những giờ lên lớp, những buổi đi học thêm. Chỉ là học và học.

Năm tôi học lớp 9, bài vở nặng hơn rất nhiều. Thời gian tôi đến trường và ở các lớp học thêm còn nhiều hơn thời gian tôi ở nhà. Đầu óc tôi luôn trong tình trạng căng như dây đàn. Tôi đã bắt đầu học với cường độ cao từ hè năm lớp 8. Vì bố mẹ và mọi người đều tin rằng tôi chắc chắn sẽ đỗ vào chuyên Anh của trường chuyên thành phố.

Càng đến ngày thi, tôi lại càng thấy căng thẳng và mệt mỏi. Những con số, những tờ đề cứ thế cuốn lấy tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy sợ hãi. Tôi sợ mỗi buổi sáng thức dậy tôi sẽ phải tiếp tục quay cuồng với đống bài vở và những lớp học nối tiếp nhau. Tôi sợ phải ngồi lì hàng giờ trong căn phòng kín với tiếng điều hòa ro ro mát lạnh để cắm đầu vào những con số. Tôi sợ những bữa ăn vội vã trên đường khi đi từ lớp học này đến lớp học khác. Tôi sợ tiếng mở cửa của gia sư mỗi buổi tối. Tôi sợ những câu hỏi quan tâm của cha mẹ, về tình hình học tập của tôi bây giờ. Tất cả những hứng thú của tôi cho việc học đều bị năm học này phá hỏng hết rồi. Tôi không còn học vì thích thú, vì đam vmee và muốn tìm hiểu nữa. Tôi học vì tôi phải học. Tôi học vì bố mẹ tôi muốn thế. Chỉ đơn giản là thế thôi. Tôi thấy mệt mỏi vô cùng.

Một tháng trước ngày thi, tôi khủng hoảng thực sự. Bài vở càng lúc càng nhiều. Thời gian ngủ của tôi cũng không không cón nhiều nữa. Tôi gầy đi trông thấy. Bố mẹ cũng lo lắng, nhìn tôi và bảo:

– Mệt quá thì thôi con ạ. Nghỉ ngơi đi!

Những ngày gần thi, bố mẹ tôi tự nhiên không còn quá áp lực với tôi về việc điểm số, trường thi nữa. Bố mẹ nhẹ nhàng và nhắc nhở tôi nghỉ ngơi nhiều hơn. Có lẽ thấy việc học của tôi vất vả và áp lực quá nên bố mẹ không muốn gây thêm áp lực cho tôi nữa. Những ngày cuối cùng, tôi dồn hết sức để ôn tập và bước vào phòng thi thật tự tin. Thật may mắn, năm tôi thi, trường chuyên của thành phố cho phép học sinh có thể đăng kí thi hai chuyên một lúc. Tức là tôi vừa có thể thi chuyên Anh, vừa thi chuyên Văn như tôi mong muốn.

Hôm tôi đi thi là một ngày trời nắng nóng. Cái nắng hè gay gắt đổ xuống khiến mặt đường bốc lên từng đợt hơi nóng thật khó chịu. Tôi thi môn Văn vào buổi sáng, Toán vào buổi chiểu và hai môn chuyên sẽ thi vào ngày hôm sau. Tôi làm bài các môn đều ổn, kể cả hai môn chuyên. Ra khỏi phòng thi, bố mẹ và em trai tôi đã chờ sẵn. Khuôn mặt mọi người đều lo lắng. Mẹ nhìn thấy tôi, đi nhanh đến hỏi:

– Có mệt không con? Làm bài thế nào?

– Ổn mẹ ạ! – tôi đáp

Mẹ tôi mỉm cười thật tươi, lấy chiếc khăn trong túi lau mồ hôi trên trán cho tôi. Chúng tôi lên xe trở về nhà. Kết thúc những tháng ngày  ôn thi căng thẳng và vất vả. Tôi trở về nhà với tâm lí thật thoải mái. Mẹ đưa cho tôi một tờ kế hoạch. Đó là kế hoạch mẹ đã chuẩn bị từ trước, khi thấy tôi quay cuồng với lịch học, ôn. Tôi nhìn bản kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ của mẹ, thấy mắt mình cay cay. Tôi là một con bé nhút nhát. Mẹ cũng biết cuộc sống của tôi thực đơn giản. Chỉ đi học rồi về nhà. Có lẽ bố mẹ lo lắng tôi không có bạn. Tôi sẽ buồn. Nhưng quả thực, bố mẹ không biết, chỉ cần có mọi người là đủ.

Lúc nhận kết quả thi, tôi đủ điểm đỗ cả hai chuyên, cả lớp chọn của trường. Đó là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực suốt một năm qua của tôi. Không cần tôi báo, chắc bố mẹ cũng đã biết rồi. Vì bố mẹ còn hồi hộp hơn tôi nhiều lần. Tôi thấy bố mẹ xem kết quả với một khuôn mặt mãn nguyện. Nụ cười của mẹ lúc này thật hạnh phúc. Tôi còn để ý thấy trong bữa tối, mẹ len lén lau nước mắt. Tôi biết mọi cố gắng của mình lúc này đều xứng đáng. Bữa tối gia đình thật đơn giản. Nhưng ai cũng cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Thằng em trai gắp cho tôi một miếng sườn và bảo:

– Cho chị Bống, chị giỏi. Em cũng muốn học giỏi như chị!

– Bin còn giỏi hơn chị cơ – tôi cười, xoa đầu nó.

Gia đình là điều quan trọng nhất đối với tôi. Bởi lẽ, ở đó bố mẹ sẽ yêu tôi vô điều kiện. Mọi người sẽ chăm sóc và lo lắng cho tôi mỗi khi tôi mệt mỏi. Và quan trọng nhất, gia đình sẽ không bao giờ quay lưng và bỏ tôi lại một mình. 

Kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò – mẫu 4

Trong đời mỗi người, ai ai cũng mong muốn tìm cho mình một điểm tựa. Đó là gia đình, cha mẹ. Tuy nhiên những ai đã bước qua tuổi học trò “nhất quỷ nhì ma” với những kỉ niệm vô cùng đáng nhớ: là sân trường, hàng ghế đá, bục giảng … thầy cô và bè bạn. Nơi ấy có một điểm tựa thật bình yên, nơi ấy những con thuyền đã cập bến rồi đi. Nhưng thầy cô – những người lái đò vẫn miệt mài theo năm tháng, trở đầy tình thương và tri thức cho cuộc đời.

Đúng vậy, tôi đã đi trên rất nhiều con thuyền để đến bến đỗ cuối cùng. Và tôi cũng đã được đi trên con thuyền trở đầy tình yêu và học vấn của thầy Tuấn – thầy giáo dạy văn của tôi. Tôi vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên thầy bước vào lớp tôi. Cả lớp đang ngồi im lặng học bài thì Hoàng reo ầm lên:

– Các bạn ơi, lớp mình có thành viên mới này!

Cả lớp ngước lên ồ ồ như chợ vỡ. Tôi mạnh dạn đứng lên kéo “bạn mới” vào ngồi chỗ trống bên cạnh tôi. Cả lớp xúm lại hỏi han ầm ĩ. “Bạn mới” bắt đầu giới thiệu về bạn thân mình. Cho đến khi giới thiệu đến tuổi và nghề nghiệp thì cả lớp tôi ú ớ, mặt đứa nào đứa nấy ngơ ngác như nai. Thầy rời chỗ bước lên bục giảng:

– Thầy là thầy Tuấn. Từ hôm nay thầy sẽ là thầy giáo dạy văn của lớp này.

Thầy khẽ cười một cái. Tôi ngỡ ngàng bởi vẻ ngoài khá trẻ con của thầy. Thầy là thầy giáo mới chăng? Trường tôi đâu có thầy giáo trẻ thế này. Tiết học hôm ấy, thầy chưa dạy bài cho bọn tôi mà nói về những quy định trong học tập của thầy. Tôi nhớ, mấy đứa trong nhóm “Ngũ quỷ” của tôi hồi ấy rất bướng và nghịch ngợm. Vì thấy thầy trẻ con nên bọn tôi nghĩ cách chọc thầy. Tiết học sau của thầy Tuấn, tôi và đám bạn kiếm vỏ chuối rải đầy bục giảng chọc tức thầy. Vừa bước vào lớp thấy cảnh tượng ấy, đôi mắt thầy mở to, trán nhăn lại. Thầy quay lại nhìn chúng tôi. Bọn tôi vui sướng khi thấy vẻ mặt của thầy, tôi biết chắc là thầy sẽ mắng. Nhưng vui lắm đây khi thầy mắng mà vẫn cứ tức giận vì không biết rõ ai làm trò này. Nhưng không, chẳng có tiếng quát mắng nào cả. Thầy từ từ tránh những vỏ chuối rồi đi xuống cuối lớp. Tôi sững người, thầy cầm cây chổi bước lên bục giảng quét dọn hết những thứ rác rưởi ô uế kia đi. Rồi thầy bắt đầu bài giảng một cách say sưa.

Càng thấy như vậy, bọn tôi càng muốn bày trò chọc phá để thầy phải chuyển lớp. Hôm thì đổ đầy nước lên ghế thầy ngồi, hôm nháy máy thầy trong giờ học, hôm lại ném máy bay giấy khi thầy quay đi,… Không biết hồi đó bọn tôi đã dùng bao nhiêu trò để chọc thầy nhưng thầy luôn xử lí bằng những cách điềm đạm nhất. Tôi đã nhầm, thầy không trẻ con mà chính bọn tôi mới là những đứa con nít. Thầy chững chạc và hiểu mọi chân lí. Bao nhiêu thầy cô giáo đã từng dạy lớp tôi đều không thể chịu đựng được những trò chọc phá ma quái của nhóm “Ngũ quỷ” nên đều xin chuyển lớp. Bọn tôi đã bị thầy “hạ gục”.

Nhóm tôi đành dừng những trò trêu đùa lại. Tôi đã thử chú tâm nghe thầy giảng một lần. Tôi bất ngờ quá! Thầy giảng bài thật hay, giọng thầy trầm và ấm lạ thường. Khuôn mặt “trẻ con” của thầy đã nghiêm nghị hẳn lên. Giờ tôi mới để ý thấy. Tự dưng tôi thấy tội thầy quá. Bất ngờ, cuối buổi học thầy gọi tôi lên. Thầy nhìn tôi trìu mến:

– Em à, cuộc đời con người là bản nhạc lúc thăng lúc trầm. Không có bản nhạc nào là chỉ có những nốt thăng đẹp đẽ, phải có những khoảng lặng sâu lắng thì ta mới cảm nhận đựợc cuộc sống này ý nghĩa.

Tôi nhớ mãi câu nói này của thầy và nhớ cả khuôn mặt xấu hổ của tôi lúc đấy nữa. Tôi thấy trách bản thân mình quá. Tại sao mình lại có những hàng động cư xử như thế?

Từ hôm đó trở đi, tôi rời nhóm “Ngũ quỷ”. Lớp cũng đi vào trật tự hơn. Thầy đã làm nên lịch sử của trường tôi. Thầy nhẹ nhàng, không quá khắt khe mà khiến cho lớp tôi thay đổi. Còn những thầy cô hết sức nghiêm khắc lại đành xin hàng.

– Cả lớp ơi, thầy Tuấn sắp phải đi rồi.

Tiếng trống vang lên làm tôi điếng người. Mới có ba tháng thôi, thầy mới ở bên bọn tôi ba tháng thôi mà. Thầy bước vào lớp, gương mặt thoáng buồn:

– Thầy xin lỗi vì thầy không thể ở bên các em thật lâu. Thầy cảm ơn vì khi dạy các em thầy đã nhận được những món quà thật tuyệt vời.

– Em xin lỗi thầy! – Tôi đứng lên rồi bật khóc ngon lành như một đứa trẻ lạc mẹ.

– Thầy sẽ quay trở lại và thầy mong chờ một em trưởng thành hơn.

Thầy khẽ mỉm cười bước đy để lại sau lưng những gương mặt buồn rầu, đôi mắt đỏ hoe. Lớp tôi ngồi lặng suốt tiết ấy. 

Đúng, thầy đã nói không sai. Cuộc đời như bản nhạc, không có những khoảng lặng thì sao thấy được ý nghĩa của nó. Tôi sẽ chờ ngày thầy quay lại – để thấy một tôi mới trưởng thành hơn.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số lượt đánh giá: 912

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống