Văn mẫu lớp 7 Tập 2

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 7: tại đây

Đề bài: Phân tích truyện Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu

Bài làm

   Bác Hồ không chỉ được biết đến với những bài thơ dung dị, giàu ý nghĩa mà trong thời gian hoạt động ở nước ngoài đặc biệt là Pháp, tại đây Nguyễn Ái Quốc đã có những tác phẩm viết bằng chữ Pháp có tính chiến đấu mạnh mẽ. Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu là một tác phẩm như vậy. Tác phẩm đã cho thấy vẻ đẹp phẩm chất, nhân cách của người anh hùng Phan Bội Châu đồng thời vạch trần bộ mặt gian xảo của tên Va-ren.

   Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Chậu đăng trên báo Người cùng khổ số 36, 37 tháng 9 và tháng 10 năm 1925. Đoạn trích thuộc phần thứ ba nội dung chính là cuộc chạm trán giữa Va-ren và Phan Bội Châu đầy kịch tính, cho thấy ngòi bút châm biếm sắc sảo của Nguyễn Ái Quốc.

   Câu chuyện được bắt đầu bằng tình huống hết sức gay cấn, là cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật: vị lãnh tụ cách mạng Phan Bội Châu và bên kia là Va-ren, kẻ sang Việt Nam nhận chức toàn quyền Đông Dương. Trên thực tế không có cuộc gặp gỡ nào giữa hai nhân vật này, mà thực chất đây chỉ là tình huống hư cấu, tác phẩm được viết trước khi Va-ren sang Việt Nam nhận chức. Cách xây dựng tình huống như vậy nhằm vạch trần bộ mặt bịp bợm, hèn hạ của Va-ren và làm nổi bật vẻ đẹp nhân cách của cụ Phan Bội Châu.

   Trò lố của Va-ren được tác giả vạch trần ngay từ đầu tác phẩm, vì sức ép của dư luận nên hắn mới phải “nửa chính thức hứa” chăm sóc vụ Phan Bội Châu. Nhưng điều hắn chỉ muốn “chăm sóc đến khi nào yên vị thật xong xuôi ở bên ấy đã”. Những từ ngữ mỉa mai, châm biếm để người đọc có một định hướng về tính cách của nhân vật này.

   Và bộ măt thực sự của hắn đã bị vạch trần trong cuộc đụng độ, chạm trán với cụ Phan Bội Châu. Có thể thấy rằng, trong cuộc gặp gỡ này, nhà cách mạng của chúng ta không nói bất cứ điều gì với hắn, chỉ có một mình Va-ren độc thoại, từ đó bộc lộ bản chất xảo quyệt của chính mình. Trước khi bắt đầu cuộc hội thoại mà thực chất là độc thoại, Nguyễn Ái Quốc đã viết một đoạn bình luận vô cùng xuất sắc “Ôi thật là một tấn bi kịch! Ôi thật là một cuộc chạm trán….”, “một kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp” – Va-ren với một bên là cụ Phan Bội Châu “hi sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương, luôn luôn bị lũ này săn đuổi….”. Vẽ nên chân dung đối lập giữa hai nhân vật đã cho thấy rõ thái độ của người viết với đối tượng, một bên là mỉa mai, châm biếm, coi thường, một bên là ngợi ca, tôn vinh, yêu quý.

   Cuộc mặc cả, ra giá bắt đầu, y dụ dỗ, yêu cầu cụ Phan Bội Châu hãy từ bỏ ngay ý định chiến đấu vì nền độc lập dân tộc: “Ông hãy để mặc đấy những ý nghĩ phục thù” “bỏ đi những mưu đồ xưa cũ và thôi, chớ tìm cách xúi giục đồng bảo ông nổi lên” cùng nhau làm những việc tốt đẹp cho xứ Đông Dương, “làm như vậy ông sẽ được tất cả, được cho đất nước ông, được cho bản thân ông”. Không chỉ dùng lời lẽ đe dọa, hắn còn lấy những dẫn chứng, những kẻ phản bội để cho Phan Bội Châu nghe gương mà bị thuyết phục: Nguyễn Bá Trác, Guy-xta-vơ, A-lếch-xăng,… không dừng lại ở đó, hắn còn khoe những chiến công mình giành được khi phản bội lại giai cấp, phản bội lại bạn bè, phản bội niềm tin: “Trước tôi là đảng viên xã hội đấy, và giờ đây thì tôi làm Toàn quyền…”. Càng về cuối bản chất xảo trá, bịp bợm của Va-ren càng bị vạch trần rõ nét hơn. Những lời Va-ren nói, những hành động hắn làm cho thấy hắn là kẻ bịp bợm, phản phúc và trơ trẽn đến tột cùng.

   Trong màn hài kịch trên, Phan Bội Châu hoàn toàn im lặng, sự im lặng đó thể hiện rõ thái độ của nhà cách mạng. Trước hết, ông coi Va-ren không có mặt, bởi vậy, những lời nói của Va-ren chỉ như nước đổ lá khoai. Qua đó còn thể hiện thái độ khinh bỉ “đôi ngọn râu mép người tù nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay, mỉm cười một cách kín đáo, vô hình và im lặng, như cánh ruồi lướt qua vậy” . Thái độ ứng xử đó một lần nữa khẳng định phẩm chất đẹp đẽ của ông: suốt một đời hi sinh cho cách mạng, cho độc lập, tự do của đấtt nước. Không có bất cứ điều gì có thể lay chuyển ý chí cách mạng, tinh thần sắt đá đó của ông. Đặc biệt những dòng kết thúc tác phẩm càng làm nổi bật hơn nữa phẩm chất của cụ Phan Bội Châu: nếu ở trên ta thấy ông im lặng, khinh bỉ thì trong T.B ông thể hiện phản kháng quyết liệt: nhổ vào mặt Va-ren, chi tiết này cho thấy sự khinh bỉ đã được đẩy lên đến tột cùng. Như vậy, cách khép lại tác phẩm đã tạo ra độ mở cho câu chuyện và làm nổi bật chủ đề tác phẩm.

   Tác phẩm được viết bằng chất giọng châm biếm, mỉa mai, hóm hỉnh. Tạo dựng tình huống hư cấu bất ngờ, hấp dẫn thể hiện trí tưởng tượng tài hoa của người viết. Qua đó đã làm nổi bật phẩm chất đáng quý của Phan Bội Châu, và bản chất lố bịch, xấu xa của Va-ren.

Đề bài: Phân tích nhân vật Phan Bội Châu trong truyện Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu

Bài làm

   Trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết rất nhiều tác phẩm có tính chiến đấu mạnh mẽ, cổ vũ, động viên phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong nước. Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu là một trong những tác phẩm như vậy. Tác phẩm đã vạch trần bộ mặt gian trá, lố bịch, đê hèn của Va-ren, hắn chính là đại diện tiêu biểu cho lũ thực dân cướp nước. Nhưng nổi bật hơn, đẹp đẽ hơn chính là Phan Bội Châu một thiên sứ, một vị anh hùng dám xả thân vì độc lập dân tộc, kiên cường, bất khuất, tiêu biểu cho khí phách của dân tộc Việt Nam.

   Phan Bội Châu là lãnh tụ cách mạng theo con đường dân chủ nổi bật những năm đầu thế kỉ XX. Trong quá trình hoạt động cách mạng ông đã bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt (1913). Năm 1925 ông bị bắt cóc ở Trung Quốc, bị giải về giam ở Hỏa Lò, chờ ngày xử án. Trước sức ép của dư luận, bọn chúng đã phải thả cụ ra và giam lỏng cụ ở Huế cho đến ngày cụ qua đời. Trong khi đó, Va-ren chuẩn bị sang Đông Dương nhận chức toàn quyền và hắn hứa sẽ quan tâm, chăm sóc cụ Phan Bội Châu. Trước hoàn cảnh đó, Nguyễn Ái Quốc đã viết tác phẩm nhằm mục đích cổ động phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước đòi thả Phan Bội Châu và vạch trần bản chất bịp bợm của toàn quyền Va-ren.

   Nếu như với Va-ren tác giả sử dụng những ngôn từ mang tính mỉa mai, châm biếm như: phản bội giai cấp, kẻ phản bội nhục nhã thì với Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc sử dụng những từ ngữ hết sức đẹp đẽ, trân trọng: người đồng bào tôn kính, bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân, … những từ ngữ đó là hoàn toàn chính xác để nói về Phan Bội Châu, người sẵn sàng xả thân, hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc.

   Để làm nổi bật chân dung người anh hùng Phan Bội Châu tác giả luôn miêu tả nhân vật trong tư thế song song với tên Va-ren. Phẩm chất của cụ được bộc lộ rõ nhất trong cuộc chạm trán với Va-ren, được tác giả đánh giá là “một tấn kịch”, “một cuộc chạm trán” giữa “một kẻ phản bội nhục nhã” với “một vị thiên sứ”. Trong cuộc đụng độ đó chỉ có Va-ren nói, còn Phan Bội Châu thì hoàn toàn im lặng. Sự im lặng đó mang rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Trước hết thể hiện thái độ dửng dưng, khinh thường của Phan Bội Châu với Va-ren. Những lời hù dọa hoặc nịnh nọt của Va-ren chẳng thể lọt vào tai cụ Phan, không phải vì cụ không hiểu, mà bởi những lời của kẻ phản bội giai cấp chỉ làm cụ cảm thấy đáng khinh thường. Những lời của Va-ren bởi vậy mà chẳng khác gì “nước đổ lá khoai”. Không chỉ vậy sự im lặng của cụ Phan còn thể hiện thái độ khinh bỉ: “đôi ngọn râu mép người tù nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay, mỉm cười một cách kín đáo, vô hình và im lặng, như cánh ruồi lướt qua vậy”. Thái độ khinh bỉ được đẩy lên một cấp độ cao hơn nữa khi ở những dòng T.B tác giả đã cho thấy phản ứng quyết liệt của cụ Phan khi nhổ vào mặt Va-ren, đến đây, sự khinh bỉ đã được đẩy lên đến tột cùng. Thái độ, cách ứng xử của cụ Phan Bội Châu cho thấy phẩm chất cao đẹp trong con người cụ: suốt một đời hi sinh, cống hiến cho dân tộc, cho đất nước, dù có những lời dụ dỗ, có những lời đe dọa nhưng tất cả chúng không thể lay chuyển ý chí sắt đá của ông với sự nghiệp cứu nước. Đây là cốt cách của bậc đại trượng phu “Uy vũ bất năng khuất, phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di”. Sự im lặng của Phan Bội Châu cũng chính là điều kiện để Va-ren bộc lộ rõ hơn nữa bản chất của mình. Chỉ mình hắn thao thao giảng giải, khuyên răn, lấy hết tấm gương này đến tấm gương khác để cho Phan Bội Châu bị thuyết phục. Hắn càng nói, lại càng lộ rõ bản chất của một kẻ bịp bợm, phản trắc, một tên thực dân cáo già.

   Dù không được miêu tả nhiều trong tác phẩm nhưng với một vài nét phác họa, cùng nghệ thuật đối lập, Nguyễn Ái Quốc đã cho thấy rõ chân dung của Phan Bội Châu. Ông là người kiên cường, bất khuất, xứng đáng là vị thiên xứ, người anh hùng, tiêu biểu cho khí phách dân tộc Việt Nam.

Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về truyện Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu của Nguyễn Ái Quốc.

Bài làm

   Những trò lố của Va-ren và Phan Bội Châu là truyện ngắn đặc sắc và độc đáo của Nguyễn Ái Quốc, sáng tác năm 1925 sau sự kiện nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc từ Tring Quốc áp giải về Việt Nam và xử tù chung thân. Trước phong trào đấu tranh sôi sục của nhân dân cả nước đòi trả cụ Phan, chúng ta phải ra lệnh ân xá rồi đem cụ về giam lỏng ở Bến Ngự, kinh đô Huế, cho đến ngày cụ qua đời (1940). Va-ren vốn là đảng viên Đảng viên Đảng Xã hội Pháp. Sau khi phản bội ảng, hắn được cử làm toàn quyền Đông Dương, thay cho Méc-lanh bị chiến sĩ cách mạng Phạm Hồng Thái ám sát hụt phải ề nước. Trước ngày chuẩn bị sang Đông Dương nhậm chức, Va-ren tuyên bố sẽ quan tâm tới cụ Phan Bội Châu. Ngay lập tức, Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu để phơi bày bộ mặt lố bịch cùng chất xấu xa của hắn.

   Hình thức tác phẩm giống như một bài kí sự nhưng thực ra nó là một truyện ngắn hư cấu (nghĩa là tưởng tượng trên cơ sở những yếu tố có thật). Nhân vật có thật là Va-ren – toàn quyền Pháp mới tại ĐÔng Dương; Phan Bội Châu – nhà chí sĩ yêu nước đang bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam tại Hà Nội. Sự kiện có thật là phong trào đấu tranh sôi sục của nhân dân đòi thả cụ Phan Bội Châu đang dâng cao khắp ba miền.

   Những tình tiết hư cấu là truyện được viết trước khi Va-ren sang nhậm chức Toàn quyền Va-ren với Phan Bội Châu ở nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Nội dung cuộc gặp gỡ giữa Va-ren với Phan Bội Châu cũng là do tác giả tưởng tượng ra. Thông qua hai nhân vật Va-ren và Phan Bội Châu, chúng ta hiểu rõ thái độ căm thù, khinh bỉ quân xâm lược và lòng yêu nước thiết tha của Nguyễn Ái Quốc.

   Đặt cụm từ Những trò lố trong nhan đề tác phẩm, tác giả có chú ý vạch trần hành động động giả dối, lố bịch vad bản chất xấu xa của tên cáo già Va-ren. Truyện được kể theo trình tự thời gian : Từ Pa-ri, Va-ren xuống tàu sang Việt Nam rồi tới khám giam cụ Phan Bội Châu tại Hỏa Lò. Cuyến đi chia thành bốn chặng. Chặng 1 : Bốn tuần lễ đầu, Va-ren ở trên tàu trong hành trình từ Mác-xây đến Sài Gòn. Chặng 2 : Va-ren đến Sài Gòn, được chính quyền sở tại tiếp đón “nhiệt tình”. Chặng 3 : Va-ren tới Huế được triều đình nghênh tiếp, được dự yến và gắn mễ đay. Chặng 4 : Va-ren ra Hà Nội, tiến hành cuộc hội kiến với Phan Bội Châu ở trong tù và những trò lố của hắn đã diễn ra. Phần trích trong sách giáo khoa là chặng 1 và chặng 4.

   Qua cách kể chuyện và miêu tả cuẩ tác giả, người đọc có thể hình dung ra chuyến đi dềnh dàng kéo dài và những trò lố (những trò lố nhăng, bịp bợm, đáng cười) của tên Toàn quyền Va-ren.

   Trong đoạn văn có hai nhân vật chính là Va-ren và Phan Bội Châu. Hai nhân vật này được xây dựng bằng nghệ thuật tương phản. Va-ren (kẻ thống trị) bất lương đối lập với cụ Phan Bội Châu là một tù nhân (người bị trị) nhưng lại cao cả và vĩ đại.

   Ngôn ngữ sử dụng trong việc khắc họa tính cách của từng nhân vật cũng khác nhau. Tác giả dùng ngôn ngữ trần thuật để khắc họa tính cách của Va-ren. Còn với Phan Bội Châu, tác giả dùng phương pháp đối lập là sự im lặng. Đây lầ bút pháp tinh tế, sắc sảo có khả năng gợi tả, gợi cảm lớn.

   Va-ren nhậm chức toàn quyền, đứng đầu bộ máy cai trị của thực dân Pháp tại Đông Dương (gồm ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia). Trò lố đầu tiên của hắn là hứa chăm sóc cụ Phan Bội Châu. Tác giả ngầm khẳng định : Va-ren vừa nhậm chức nên hắn muốn trấn an dư luận. Vì thế nên lời hứa của hắn chỉ là lời hứa suông để mị dân, làm dịu không khí đấu tranh chống Pháp đang sôi nổi khắp mọi nơi. Điều đó cho thấy Va-ren là một kẻ nham hiểm, xảo quyệt, lời hứa đó chỉ đê đối phó trước sức ép của công luận ở Pháp và Đông Dương. Nói khác đi, đó là lời hứa gượng ép, miễn cưỡng.

   Tác giả đã bình luận việc này như sau : Ông hứa thế ; giả thử cứ cho rằng một vị toàn quyền Đônng Dương mà lại biết giữu lời hứa đi chăng nữa thì chúng ta vẫn được phép tự hỏi liệu quan Toàn quyền Va-ren sẽ “chăm sóc” vụ ấy vào lúc nào và ra làm sao. Tác giả vạch ra mâu thuẫn giữa nội dung lời hứa và thời gian thực hiện lời hứa. Thời gian thực hiện còn lâu, vì Va-ren vừa mới xuống tàu, mà hành trình biển kéo dài chừng bốn tuần lễ. trong khi đó, Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù.

   Cho nên, lời hứa của hắn là trò lố thứ nhất. Tác giả dùng cụm từ nửa chính thức hứa một cách mỉa mai và câu hỏi nghi vấn để thể hiện điều đó. Thực tế, Va-ren vẫn là một tên thực dân đứng đầu guồng máy cai trị ở Đông Dương; còn Phan Bội Châu vẫn là lãnh tụ cách mạng bị cầm tù. Hai người đại diện cho hai phía đối lập nhau.

   Ở đoạn mở đầu truyện, tác giả thông báo về việc ang Việt Nam cùng lời hứa của viên Toàn quyền. Cách diễn đạt ngụ ý châm biếm gieo mối ngờ vực trong lòng mọi người vè việc Va-ren thực hiện lời hứa ấy. Có thể nói tác giả không tin một chút nào vào “thiện chí” của hắn.

   Sau đó là cuộc hội kiến giữa Va-ren và Phan Bội Châu trong nhà tù. Cảnh này được kể và tả bằng ngòi bút linh hoạt và sắc sảo. Trước tiên, tác giả nhận xét khái quát về cuộc diện kiến và tính cách hai nhân vật:

   Ôi thật là một tấn bi kịch! Ôi thật là một cuộc trạm trán ! Con người đã phản bộ giai cấp vô sản Pháp, tên chính khách đã bị đồng bọn đuổi ra khỏi tập đoàn, kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình, lúc này mặt đối mặt với người kia, con người đã hi sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy mặt bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương, luôn luôn bị lũ này sua đuổi, bị chúng nhử vào muôn nghìn cạm bẫy, bị chúng kết án tử hình vắng mặt và giờ đây đang bị, vẫn chúng, đeo gông lên vai đày đọa trong nhà giam, ngày đêm bị bóng dáng của máy chém như một bóng ma ám kề bên cổ.

   Giữa kẻ phản bội nhục nhã và bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng, giữa hai con người đó xảy ra chuyện gì đây ?

   Đây là đoạn văn bình luận độc đáo. Nghệ thuật tương phản làm nổi bật sự đối lập tính cách cao thượng của Phan Bội Châu, bậ anh hùng, vị thiên sứ với tính cách đê tiện của Va-ren, kẻ phản bội nhục nhã… Thái độ của tác giả là ca ngợi tinh thần yêu ngước, khẳng định chính nghĩa sáng ngời của cụ Phan Bội Châu và khinh bỉ, châm biếm thái độ trơ trẽn cùng bản chất xấu xa của Va-ren.

   Trong thời gian tiếp xúc, gần như Va-ren độc thoại, vì cụ Phan Bội Châu không thèm nói chuyện với hắn. Đoạn văn thể hiện rõ động cơ và thủ đoạn của Va-ren trước nhà yêu nước họ Phan. Hắn vuốt ve, dụ dỗ, bịm bợm một cách trắng trợn. Cuối cùng, sự nham hiểm,xảo quyệt của hắn đã bộc lộ hoàn toàn.

   Chúng ta hãy theo dõi lời lẽ và hành động của Va-ren. Hắn đồng ý thả Phan Bội Châu : Tôi đem tự do đến cho ông đây… Tác giả bình luận trò lố thứ hai ấy bằng hình ảnh đặc sắc đầy tính mỉa mai đả kích : Va-ren tuyên bố vậy, tay phải giơ ra bắt tay Phan Bội Châu, còn tay trái thì nâng cái gông to kệch đang xiết chặt Phan Bội Châu trong nhà tù ảm đạm, Va-ren đồng ý thả cụ Phan với điều kiện cụ phải trung thành với nước Pháp, phải cộng tác, phải hợp lực với người Pháp để củng cố nền thống trị của Pháp ở Đông Dương (?!).

   Những mâu thuẫn trong lời nói và hành động đã tố cáo bản chất của Va-ren là kẻ thực dụng đến mức đê tiện, sắn sàng làm mọi việc, dù là tồi tẹ nhất chỉ vì quyền lợi cá nhân. Bên cạnh đó, nó cũng bóc trần sự thật lời hứa chăm sóc cụ Phan Bội Châu của Va-ren là như thế nào. Không phải hắn trả tự do cho cụ Phan mà là cố tình ép vuộc cụ từ bỏ lí tưởng cách mạng cao đẹp, từ bỏ dân tộc mình. Hắn đến gặp cụ Phan vì quyền lợi của nước Pháp thực dân, mà trực tiếp là vì danh lợi của hắn. Thật nực cười khi kẻ phản bội lí tưởng đê tiện nhất lại đi khuyên bảo kẻ trung thành với lí tưởng cao cả nhất. Rõ ràng, lời hứa chăm sóc Phan Bội Châu của Va-ren không chỉ là lời hứa suông mà còn là trò bịp bợm nhố nhăng.

   Hắn vờ tỏ ý kính trọng tâm hồn cao thượng và cuộc đời đây hi sinh của cụ Phan Bội Châu nhưng lại đòi hỏi cụ phải phản bội, đầu hàng. Hắn mang miếng bánh vẽ đẹp đẽ hào nhoáng về tương lai của xứ Đông Dương thuộc địa để dụ dỗ mua chuộc cụ:

   Ông Phan Bội Châu, tôi biết rõ tâm hồn cao thượng và cuộc đời đầy hi sinh, nhiều nguy nan của ông, và chính tôi, tôi xin là người đầu tiên, với tư cách là toàn quyền Đông Dương, được bày tỏ tấm lòng rất mực quý trọng ông. Song những ý tưởng hào hiệp nhất phải chăng bao giờ cũng hay nhất ?… Chúng ta có thể cùng nhau, làm cho nước ông trở thnahf một quốc gia tân tiến lớn, một xứ tự trị, một nước Pháp ở châu Âu. !

   Va-ren đã tự lột mặt nạ, tự bóc trần bản chất của hắn – một tên chính khách thực dân xảo quyệt, một kẻ phản bội nhục nhã, một con người vô liêm sỉ đáng khinh. Sự dối trá, lừa bịp giấu trong giọng lưỡi ngọt nhạt, phỉnh phờ. Hắn dùng những lời lẽ ấy để chiêu dụ Phan Bội Châu, nhà ái quốc suốt đời sả thân vì chủ quyền độc lập của đất nước.

   Trắng tráo hơn nữa là hắn đòi cụ Phan dùng uy tín lớn của mình để lôi kéo mọi người theo Pháp : chớ tìm cách xúi giục đồng bào nổi lên, hãy bảo họ hợp tác với người Pháp Va-ren khuyên Phan Bội Châu từ bỏ lí tưởng : để mặc đấy những ý nghĩ phục thù và bắt tay với hắn : ông với tôi, tay nắm chặt tay, chúng ta có thể làm được biết bao công việc tốt đẹp cho xứ Đông Dương này.

   Vốn tính quái, hắn biết “tấm gương” của hắn chưa đủ thuyết phục cụ Phan Bội Châu nên hắn còn ca ngợi các bạn học của hắn – những kẻ cũng phản bội như hắn – và coi đó là những “tấm gương” đáng noi theo : Những vị ấy, ngày nay lừng danh cả, đều đã lần lượt đốt cháy những cái mà mình đã tôn thờ và đang tôn thờ những cái mà mình đang đốt cháy. Cách chơi chữ thâm thúy của tác giả thể hiện thái độ khinh bỉ, mỉa mai sâu cay đối với những kẻ phản bội lí tưởng cách mạng, quay sang tôn thờ những điều xấu xa gắn liền với đàn áp, khủng bố, giết chóc, tàn hại những người cùng giai cấp và xâm chiếm đất nước của người khác Va-ren đã thể hiện rõ bản chất phản bội đê hèn của hắn.

   Trơ trẽn hơn nữa, hắn đã tự nhận mình là một kẻ phản bội lại lí tuowgnr cách mạng của Đảng Xã hội Pháp đang đấu tranh cho công bằng, dân chủ và quyền tự do của con người. Hắn chấp nhận trở thành một quan chức thực dân cao câp, đại diện cho thực dân Pháp sang thống trị nhân dân ta. Hắn tráng tráo vỗ ngực khoe với cụ Phan Bội Châu;… ông hãy nhìn tôi đây này, ông Phan Bội Châu! Trước tôi là đảng viên Xã hội đấy, và giờ đây thì tôi làm Toàn quyền… !  

   Thái độ của Phan Bội Châu trước Va-ren như thế nào ? Cụ im lặng, phớt lờ, coi như không có hắn trước mặt. Đó là cách bộc lộ thái độ khinh bỉ kẻ thù cao độ. Về sự im lặng, dững dưng của Phan Bội Châu, tác giả có lời bình hóm hỉnh:

   Ừ thì Phan Bội Châu nhìn Va-ren. Nhưng, lạ chưa ! Những lời nói của Va-ren hình như lột vào tai Phan Bội Châu chẳng khác gì “nước đổ lá khoai”, và cái im lặng dững dưng của Phan Bội Châu suốt buổi gặp gỡ hình như làm cho Va-ren sửng sốt cả người.

   Giả sử truyện chấm dứt ở câu: Nhưng cứ xét bình tĩnh, thì đó chỉ là vì Phan Bội Châu không hiểu Va-ren cũng cũng như Va-ren không hiểu Phan Bội Châu thì ý nghĩa của nó vân hoàn cỉnh bởi vì hai con người thuộc hai chí tuyến khác nhau, tôn thờ những lí tưởng khác nhau thì làm sao hiểu được ý nghĩ của nhau và không thể có tiếng nói chung. Nhưng tác giả đã nối thêm đoạn kết, trong đó có lời nói quả quyết của anh lính dõng An Nam và lời suy đoán của tác giả cùng các chi tiết : Sự thay đổi nhẹ trên nét mặt người tù lừng tiếng… đôi ngọn râu mép người tù nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay, và cái đó chỉ diễn ra có một lần thôi… Phan Bội Châu có mỉm cười… như cánh ruồi lướt qua vậy. Những chi tiết đó khắc họa nổi bật thái độ ngạo nghễ cùng tính cách hiên ngang, bất khuất của Phan Bội Châu trước kẻ thù.

   Nêu trong đoạn kết ở trên, sự khinh bỉ của Phan Bội Châu được thể hiện bằng thái độ im lặng, dững dung và nụ cười nhêch mép khinh bỉ thì ở phần tái bút, sự khinh bỉ ấy lại bộc lộ qua hành động quyết liệt. Như thế là với kẻ thù không đội trời chung, cụ Phan có nhiều cách tỏ thái độ, im lặng, dửng dưng chưa đủ mà cụ còn nhổ vào mặt Va-ren. Cách dẫn chuyện úp úp mở mở của tác giả thật hóm hỉnh và thú vị. Nó làm tăng thêm ý nghĩa đả kích thực dân Pháp mà tác giả đặt ra trong tác phẩm.

   Truyện ngắn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu thành công trước tiên là trong nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật. Tác giả chủ yếu dùng nghệ thuật so sánh, đối chiều để tạo ra sự tương phản cực độ giữa Va-ren và Phan Bội Châu. Điều đó thể hiện rõ nhất ở cuộc đối đầu giữa quan toàn quyền Đông Dương và Phan Bội Châu – một người tù “đặc biệt” của chính quyền thực dân Pháp. Va-ren càng hùng hồn tới mức tro trẽn để quan cao điểm sống của những kẻ phản bội lí tưởng, ruồng bỏ giai cấp mình bao nhiêu thì Phan Bội Châu càng tỏ ra lạnh lùng, dửng dưng bấy nhiêu. Qua đó tác giả làm nổi bật thái độ bịm bợm, dối trá, bản chất bỉ ổi, đê tiện của kẻ cướp nước và ca ngợi bản lĩnh vững vàng, bất khuất của nhà chí sĩ yêu nước. Đây cũng là sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng, giữa “lí tượng” của một kẻ cướp nước và lí tưởng của một người anh hùng yêu nước.

   Thành công thứ hai của tác phẩm là cách dẫn chuyện của tác giả. Nội dung câu chuyện do tác giả tưởng tượng ra trên cơ sở các sự kiện và nhân vật có thật nhưng tất cả đã hiện lên thật cụ thể, sống động. Đối với nhân vật Va-ren, tác giả vừa kể vừa xen vào những lời bình ẩn chứa thái độ mỉa mai, giễu cợt và khinh bỉ. Giọng kể của tác giả thoạt nghe có vẻ khách quan (kể lại sự việc như nó đang diễn ra), nhưng thực chất lại chứa đầy chú ý đả kích. Chủ ý ấy thể hiện rõ qua cách lựa chọn chi tiết, hình ảnh, cách bình phẩm… Riêng đối với cụ Phan Bội Châu, lời kể, lời bình của Nguyễn Ái Quốc thật đa dạng, lúc thì mềm mại, trữ tình, lúc thì mạnh mẽ, cứng cỏi, đầy khí phách, xứng với tầm vóc vĩ đại của nhà chí sĩ yêu nước – niềm tự hào kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số lượt đánh giá: 1131

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống